Thursday, November 26, 2020

NẾU LUÂN HỒI LÀ CÓ THẬT, TẠI SAO CON NGƯỜI LẠI KHÔNG NHỚ ĐƯỢC KIẾP TRƯỚC?

Con người có kiếp trước và kiếp sau không? Nếu như có thì tại sao nhiều người trên thế gian không có ấn tượng gì về kiếp trước của họ? Thậm chí không biết sẽ đi đâu sau khi chết? 

“Canh Mạnh Bà” còn được gọi là “Mê hồn thang”, là dùng các vị thuốc của thế tục mà tạo thành một loại canh, trông giống như rượu nhưng không phải rượu. (Ảnh: Fotolia)

Theo sử sách, Mạnh Bà sinh ra vào thời Tây Hán, thuở nhỏ bà hay đọc kinh điển của Nho gia và cũng rất cung kính tụng niệm kinh Phật. Khi còn sống, bà đã tu luyện tới cảnh giới “phàm hữu quá khứ chi sự bất tư , vị lai chi sự bất tưởng” (quá khứ không nhớ tới, tương lai không mong cầu).

Có thể nói là trong tâm không có tạp niệm, chỉ toàn tâm khuyên nhủ mọi người không nên sát sinh mà nên ăn chay. Cho đến năm 81 tuổi bà nhìn vẫn rất khỏe mạnh và vẫn là trinh nữ, mọi người gọi bà là “bà Mạnh Bà”. Sau đó, bà vào một ngọn núi lớn để tu hành và đắc đạo trở thành tiên.

Vào thời Đông Hán, thường có người biết về nhân quả tiền kiếp, thích bày trò đùa giỡn, dùng thuật số khiến người trong thế gian nhận nhầm thân nhân kiếp trước, làm nhiễu loạn thế tình.

Để tránh điều này xảy ra, Thiên thượng đã ra lệnh cho Mạnh Bà làm thần nơi âm phủ, và cho phép tuyển chọn các qủy sử cho mình, đồng thời xây dựng Tỉnh Vong Đài (còn được gọi là “Mạnh Bà đình”).

Những quỷ hồn ở điện thứ 10 được định ra là chuyển sinh thành người đều sẽ được giao vào tay của thần Mạnh Bà, Mạnh Bà sẽ cho họ uống “canh Mạnh Bà”. Sau khi uống hết bát canh này, tất cả những việc yêu hận tình thù của kiếp trước sẽ bị xóa sạch không còn lưu lại chút gì. Bọn họ một lần nữa lại tiến nhập vào danh lợi tình nơi thế gian, trong mê mờ mà tìm kiếm con đường chân chính để trở về nguồn gốc thực sự của mình.

Phàm tất cả các quỷ hồn nam nữ đã giao cho Mạnh Bà để đi đầu thai thì đều phải uống “canh Mạnh Bà”, bất kể uống nhiều hay ít. Nếu có một quỷ hồn giở trò xảo quyệt không chịu uống, dưới chân nó sẽ xuất hiện một cái dao móc ngăn lại, và một ống đồng sắc nhọn sẽ đâm vào cổ họng, ép nó phải uống.

Những quỷ hồn ở điện thứ 10 được định ra chuyển sinh thành người đều được giao vào tay của thần Mạnh Bà, Mạnh Bà sẽ cho họ uống “canh Mạnh Bà”. Bức tranh do họa sĩ Nhật Bản Tosa Mitsunobu vẽ dòng sông Minh Hà trong bức tranh Thập Vương. Người Trung Quốc gọi nó là sông “Vong Xuyên”hay sông “Nại Hà”. (Ảnh: Epoch Times)

“Canh Mạnh Bà” còn được gọi là “mê hồn thang”, là dùng các vị thuốc của thế tục mà tạo thành canh, trông giống như rượu nhưng không phải rượu. “Canh Mạnh Bà” được chia thành năm vị: ngọt, đắng, cay, chua và mặn.

Người ta nói rằng sau khi uống “canh Mạnh Bà”, những người sống trên thế gian là người tốt, có thể khiến cho mắt, tai, mũi, lưỡi và chân tay của họ trở nên tinh hơn, sáng hơn, mạnh hơn và khỏe hơn trước;

Những người sống trên thế gian làm điều ác sẽ khiến cho giọng nói, thần trí, hồn phách, khí huyết, tinh thần của họ không ngừng bị tiêu hao, dần dần trở nên mệt mỏi yếu nhược, mục đích là khiến người đó cẩn thận coi chừng, hối cải, và từ từ trở nên thiện lương hơn.

Sau khi qủy hồn uống xong “canh Mạnh Bà”, nó bị quan sai ở dưới âm phủ đưa ra khỏi lối đi, đẩy lên một cây cầu trúc nối bằng dây gai, dưới chân cầu là dòng nước đỏ chảy ngang. Nhìn về phía trước từ trên cầu, trên tảng đá đỏ ở bờ đối diện, có bốn câu thơ:

為人容易做人難
再要為人恐更難
欲生福地無難處
口與心同卻不難

Vi nhân dung dị tố nhân nan
Tái yếu vi nhân khủng cánh nan
Dục sinh phúc địa vô nan xứ
Khẩu dữ tâm đồng khước bất nan

Tạm dịch:

Làm người dễ dàng làm người khó
Lại muốn làm người càng khó hơn
Muốn sinh cõi phúc không gian khổ
Miệng và Tâm cùng làm không khó

Trong khi những qủy hồn đang quan sát, hai quỷ lớn từ phía bờ bên kia nhảy ra và đẩy họ xuống vùng nước đỏ. Những người có căn khí đạo hạnh không sâu, cảm thấy vui mừng khi có thể may mắn tái sinh trong cơ thể con người; những người có căn khí đạo hạnh thâm sâu thì khóc lóc thảm thương, hối hận khi còn sống công đức tu luyện chưa đủ để xuất khỏi thế gian, khiến thân thể thống khổ khó dứt ra. Họ chỉ nhìn thấy hồn phách của nam và nữ, theo nguyên nhân của từng người mà đầu thai trong các ngôi nhà khác nhau, chờ đợi để giáng sinh.

Điện thứ mười Chuyển Luân Vương thuộc quản lý của đình Mạnh Bà. (Ảnh: Epoch Times)

“Canh Mạnh Bà” trong “Ngô hạ ngạn giải” của Vương Hựu Quang ở triều đại nhà Thanh, Vương Hựu Quang đã mô tả một phiên bản khác của Mạnh Bà khi cho những qủy hồn đầu thai uống canh.

Sau khi một người chết, nơi đầu tiên anh ta đi qua là Mạnh Bà trang. Các quan sai ở dưới âm phủ áp giải các quỷ hồn qua các bức tường của Mạnh Bà trang, đến điện Diêm vương để xét xử. Phàm tất cả những quỷ hồn được chuyển thế đầu thai, sẽ từ Mạnh Bà trang trở lại làm người nhân thế.

Có một người phụ nữ lớn tuổi đứng ở cửa Mạnh Bà trang để gọi mọi người tới, bước lên cầu thang và tiến vào bên trong, họ nhìn thấy rường cột chạm trổ, thềm lát bằng đá Chu Lan, và những tấm rèm làm bằng châu ngọc và bàn lớn chạm ngọc.

Sau khi đã vào phòng, bà lão gọi ba cô gái xinh đẹp ra, đó là Mạnh Khương, Mạnh Dung và Mạnh Qua, Cả ba người đều mặc váy đỏ, áo xanh, nhẹ nhàng gọi lang quân, rồi lấy tay phủi chiếu mời mọi người ngồi xuống.

Sau đó, người hầu gái đưa trà lên. Ba nàng dâng mời trà, vòng ngọc kêu tiếng vui tai, từng hồi tỏa hương thơm ngát. Với sự ân cần như vậy, thật khó để từ chối không uống.

Sau ngụm đầu tiên, cảm thấy mát mẻ vô cùng, không thể không uống hết. Uống đến cuối cùng, bỗng thấy một chút bùn đục. Lại nhìn lên thì thấy ba mỹ nữ và bà lão đã biến thành bộ xương, các chạm khắc hoa văn đều trở thành gỗ mục, không nhớ bất kể việc gì kiếp trước nữa. Trong cơn hoảng loạn, anh ta đột nhiên khóc và ngã xuống đất, rồi trở thành một đứa bé không biết gì.

Tất nhiên, trên thế giới này vẫn có một số ít người sau khi chuyển sinh vẫn còn nhớ được tiền kiếp, đó là do họ vì một lý do nào đó đã không uống “canh Mạnh Bà” hoặc uống rất ít, có thể đây cũng là an bài của Thần. Thông qua sự xuất hiện của họ để nói với con người thế gian đang sống trong mê rằng: Nhân quả luân hồi thực sự tồn tại.

Dương Quang