Sunday, December 24, 2017

NHẠC SĨ MINH KỲ


Tối nay tôi lại được thưởng thức các nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Minh Kỳ, thời trẻ hay cho đến bây giờ khi có dịp hát karaoke là tôi hay hát những tác phẩm của ông như "Trở về cát bụi, Mưa trên phố Huế, Tình đời,..." và tối nay tôi lại dược nghe qua chương trình "Người kể chuyện tình - Tập 5" với chủ đề "Nhạc sĩ Minh Kỳ - Tình đời".

Tôi chưa bao giờ biết đến tiểu sử của ông cho đến hôm nay lên mạng mới biết và rất đau xót cho cái chết oan ức của ông vì bọn "rừng rú" và ngày nay lại vinh danh ông và thể hiện lại những câu chuyện tình của ông trong "Người kể chuyện tình - Tập 5"


Nhạc Sĩ Minh Kỳ – Đôi dòng tiểu sử

Nhạc sĩ Minh Kỳ ra đời tại Nha Trang, sinh năm 1930, năm 1959 vào định cư tại Sài Gòn. Nhưng nguồn gốc gia tộc thuộc đất Thần Kinh. Theo gia phả của dòng họ thuộc triều Nguyễn tại Huế, nhạc sĩ Minh Kỳ là cháu đời thứ năm của Vua Minh Mạng. Ông có tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, có vai vế ngang hàng với vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy). Hiện nay tại thôn Vỹ Dạ vẫn còn là nơi ở, mộ phần và Phủ thờ dòng họ bên ông. Ông là người con duy nhất trong một gia đình hoàng tộc khá giả tại thành phố Nha Trang và sống ở đấy cho đến sau khi ông lập gia đình vào năm 1952. Do đó Nha Trang là nơi để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của nhạc sĩ Minh Kỳ. Cũng chính là lý do mà từ hơn 40 năm qua, chúng ta đã có dịp thưởng thức những nhạc phẩm tiêu biểu về vùng duyên hải được gọi là `Thùy dương cát trắng” của ông như: “Nha Trang”, “Nhớ Nha Trang”, “Nha Trang Chiều Mưa”…



Năm 1966, Minh Kỳ cùng 2 nhạc sỹ Lê Dinh và Anh Bằng đã phối hợp thành nhóm Lê Minh Bằng, kết tên 3 người lại với nhau. Nhạc phẩm nổi tiếng nhất cuả “Lê Minh Bằng” mà chắc ai cũng đã nghe qua là bài Đêm Nguyện Cầu . Khi sáng tác, ngoài nghệ danh Lê Minh Bằng, nhóm này còn dùng các tên: Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ…

Khi tình thế đất nước kêu gọi, ông gia nhập vào ngành Cảnh Sát. Mang chức vụ cuối cùng là Đại Úy Cảnh Sát, sau ngày Sài Gòn sụp đổ, ông đã bị bắt đi “học tập cải tạo” ở trại An Dưỡng, Biên Hòa nơi những người bạn tù cùng thời cho biết là ông đã chết một cách bí ẩn vào khuya ngày 31 tháng 8 năm 75, khi vừa bước sang tuổi 45, để lại 1 vợ và 9 người con.


Theo nhạc sỹ Lê Dinh, Minh Kỳ “bỏ mình oan khổ trong trại cải tạo chỉ vì một sự giằng co, tranh chấp bán buôn đường sữa linh tinh của những người về từ rừng rú (Việt Cộng), để rồi Minh Kỳ thiệt mạng vì một trái lựu đạn trả thù vô lối, trong khi anh không dính líu gì đến vụ này”, đăng trong bài viết trên Nguyệt San Nghệ Thuật 148 – 7/2006. Hiện nay người con trai út của ông vẫn còn ở tại Sài Gòn, nơi ông đã sinh sống và mở lớp dạy nhạc Lê Minh Bằng gần khu vực nhà thờ Tân Định.

Thanh Thúy

Link tham khảo thêm:





No comments: