Sunday, November 15, 2020

ĂN RAU NHI ĐỒNG

Giới đầu bếp vẫn gọi vui rau mầm là “rau nhi đồng”. Tên thì nghe có vẻ lạ tai nhưng thật ra loại rau này cũng không quá xa lạ vì người Việt đã quen thuộc với rau mầm từ rất lâu, mà phổ biến nhất là… giá sống. Nay, rau mầm thời hiện đại đã đa dạng lắm rồi.


Rau mầm là tên gọi chung cho nhiều thứ mầm non khác nhau, từ mầm đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng cho đến mầm cải bẹ xanh, cải củ, rau muống, tần ô, hành tây… mới lên cây chỉ độ vài ngày. Rau mầm nhỏ xíu và non tơ. Mỗi loại mầm đều có thứ vị riêng đặc trưng của từng loại rau, khi thì hăng hắc, lúc cay, nồng, ngọt, lạt… nhưng nhìn chung thứ nào cũng ngon miệng.

Món rau mầm xuất hiện nhiều trong các món ăn Âu

Rau mầm mềm, có thân không mọng nước bằng giá sống, nên chuyện chế biến không cần quá cầu kỳ mà chỉ sơ sơ là đủ, như thế mới giữ được chất “mộc”, chất tươi non và vị hăng hăng rất riêng của rau. Bởi vậy, cách chế biến rau mầm phổ biến nhất là làm rau ghém, rau trộn, các món cuộn hoặc ăn sống cho vui miệng. Nếu trộn, ướp hoặc nấu hơi lâu thì rau mầm sẽ nhũn, vị ngon cũng không còn. Vị cay the nồng cũng rất “bắt” nếu dùng rau này làm gỏi với thịt bò, thịt gà, cá, hải sản hoặc ăn kèm với lẩu mắm. Rau mầm còn có thể thay thế giá sống để cho vào món bánh xèo cho lạ vị, thơm hương.


Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì chưa phải là “đỉnh” của rau mầm. Cứ ngỡ những cọng rau bé xíu xiu ấy chẳng thể làm được gì ngoài món gỏi và salad, nhưng nếu một lần được ăn canh cải mầm hoặc rau mầm xào thịt mới thấy vị ngon trong thế giới ẩm thực quả là phong phú. Khi nồi nước dùng với tôm thịt đang sôi sùng sục, rau mầm được cho vào, đảo đều và bắc xuống ngay.

Cũng vị ngọt của tôm, của thịt quen thuộc, giờ có thêm chút giòn giòn, cay cay của rau mầm điểm nhẹ trong nước dùng, vậy là đủ! Vị ngon của canh cải mầm không cầu kỳ mà vẫn “dư” để khiến người ăn nhớ. Rau mầm xào thịt bò lại khác.


Có lẽ không có loại thịt thà nào hợp với rau mầm như thịt bò. Khi thịt xào vừa chuyển màu cũng là lúc cho rau mầm vào, đảo sơ rồi nhắc xuống ngay. Toàn bộ công đoạn nấu nướng chắc chỉ mất chừng hai phút. Đó là khi hơi lửa nóng chưa đủ làm rau mềm, nhưng chất nước thịt ngọt đã kịp thấm vào những cọng mầm thân trắng, lá xanh, khi ăn thấy khoái khẩu vô cùng.


Ngoài việc dễ chế biến, rau mầm còn có giá trị dinh dưỡng rất cao. Loại rau “nhi đồng” bé xíu này lại chứa rất nhiều vitamin (phong phú nhất là vitamin B, C, E) và các khoáng chất như sắt, kẽm…, hơn hẳn các loại rau “trưởng thành” quen thuộc. Đặc biệt, đây là thứ rau hoàn toàn sạch. Quả thật vậy, nếu tuân thủ đúng quy trình trồng trọt thì rau mầm không tiếp xúc với đất, không dùng phân bón, hóa chất nên chỉ cần rửa với nước là… quá sạch để ăn ngay.

Hiện nay, ngoài cách mua rau mầm tươi ở siêu thị và các chợ với giá từ 7.000 đến 15.000 đồng/hộp 200g, ngày càng có nhiều đầu bếp gia đình chọn cách trồng rau mầm ngay tại nhà. Cách trồng rau mầm rất đơn giản: hạt mầm được gieo trực tiếp trên bột xơ dừa và chỉ cần tưới nước sạch mỗi ngày. Sau gần một tuần, rau mầm cao 8-12cm thì có thể thu hoạch, cắt bỏ rễ và chế biến ngay. Đây vừa là cách để làm đẹp không gian, vừa tạo thêm một chút màu xanh bổ dưỡng cho bữa ăn hàng ngày.


Hiện nay, rau mầm mới chỉ xuất hiện nhiều trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn, là sự kết hợp ngon lành với cá hồi, thịt cừu, thịt bò… trong những món ăn mang hơi hướm châu Âu. Những bữa cơm rau mầm xem ra vẫn còn lạ lẫm với nhiều người. Nhưng có lẽ trong tương lai không xa, rau mầm sẽ bước ra khỏi những nhà hàng sang trọng để tiến vào bữa cơm thường nhật của mỗi nhà, bởi đơn giản nó là thứ rau xanh dinh dưỡng của thời hiện đại.

Hải Yến