Monday, December 4, 2017

LANG TỬ DÃ TÂM

LANG TỬ DÃ TÂM
狼子野心

Ý của câu thành ngữ này là chỉ sói con tuy nhỏ, nhưng thú tính vẫn không thay đổi.


Câu thành ngữ này có xuất xứ từ cuốn "Tả truyện – Tuyên Công năm thứ tư".
Tử Văn lệnh doãn nước Sở là một người chính trực và liêm khiết, Tử Lương em trai ông đang làm tư mã nước Sở sinh được một cậu con trai đặt tên là Việt Thúc. Khi con đầy tháng, phủ Tư Mã đã đặt tiệc linh đình mời khách, Tử Văn cũng đến chúc mừng. Nhưng khi nhìn mặt cháu, Tử Văn bỗng giật mình nói với em rằng: "Thằng cháu này thật không thể nào nuôi được, tiếng khóc của nó nghe rùng rợn như tiếng sói gào, sau này lớn lên tất gây họa cho cả họ. Ngạn ngữ có câu: Sói con tuy nhỏ, tính vẫn hung ác. Đây là một con sói, em không nên nuôi mối họa này, hãy mau mau trừ bỏ đi ". Tử Lương nghe mà như sét đánh ngang tai, chỉ lắp bắp nói: "Em là cha đẻ nó, làm sao lại có thể nhẫn tâm....... ?". Sau đó, mặc cho Tử Văn nói thế nào, Tử Lương vẫn một mực không nghe.
Trong suốt thời gian sau đó, Tử Lương luôn nơm nớp lo buồn vì việc này. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông mới gọi người nhà đến dặn rằng: "Không nên để Việt Thúc nắm quyền, nếu nó có quyền có thế, thì mọi ngươi hãy mau mau trốn đi kẻo hại đến tính mạng". Sau khi Tử Văn mất, con cả là Đấu Ban lên làm lệnh doãn thay ông, còn Việt Thúc thì được phong làm Tư Mã. Năm 626 trước công nguyên, Việt Thúc tìm đủ cách nịnh bợ Sở Mục Vương, đặt điều nói xấu Đấu Ban rồi đoạt chức lệnh doãn của anh. Sau khi Sở Mục Vương mất, Việt Thúc liền thừa cơ nổi loạn, đến khi lên nắm quyền liền sát hại Đấu Ban và các thân tín của Tử Văn trước đây. Bộ mặt "Lang tử dã tâm" của Việt Thúc đã lộ rõ.


Hiên nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ "Lang tử dã tâm " để ví với người lòng dạ hiểm độc.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: