Đọt mây
Đọt mây nướng
Nói đến mây, người ta thường chỉ nghĩ đến việc dùng để đan lát. Nhưng không phải ai cũng biết đọt mây có thể chế biến thành món ăn rất đặc biệt. Với người dân Tây Nguyên, đọt mây rừng được coi là một món ngon quý hiếm. Bởi lẽ để có được món ăn này, họ phải vào trong rừng sâu, đi cả ngày trời tìm kiếm những đọt mây tươi ngon nhất.
Đọt măng có thể chế biến thành vô vàn món ăn hấp dẫn. (Ảnh: dulich.vn)
Mây là loại dây leo, thân mềm dài hàng chục mét, có vỏ gai dày đặc bao bọc. Muốn lấy được đọt mây phải chặt cây thành nhiều khúc ngắn để kéo tuột xuống dần. Khi gần đến đọt, có nhiều vòng gai ở ngọn móc vào các nhành cây xung quanh nên người đi lấy phải cẩn trọng, tránh bị gai đâm.
Đọt mây ngon đúng điệu được chọn từ những cây non tơ, bụ bẫm rồi tước bỏ phần vỏ gai cứng bên ngoài. Từ những lõi đọt mây trắng ngần có vị ngọt và đăng đắng, người ta biến tấu thành nhiều món ăn đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn. Trong đó có món đọt mây nấu ống, đọt mây nướng than hồng, nấu canh hay xào…
Đọt mây nướng dưới than củi hồng có hương vị rất thơm, bùi và không dai. Mặc dù món ăn có vị hơi đăng đắng nhưng lẫn trong đó, thực khách vẫn có thể cảm nhận được phảng phất độ ngọt, hương thơm cứ quyến luyến mãi đầu lưỡi.
Món đọt mây nướng chỉ “đúng bài” khi chấm với muối hột giã ớt bay, thêm chút nước cốt chanh. (Ảnh: baobinhdinh)
Sau khi chín, người ta xé đọt mây ra từng sợi chấm với muối giã nhuyễn cùng ớt xiêm trái bé xíu. Vị đắng, ngọt, thơm của món ăn hòa quyện cùng vị mằn mặn của muối, vị cay nồng của ớt mang đến cho người ăn một cảm giác thú vị và lạ miệng.
Hương vị của đọt mây mang lại cho du khách những cảm nhận thật nhất về cuộc sống, về phong tục tập quán, về truyền thống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Chỉ một bữa cơm quây quần bên nhau, thưởng thức vài miếng đọt mây ngọt bùi cũng đủ để nhớ mãi không quên.
Canh thụt
Hương vị của món canh thụt được làm nên nhờ các loại rau rừng. Đây không phải món ăn quen thuộc, có mặt thường xuyên trên mâm cơm của người Tây Nguyên mà chỉ được chế biến để thết đãi khách quý. Ít nhất có mười loại nguyên liệu được dùng để chế biến món canh này, trong đó phải kể đến các loại tôm, cá, chim tươi hoặc khô, nấu cùng với các loại rau rừng đặc trưng như củ nén, lá bép (còn gọi là lá nhíp), ớt và các loại gia vị.
Canh thụt được nấu trong ống lồ ô. (Ảnh: amthuccuoituan)
Tuy nhiên, cách chế biến độc đáo có một không hai chính là nét riêng của món canh này. Món ăn được nấu chín trong ống lồ ô. Theo kinh nghiệm của người dân, để có món canh thụt ngon nên chọn ống lồ ô kỹ càng. Nếu chọn cây non sẽ không ngon vì nhựa cây sẽ hăng đắng. Nếu chọn cây quá già, lửa sẽ làm nứt cây, canh sẽ chảy ra ngoài. Khi nấu không được dựng ống lồ ô thẳng đứng mà phải để nghiêng trên lửa, quay tròn để canh chín đều, đồng thời đun lửa riu riu đến khi các loại nguyên liệu nhuyễn thành một thứ hỗn hợp sền sệt như súp. Khi món canh chín, người ta thêm các loại gia vị như muối, ớt, một chút rau thơm vào là có thể dùng được.
Món canh chính chính là sự hòa quyện đặc biệt của các loại nguyên liệu: có vị đắng, cay, ngọt, bùi béo khiến ăn một lần nhớ mãi. (Ảnh: Internet)
Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm thấy mùi thơm của lá bép, vị cay của ớt, vị bùi, béo của đọt mây. Đặc biệt, khi ăn miếng đầu tiên, thực khách sẽ thấy có vị đắng của đọt mây tưởng như khó ăn, nhưng vị ngọt sẽ nhanh chóng lan tỏa, khiến muốn ăn thêm miếng nữa, và rồi đâm ghiền lúc nào không biết.
Theo nhiều già làng M’nông kể lại, món ăn này có từ rất xa xưa. Trước đây, khi mùa lễ hội đến hay vào dịp đón khách quý, các thiếu nữ M’nông thường phải lên rừng trước một ngày tìm nguyên liệu để làm canh thụt. Đây là món ăn rất tốt cho phụ nữ mới sinh, cho người già sức yếu và những em bé còi xương.
Hoàng Ngọc
No comments:
Post a Comment