Trong văn hóa Ả Rập, những người khách sẽ được trao cho chén cà phê thứ hai được làm ra. Chén đầu tiên được gọi là al heif, được chủ nhà nếm thử trước để các vị khách biết rằng cà phê ngon. Chén thứ hai rót ra được gọi là al keif, các vị khách sẽ sử dụng tay phải để cầm chén. Tuyệt đối không dùng tay trái. Và nếu bạn có rất thích món cà phê này thì cũng chỉ được uống tối đa 3 chén.
Tại Jordan, người ta uống cà phê theo cách rất nghiêm túc. Tác giả bài viết đến từ Croatia, nơi cà phê là một cách sống. Chính vì thế, trải nghiệm với cà phê ở một nơi thậm chí còn nghiêm túc hơn cả đất nước mình, đối với anh đó là một cuộc phiêu lưu văn hóa thú vị. Ở đây, uống cà phê Arabic với chút bạch đậu khấu tươi là một nghi lễ được cách điệu với những quy tắc cố định. Nó cũng có tiếng nhạc và chất thơ của riêng mình.
Buổi trưa ở Dana Biosphere – Khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Jordan, tại căn lều đặc trưng của người Ả Rập, trang trí bằng lông dê của ông Abu Mohammed, Suleiman hắng giọng rất to như để thông báo rằng có một nhóm đang đến. Đây là hoạt động của nhà nghỉ, kết nối với cộng đồng dân A Rập xung quanh để có thể giới thiệu văn hóa, các loại hình truyền thống của người dân tới du khách.
Abu Mohammed chào đón những người bạn mới bằng nụ cười tế nhị và vóc dáng mảnh khảnh. Trong chiếc dishdasha (áo choàng dài tay truyền thống cho đàn ông Ả Rập), trên đầu quấn chiếc khăn ca-rô nàu đỏ và trắng, ông bắt đầu công việc của mình. Ngọn lửa nổi lên và gỗ cháy tí tách, cây chổi trắng và cây keo dùng để rang cà phê. Người cháu trai 10 tuổi của ông đứng bên cạnh với ánh mắt tò mò và sẵn sàng học hỏi. Cà phê chỉ được pha bởi đàn ông là truyền thống đã duy trì qua hàng trăm năm.
Điều kỳ diệu xảy ra sau đó. Abu Mohammed đổ hạt cà phê rang vào một cái cối, dùng chày giã xuống theo một nhịp đều đặn, mê hoặc. Tất cả mọi người trở nên yên tĩnh như bị cuốn hút vào thứ âm nhạc tự nhiên ấy.
Mehbash là chiếc máy xay cà phê truyền thống. Nó được những người đàn ông Ả Rập sử dụng nhịp nhàng như đang chơi cùng món đồ chơi quen thuộc, thú vị của mình. “Đó là âm thanh của sự hiếu khách”, Suleiman giải thích. “Khi bạn nghe thấy âm thanh ấy, bạn biết rằng ngôi nhà đang tiếp những vị khách quý”.
“Chúng tôi thích làm thơ. Cuộc sống của chúng tôi rất tự nhiên, không căng thẳng và luôn giữ trạng thái tinh thần tích cực. Chúng tôi thường viết về cà phê, từ màu sắc của hạt cà phê, đến các công cụ pha, những chiếc tách và cả ngọn lửa khi chúng tôi rang cà phê nữa”. Suleiman chia sẻ thêm.
Mohammed đổ cà phê rang đầy nồi, thêm hạt thảo quả xanh, tiếp tục đung sôi. Khi cà phê đã sẵn sàng, ông dùng al heif, nếm tách cà phê đầu tiên theo đúng nghi lễ. Những tách cà phê được chia đều đến tất cả khách khứa trong lều. Tuy nhiên, chỉ có một chút cà phê trong mỗi tách.
Suleiman nói: “Không nên có quá nhiều cà phê trong cốc, nhưng nó phải nóng, cực kì nóng”.
Sau khi dùng hết ly của mình, nếu không muốn ly thứ hai, bạn lắc nó, xoáy cổ tay vài lần để mọi người biết bạn đã kết thúc. Nếu muốn uống thêm tách thứ hai, bạn đưa nó lại cho chủ nhà mà không lắc ly. Sau ba chén, bạn lắc chiếc ly, cho thấy sự từ chối của bạn cho ly thứ tư bị cấm.
Ngọc Anh (Theo Fathom)
No comments:
Post a Comment