Wednesday, December 20, 2017

DÒNG SAINT PAUL VÀ DẤU ẤN KIẾN TRÚC SƯ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Với kiến trúc nhà dòng Saint Paul, chúng ta tự hào rằng tại Sài Gòn năm 1864 đã có một công trình kiến trúc kiên cố đầu tiên lại do chính kiến trúc sư người Việt thiết kế và xây dựng.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận xét: “Dinh Thống đốc mà người Pháp còn phải mua của người Anh ở Singapore mang qua Sài Gòn lắp ráp thì với công trình tuyệt vời này đủ thấy người Việt Nam giỏi đến mức nào rồi”.

Khi đi ngang ngôi nhà trắng tại số 4 Tôn Đức Thắng, quận 1 (trước là Cường Để) mọi người chỉ biết đây là một nữ tu viện. Tòa nhà này trước kia còn được gọi là “Nhà Trắng”, không phải vì sơn toàn màu trắng như tòa Bạch Ốc (White House) mà vì ngôi nhà này được xây dựng và làm chủ bởi những nữ tu dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Phaolô thành Chartres) “trinh bạch từ linh hồn đến những chiếc áo dòng trắng toát”. Trước năm 1975, trong nhà dòng này có một trường tư thục với các lớp từ mẫu giáo tới tú tài với số lượng 1.600 học sinh (có ký túc xá cho học sinh nội trú). Sau năm 1975, có một thời gian là trường sư phạm mầm non. Nếu ai có dịp vào đây sẽ choáng ngợp với không gian rộng rãi, khoáng đãng với kiến trúc ba khối nhà: cô nhi viện, nhà nữ tu ở và khu nhà nguyện. Khu nhà nguyện có thiết kế đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống rất giống cây thánh giá, bên trong có thêm nhiều cột đỡ vững chãi, phía trước là một sân cỏ rộng với tượng thánh bổn mạng của dòng Phaolô.

Một thiết kế theo nhận định của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: “Một giáo đường huy hoàng với đường nét thẩm mỹ lối Gothique. Các khu vòm hình liềm cung, đua nhau vượt lên tới 20 thước, không một chút chạm trổ hoa hòe… Làm cho khách tưởng nhớ đến giáo đường “Sainte Chapelle”… Cảm tưởng nhẹ nhàng vì sự thành công của vị kiến trúc sư làm cho ai vào đó cũng cảm thấy thoát tục”.




Kiến trúc sư “thầy Học”


Theo các tài liệu lịch sử truyền giáo, vào ngày 20-5-1860, các nữ tu dòng Thánh Phaolô gốc ở thành Chartres (Soeurs de Saint Paul de Chartres) từ Hong Kong đặt chân đến Sài Gòn. Họ cùng tạm định cư tại một căn nhà nhỏ vùng chợ cũ cùng các nữ tu dòng kín (đến Sài gòn năm 1861). Vào tháng 9-1862, mẹ bề trên dòng thánh Phaolô Benjamin khởi công xây cất nhà giám tỉnh tại khu đất Đường Thành (Rue de la Citadelle). Toàn bộ công trình này hoàn thành vào ngày 10-8-1864. Và trong bản thảo viết tay của mẹ Benjamin chỉ ghi lại tên kiến trúc sư là Thầy Học.

Lúc ấy các bà phước chẳng biết kiến trúc sư “Thầy Học” là ai. Không biết trước đây đã có tài liệu nào xác minh Thầy Học là ai chưa. Riêng cụ Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa in năm 1958 cho biết: “Tương truyền nhà lầu cao lớn nơi đây là do ông Nguyễn Trường Tộ năm xưa đứng coi xây cất”. Vậy Thầy Học hay ông Nguyễn Trường Tộ là người thiết kế, xây cất tòa nhà này? Trong tạp chí Văn Đàn (số 4-1961, Sài Gòn) ông Phạm Đình Khiêm đã công bố nhiều tài liệu trong thư khố tu viện đã chứng minh Thầy Học chính là ông Nguyễn Trường Tộ.



Trước hết, các soeur gọi ông Nguyễn Trường Tộ là Thầy Học vì ông đã từng làm thầy dạy học cho nhà chung. Cách gọi này đã được ghi một cách chính thức trong một tập tài liệu viết tay tên là La Création des Établisements des Soeurs de Saint Paul de Chartres en Extrême-Orient (Ký sự về việc thành lập các cơ sở dòng Nữ tu thánh Phaolô thành Chartres tại Viễn Đông) do mẹ Benjamin, người sáng lập “Nhà Trắng” soạn thảo.

“… Được khu đất tốt đẹp như vậy lại chán cảnh tạm bợ nhiều khi còn tốn kém hơn, bà bề trên bèn quyết định xây nhà vững chắc. Bà bàn tính công việc xây cất ấy với Đức cha Gauthier và cha Croc, các vị ấy đồng ý rằng khi trở về đàng ngoài, sẽ để Thầy Học ở lại điều khiển các công tác”.


Trong ký sự còn xác định: “Ông là một giáo hữu Đàng-Ngoài”. Điều này đã xác nhận thời gian sau khi thôi học, ông Nguyễn Trường Tộ mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong nhà chung Xã Đoài (nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Tại đây, năm 1846 ông được giám mục người Pháp tên là Gauthier dạy học tiếng Pháp và giúp cho có một số hiểu biết về các môn khoa học thường thức của phương Tây. 



Cuối năm 1858, ông đi cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng tránh nạn “phân sáp” (sáp nhập hai, ba gia đình Công giáo vào trong một làng không Công giáo, chứ không cho ở tập trung như trước). Đầu năm 1859, Giám mục Gauthier đưa ông sang Hương Cảng (Hong Kong) và Pháp. Trong tập Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ do con ông là Nguyễn Trường Cửu ghi chép giai đoạn ông Nguyễn Trường Tộ đi Pháp như sau: “Rồi sang nước đại Pháp, ở kinh thành Ba Lê, là kinh đô, đi du lịch xem chính trị, học hành, kỹ nghệ, phong tục nước đại Pháp. Khi nghe “lặng sáp” rồi (ý nói chấm dứt tình trạng phân sáp như nói ở trên - LVN) thì Đức cha Hậu lại đem ông Tộ và các cụ về nhà chung”.

Vẫn theo ông Cửu thì chính mẹ bề trên phải thỏa thuận với Đức cha Hậu để xây cất Nhà Trắng. Câu hỏi đặt ra là tại sao mẹ Bejamin lại chọn Nguyễn Trường Tộ mà không chọn những kiến trúc sư Pháp vì chính Nguyễn Trường Tộ đã chứng minh được với mẹ bề trên và Đức cha là một người có khả năng về kiến trúc khi về nhà chung (Xã Đoài) đã “làm lại nhà hai tầng cho Cố giữ việc ở và nhà Tràng Latin ba tầng hình chữ thập gọi là “nhà tây” cho học trò Latin ở và học cùng làm nhà thờ Đức Bà riêng cho học trò, theo mẫu nhà thờ Đức Bà hiện ra thành Lộ Đức (Lourdes) đẹp lắm và ở ngoài xây tường cải hoa lộng, giống các sắc hoa tây nam rực rỡ xanh tươi vui mắt, rầy (bây giờ) hư rồi. Đoạn tậu vườn làm nhà ở phía bắc nhà chung, rồi vào Gia Định làm sở nhà bà phước cho các người nhà mụ Tây ở…”.

Theo tác giả Trương Bá Cần, trong các công trình do Nguyễn Trường Tộ xây cất ở Xã Đoài, nay chỉ còn lại nhà tràng Latin (tức tiểu chủng viện) ba tầng, hình chữ thập gọi là “nhà Tây”, chứ tòa giám mục và các nhà phụ thuộc đều đã bị bom Mỹ đánh sập.



Dấu ấn kiến trúc tại Sài Gòn

Riêng Giám mục Gauthier thường gọi Nguyễn Trường Tộ bằng danh hiệu “kiến trúc sư”, mặc dù ông Tộ chưa một ngày học qua ngành kiến trúc như trong thư gửi Hội Truyền giáo nước ngoài ở Paris (đề ngày 1-1-1870), Giám mục Gauthier viết: “... Người ta quen gọi là kiến trúc sư vì ông ta (chỉ ông Tộ) đã xây ngôi nhà ba tầng của các nữ tu Sài Gòn, một nhà nguyện và một ngọn tháp cao nổi bật...” (dẫn lại theo Nguyễn Bá Cần). 

Có lẽ do thiên bẩm, óc quan sát, thực nghiệm khi được ra nước ngoài trước kia, ông có ở Hong Kong ít lâu và trong thời gian ngắn ngủi tại thuộc địa này của người Anh, ông đã thấy được cách thức và thể loại kiến trúc của châu Âu. Trước đó, ông đã được ngợi ca là một kiến trúc sư tài năng trong quyển II, trang 731 của tạp chí La Semaine religieuse (Paris, năm 1867):

“… Người Đông phương ở trong phái ủy thì có hai ông quan và một người kiến trúc sư Công giáo, có trí nhớ lạ lùng, tài năng lỗi lạc và chính là người đã xây giáo đường của ta ở Sài Gòn”
. Hai ông quan là Nguyễn Tăng Doãn và Trần Văn Đạo, còn người kiến trúc sư tài năng lỗi lạc ấy chính là ông Nguyễn Trường Tộ. 



Linh mục Le Mée (thừa sai Paris) trong một bức thư đăng trên tập san Missions Catholiques năm 1876 có nói về công việc ấy như sau: “Đức Giám mục Gauthier và linh mục Croc đã đem theo một nho sĩ Bắc Kỳ, tên là Lân (tức Nguyễn Trường Tộ). Với trí thông minh hiếm có, lại được gợi ý và được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình và tận tụy của Giám mục Gauthier, nho sĩ Bắc Kỳ này, vì tình yêu Thiên Chúa, đã nhận đứng ra đốc suất công việc. Thời đó ở Sài Gòn chưa có một công trình nào làm kiểu mẫu. Với đề án của tu viện và nhà nguyện do nữ tu Benjamin cung cấp, ông ta đã phác họa được một họa đồ phối cảnh chung và thực hiện công trình nhờ sự cộng tác của các công nhân người Việt. Chính ông đã phải vẽ sơ đồ của tháp chuông và tự mình trông nom công việc một cách rất cẩn thận và chính ông đã hoàn thành nhiều phần khác của công trình. Mỗi ngày người ta thấy ông có mặt ở công trường và để ý tới từng chi tiết. Phải thú nhận là nếu không có ông thì không thể thực hiện được một công trình như vậy vào một thời điểm mà ở Sài Gòn chưa có thợ cũng như chưa có nhà thầu...”.

Rất tự hào khi Sài Gòn được nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ để lại dấu ấn về kiến trúc như lời kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: “Kính phục, vì ai ngờ ngoài cái tài chính trị, kinh tế và óc duy tân, cụ lại có tài kiến trúc đến như thế…”.



LÊ VĂN NGHĨA

Ông Nguyễn Trường Tộ (ảnh) sinh năm 1828, quê ở Nghệ An, là một nhà Hán học sâu sắc, từng giúp Đức giám mục Gauthier trong việc giảng dạy chữ Nho cho các tu sĩ để làm linh mục.
Nguyễn Trường Tộ là người có tài thiên bẩm về kiến trúc mà công trình La Sainte Enfance do tự tay ông thiết kế là một điển hình.
Sau này, theo lời mời của triều đình Huế, ông còn tham gia khai thông hệ thống đường thủy kênh Sắt ở Nghệ An bằng cách pha chế thuốc nổ tự tạo ra mìn. Ông mất năm 1871 tại quê nhà. (theo Thanh niên)

No comments: