CÔ GÁI ĐỒNG NAI
thơ Bàng Bá Lân
Em là con gái Đồng Nai
Hàm răng em trắng, khổ người em duyên
Em cười, em nói hồn nhiên
Tình em như trái sầu riêng đậm đà
Ta về ta nhớ đêm qua...
Nhớ ai nhớ cả món quà Đồng Nai
Món quà ai gởi cho ai
Kèm theo thăm hỏi đôi lời thương thương
Yêu em, yêu cả con đường
Đưa ta về chốn ruộng vườn phì nhiêu
Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu
Rằng thương rằng nhớ rằng yêu lạ lùng
Cô em má đỏ hồng hồng
Buôn xuôi bán ngược, có chồng hay chưa?
Xe đò ai đón ai đưa?
Mà em đi sớm về trưa một mình
Em cười, ô, xỉnh xình xinh
Hỏi em, em chỉ lặng thinh... mỉm cười.
BÀNG BÁ LÂN
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Bàng Bá Lân (1912-1988), tên thật là Nguyễn Xuân Lân; là nhà thơ, nhà giáo, và là nhà nhiếp ảnh Việt Nam.
Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1912 ở phố Tân Minh, Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, chính quán của ông lại là làng Đôn Thư, tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Năm 1916 - 1918, ông theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi ở Kép thuộc tỉnh Bắc Giang.
Năm 1920 - 1928, ông sống với bà nội ở Đôn Thư, sau đó lại về Kép, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu.
Năm 1929 - 1933, ông vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ bằng thành chung. Vì thi tú tài mấy lần không đỗ, năm 1934 ông về Kép vui thú điền viên, làm thơ, chụp ảnh và xuất bản tập thơ đầu tiên Tiếng thông reo.
Trước Cách mạng tháng Tám ông đã có những tác phẩm: Tiếng thông reo (1934), Xưa (hợp tác với nữ sĩ Anh Thơ, 1941), Tiếng sáo diều (1939 - 1945).
Vào Sài Gòn, ông dạy học và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san, bán nguyệt san và xuất bản thêm: Để hiểu thơ (1956, Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957).
Năm 1969, xuất bản các tập truyện: Người vợ câm, Vực xoáy, Gàn bát sách (phiếm luận) và tập thơ Vào thu. Ông cũng cho in hai quyển sách Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại cùng một số sách Giáo khoa Việt văn cho nhiều cấp lớp. Ông còn đứng làm chủ bút tập san Bông Lúa vào thập niên 1950 ở Sài Gòn.
Từ 1977 đến 1984, Bàng Bá Lân viết thêm Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại quyển 3, hồi ký Trọn đời cho thơ (bản thảo đã thất lạc). Ngoài ra, ông còn viết truyện ký danh nhân Anh em Lumière, ông tổ nhiếp ảnh, viết sách bình khảo, dịch truyện, dịch thơ v.v.
Trong lãnh vực nhiếp ảnh, Bàng Bá Lân cũng tỏ ra là một người có tài năng. Ông từng đoạt những giải thưởng, như: Giải Agfa-Việt báo (Hà Nội, 1937), giải nhì cuộc thi ảnh tạo phủ Thống sứ Bắc Kỳ (1938), huy chương của La Revue Francaise de Photographie et de Cinématographie (tạp chí nhiếp ảnh và điện ảnh Pháp) ở Paris (1939), giải thưởng Ferrania (1953); giải thưởng Triển lãm Tuần lễ Văn nghệ Sài Gòn (1955)...
Các tác phẩm nhiếp ảnh của ông từng được triển lãm ở Hội quán Hội Trí Tri, (Hà Nội, 1939), Bologna (Ý, 1952), Antwerpen (Bỉ,1953), Paris (Pháp, 1953), Singapore (1953), Cuba (1954), Rochester (Mỹ, 1956)...
Ngày 20 tháng 10 năm 1988, Bàng Bá Lân qua đời tại Sài Gòn, thọ 76 tuổi.
(Sưu tầm trên mạng)