Sunday, November 22, 2020

"GỌI NGƯỜI YÊU DẤU" - MỐI TÌNH OAN TRÁI Ở XỨ SƯƠNG MÙ

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và hoàn cảnh sáng tác “Gọi Người Yêu Dấu” – Mối tình oan trái ở xứ sương mù Đà Lạt


Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm là một sĩ quan cấp tá của quân lực VNCH trước 1975. Ông sáng tác từ rất sớm, nhưng đó chỉ là nghề tay trái, viết nhạc như là một thú vui. Ca khúc nổi tiếng và được khán giả yêu thích nhất của ông có lẽ là bài Gọi Người Yêu Dấu, nổi tiếng qua giọng ca Thanh Lan trước năm 1975.

Click để nghe Thanh Lan hát trước 1975

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đó nói về bài hát này như sau:

“Tôi viết Gọi Người Yêu Dấu vào năm 1969 trong một cuộc phiêu lưu tình cảm. Khi viết xong, ca sĩ Thanh Lan ghé nhà chơi. Tôi đưa cho cô và may mắn Thanh Lan đã đem về hát ở Đài Truyền Hình và các Đài Phát Thanh. Từ đó nhạc phẩm đuợc giới trẻ biết đến. Tôi rất nhớ ơn Thanh Lan đã chắp cánh cho Gọi Người Yêu Dấu của tôi đuợc bay xa và bay cao”.


Đây là một ca khúc được khởi đầu bằng một chuyện tình lâm li của chính nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm ở xứ Đà Lạt vào khoảng cuối thập niên 1960.

Khi còn ở độ tuổi thiếu niên, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã được người lớn sắp xếp mà hứa hôn với cô gái xinh đẹp tên là Dương Thị Năng – con gái út trong một gia đình trí thức, con của ông bà Dương Tự Ấp – là mục sư quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Hà Nội lúc đó.

Vợ chồng nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm năm 1954

Tháng 7 năm 1954, họ kết hôn với nhau và sau đó cùng di cư vào Nam. Vũ Đức Nghiêm phục vụ trong quân lực VNCH và được thuyên chuyển đi khắp nơi, từ Phú Quốc, Bình Thuận cho đến vùng Tây Nguyên, rồi xuống Vũng Tàu. Đi bất cứ nơi đâu, Vũ Đức Nghiêm cũng mang theo cả gia đình vợ con.

Theo thông tin từ người em ruột của nhạc sĩ viết trong cuốn “Vũ Đức Nghiêm anh tôi”, thì từ năm 1966, Vũ Đức Nghiêm là đại uý, được giao chức vụ Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn, tỉnh Tuyên Đức (tỉnh lỵ đặt tại thị xã Đà Lạt), và sau đó giữ nhiệm vụ Trưởng phòng hành quân, tiểu khu Tuyên Đức. Đồng thời ông cũng được giao việc quản lý một số biệt thự Pháp ở Đà Lạt.

Cùng thời gian này, một người quen của Vũ Đức Nghiêm ở Sài Gòn đã gửi gắm cho ông một cô “bồ nhí” 21 tuổi, đang mang thai được vài tháng. Người đẹp này phải đi “lánh nạn” một thời gian để chờ ngày sinh nở. Thông cảm cho hoàn cảnh oái oăm này, Vũ Đức Nghiêm đã đón cô gái về ở tại một ngôi biệt thự mà ông quản lý, nằm trên ngọn đồi nơi có ít người qua lại.


Người đẹp kia đi lánh nạn chỉ mang theo một vali nhỏ, và Vũ Đức Nghiêm phải đích thân đi mua những vật dụng cần thiết cho chuyến “vượt cạn” của cô, và mang thức ăn đến cho cô hằng ngày.

Ban đầu chỉ là muốn giúp bạn, cảm thương cảnh ngộ giai nhân phải đi trốn tránh thế gian. Nhưng với sự gặp gỡ, tiếp xúc hàng ngày, và hình dáng “mong manh như một cành lan” của người đẹp đã khiến nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm không cầm lòng được, dù cho lúc đó ông đã có 1 vợ và 7 con. Khung cảnh thơ mộng xinh đẹp của Đà Lạt hẳn là cũng góp phần vun vào cho cuộc tình ngang trái này.


Hoàn cảnh này được ông Vũ Trung Hiền, em trai của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm nói lại như sau:

“..Từ biết ơn, dẫn đến cảm phục con người hào hiệp chăm lo cho nàng, một người chưa hề quen biết, còn hơn cha của đứa trẻ đang nằm trong bụng nàng! Và một ngày nọ, người phụ nữ trẻ tuổi đã gục đầu lên ngực gã đàn ông 39 tuổi-một-vợ-bảy-con, khóc như mưa như gió!

Rất có thể nàng khóc để trút hết nỗi đắng cay, tủi nhục vì bị tình nhân lừa dối. Có thể đó cũng là những giọt lệ vui mừng, cảm động vì nàng mơ hồ thấy dường như thuyền mình đã tìm được một bến đậu. Bến đậu, dù tạm bợ, vẫn còn hơn lênh đênh giữa dòng, trong cơn bão tố… Cuộc tình đã cuốn Vũ Đức Nghiêm vào trong, như một cơn lốc dữ dội…”



Cuộc tình tạm bợ đó rồi cũng kết thúc rất nhanh mà không để lại hậu quả nào lớn, có lẽ cũng là nhờ sự khôn khéo lẫn bao dung của bà Dương Thị Năng – vợ của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm.

Một hôm, bà nhẹ nhàng bước vào phòng “cô gái lầm lỡ” kia ngay lúc chồng đang ngồi xỏ vớ vào chân cho người yêu để giữ ấm, vì trời Đà Lạt rất lạnh, đặc biệt là hồi 50 năm trước. Không ồn ào to tiếng, bà chỉ nhỏ nhẹ với chồng: “Anh ơi, sếp gọi anh…”

Chàng nhạc sĩ đã tình luống cuống đứng dậy đi ra khỏi phòng, và hình như đó cũng là lần cuối họ gặp nhau. Sau khi cô gái mẹ tròn con vuông đã được cha mẹ đón về. Ngày xưa mỗi khi có cô gái trẻ nào bị lâm nạn kiểu như vậy thì thường phải đi thật xa, sau khi xong xuôi thì lại trở về để che giấu chuyện động trời kia, giữ lại chút thanh danh cho gia đình.

Sau này, trong lần đi ngang ngôi biệt thự có nhiều kỷ niệm đó, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm thấy mủi lòng nhớ người xưa và sáng tác Gọi Người Yêu Dấu, trở thành ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông.

Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi
thương người xa xôi.

Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương.

Người yêu dấu ơi, sao lòng se sắt đầy vơi?
Người yêu dấu ơi, thu về tim vẫn đơn côi.
Người yêu dấu ơi, khi ngàn sao đêm lấp lánh.
Tâm hồn bâng khuâng, nhớ ngày vui đã qua nhanh.

Thương đôi mắt sao trời lung linh.
Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh.
Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình

Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng…
Thương em mong manh như một cành lan.



Có một người trong câu chuyện này đáng được nhắc đến, đó là vợ của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Sự bản lĩnh và khôn khéo của bà đã giúp giữ được chồng, giữ lại cha cho 7 người con thơ, giúp ông vượt qua những phút xao lòng để trở lại bổn phận của mình với gia đình.

Năm 2005, trong đêm nhạc “Vũ Đức Nghiêm – nửa thế kỷ viết ca khúc”, cố nhà báo Bùi Bảo Trúc đã bày tỏ:

“Người ta nói đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng một người phụ nữ. Còn ở đây chúng tôi xin sửa lại chút xíu, đằng sau mỗi ca khúc thành công là… sự bao dung của người phụ nữ. Thưa chị Vũ Đức Nghiêm, chúng tôi xin cảm ơn sự bao dung của chị vì nếu không có sự bao dung độ lượng ấy thì ca khúc “Gọi Người Yêu Dấu” đã không được chào đời và chúng tôi đã thiệt thòi biết bao vì không được nghe, được hát một nhạc phẩm dễ thương như thế”.

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm năm 2015

Chính nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng thừa nhận những lời mà nhà báo Bùi Bảo Trúc nói: “Phải nói bà xã tôi là người rất độ lượng. Tôi bay bướm nhưng vợ vẫn chung thủy. Bao năm tù cải tạo, vợ ở nhà nuôi con thay chồng và vẫn chờ đợi. Trong cơn lốc cuồng bạo của thời cuộc, khi người lính trở về, không gì quý báu bằng hình ảnh người vợ tựa cửa chờ mong”.


Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh năm 1930 tại Nam Định. Ông say mê âm nhạc từ thuở nhỏ và bắt đầu sáng tác vào năm 17 tuổi với ca khúc Bến May (1947), là một một tình ca.

Lúc thiếu thời, Vũ Đức Nghiêm theo học tại ngôi trường nổi tiếng là Trung Học Chu Văn An (Lycée du Protectorat – Trường Bưởi), Hà Nội.

Tháng 10 năm 1951, khi được 21 tuổi, ông gia nhập quân đội và theo học Khóa 1 – Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ.

Tháng 6 năm 1952, sau khi ra trường, Thiếu úy Vũ Đức Nghiêm được cử về phục vụ tại đồn Trung Lăng, thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An, gần Hải Phòng.

Tháng 8 năm 1953, ông được thăng cấp Trung úy, giữ chức đại đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn Khinh Quân 711, đồn trú tại các tỉnh Nam Định và Ninh Bình.

Tháng 7 năm 1954, Vũ Đức Nghiêm lập gia đình và di cư vào Nam, tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Ông được cử về đồn trú tại tiểu khu Dương Đông, thuộc đảo Phú Quốc.

Tháng 3 năm 1956, Vũ Đức Nghiêm được thuyên chuyển về Trung Đoàn 7, thuộc Sư Đoàn 3 Dã Chiến đóng tại Sông Mao, Bình Thuận.

Tháng 1 năm 1963, ông được thăng cấp Đại úy, phục vụ tại Sư Đoàn 22 Bộ Binh.

Năm 1966, ông nhận công tác tại tỉnh Tuyên Đức, là nơi xảy ra “sự kiện Gọi Người Yêu Dấu” năm 1968.

Năm 1973, sau 22 năm phục vụ trong quân đội, Đại úy Vũ Đức Nghiêm mới được phong chức Thiếu tá và được cử làm huấn luyện viên cho môn tiếp vận tại Trường Chỉ Huy và Tham Mưu Long Bình, Vũng Tàu.

Trong khoảng thời gian từ năm 1954-1975, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sáng tác nhiều tình ca và quân nhạc, được thu âm và phát trên Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Sau năm 1975, với hàm thiếu tá, Vũ Đức Nghiêm bị giam giữ đến 13 năm 2 tháng 16 ngày qua hàng chục trại khác nhau từ Nam chí Bắc. Trong thời gian này ông có sáng nhiều ca khúc, chủ yếu là nhạc về Thiên Chúa. Những bài hát này theo chân những người tù được thả ra ngoài, được hát trong các Hội Thánh Tin Lành cả trong và ngoài nước.

Ngày 4/9/1988 ông mới được trả tự do và trở về trong vòng tay của người vợ vẫn một lòng chung thuỷ đợi chờ.


Cuối năm 1990, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và gia đình sang đinh cư tại San Jose, California theo diện HO cho đến khi ông qua đời năm 2017, hưởng thọ 87 tuổi.

Đông Kha (biên soạn)
Nguồn:nhacvangbolero.com 


No comments: