Thời đó chắc báo chí cũng rất ít nói về tiểu sử hay tin về nghệ sĩ trừ khi có những tin giật gân để câu khách. Tôi lên mạng tìm được một bài sơ lược về cuộc đời ông. Các bạn có thể xem clip tôi post phía dưới bài để nghe lại một số bài hát của anh và nghe bà xã Bảo Yến, bạn thân Thái Châu, Phương Dung kể lại đôi chút về anh. (LKH)
Nhạc sỹ Quốc Dũng và nỗi buồn không biết quê hương ở đâu
Người Việt vốn dĩ coi trọng quê hương, gốc gác – bởi đó là cội nguồn, là nơi người ta nương náu tâm hồn sau đức tin tôn giáo. Ấy vậy mà giờ đây, khi đầu đã hai sợi bạc, nhạc sỹ Quốc Dũng vẫn chưa một lần được đặt chân lên quê hương, nơi ông bà, cha mẹ mình sinh ra, lớn lên. Bao năm qua, nỗi buồn không quê âm thầm nấp vào một góc khuất trong đời sống của vị nhạc sỹ nổi danh với những ca khúc quê hương này.
Nỗi buồn không quê hương
Quốc Dũng là một hiện tượng đặc biệt của nhạc Việt khi ông không chỉ sáng tác, thể hiện mà còn là một nhạc sĩ hòa âm – phối khí tài ba. Âm nhạc của ông cũng rất đa dạng từ nhạc xưa, bolero trữ tình đến nhạc trẻ sôi động… Nhắc đến Quốc Dũng cũng không thể không nhắc đến Bảo Yến – “nàng thơ” trong nhiều tình khúc lừng danh của ông.
Nhưng ít ai biết được rằng, cuộc đời của Quốc Dũng là những chuỗi ngày lạ kì. Ông rõ ràng người Việt tóc đen da vàng nhưng cho đến bây giờ vẫn mập mờ quê quán của mình. Không ít lần vị nhạc sĩ tài năng này chia sẻ: “Tôi lớn lên với tư cách là một cậu bé Việt kiều. Tôi chẳng biết quê hương mình ở đâu, chỉ nghe ông nội nói chúng tôi là người Vinh, Nghệ An”.
Ông bà, cha mẹ của nhạc sỹ Quốc Dũng vốn gốc Nghệ nhưng qua Lào và Thái Lan làm ăn sinh sống. Chính những cái chợ đường biên nhỏ bé Lào - Thái đã kết duyên cho bố mẹ của ông nên vợ nên chồng. Và sau đó, sinh ra ông trên đất Thái Lan (Quốc Dũng sinh năm 1951). Năm ông 3 tuổi thì gia đình hồi hương nhưng không trở về nơi chôn nhau cắt rốn mà lại tìm đến vùng đất Sài Thành để mưu sinh. Năm ông lên 10, gia đình cho ông theo học nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn.
Nhạc sỹ Quốc Dũng kể, nếu nhắc nhớ về thời niên thiếu, ông chẳng có gì khác ngoài âm nhạc để mà kể. Vì cứ mải mê theo những cung đàn điệu nhạc nên ông bỏ lỡ mất nhiều cơ hội tìm hiểu về quê hương, gốc gác của mình. Người Việt vốn dĩ coi trọng gốc gác – bởi đó là cội nguồn, là nơi người ta nương náu tâm hồn sau đức tin tôn giáo. Ấy vậy mà giờ đây, khi đầu đã hai sợi bạc, ông vẫn chưa một lần được đặt chân lên quê hương mình, nơi ông bà, cha mẹ mình sinh ra, lớn lên.
Quốc Dũng bảo, nhiều khi thấy buồn vì mình có nhiều thứ nhưng cái quý nhất là tình quê hương mình lại không có. Cũng đã đôi lần ông định dẫn hai cậu con trai tìm về đất Nghệ nhưng rồi lại thôi bởi đất Nghệ quá mênh mông mà trong ký ức ông lại không có địa danh nào cụ thể. Cứ thế, nỗi buồn không quê cứ âm thầm nấp vào một góc khuất trong đời sống của ông.
Thành thần đồng nhờ cây đàn Mandolin cũ
Nhạc sỹ Quốc Dũng kể, hồi ông còn bé, trong nhà ông đã có một chiếc đàn mandolin. Chiếc đàn này dù đã cũ sờn nhưng nó lại là vật kỷ niệm được truyền từ đời ông nội đến đời bố. Và đây chính là “nhân duyên” đưa ông đến với âm nhạc và trở thành một thần đồng âm nhạc hiếm có của làng nhạc Việt. Chỉ mới 11 tuổi, Quốc Dũng đã tập tành sáng tác nhạc phẩm không lời. Đến 12 tuổi thì trở thành nhạc công đệm cho các chương trình âm nhạc thiếu nhi của đài phát thanh.
15 tuổi tham gia biểu diễn trong các chương trình âm nhạc đại hòa tấu của trường Quốc gia Âm Nhạc và đài truyền hình Sài Gòn. 16 tuổi (khi mới tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương của trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn), ông đã được mời về làm tại dàn nhạc của đài truyền hình, phối khí và đệm cho các chương trình tại đây. Ở cái tuổi 17 cần nhiều hơn sự trải nghiệm, Quốc Dũng xin rời khỏi đài để tạo dựng cuộc sống riêng và trình làng ca khúc đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa nổi tiếng cho đến tận bây giờ.
Đến thời điểm này, dù sức khỏe đã có phần yếu đi sau cú tai nạn nhưng nhạc sỹ Quốc Dũng
vẫn say mê âm nhạc như thời trai trẻ.
Quốc Dũng mày mò dựng một phòng thu âm tại nhà của mình với những phương tiện tự lắp. Phòng thu tự tạo của ông lúc đầu chỉ chuyên thu âm các chương trình phát thanh của Sài Gòn. Về sau, khi đời sống ca nhạc bắt đầu phát triển, các ca sĩ đã tìm đến các phòng thu để thu âm ngày càng nhiều. Hầu hết các tên tuổi lớn của làng ca nhạc Sài Gòn trước 1975 đều đã ghé đến studio nhỏ này, trong đó có 2 giọng nổi tiếng Chế Linh, Thanh Lan...
Nói về khoảng thời gian đó, ông chủ Quốc Dũng của phòng thu đắt hàng này lại thổ lộ: “Thu âm cho tôi nguồn thu nhập quan trọng nhưng không đủ nuôi sống tôi đâu. Tôi đã tham gia vào các ban nhạc phòng trà”.
Vào những năm đầu thập niên 70, Quốc Dũng cùng nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà là một trong những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa các ca khúc nhạc trẻ, khởi xướng phong trào viết nhạc trẻ bằng tiếng Việt. Quốc Dũng vừa sáng tác, biểu diễn, sử dụng mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard thành thạo... Ông và Thanh Mai là một cặp song ca nổi tiếng thời kỳ đó và nữ ca sĩ này cũng chính là nhân vật trong bài hát Mai của Quốc Dũng rất phổ biến trong giới mộ điệu âm nhạc.
Năm 1974 Quốc Dũng ra CD cá nhân đầu tiên bán rất chạy. Phần lớn các bài hát trong băng đã trở nên quen thuộc với quần chúng cho đến tận bây giờ như: Lối thu xưa, Mai, Điệp khúc mùa xuân, Biển mộng, Bên nhau ngày vui, Thoát ly…
Chuyện tình xuyên Việt
Quốc Dũng lập gia đình lần đầu năm 1974 và 6 năm sau thì cuộc hôn nhân này tan vỡ. Thời điểm này công việc sáng tác của ông cũng gián đoạn cho đến năm 1986, làn gió đổi mới thổi vào đời sống Việt thì Quốc Dũng mới bắt đầu sáng tác trở lại với tác phẩm Hoang vắng. 4 năm sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ, ông đã gặp được “nàng thơ” của đời mình là ca sĩ Bảo Yến.
Năm 1980, Quốc Dũng cùng ca sĩ Bảo Yến đã có chuyến lưu diễn các tỉnh miền Trung với đoàn ca nhạc của Duy Khánh trong suốt 6 tháng trời. 6 tháng trời đầy gian khổ chính là khoảng thời gian đầy hạnh phúc của Quốc Dũng và Bảo Yến bởi lúc đó họ đang trong khúc dạo đầu của tình yêu…
Vợ chồng Quốc Dũng - Bảo Yến trong lần ra Hà Nội.
Năm 1983, cả hai chính thức thành vợ chồng. Lấy nhau đúng lúc cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn nhưng tình yêu đã giúp họ vượt qua để mỗi đêm vẫn say sưa với những bản tình ca trên sân khấu. Thời đó, khó khăn tới mức trong ca khúc đầu tiên dành tặng Bảo Yến mang tên Bài ca tết cho em, Quốc Dũng đã mô tả một cái tết không có quà, thậm chí không bánh mứt tết, nhưng chính tình yêu đã đem đến hương vị tết cho cả hai.
Năm 1988 vợ chồng Quốc Dũng - Bảo Yến lại có một trình diễn xuyên Việt tại nhiều thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Từ năm đó, cái tên Bảo Yến và ban nhạc Quốc Dũng đã khá quen thuộc với khán giả miền Bắc.
Quốc Dũng kể, với vai trò người đàn ông trong gia đình, để kiếm sống và nuôi gia đình, vị nhạc sĩ lao vào công việc hòa âm trong phòng thu. Với một quá trình chỉ huy nhiều ban nhạc trong một thời gian khá dài nên Quốc Dũng có lẽ là người có số lượng bài viết hòa âm nhiều nhất Việt Nam với khoảng hơn 5000 bài. Vào đầu những năm 90, Quốc Dũng Studio đắt hàng đến nỗi suốt ngày đêm tại căn nhà nhỏ của ông luôn tấp nập các ca nhạc sĩ và biên tập viên của các hãng băng đĩa.
Có cơ hội làm việc với nhạc sĩ Quốc Dũng từ những ngày đầu mới chập chững đi hát, nam ca sĩ Xuân Phú chia sẻ: “Nhạc sĩ Quốc Dũng là một người rất giỏi chuyên môn, những ca khúc của ông mang rất nhiều cảm xúc. Có thể nói, ông còn là một người thầy dạy tôi từ cách hát, thu âm và mọi thứ. Điều khiến tôi tâm đắc nhất là câu nói của ông cách đây 12-13 năm lúc tôi mới vào nghề: Có hay có dở cũng là mình, mình cứ hát theo mình thôi. Người ca sĩ không nhất thiết phải giỏi nhạc lý nhưng cái hồn thì phải có”.
Hai con trai của Quốc Dũng - Bảo Yến nói nghiệp bố mẹ.
Đặc biệt, đêm diễn còn có sự tham gia của hai cậu con trai tài năng của cặp đôi này là Khải Ca - Bảo Châu để thể hiện ca khúc chủ đề Mãi cùng em ngày xanh và một số nhạc phẩm khác của nhạc sĩ Quốc Dũng. Bên cạnh đó, đêm nhạc cũng có sự góp mặt của những cộng sự, học trò thân thiết gắn với âm nhạc Quốc Dũng như: Thanh Ngọc, Thu Trang, Xuân Phú...
Hà Tùng Long