Crab Rangoon
Khi một món ăn nổi tiếng được lấy theo tên một thành phố hoặc quốc gia, bạn nghĩ rằng đó là nơi khai sinh ra chúng. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Nguyên nhân có thể là do “tam sao thất bản” dẫn đến việc nhầm lẫn, như món gà cay Nashville thực chất có nguồn gốc trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Tennessee. Hoặc có thể do tiếp thị, chẳng hạn bánh kem lạnh nướng Alaska, vốn là tác phẩm của một đầu bếp New York làm ra để chào mừng Mỹ mua lại Alaska thành công từ tay người Nga năm 1867.
Thông thường, tên những món ăn nổi tiếng hướng tới thu hút thực khách và ảnh hưởng đến người ăn. Ken Albala, nhà nghiên cứu thực phẩm của trường University of the Pacific, cho biết: “Bạn sẽ muốn thứ gì đó cộng hưởng với thực khách và phải nổi bật so với đối thủ.”
Albala, tác giả cuốn sách ẩm thực Eat Right In The Renaissance và Nuts: A Global History, cho biết một số cái tên món ăn gây ra nhầm lẫn. Chẳng hạn, người ta nghĩ rằng gà tây đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ vì gà tây trong tiếng Anh là turkey, nhưng từ này khi được viết hoa cũng chỉ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Hành trình đi ra thế giới của món gà Kiev
Một ví dụ hoàn hảo là món gà Kiev. Công thức cơ bản: thịt gà chiên giòn với bơ. Nghe đơn giản nhưng làm thì chẳng dễ tí nào. Bạn có thể làm hỏng phần bơ khi cắt miếng gà. Điều quan trọng là, nó chẳng hề đến từ Ukraine.
Món ăn nổi tiếng gà Kiev thực chất lại phổ biến trong bữa tiệc của phương Tây thập niên 60-70. Ảnh: deliciousmagazine
Đầu bếp Bonnie Morales, đồng sở hữu nhà hàng Kachka ở Portland, lần đầu tiên nếm thử món ăn này khi cha mẹ, vốn là di dân từ Nga, làm cho cô ăn theo chương trình hướng dẫn nấu ăn trên TV vào những năm 1990. Họ chẳng hề hay biết nguồn gốc Belarus của món ăn hấp dẫn này.
Nhiều năm sau, gà Kiev trở thành món ăn nổi tiếng trong thực đơn của Kachka. “Chúng tôi lo lắng mọi người không ưa món ăn Nga. Vì vậy, chúng tôi đã điều chỉnh để nó hợp khẩu vị với người Mỹ. Dù sao cũng chỉ là gà chiên nhồi bơ thôi mà.”
Món gà Kiev phong cách Buffalo. Ảnh: womansday
Món gà Kiev xuất hiện lần đầu tiên trên thực đơn của người Nga vào cuối thế kỷ 19, và rất được quý tộc Pháp yêu thích. Ban đầu, nó được làm với thịt xay, thường là thịt lợn, đôi khi là thịt bê hoặc thịt gà, và chiên lên, trông giống như bánh hamburger hình bầu dục.
Công thức món gà Kiev đã trở nên phổ biến ở Nga đầu thế kỷ 20 (đặc biệt là tại chuỗi khách sạn Intourist). Đến thập niên 60, tên của món ăn đã được Tây hóa, thành “gà Kiev” như chúng ta biết ngày nay. Và nó đã biến thành món ăn đầu bảng trong các bữa tiệc tối của người Anh và Mỹ.
Món gà Kiev với khoai tây và đậu. Ảnh: Tony Worrall Photography/Flickr
Thực tế, món gà này chẳng hề nằm trong tầm ngắm của đầu bếp Kiev cho đến những năm 1970, khi thực khách bắt đầu yêu cầu được phục vụ. Rất nhanh chóng, Kiev đã “bắt” lấy cái tên “gà Kiev”. Giờ, món gà Kiev này đã trở thành món ăn nhẹ có thể mang theo người. Phiên bản cao cấp hơn với gan ngỗng và súp lơ đã xuất hiện ở Fairmont Grand Hotel Kyiv. Năm 2018, một tác phẩm điêu khắc món gà bằng đồng đã trở thành hình ảnh biểu tượng của thành phố Kiev!
Giờ thì gà Kiev đã thực sự nổi tiếng ở Kiev. Ảnh: hoogys
Món hoành thánh mượn tên
Một số món ăn nổi tiếng có cái tên là tác phẩm tiếp thị. Chẳng hạn, với món hoành thánh cua chiên giòn (Crab Rangoon), bên trong lớp vỏ hoành thánh chiên giòn là loại kem phô mai, nước sốt ớt và sốt HP thực chất không hề có ở châu Á.
Món hoành thánh cua chiên giòn (Crab Rangoon) chẳng dính dáng gì đến Yangon, Myanmar cả. Ảnh: thespruceeats
Yangon được mượn danh để làm thương hiệu cho món ăn. Ảnh: Eats & Retreats/Flickr
Lần đầu tiên được phục vụ ở Trader Vic’s thập niên 50, Crab Rangoon đến nay vẫn là món khai vị bán chạy nhất của chuỗi nhà hàng rải từ Atlanta đến UAE này. Eve Bergeron, người phát ngôn của Trader Vic’s, cháu của nhà sáng lập, thừa nhận: “Đó là một món ăn bất ngờ được kết hợp từ các thành phần kỳ lạ bằng kỹ thuật châu Âu.”
Món thịt nướng London nổi tiếng thực ra lại sử dụng “công nghệ” Mỹ. Ảnh: Delish
Bánh chocolate Đức nhưng lại có nguồn gốc từ nước Mỹ. Ảnh: tatyanaseverydayfood
Những món ăn nổi tiếng có hoàn cảnh tương tự có thể kể đến như thịt nướng London nhưng lại sử dụng kỹ thuật nấu bít tết của người Mỹ, hay bánh chocolate Đức thực ra lại có nguồn gốc từ Texas. Món bánh chocolate này thậm chí còn chẳng đến từ dân nhập cư châu Âu nào. Công thức được lan truyền trên tờ Dallas Morning News năm 1957, lấy cảm hứng từ món bánh chocolate của Baker’s German’s – thương hiệu của nhà sản xuất bánh kẹo người Mỹ Samuel German.
Bánh kem lạnh nướng Alaska. Ảnh: Delicious Magazine
Tương tự gà Kiev, bánh kem lạnh nướng Alaska “sinh ra” ở New York cuối cùng cũng “trở về nhà”. Món bánh kem này giờ đã phổ biến ở khu nghỉ mát Alyeska Resort, dãy Chugach, Alaska.
Vịt quay Bắc Kinh lại giữ được cái tên quê hương
Đôi khi, vẫn có những món ăn nổi tiếng mang đúng tên nơi khai sinh. Chẳng hạn, vịt quay Bắc Kinh chính là món ăn phổ biến ở thành phố này. Món cánh gà Buffalo ra đời năm 1964 tại thành phố cùng tên ở bang New York. Bánh waffle Bỉ “sinh ra” ở Bỉ. Pho mát Philadelphia thực sự đến từ thành phố tình yêu này.
Vịt quay Bắc Kinh thực sự đến từ Bắc Kinh. Ảnh: cudo
Vịt quay Bắc Kinh từng là món ăn phục vụ cho hoàng đế Trung Quốc thế kỷ 13. Ấn bản đầu tiên viết về món ăn được xuất bản năm 1330. Sau này, nó dần trở thành một món ăn phổ biến với số đông, tràn cả ra bên đường phố.
Ngày nay, vịt Bắc Kinh được vỗ béo trước khi được làm thành món ăn. Vịt được làm sạch, sơ chế, sấy khô, tẩm ướp với gia vị, lại sấy khô và quay lên. Kết quả là món thịt vịt đậm đà, giòn, vàng ruộm và trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của nền ẩm thực Trung Quốc đối với du khách quốc tế.
Vịt quay Bắc Kinh phiên bản gia đình. Ảnh: hellofresh
Bianyifang, nhà hàng đầu tiên chuyên về vịt quay Bắc Kinh, khai trương năm 1416 ở Bắc Kinh. Một chi nhánh được xây dựng năm 1855 vẫn còn hoạt động đến ngày nay. Bạn có thể thử vịt quay Bắc Kinh ở đó, hoặc ở Quanjude khai trương từ năm 1864.
Độ ngon của mỗi công thức vịt quay Bắc Kinh gây tranh cãi, chứ người ta không hề phải băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ của nó. Ảnh: Tom Davidson/Flickr
Người dân địa phương hay tranh cãi xem công thức của nhà hàng nào thì tốt hơn. Chỉ có một thứ chẳng phải bàn cãi, chính là cái nôi của vịt quay Bắc Kinh. Trong trường hợp món ăn nổi tiếng này, nó đã được lấy tên đúng nơi khai sinh.
Phong Sa
Theo Báo Thể Thao Việt Nam