Ca sĩ Khánh ngọc với thân hình bốc lửa kiều diễm đã được nhiều người biết đến với biệt danh "ngọn núi lửa" cô đã từng làm chao đảo đắm say nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng và khán giả nam rất ái mộ. Khánh Ngọc thành danh trong làng nhạc từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960. Cô còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương Thẩm Thúy Hằng Trang Thiên Kim Kiều Chinh...và là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên sáng chói trong làng điện ảnh Sài Gòn. Khánh Ngọc thường đóng cặp với nam tài tử Lê Quỳnh trong các bộ phim do người Mỹ thực hiện trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
Năm 1961 Khánh Ngọc sang Hoa Kỳ để học thêm về ngành điện ảnh và gặp một du học sinh Việt Nam hai người đã kết hôn và có được ba người con. Hiện Khánh Ngọc sống với gia đình ở Los Angeles.
Nhờ khả năng diễn xuất của mình Khánh Ngọc trình bày những bản nhạc rất hấp dẫn. Khi hát bản "Cerisier Roses et Pommiers Blances" lời Việt vào câu đầu : "Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây lòng ta..." Khánh Ngọc lim dim mắt thở dài tay đè lên quả tim. Cô mở mắt liếc khán giả nở một nụ cười vừa lẳng lơ vừa khả ái làm khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt...
Đớn đau thay cho Phạm Đình Chương người "si tình" và cũng "thành công" nhất trong việc chinh phục người đẹp chính là nhạc sĩ Phạm Duy.
Trước khi đâm đơn ra toà Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh dư luận. Với tình yêu nồng thắm buổi ban đầu ông không thể nào tin vào sự ngoại tình đã được đồn thổi. Điều thương tâm nhất là ông vẫn yêu thương tin tưởng vợ và bỏ ra ngoài tai những điều không tốt lành của giới văn nghệ sĩ tại Sài Gòn. Và như thế vào một buổi tối định mệnh Phạm Đình Chương cùng với những người bạn thân "bắt tại trận" cuộc tình vụng trộm của đôi tình nhân tại quán chè ở Nhà Bè - Gia Định.
Trời đất như sụp đổ dưới chân người nhạc sĩ tài hoa anh gần như đứng không vững bạn bè dìu quay trở lại nhà nơi đứa con thơ dại đang ở nhà một mình ngóng chờ ba mẹ về ...
Ngay lập tức sáng hôm sau một loạt bài phóng sự đều tra nóng bỏng của các báo được phát hành và "cháy số" đắt đỏ nhất là tờ "Nhật báo Sài Gòn mới" của bà Bút Trà. Vụ "ăn chè Nhà Bè" được tung ra với những hình ảnh rất "thời sự" của các thành viên trong gia đình Phạm Đình Chương.
Cả Sài Gòn gần như biết hết !
Cho dù Phạm Duy cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng các bài điều tra phóng sự nhưng "hoạ vô đơn chí" trong cuộc đời này cái gì càng dấu diếm bao nhiêu càng được "bùng nổ" và thêu dệt lên bấy nhiêu. Tan nát ! Không còn cách nào khác Phạm Đình Chương gạt nước mắt đau thương nộp đơn ly dị lên toà án. Vụ việc kết thúc và Phạm Đình Chương được quyền nuôi đứa con trai lúc bấy giờ khoảng 4-5 tuổi.
Trong đau khổ tột cùng không còn tâm trí nào để đi biểu diễn với các nghệ sĩ trong Ban hợp ca Thăng Long Phạm Đình Chương quay về sống đơn độc và ít giao thiệp với bên ngoài. Kể từ đó những bản tình ca bất hủ ra đời trong nước mắt trong thương đau vô bờ bến và những hoài niệm xót xa: "Đêm cuối cùng" "Người đi qua đời tôi" "Khi cuộc tình đã chết" "Thuở ban đầu" "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển"...
Một đêm mưa tầm tả ở Sài Gòn ông tình cờ gặp lại Khánh Ngọc trên một sân khấu Đại Nhạc Hội ông có nhã ý muốn đưa cô vợ đã li dị về nhà nhưng khốn thay ông bị từ chối. Trong mưa rơi ông lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm một thời sống cùng Khánh Ngọc nhìn qua màn mưa trắng xoá nhớ về những ngày hạnh phúc giờ đang trôi theo dòng nước.... Phạm Đình Chương quyết định quyên sinh và giã từ cõi đời này nơi đã đem đến cho ông quá nhiều nỗi bất hạnh.
May thay tiếng khóc như xé lòng của đứa con trai đưa ông về hiện tại. Từ đáy tâm thức một lời nhắn nhủ khuyên ông hãy cố gắng sống tiếp quãng đời còn lại để nuôi đứa con thơ dại. Ông bừng tỉnh và từ bỏ ý định tự tử. Ngay đêm đó "Nửa hồn thương đau" được khai sinh ở ranh giới giữa sự sống và cái chết của người nhạc sĩ. Trong nước mắt thương đau sự rã rời tan nát của tâm can ngồi nhìn vầng trán thơ ngây của đứa con trai Phạm Đình Chương đã viết hết nốt nhạc cuối cùng của ca khúc bất hủ này.
Nếu đã một lần nghe bài hát này chúng ta sẽ hiểu được tâm hồn của con người chỉ có thể chịu đựng đến một giới hạn nhất định. Khi nhắc tới Phạm Đình Chương người ta lại nghĩ ngay đến "Nửa hồn thương đau" bởi trong ca khúc này là sự chung thủy tuyệt vời của một người đàn ông.
Gần 50 năm trôi qua trong góc khuất nào đó của cuộc đời nghe người em gái của ông ca sĩ Thái Thanh hát ca khúc này chúng ta mới thấy được nỗi đớn đau tột cùng của người nhạc sĩ tài hoa bất hạnh và đầy nhân cách này.
Trương văn Khoa
Nửa hồn thương đau
(Thơ Thanh Tâm Tuyền)
Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi.
Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau.
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau.
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào.
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau.
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào.
Em ở đâu?
Anh ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.
Và tiếng hát và nước mắt.
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.
Và tiếng hát và nước mắt.
Đôi khi anh muốn tin.
Đôi khi anh muốn tin.
Ôi những người ôi những người.
Khóc lẻ loi một mình...
Khóc lẻ loi một mình...
PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG