“Nước không chưn sao kêu nước đứng,
Con cá không thờ sao gọi cá linh”.
Con cá linh đã từ lâu sống gần gũi với người dân miền Tây trong canh tác nông nghiệp và ẩm thực. Ông bà ta thời trai trẻ thường ca ví đối đáp nhau, có câu đố tả hình dáng con cá linh như “Ốm yếu hình dong là con cá nhái. Thiệt như lời vái là con cá linh” hay câu ca dao “Nước không chưn sao kêu nước đứng. Con cá không thờ sao gọi cá linh”.
Trên đồng ruộng, lũ tràn vào nước mênh mông, những bụi lúa ăn phù sa hớn hở tươi vui. Những cây điên điển cũng vui không kém, các cô mỉm cười môi nở những chùm hoa vàng nhuộm sắc nắng thu ghẹo trêu mấy chú bướm si tình lạc cánh. Dưới mặt nước, tép trấu thi nhau vũ điệu đón mùa nước lũ và chào đón các vị khách cá linh tham quan quê mình.
Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ còn ở Ô Môn khi lũ về,tuy có lo lắng nước dâng cao, dòng chảy mạnh, nguy hiểm cho lũ trẻ chúng tôi khi cắp sách đến trường phải vượt qua bao chiếc cầu khỉ lắt lẻo, gập ghềnh. Nhưng bà con quê tôi hầu như đã quen, năm nào lũ không về, ngồi chóng cằm, buồn trông đợi, lo lắng cho cái ăn của lúa và cây trái.
Chưa nói đến việc thèm món cá linh non nấu canh chua bông điên điển và kho mía. Tuy cá linh chế biến nhiều món ăn ngon như: làm mắm, kho mắm, lăn bột chiên giòn, bầm nhuyễn làm chả viên dùng nấu canh hay kho lạt, chiên…
Ngoài chế biến những món ăn ngon ấy, cá linh còn được ủ làm nước mắm đồng rất ngọt, thơm ngon. Nhớ lời ngoại kể, hồi thời Pháp thuộc, xăng dầu hiếm hoi, giá cao, người dân ngoài việc thắp sáng bằng đèn đốt từ nhựa từ trái mù u hoặc nấu cá linh để lấy mỡ thắp đèn.
Đó là thời của ngoại tôi, cá linh còn nhiều, chứ bây giờ đừng mơ được làm người nghèo thắp đèn bằng mỡ cá linh. Món ăn cá linh không đơn điệu với ẩm thực người dân quê mà nó trở thành món ngon của người dân thành phố. Cá đánh bắt không đủ cung cấp cho thị trường có đâu mà nấu lấy mỡ thắp đèn. Cái chính đáng lo khi lũ không về là những người dân chuyên sống bằng nghề “hạ bạc” đóng đáy, cào, chài lưới hay đặt dớn.
Xuồng ghe đánh bắt cá linh mùa nước nổi.
Chưa kể những giàn lưới đóng đáy theo những khúc sông. Tất nhiên, những ngư chài nghèo, buồn là cái chắc. Nhưng mưu sinh mà! Sông nước bao la, chim trời cá nước, trời biếu cho không chứ của riêng ai mà buồn mà giận. “Kình ngư vui thú kình ngư, tép tôm, tôm tép vui bề tép tôm”. Đứng trên bờ sông nhìn họ ra khơi, lòng tôi cũng náo nức muốn được lên ghe ra sông như bọn thằng Út, con Mẹo được cha nó cho đi theo phụ giúp.
Nhưng biết sao giờ, chỉ biết cầu mong cho dân xóm tôi chài được nhiều cá. Đón mua cho bằng được mẻ cá đầu tiên. Mẹ nói cá linh non, thịt mềm, thơm ngọt. Bởi mẹ không cho ra ruộng dùng chiếc rổ tre xúc hay cái gió lưới nhỏ mà lũ trẻ hay dùng. Cha thằng Út lấy tre chẻ đóng một cái chữ thập, phía trên có cây đòn buộc vào sợi dây,phía dưới bốn đầu thanh tre có bốn sợi dây buộc vào bốn góc tấm lưới. Chỉ cần đặt gió xuống sâu khỏi mặt nước ruộng,khi thấy bầy cá linh bơi vào phạm vi lưới tức thì nhấc đòn lên, bầy cá bị dính nằm trong lưới vùng vẫy sáng lấp lánh. Cũng phải thôi, mẹ lo sợ tôi ham mê phơi nắng dầm mưa bị bệnh không đi học được.
Tôi vâng lời mẹ, nhưng trong lòng rất ấm ức, rất dễ hiểu vì đó là thú vui chơi của bọn trẻ chúng tôi khi mùa lũ về, tha hồ bắt cá về chơi nhà chòi, tự nấu thưởng thức ngoài vườn. Bù đắp sự chờ đợi ấy bằng niềm vui chào đón những chiếc ghe, xuồng trở về bến. Khoảng xế trưa thì đoàn ghe, xuồng từ từ cặp bến, người lớn, trẻ con reo hò túm tụm nơi bến sông. Trong số đó, có người là mối bạn hàng bán cá ngoài chợ, và người thân, vợ, con của chủ ghe, có người là hàng xóm đợi mua cá. Tôi cũng là một trong số người chờ mua,bác Sáu giở tấm be xuồng lên, cầm chiếc rổ dạo dạo dưới lớp nước rồi giơ lên trút vào chiếc rổ tre của tôi với những chú cá linh còn sống oằn mình lấp lánh ánh bạc.
Là chòm xóm với nhau nên bác chỉ tính nhẩm, phỏng chừng nói giá tiền chứ không cân như bán cho bạn hàng ngoài chợ vào mua.
Hí hửng cầm chiếc rổ cá chạy riết lên nhà giao cho mẹ. Trong khi mẹ ngồi cắt vây, đuôi rồi dùng hai ngón tay móc nơi yết hầu cá, moi lấy phần ruột, mật bỏ. Sau đó, rửa sạch để cá trong rổ cho ráo nước. Tôi nhanh nhẹn lấy cái rổ tre thảy lên chiếc xuồng con, dùng cây sào tre chống xuồng ra ruộng, dọc hai bên mé, thấy nơi nào có cây điên điển thì chống xuồng vào cặp gần phía dưới gốc.
Đứng dưới xuồng với tay lên kéo nhánh cây xuống, từ từ lặt hái những đóa hoa vàng. Khi rổ đã đầy thì chống xuồng trở vào. Không biết thời ông bà ngoại tôi thì sao mà người ta thường nói. “Muốn ăn bông súng cá linh. Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Chứ thời của tuổi thơ tôi thì Ô Môn cũng có cá linh và bông súng để mà thưởng thức, đâu có cần chi qua Đồng Tháp cho xa.
Ra sau vườn nhảy ùm xuống ao, quơ một mớ cọng bông súng, cù nèo, rau nhút và chặt một cây mía. Rồi không quên leo thót lên cây dừa xiêm, thân thấp vặn cuốn hái một hay hai trái dừa. Ì ạch đem các món chiến lợi phẩm ấy vào nhà. Mẹ kêu chặt mía róc bỏ lớp vỏ cứng, chặt mía khoảng từ 5-7cm. Chẻ lóng mía theo chiều dọc thành 4 hoặc 6 thanh. Xong vạt mặt trái dừa trút nước vào cái tô lớn. Cá đã ráo nước, cho vào nồi nhôm nhỏ, đập vài tép tỏi, ớt hiểm cho vào ướp cùng chút nước màu, đường, nước mắm, chút dầu ăn hay mỡ nước. Xếp mía lót dưới đáy nồi, cho cá lên phần trên của mía. Đặt nồi lên lò lửa liu riu, khi nước mắm sôi bọt tràn phủ mình cá, cho nửa tô nước dừa vào.
Khi nước dừa sắp cạn cho nửa tô nước dừa còn lại vào tiếp tục kho lửa nhỏ. Vì thời gian cần cho cá thắm hương thơm và vị ngọt của mía nên phải kho từ 2-5 tiếng thì nhấc nồi xuống cho vào chút mỡ nước. Món này dành cho bữa cơm chiều. Trong thời gian kho, mẹ có thời gian lặt rữa rau các thứ và bông điên điển. Món cá kho mía có thể chấm với rau cù nèo, bông súng, rau nhút hay lục bình hoặc bắp chuối bào hay cây chuối xiêm con bào mỏng trộn với rau xà lách xắt nhỏ, rau thơm các loại.
Buổi chiều thật vui, gia đình tôi hội tụ quanh chiếc bàn gỗ tròn đặt ở căn phòng nhà sau. Gió từ sau hè thổi vào đem theo mùi hương thơm của lục bình, rơm rạ. Trên bàn thì hương thơm từ dĩa cá kho, tô canh chua bốc lên bên âm thanh của lũ chúng tôi nịn mẹ khen ngon. Quả thật ngon thiệt, khi gắp đũa rau chấm vào nước cá kho vị thơm giòn của rau hòa vị ngọt mằn mặn của nước mắm nấu chung với nước dừa, nước mía cùng vị ngọt béo của thịt cá linh. Vị nhân nhẫn của bông điên điển hòa cùng vị chua chua, ngòn ngọt của nước canh trộn lẫn tiếng rột rột của mấy đứa em tôi húp canh và tiếng hít hà cay từ vị ớt…
Giờ ra thành phố sống đã lâu, tuổi đời lớn, tôi ít được ăn lại hai món ngon này. Mỗi khi nghe lũ về thì từ vùng ký ức tôi nhắc nhở, chợt nghe thèm bữa cơm thời thơ ấu ở quê ngoại Ô Môn với món cá linh kho mía và canh chua bông điên điển ngon tuyệt trần.
Huỳnh Duy Lộc
Nguồn: Người Đô Thị Online