Thursday, December 28, 2017

NHẠC VÀNG

Nhạc vàng là dòng nhạc Việt Nam ra đời từ thập niên 1960 với những giai điệu nhẹ nhàng (boléro, rumba, ballade ...) và ca từ vừa bình dân, dung dị lại vừa đậm chất thơ.


Lịch sử

"Nhạc vàng" ở phía nam vĩ tuyến 17

Danh từ "nhạc vàng" xuất hiện tại Miền Nam ở vùng do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát vào những năm 1960. Vào cuối thập niên đó nhạc sĩ Phó Quốc Lân cho ra mắt ban "Nhạc Vàng" thuộc đài truyền hình Sài Gòn để trình tấu định kỳ. Ông tác giả những bản nhạc như “Xuân ly hương”, “Hương lúa miền Nam”, “Anh tôi” (nói về người lính Cộng Hòa), “Mong ngày anh về”, “Vui khúc tương phùng”. Những hãng phát hành băng và đĩa nhạc cũng cho ra nhiều sản phẩm với danh hiệu nhạc vàng như hãng Hương Giang, hãng Dạ Lan, và hãng Shotguns của Ngọc Chánh. Nhạc vàng sau đó được hiểu là thể loại nhạc tình êm dịu có tình yêu quê hương nhưng cũng thể hiện tình yêu lứa đôi vì người lính chiến cũng có nỗi lòng riêng tư mặc dù còn nặng trách nhiệm với đại cuộc. Cho đến năm 1975, dòng nhạc này phổ biến ở Miền Nam. Những tác giả với tên tuổi gắn bó với nhạc vàng là Trần Thiện Thanh, Anh Bằng, Nguyễn Văn Đông.

Nguyễn Ánh 9 cùng thế hệ với các nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng, nhưng tự nhận không theo nhạc vàng. Cuộc trao đổi với tác giả 'Buồn ơi chào mi, Tình khúc chiều mưa'... cho thấy cái nhìn tương đối khách quan về nhạc vàng, nhạc sến.




"Nhạc màu vàng" ở phía bắc vĩ tuyến 17

Ở Miền Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát thì từ thập niên 1950 đã du nhập khái niệm "nhạc màu vàng" từ Trung Hoa. Trong Hán ngữ nhạc màu vàng (huangse yinyue Hán Việt: hoàng sắc âm nhạc) được hiểu là nhạc tình thời thượng của thập niên 1930 phổ biến ở Thượng Hải. "Nhạc màu vàng" theo đó bị coi "là thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp kém của xác thịt". Phong trào bài trừ "nhạc màu vàng" ở Trung Hoa thời Mao Trạch Đông cũng lan theo sang miền Bắc Việt Nam như trong những bài báo dịch lại từ tiếng Hoa, chống nhạc "ủy mị" vì thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng. Cũng vì vậy mà dòng nhạc tiền chiến thịnh hành trước năm 1954 cũng phải câm nín.

Nhạc vàng sau năm 1975

Sau năm 1975 danh từ "nhạc vàng" được dùng cho tất cả những tác phẩm âm nhạc của Miền Nam ra đời trong thời kỳ đất nước chia đôi và dòng nhạc này bị cấm trên các phương tiện truyền thông. Cũng như những đề mục văn hóa khác ở miền Nam, âm nhạc Miền Nam bị gán thêm cái nhãn hiệu chính trị là "nhạc phản động" hoặc "đồi trụy" vì "ru ngủ", không thể hiện được con người xã hội chủ nghĩa lý tưởng. Kết quả là nhiều sản phẩm văn hóa trong đó có băng cassette, đĩa nhạc cùng những bài vở ghi chép nhạc vàng bị đốt. Cũng theo nghĩa đó thì đối lập với nhạc vàng là nhạc đỏ tức dòng nhạc nêu cao chủ nghĩa cộng sản, mục tiêu đấu tranh và lao động. Dù vậy nhạc vàng vẫn được nhiều người ưa thích cả trong Nam lẫn ngoài Bắc vì nói lên được tình cảm cá nhân không gò buộc vào tập thể. "Nhạc vàng" do đó hàm ý vàng của quý kim mà người nghe phải lén lút để nghe vì nó cho người nghe cái tâm trạng "riêng" của con người trong khi xã hội chỉ cho phép cái ý thức hệ chung của tập thể. Dù phải nghe trộm qua những buổi phát thanh của VOA hoặc BBC từ hải ngoại, người trong nước vẫn cố gắng tìm nghe bất chấp hình phạt của luật pháp. Có thể nói nhạc vàng át cả nhạc đỏ mặc dầu nhạc đỏ được chính quyền ưu đãi và cổ súy.





Một số ý kiến

Dịch giả Nhật Chiêu: "Tôi nghĩ nhạc sến là một bộ phận cơ bản trong đời sống âm nhạc dành cho đối tượng thưởng thức bình dân, không thể thiếu. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước đều có loại hình giải trí dành riêng cho đối tượng đông đảo này. Trong rất nhiều "tình huống" cuộc sống, tình cờ "lạc vào" tôi lại thấy nhiều ca từ của nhạc sến rất có lý (!). Sự thật là chưa có ai buồn nghe nhạc sến mà chết cả nhưng đã có nhiều trường hợp thưởng thức "văn hóa" cao cấp lại tự tử ví dụ như trường hợp tác phẩm Những nỗi đau của chàng Goet-thơ của Gớt. Nói vui, theo tôi, nghe nhạc sến cũng như mặc áo chim cò, không hại ai".


Họa sĩ Trịnh Cung: "Trong tranh vẫn có "sến" chứ! Ví dụ như tranh của họa sĩ Lê Trung trước đây. Ông thường vẽ phụ nữ ngực tròn, mặc áo bà ba đội khăn hoặc nón rất Sài Gòn. Nói chung là bình dân. Nhưng chân dung các nhà văn như Hồ Biểu Chánh, bà Tùng Long... của ông thì vẫn đầy cá tính. Nhiều người nhớ! "Nhạc sến" thường tập trung vào điệu boléro. Theo tôi, ngoài tính mòn, đơn điệu, boléro có ưu điểm là rất thích hợp với giọng nam của các ca sĩ Sài Gòn. Các nhạc sĩ như Lam Phương, Hồ Đình Phương, Thanh Sơn... là những cái tên được biết đến từ "nhạc sến". Nói không quá, "nhạc sến" rất đặc trưng cho đời sống thị dân".




Ca sĩ Hương Lan: "Âm nhạc có nhiều dòng khác nhau: nhạc dân ca, nhạc trữ tình..., nhưng không có dòng nhạc sến. Tôi không biết những người hay dùng từ sến để chê một bài nào đó, họ có hiểu "sến" là gì hay không; hay cái gì không thích thì đều cho là "sến". Cũng như từ "cải lương" vậy, đó là một loại hình nghệ thuật, sao mọi người có thể tùy tiện sử dụng mỗi khi muốn chê cái gì đó (sao sến quá, sao cải lương quá). Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại, nếu không nói là vô văn hóa. Nhưng đó là khán giả chê. Đáng buồn hơn, ngay cả người trong giới cũng nói như vậy. Các em dù có nổi tiếng đến đâu, hát nhạc sang thế nào thì cũng đừng nên coi thường các loại nhạc khác".


Ca sĩ Ngọc Sơn: "Đáng ngạc nhiên là nhạc trẻ, nhạc pop hiện đại đôi khi cũng bị người nghe "liệt" vào hàng "sến" (vì họ không thích). "Sến" là hình thức áp đặt, và những người nói từ này thường hiểu "sến" là nhà quê, là nghèo; chẳng lẽ nhà quê hay nghèo là có tội, là bị chê? Có "quê" thì mới phân biệt được với "tỉnh" chứ! Mà tôi cũng coi mình và âm nhạc của mình là sến đấy, hay nếu ai có nói tôi sến, tôi càng thích; vì tôi luôn đứng về phía người dân lao động nghèo - họ cũng thường bị gọi là sến khi hay nghe loại nhạc tình cảm ướt át, và tôi luôn bảo vệ loại nhạc đó".


Ca sĩ Thùy Trang: "Người ta hay dùng từ "sến" khi nói đến những ca khúc trữ tình ủy mị. Nhưng lời của nhiều bài nhạc trẻ bây giờ nghe còn... (nếu được nói) sến hơn dòng nhạc tôi đang hát. Nhiều người vẫn cho rằng nhạc trẻ mang tính thị trường, nhưng thực tế chỉ tồn tại một thời gian nào đó; còn nhạc quê hương, trữ tình, mà bị gọi là sến, thì vẫn sống mãi đó thôi. Âm nhạc như một món ăn tinh thần, mà 9 người 10 ý, làm sao chiều hết được! Cho đến giờ này, tôi vẫn rất tự tin khi hát loại nhạc mà tôi đã chọn".

Ca sĩ Quang Dũng: "Tôi không hề phân biệt sang - sến, quan trọng là ca sĩ hát như thế nào để lay động được cảm xúc của người nghe. Có những bài bị cho là sến nhưng tôi vẫn chọn để hát lại (như bài "Thành phố mưa bay" của ca sĩ Tuấn Vũ), theo cách của mình, và vẫn được đón nhận. Mà nhạc bị quy vào sến vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả suốt mấy chục năm nay. Chị Hương Lan là một thần tượng của tôi, và tôi thường nghe những bài nhạc quê hương trữ tình của chị".


Nhạc sĩ Nhật Ngân
Theo ông, nhạc vàng là nhạc gì?

Người ta hay dùng nhạc vàng để nói về âm nhạc trữ tình hay lãng mạn. Theo tôi biết, màu vàng có lúc tượng trưng cho sự bệnh hoạn. Hồi xưa như tôi được biết, khi trên tàu thủy có bệnh dịch thì treo cờ vàng để báo hiệu.

Ông đánh giá thế nào về kỹ thuật thanh nhạc của ca sỹ ca nhạc vàng nổi bật như Duy Khánh, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh…?

Duy Khánh và học trò là Chế Linh, Giao Linh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Phương Hồng Quế - mỗi người một giọng riêng biệt, và không qua trường lớp nào. Họ có thể hát nhạc khác cũng được nhưng không hay và không được nhiều người ưa thích bằng bolero.

Nghe những bản nhạc theo điệu bolero và các giọng hát thời kỳ đấy rất ViệtNam?

Không hẳn. Đúng ra, có những câu mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Phần đông ca sĩ, nhạc sĩ là người miền Nam nên hát và viết bài hát mang chất dân ca bình dân của người Nam. Họ viết nhạc phần đông ở giọng thứ, khi hát với bolero, nó đúng cái nhịp của người miền Nam. Dân ca miền Nam rất hợp bolero. Bên tân cổ giao duyên, phần đông hát vọng cổ xong qua bolero liền. Hai cái đó dính liền, pha với nhau. Từ đó có âm hưởng bolero trong âm nhạc Việt Nam.

Có bao giờ ông sáng tác theo phong cách nhạc vàng?

Tôi dân trường Tây, ảnh hưởng nhạc nước ngoài nhiều. Rồi làm việc ở vũ trường, xung quanh toàn nhạc mới. Nhưng khi phổ thơ bài Ngày xưa có mẹ, tôi áp dụng bolero để kể chuyện. Dòng nhạc bolero không hiếm những bài hát kiểu kể chuyện như: Hàn Mặc Tử, Màu tím hoa sim, Lan và Điệp… Bolero của ViệtNam khác bolero của Tây Ban Nha hay Nam Mỹ. Bolero Việt Nam rất chậm. Nam Mỹ, Tây Ban Nha lẹ hơn, gần như rhumba.

Vậy có thể đưa ra công thức: nhạc vàng chính là điệu bolero Việt Nam cộng với kỹ thuật hát mang âm hưởng dân ca?

Đúng rồi. Nhạc vàng xưa chỉ có hai thể điệu bolero và slow rock. Slow rock của Việt Nam cũng chậm lắm.

Thời đó, hẳn nhạc sĩ, ca sĩ nhạc vàng được đón nhận nồng nhiệt hơn so với nhạc trẻ?

Trời ơi, băng nhạc loại bolero bán chạy nhất! Người đầu tiên nghĩ ra bolero là Lam Phương rồi Trúc Phương. Trúc Phương có viết một loạt Nửa đêm ngoài phố, Hai chuyến tàu đêm, Tàu đêm năm cũ… cho Thanh Thúy hát rất phù hợp.

Thời thịnh của nhạc vàng cũng chỉ giới bình dân nghe là chính?

Trí thức cũng nghe, nhưng theo kiểu vô thưởng vô phạt. Trí thức lúc đó thích nghe nhạc của Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Chương, Hoàng Trọng hay Văn Phụng.


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Nhạc sĩ thấy hai khái niệm nhạc sến và nhạc vàng có gì chung?

Hồi xưa, mấy người giúp việc nhà, hay nhà nghèo đi ra phông-ten nước (vòi nước công cộng) để lấy nước về nhà xài, hay giặt đồ, người ta gọi cho nó “sang” là Mari Đờ La Phông-ten, giỡn chơi vui vậy. Đồng thời lúc đó nổi lên cô đào Maria Schell, dẫn đến họ có thêm biệt danh là Mari Sến. Mấy người đó, chủ nhật được chủ cho nghỉ, họ ở nhà mở radio nghe nhạc bolero, hoặc ra phố kiếm mấy chỗ bán nhạc đó để mua. Họ thích bolero vì nó hợp với trình độ của họ. Nhờ những người đó, nhạc sĩ bán bài hát mới chạy. Vô tình người ta gọi loại nhạc đó là nhạc sến.

Không phải mình phân chia giai cấp, nhưng loại nhạc đó được giới bình dân nghe nhiều hơn. So với nhạc vàng, lời nhạc sến còn bình dân hơn: Ước gì nhà mình chung vách, anh khoét bức tường, anh qua thăm em. Chung quy cũng là nhạc trữ tình. Nhạc cho người có hiểu biết chút xíu gọi là nhạc vàng, còn cho người ít hiểu biết gọi là nhạc sến.

Theo ông, nhạc vàng nên được nhìn nhận như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?

Tôi nghĩ nhạc vàng có giá trị của nó, nhạc sến cũng có giá trị của nó. Phải có những giá trị nhỏ thì người ta mới biết giá trị lớn chứ. Không nên đánh giá cái nào thấp quá hoặc cao quá.

N.M.Hà