Wednesday, December 27, 2017

LỄ HỘI GỘI ĐẦU CỦA NGƯỜI THÁI

Với người phụ nữ Thái, bên cạnh “tăng cẩu” thì nghệ thuật gội đầu, chăm sóc tóc của họ cũng được coi là cả một nghệ thuật mới mẻ với nhiều nét độc đáo.


Những búi tóc cao nơi đỉnh đầu (người Thái gọi là tăng cẩu) là dấu hiệu chứng tỏ một cô gái Thái đã lập gia đình. Từ khi lập gia đình thì búi tóc đó ít khi bị xõa ra nhờ bí quyết vấn tóc và cả cái trâm bạc cài lên cố định tóc. Chiếc trâm bạc đó vừa là vật trang sức, vừa thể hiện thứ bậc của người phụ nữ Thái trong quan hệ xã hội. Bên cạnh điệu xòe và chiếc khăn piêu, mái tóc trở thành nét riêng có của phụ nữ Thái.

Mái tóc thường được chăm chút cẩn thận và nuôi dài, rất hiếm phụ nữ Thái cắt tóc ngắn. Ngày xưa phụ nữ Thái thường gội đầu với lá cây rừng để giữ tóc đen mượt. Ngày nay cuộc sống hiện đại đã len lỏi đến vùng cao khiến người phụ nữ Thái dần quên mất phong tục gội đầu truyền thống.

Nét đẹp mộc mạc của người con gái Thái - Ảnh: sưu tầm

Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo.

Người Thái quan niệm, việc gội đầu của người vợ có quan hệ mật thiết với tính mạng của người chồng, nhất là khi người chồng đang đi xa và làm những việc nguy hiểm. Bởi vậy để tránh nguy hiểm cho chồng, người vợ thường không gội đầu trong suốt thời gian chồng đi vắng. Công việc hết sức hệ trọng đó được tiến hành trước ngày chồng đi xa và chỉ được thực hiện khi người chồng đã quay về một cách an toàn. Có những lần chồng đi rừng đến 1-2 tháng. Trong khoảng thời gian đó người phụ nữ Thái cũng không được gội đầu.

Lễ hội gội đầu của người Thái - Ảnh: Sưu tầm

Để cho những búi tóc luôn sạch, không bị gầu, không bị bết lại, phụ nữ Thái có một bí quyết riêng. Bí quyết này được truyền từ đời này sang đời khác cũng như cái quan niệm không gội đầu khi chồng vắng nhà. Bí quyết đó hết sức đơn giản nhưng cũng rất hữu hiệu: dùng nước gạo để gội đầu. Phải là nước vo gạo nếp và phải thật đặc như kiểu hòa bột vào nước. Nước đó phải để ít nhất 2 ngày hai đêm đến khi thành một hỗn hợp sền sệt và có mùi thum thủm thì mới được đưa ra để gội đầu.

Mái tóc dài đen mượt - Ảnh: sưu tầm

Có những lúc chồng đi rừng cả 3 tháng trời nên chỉ có cách gội đầu bằng nước vo gạo đặc đã lên men mới để tóc được lâu. Không những để được lâu mà cách này còn giúp tóc luôn đen, mượt”. Theo “quy định” thì mỗi khi người chồng đi xa thì phụ nữ nhất định không được gội đầu thế nhưng với những trường hợp chồng đi lâu ngày quá thì người vợ cũng có thể “phá rào”. Tuy nhiên công việc này chỉ được tiến hành vào buổi đêm “để tránh con mắt của quỹ dữ”.

Không chỉ kiêng gội đầu lúc chồng đi vắng mà phụ nữ Thái cũng không được gội đầu vào 3 ngày Tết hoặc khi nhà có đại tang. Khi bố, mẹ qua đời, con dâu và con gái không được gội đầu, tắm rửa từ khi bắt đầu các công việc chuẩn bị tang lễ đến khi tang lễ kết thúc. Cùng với việc không được gội đầu, những người phụ nữ trong nhà chỉ được tắm với điều kiện mặc nguyên cả váy áo (phụ nữ Thái thường tắm “tiên”, lúc tắm không mặc áo cho dù tắm chung suối với nam giới). Trong ngày Tết, người Thái quan niệm gội đầu là một tư thế không được đẹp mắt sẽ làm phật ý những người đã khuất. Bởi vậy việc gội đầu phải được hoàn thành trước ngày 28 Tết. Hết 3 ngày Tết hay khi tiễn những người đã khuất về trời thì người phụ nữ mới được phép tắm rửa, gội đầu trở lại.

Gội đầu đã trở thành phong tục - Ảnh: sưu tầm

Cùng với sự phát triển đi lên của cuộc sống, nhiều quan niệm của người Thái đã trở nên lỗi thời trong đó có cả phong tục gội đầu. Ngày nay, cũng như bao thiếu nữ khác, các cô gái Thái đã tân tiến hơn, sử dụng các loại dầu gội thông dụng để làm sạch tóc. “Giờ chỉ có người già thỉnh thoảng dùng nước vo gạo thật đặc lên men gội đầu để cho tóc mượt thôi. Đàn ông Thái đã biết rời bản làng đi làm khắp nơi, cả năm mới về nên không thể đợi chồng về mới gội đầu được.

Ven những con suối chảy qua những bản làng người Thái, những mái tóc dài đen nhánh buông trong nước đang dần trở thành ký ức…
Vì vậy, nhân dịp đón tết Độc lập, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu tại bến Pá Uôn.

Vũ tóc - Ảnh: sưu tầm

Đây là lễ hội của đồng bào vùng Thái trắng thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) tỉnh Sơn La và người Thái ở Mường Lay (tỉnh Điện Biên), Phong Thổ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Hàng ngàn người dân các xã vùng ven hồ thuộc huyện Quỳnh đã đến xem, đồng thời chiêm ngưỡng cầu Pá Uôn, cây cầu bắc qua hồ thủy điện Sơn La có trụ cao nhất Việt Nam.

Theo quan niệm của người Thái, gội đầu là để rửa trôi, tống tiễn những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước (sông, suối), đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu cho khi bước vào năm mới con người có sức khỏe, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Lễ gội đầu của người Thái trắng gồm các hoạt động: Một thầy mo (hoặc ông trưởng họ) mời bà con dân bản xuống bến nước chuẩn bị gội đầu đón chào năm mới sắp đến. Ngay sau đó, các nam thanh nữ tú khiêng trống, chiêng vừa đi vừa khua rộn rã, thúc giục mọi người theo sau. Chậu nước gội đầu được bà con dân bản đun sôi để pha với nước gồm có bồ kết, vỏ cây xo xe, những cánh hoa rừng, hoa đào, hoa mận.

Những hình ảnh ngày xưa của người con gái Thái - Ảnh: sưu tầm

Đàn ông thì khoác súng kíp, đeo túi thổ cẩm trong có đựng bảo bối gọi là “thung xanh.” “Bảo bối” thực ra chỉ là móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc có thể chỉ là của hồi môn như nhẫn vàng, vòng bạc.

Theo bà Trịnh Thị Oanh, việc tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu là để đáp ứng mong muốn của người dân, đồng thời để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc khi bà con đến nơi ở mới nhường sông Đà để làm hồ thủy điện Sơn La.

Những cô gái Thái duyên dáng - Ảnh: Sưu tầm

Bà Bạc Thị Hoàn, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Quỳnh Nhai cho biết: Lễ hội gội đầu là để tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc Thái của huyện Quỳnh Nhai, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, góp phần nâng cao trình độ dân trí.

Lễ hội còn là dịp để quảng bá giới thiệu tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch và con người Quỳnh Nhai. Lễ hội này mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện lòng thiện của con người, yêu hòa bình, mong muốn cho bản thân và mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp, có sức khỏe và may mắn.

Mytour - Nguồn: Tổng hợp


No comments: