Các bạn thân mến,
Ngày tôi còn thơ bé, Bà Nội tôi thường dắt tôi đi khắp các phố phường Hà nội. Vì là người Hà nội gốc, Bà giải thích cho tôi sự tích từng ngôi đền, từng ngôi chùa cổ. Tôi chẳng nhớ được nhiều câu chuyện lịch sử vì còn quá nhỏ nhưng điều còn đọng lại trong ký ức của tôi là sự tích những loài hoa.
Theo Bà, loài hoa nào cũng có sự tích của nó, còn với tôi mỗi sự tích là một bài học cho cuộc đời. Có lẽ một trong những sự tích có ý nghĩa nhất đối với tôi là sự tích hoa Tóc Tiên. Mời các bạn cùng Hoa Tươi Đà Nẵng - Điện Hoa Đà Nẵng tìm hiểu nhé
Có thể sự tích loài hoa này được Bà tôi kể chi tiết hơn nhưng với thời gian thì tôi chỉ nhớ được những điều cốt lõi. Bà nói, hoa Tóc Tiên vốn là một vị thần trong thần thoại Hy Lạp - Tôi không còn nhớ được tên của vị thần ấy nữa. Đó là một vị thần rất đẹp và có tài. Vị thần này văn võ song toàn và đã từng lập nhiều chiến công hiển hách.
Tiếc thay, vị thần ấy lại chẳng nể phục bất kỳ một ai mà chỉ thấy mình là người đẹp nhất, có tài nhất và cao quý nhất, tất cả mọi người, kể cả các vị thần khác đều chẳng ai có giá trị gì. Điều này làm thần Dớt nổi giận và biến vị thần này thành loài hoa Tóc Tiên, một loài hoa rất đẹp thường mọc bên bờ suối. Vị thần này phải chịu hình phạt ấy bởi hoa Tóc Tiên quanh năm ngày tháng soi mình xuống mặt nước để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chính mình.
Càng lớn lên tôi càng biết ơn Bà về bài học tôi rút ra được từ sự tích hoa Tóc Tiên. Tôi đã từng đọc những cuốn sách viết về giá trị bản thân và trong một cuốn sách tôi không còn nhớ tên tôi đã tìm thấy điều mình tâm đắc nhất. Theo tác giả, mỗi con người như một quốc gia riêng biệt. Nếu mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng thì mỗi con người có một giá trị riêng.
Chẳng có một nền văn hóa nào giống y hệt một nền văn hóa nào và cũng tương tự như vậy, không có giá trị của một con người hoàn toàn giống với những giá trị của những con người khác. Không thể nói nền văn hóa này đẹp hơn nền văn hóa kia và cũng không thể nói người này giá trị hơn người khác. Điều quan trọng là ta nhận biết được sự khác nhau về giá trị và tôn trọng sự khác nhau ấy.
Sai lầm mà chúng ta thường mắc phải là chỉ cho những giá trị nào giống với những giá trị của mình là đúng, là đáng quý, còn tất cả những giá trị khác với mình là sai, là xấu, là thấp kém…
Trong gia đình, cha mẹ thường cho rằng chỉ có những điều mình biết mới là đúng mặc dù con cái họ đã vượt xa họ về một số kiến thức. Thực tế này làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình.
Ở bệnh viện ta thường thấy bác sĩ, y tá không tôn trọng những bệnh nhân của mình, coi họ là ngu dốt, chẳng hiểu biết gì. Mỗi chúng ta chắc không có ai dưới một lần bị đối xử trong bệnh viện như bản thân mình không phải là con người. Cách đối nhân xử thế này làm hạn chế kết quả điều trị và gây sự căng thẳng về tinh thần cho cả hai phía, y bác sĩ và bệnh nhân của họ.
Ở nơi làm việc, một khi sếp đã phát biểu các nhân viên hầu như không ai dám nói điều gì khác bởi chỉ có sếp là “đúng”. Điều này chắc chắn là hạn chế trí tuệ của tập thể.
Trong nhà trường, ít có học sinh nào dám giải một bài toán bằng cách ngắn gọn hơn thầy cô giáo bởi chúng sợ bị chù úm. Môi trường học tập như thế hẳn là không khuyến khích sự sáng tạo của tuổi trẻ.
Trong quan hệ bạn bè, khi người ta có những quan điểm sống khác nhau là dễ có cãi lộn, thậm chí là ẩu đả và thù ghét.
Nếu mỗi chúng ta dừng lại, tự nhìn nhận sự khác nhau của mỗi cá thể và tôn trọng những sự khác nhau ấy, chúng ta sẽ tránh được bao nhiêu cuộc cãi lộn vô bổ, chúng ta sẽ tránh được cảm giác bực bội, khó chịu và chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều!
Tôi viết những dòng này để chia sẻ với các bạn về một cách suy nghĩ của bản thân mình và hy vọng nhận được sự đồng cảm của các bạn.
Và Bà Nội ơi, con cảm ơn Bà đã cho con một trong những chìa khóa để mở ra cánh cửa hạnh phúc của cuộc đời này!
Chúc các bạn những ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc!
Nguồn : Hoa Tươi Đà Nẵng