Sunday, December 10, 2017

KHO BÁU CÕI THIÊNG TRƯỚC CƠN LỐC KIM TIỀN

Một ngày cuối thu, theo chân một đoàn chuyên viên khảo sát di sản, tôi đến tu viện Saint Paul ở số 4 Tôn Đức Thắng, gần nhà máy Ba Son. Sau khi đi xem nhà nguyện và tháp chuông, chúng tôi bước xuống chiếc cầu thang ra vườn hoa của tu viện. Bất ngờ, chúng tôi đi ngang qua chiếc cửa gỗ màu nâu bóng của một tầng hầm. Sơ ơi, đây là gì?

Vườn hoa bên trong tu viện Saint Paul, phía bên phải là nhà nguyện xây dựng 1864, bên trái là nhà văn phòng xây dựng 1947. Ảnh KTS. Vĩnh Phúc
Cánh cửa quá khứ

Sơ đại diện tu viện hướng dẫn đoàn mở khóa cửa tầng hầm. Đèn sáng lên, chúng tôi bước vào quá khứ 155 năm của dòng tu Saint Paul. Ngay giữa tầng hầm là một sa bàn mô hình toàn cảnh các kiến trúc liên hoàn của tu viện. Nhìn sa bàn có thể nhận ra nhiều phần của tu viện trước đây đã bị chia cắt cho nhiều cơ quan khác. Chung quanh sa bàn, là các gian trưng bày, kể chuyện lịch sử dòng tu được thành lập và hoạt động giúp dân nghèo như thế nào. Rất cao cả và ý nghĩa, từ xa xưa dòng tu Saint Paul đã mở ra nhiều bệnh viện, phòng khám, trường học tại Sài Gòn, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.

Chuông cổ 1896. Ảnh KTS. Vĩnh Phúc
Mỗi gian trưng bày đều có tranh ảnh, sơ đồ, hiện vật và hình mẫu mannequin sắp xếp rất phong phú và ấn tượng. Đặc biệt, các tủ kính có khá nhiều đồ vật thường dùng trong đời sống của hai thế kỷ trước. Trong đó, tôi chú ý trước nhất là chiếc máy ảnh hình hộp có chân đứng, với giấy xác nhận xuất xưởng năm 1870. Kế đến, những chiếc đồng hồ để bàn, radio, máy ảnh, máy đánh chữ, máy quay phim... Và rồi máy quay ronéo, máy đóng sách, sổ sách, cặp sách cổ xưa... Thêm nữa, những dụng cụ y tế, dụng cụ âm nhạc, đàn organ xếp trong vali, máy hát dĩa, bát dĩa và quần áo của nhiều dân tộc... Nhiều đồ vật xưa đẹp chưa thấy có mặt trong bảo tàng thành phố, xứng đáng thuộc về danh sách những đồ cổ quý hiếm.

Chiếc máy chụp ảnh 1870
Ký ức thiêng liêng

Ở một góc khuất của tầng hầm là khu vực hầm mộ của các linh mục và nữ tu đầu tiên, có từ năm 1894. Những bình gốm đơn giản đựng tro của người mất, xếp ngay ngắn trầm mặc, đối diện một bức tranh chúa Jesus với quả tim đỏ thắm. Tu viện và dòng Saint Paul ở Việt Nam đã tồn tại xuyên qua ba thế kỷ. Bản thân kiến trúc tu viện được coi là “trưởng lão” của Sài Gòn. Nguyện đường, tháp chuông và nhiều dãy nhà tại đây được hoàn thành năm 1864, cùng thời gian với tòa nhà Bến Nhà Rồng. Người thiết kế và chỉ huy xây dựng tu viện chính là Nguyễn Trường Tộ - một sĩ phu nổi tiếng về những bản điều trần thúc giục triều Nguyễn canh tân đất nước.

Bảo tàng Saint Paul
Bằng ấy chi tiết đã cho thấy tu viện Saint Paul không chỉ là một di sản kiến trúc phương Tây cổ điển ở một vùng đất phương Đông. Đó còn là kho báu lưu giữ ký ức của không chỉ một dòng tu mà hơn thế nữa lưu giữ ký ức của Sài Gòn và nhiều vùng đất. Thêm nữa, lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ phụ nữ trong và ngoài nước tự nguyện cống hiến cuộc đời cho Chúa và cộng đồng. Chúng tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được vào thăm một không gian ký ức xưa sống động đã may mắn tồn tại được sau nhiều năm tháng biến động.

Tủ kính đồng hồ, radio, máy điện thoại xưa. Ảnh KTS. Vĩnh Phúc
Tôi háo hức nghĩ đến việc tu viện Saint Paul sẽ trở thành một viện bảo tàng văn hóa - lịch sử mở cửa rộng rãi cho người xem trong và ngoài nước. Thế nhưng, sơ đại diện tu viện hướng dẫn đoàn trầm ngâm, chỉ cho chúng tôi xem dãy nhà bên cạnh, hiện là giảng đường và ký túc xá của Đại học Sài Gòn, tiếp giáp góc đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh. Trước năm 1975, đây là một phần của tu viện dùng làm nơi dạy học. Sau đấy, tu viện chuyển cho nhà nước làm trường đào tạo giáo viên mẫu giáo. Nhiều năm nay, tu viện chỉ mong phần cơ ngơi này tiếp tục dùng cho giáo dục và giữ nguyên kiến trúc xưa. Nhưng gần đây, râm ran có tin Đại học Sài Gòn sẽ cho phá ra, xây lại từ các dãy nhà cổ. Đại học này trước đây là trường cao đẳng sư phạm, bây giờ phát triển đa ngành, đang cần thêm nhà cửa. Mặt khác, Đại học Sài Gòn có thêm ngành kinh doanh và du lịch. Không biết nay mai người ta có nhân danh các ngành nghề đào tạo mới để đập bỏ kiến trúc cũ, xây khách sạn và nhà hàng “làm nơi thực tập cho sinh viên”? Nhất là khi, đối diện với tu viện, khu nhà máy Ba Son sẽ dời đi, trở thành khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp. Phải chăng người ta định xây khách sạn, nhà hàng là để đón trước cơ hội buôn bán, làm ăn nhộn nhịp ở nơi này?

Bên trong nguyện đường Saint Paul. Ảnh Phúc Tiến
Chẳng biết rồi đây cơn lốc kinh doanh đang tràn lan các đô thị và tỉnh thành sẽ tiếp tục hủy diệt đến mức nào các di sản, các không gian có một không hai của lịch sử? Không thể khoanh tay trước những cơn lốc dã man đã và đang xóa bỏ ký ức đẹp của Sài Gòn và những vùng đất yêu dấu của người Việt. Mong thay những di sản như tu viện Saint Paul cần được trả lại đầy đủ không gian lịch sử của nó, trả lại sự trân trọng và tôn kính trước đóng góp của tiền nhân.

Phúc Tiến
Nguồn: Người Đô Thị Online



No comments: