“Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở thiếu thời. Nhà Lưu Bình giàu có, nhưng chỉ ham chơi, không lo học. Dương Lễ nhà nghèo và được cha mẹ Lưu Bình nuôi cho ăn học. Dương Lễ học thành tài, còn Lưu Bình thì thi không đậu. Của cải cha mẹ để lại tiêu xài hết, Lưu Bình bèn tới nhờ Dương Lễ cứu giúp. Dương Lễ không tiếp và chỉ cho một bữa cơm và ít tiền độ nhật. Lưu Bình ôm hận ra đi, may gặp Châu Long, nguyên nàng hầu mới của Dương Lễ giả làm người bán quán, giúp Lưu Bình trở lại đèn sách. Lưu Bình vì mối hận bạn nên bỏ rượu và quyết tâm tu tỉnh ôn lại bài vở. Cuối cùng thi đậu làm quan. Nhưng khi trở về thì Lưu Bình không thấy Châu Long. Tưởng nàng bị hãm hại nên tính việc từ quan đi tìm. Nhưng trước khi thi hành ý định đó, Lưu Bình đến gặp Dương Lễ định phải quấy một trận cho hả giận. Chẳng ngờ khi gặp Dương Lễ, thì phát hiện ra Châu Long là nàng hầu mới của Dương Lễ và nàng đã hi sinh bản thân mình, chịu đóng vai người vợ hẹn cưới để ngầm giúp Lưu Bình.”
Chắc chắn đó là một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất của Việt Nam. Nổi tiếng và được ưa chuộng. Bởi vậy, nó mới được biến thể thành truyện thơ, rồi biến tấu tuồng, chèo, kịch nói và cải lương. Ở thể loại nào, nó cũng ăn khách.
Không những vậy, câu chuyện còn được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho trẻ em. Trong một số sách, nó được đặt dưới đề mục “Tình bạn”. Ví dụ, trong một cuốn sách dạy tiếng Việt tại Úc, soạn giả viết:
“Trong văn học dân gian Việt Nam ngày xưa có nhiều truyện ca ngợi tình bạn. Nổi tiếng nhất là truyện Lưu Bình Dương Lễ. Để giúp bạn, Dương Lễ nhờ vợ lẽ của mình nuôi nấng, chăm sóc cho Lưu Bình ăn học đến lúc đỗ đạt, thành tài. Dương Lễ đúng là một người bạn tri kỷ của Lưu Bình.”
Kể ra thì cũng đúng. Về phương diện lý tưởng, giúp bạn để thành công vẫn tốt hơn là nuông chiều những thị hiếu thấp kém của bạn, cuối cùng, biến bạn mình thành một con người hư hỏng. Có điều, biện pháp để Dương Lễ thực hiện cái tình bạn cao cả của mình thì, từ góc nhìn hiện nay, lại khá man rợ: nó được đánh đổi bằng tình vợ chồng. Ngay cả khi Châu Long chỉ là một người vợ lẽ hay một nàng thiếp đi nữa thì dùng cuộc đời nàng để thể hiện tình bạn của mình cũng là một điều tuyệt đối không nên. Châu Long bị biến thành một công cụ. Là công cụ, nàng không những bị tước quyền làm vợ hay làm thiếp mà còn bị tước cả quyền làm người.
Truyện Lưu Bình Dương Lễ, do đó, nếu, một mặt, đề cao tình bạn, thì, mặt khác, lại thể hiện một cái nhìn rất coi rẻ phụ nữ.
Trong một xã hội đề cao sự bình đẳng về phái tính hiện nay, câu chuyện rõ ràng trở thành lỗi thời. Vì lỗi thời, nó không còn mang ý nghĩa giáo dục nữa. Nếu không muốn nói, ngược lại.
Tôi nhớ, một lần, trong một bữa ăn tối ở nhà một người quen ở Úc, câu chuyện tình cờ dẫn dắt đến tình bạn, và người chủ nhà say sưa kể cho con cái anh về chuyện Lưu Bình Dương Lễ. Anh kể khá say sưa và hấp dẫn. Nghe xong, đứa con gái lớn của anh, độ 15, 16 tuổi, buông một câu: “Stupid!” (ngu xuẩn).
Bạn nghĩ sao?
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment