Thursday, November 5, 2020

KYOTO VÀ HUẾ

Tôi đã đến cả hai thành phố này. Và, thật không công bằng chút nào, tôi đến Kyoto nhiều lần hơn, thăm thú nhiều nơi ở Kyoto hơn so với Huế.

Cố đô Huế và Cố đô Kyoto. (Ảnh minh họa/Pixabay)

Cả hai thành phố đều là cố đô, đều có thành nội, cùng có cấm cung. Nhưng nếu ta đến Huế, ta sẽ thấy thành nội hay cấm cung đều là một bản thu nhỏ của thành nội Bắc Kinh và Tử cấm thành. Còn ở Kyoto thì nó rất khác, khác từ tổng thể cho đến kiến trúc, nhìn là biết ngay đó là Kyoto của Nhật Bản.

Nhưng chuyện lịch sử thì mỗi nơi mỗi khác. Vấn đề là chuyện bây giờ.

Lần đầu tiên đến Kyoto, tôi có hai cái ngạc nhiên. Cái ngạc nhiên thứ nhất là quạ nhiều vô kể. Chỗ nào cũng thấy quạ. Và ngạc nhiên thứ hai là tôi nhìn thấy rất nhiều những cái gì đó hình ống, bằng thủy tinh, rất to, cao ngang những tòa nhà lớn, chạy ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ, ở khu vực ngoại ô Kyoto.

Thì ra cái “con rắn” bằng thủy tinh đó là những con đường cao tốc. Hai bên đường cao tốc là vách kính cao 8m, uốn cong vào phía trong, nên nhìn từ bên ngoài, từ xa cứ như những ống thủy tinh. Tôi thắc mắc tại sao lại là vách kính, thì được giải thích: Vách là để ngăn tiếng ồn, còn kính thì để vẫn ngắm được cảnh. Tôi lại thắc mắc, tại sao ở ngoại ô, khu không có người ở mà vẫn phải ngăn tiếng ồn, thì được giải thích, để không làm kinh động cho lũ quạ.

Nijo Castle ở Kyoto

Lần đến Kyoto sau, vào khu vực trung tâm, tôi lại có hai cái ngạc nhiên. Thứ nhất là thành phố vắng vẻ quá mức so với Osaka sôi động kế bên. Và điều ngạc nhiên thứ hai giải thích cho cái thứ nhất. Đó là, tất tần tật, tàu điện ngầm, đường xe lửa thường, đường xe lửa Shinkansen, đường cao tốc… đều phải đi ngầm dưới đất.

Hầu như những hoạt động buôn bán, kinh doanh, hàng quán không mang dáng vẻ truyền thống đều phải đưa xuống dưới mặt đất hết. Ngay cả các hoạt động văn hóa mang sắc thái phương Tây cũng phải chui xuống đất, hoặc nằm sau những bức tường của những khu nhà mà bề ngoài thể hiện sự yên tĩnh một cách kì lạ.

Cứ mỗi lần đến Kyoto, tôi lại phát hiện ra một điều mới lạ. Nhưng có một điều mà lần nào đến Kyoto tôi cũng cảm nhận được. Đó là con người Kyoto rất dễ thương.

Nhìn chung, ở Nhật, khi bạn đi ra đường, lớp trẻ dễ thương và dễ tiếp xúc hơn so với lớp trung niên. Càng các cô gái trẻ đẹp, đi giày cao 15cm, nhuộm tóc xanh đỏ tím vàng, càng dễ thương và càng nhiệt tình, mến khách. Họ sẵn sàng bỏ cả công việc, đi một khoảng thật xa để chỉ đường cho bạn, nếu họ không thể diễn đạt bằng lời nói cho bạn hiểu.

Ở Kyoto thì đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ… đều lịch sự và dễ thương. Khác với Tokyo và Osaka, ở Kyoto có nhiều nụ cười hơn. Mặc dù là cố đô, nhưng ở đó người ta ít khép kín hơn so với những vùng khác ở Nhật. Và ở đó, ít có phố đèn hồng hơn nhiều so với Osaka hay Tokyo (hoặc có thể do phố đó nằm dưới đất nên tôi ít gặp).

Tôi không dám chắc là tôi biết nhiều về Huế như Kyoto, nhưng tôi thấy sự so sánh đôi khi rất là khập khiễng.

Hoàng thành Huế (Ảnh: vuongthanh91)

Chẳng hạn như nếu bạn so sánh Sài gòn với Singapore, thì sẽ thấy một thành phố đầy kẹt xe, khói bụi và cực kì lộn xộn với một thành phố sạch và có tổ chức. Hoặc bạn so sánh Hà nội với Paris, thì bạn phải tìm một nơi nào đó cao cao và nhìn xuống một Hà nội không có đường nét gì ngoài sự hổ lốn về kiến trúc, bạn sẽ thấy cảm giác của bạn khác như thế nào so với khi bạn đứng trên tháp Eiffel nhìn xuống một Paris chỗ nào cũng có bàn tay của những kiến trúc sư tài ba.

Có lẽ Huế không phải một ngoại lệ khi so sánh với Kyoto

Tôi viết bài này khi tình cờ đọc được những ý kiến so sánh các thành phố của ta với các thành phố nước ngoài. Phải nói là ai đó đã rất thành công khi giáo dục cho mọi người tinh thần lạc quan rất AQ.

Bs. Võ Xuân Sơn

No comments: