Monday, November 30, 2020

NÚI CÔN LÔN: NƠI Ở CỦA THẦN VÀ BIỂU TƯỢNG CỦA TRỤC VŨ TRỤ MUNDI

Núi Côn Lôn là biểu tượng của trục vũ trụ Mundi được các truyền thuyết Trung Quốc cổ xưa nhắc đến. Tương truyền, ngọn núi linh thiêng này là nơi ở của các thần, linh thảo và linh vật huyền thoại. Sự tồn tại của nó còn được dùng để định hình lịch sử Trung Quốc.

Núi Côn Lôn. (Ảnh qua chinaweekly.cn)

Núi Côn Lôn được xếp vào một trong những dãy núi dài nhất châu Á, trải dài hơn 3.000 km, hình thành ở rìa phía Bắc của cao nguyên Tây Tạng và ở phía Nam lòng chảo Tarim. Vành đai phía Bắc của dãy núi chính nhánh phía Nam của con đường tơ lụa – tuyến đường thương mại nổi tiếng kết nối Trung Quốc với Trung và Tây Nam Á.

Vẻ đẹp của núi Côn Lôn đi cùng sự nguy hiểm và bí ẩn. Có lẽ vì thế mà cổ nhân chọn nơi độc đáo và không dễ tiếp cận này để ẩn cư tu đạo.

Núi Côn Lôn trong thần thoại và truyền thuyết

Nhiều lần xuất hiện trong thần thoại và truyền thuyết cổ xưa, thế nhưng địa điểm chính xác của núi Côn Lôn được đề cập đến là bất đồng. Người Trung Quốc cổ đại xem Côn Lôn là nguồn gốc của nền văn minh Trung Hoa và khởi nguồn của Hoàng Hà. Các tư liệu cổ xưa khác nói rằng có 4 dòng sông bắt nguồn từ Côn Lôn, đó là sông Hồng Hà, Hoàng Hà, Hắc Ngọc Hà và Dương Tử.

Dòng sông thứ 5 chảy quanh núi Côn Lôn cùng những cồn cát di động để ngăn con người leo lên tầng thượng của ngọn núi. Và theo các truyền thuyết xuất phát từ Đạo giáo, chỉ những ai có thần thông mới có thể vượt qua chướng ngại để lên đỉnh núi.

Những câu chuyện kể về người tu luyện, thần tiên, các loại kỳ hoa dị thảo, các linh vật thường sống trên núi đã đi vào huyền thoại.

Người Trung Hoa cổ đại thường để lại những câu chuyện về sự linh thiêng của các cây cổ thụ. Họ cho rằng cổ thụ có thể liên kết thế giới phàm trần và cõi tiên. Trong Kitô giáo cũng có cây cọ Phục sinh và cây Giáng sinh. Đa số các nền văn minh trung bộ châu Mỹ cổ đại đều ca ngợi quyền năng của Cây bông gòn. Người Mỹ da đỏ xem cây tuyết tùng là loài cây linh thiêng nhất. Yggdrasil là cây sự sống vĩnh cửu và thiêng liêng trong thần thoại Bắc Âu. Ở Ấn Độ, cây Kalpa Kalpavriksha là cây ước nguyện cổ xưa.

Còn tích xưa Trung Quốc kể lại rằng, lên đến núi Côn Lôn ta sẽ thấy những cây ngọc bích, còn có cây sự sống và loại hoa quả ăn vào khiến người trường thọ. Tây Vương Mẫu – vị nữ thần trong văn hóa Trung Hoa, có nơi còn đồng nhất hóa bà với Nữ hoàng Sheba trong kinh Thánh – sở hữu một cung điện tráng lệ trên núi Côn Lôn. Trong vườn của bà có trồng những cây đào tiên rất lâu năm, cứ 3.000 năm quả lại chín. Trên núi có sếu, hổ, chim và những loại thú vật kỳ dị chỉ xuất hiện trong thế giới thần thoại.

Cũng theo thuyết cổ, Chu Mục vương (976-922 TCN) thời nhà Chu đã từng lên thăm núi Côn Lôn. Ông lấy làm ngạc nhiên khi thấy một cung điện bằng ngọc đẹp đẽ phi thường của Hiên Viên Hoàng đế trong truyền thuyết. Khi lên núi, Chu Mục vương cũng được gặp Tây Vương Mẫu.


Người ta còn cho rằng Núi Côn Lôn chính là Núi Tu Di, ngọn núi năm đỉnh linh thiêng trong vũ trụ học của Ấn Độ giáo, và Phật giáo. Núi Tu Di được coi là trung tâm của tất cả các vũ trụ vật chất, siêu hình, tâm linh và là trục của thế giới. Nhiều vị thần đều có thiên quốc của họ trên núi Tu Di.

Vì trong thần thoại Trung Quốc cổ đại có nhiều bản ghi chép về các ngọn núi thiêng, nên đôi khi núi Côn Lôn bị nhầm lẫn hoặc được xác định là Núi Bồng Lai, nơi Bát Tiên cư ngụ.

Trong suốt lịch sử Trung Quốc, người ra luôn cố tìm ra vị trí của núi Bồng Lai tiên cảnh huyền thoại nhưng chưa ai thành công. Ở nơi đó, mọi sinh linh đều một màu trắng, cung điện bằng vàng và bạch kim, trên cây mọc ra đồ trang sức. Nếu chốn Bồng Lai thực sự tồn tại thì hẳn là đã được các vị thần tiên che giấu khỏi tầm mắt người phàm.

Núi Côn Lôn có tầm quan trọng trong lịch sử vĩ đại

Dân tộc Trung Quốc từ xa xưa đã tôn sùng núi Côn Lôn. Người ở thời nhà Tần, triều đại đầu tiên của Đế quốc Trung Hoa từ năm 221 đến 206 TCN, đã phát triển một mô hình vũ trụ đặc biệt mô tả trời và đất là đại diện của các vị thần. Quan điểm vũ trụ học này cũng là một yếu tố chính trị và các vị quân vương đã dùng để thống nhất đất nước.

Núi Côn Lôn trở thành biểu tượng của Hoàng đế, và vì thế nó khiến người dân trong nước cảm thấy kết nối gần gũi nhau hơn.

Giới khảo cổ đã phát hiện ra các bản khắc bằng xương và đồng của các triều đại nhà Thương và Chu, cho thấy người thời đó rất tôn sùng núi Côn Lôn.

Truyền thuyết về núi Côn Lôn vẫn còn giữ được giá trị. Những bài thơ hiện đại và các tác phẩm văn học vẫn đang ca ngợi về thiên đường tuyệt vời và bí ẩn này. Một số bức tranh về núi Côn Lôn, các vị thần và phong cảnh trên núi cũng được vẽ để miêu tả các sự kiện diễn ra ở chốn thiên đường này.

Tiểu Phúc, theo ancientpages

Ý NGHĨA THẬT SỰ CỦA CỜ "ĐẦU LÂU XƯƠNG CHÉO"

Ý nghĩa thật sự của cờ ‘đầu lâu xương chéo’, ngay cả hải tặc cũng có thể chưa biết

“Jolly Roger” là một cụm từ rất quen thuộc với các bạn trẻ, qua những bộ phim bom tấn của Mỹ về những tên cướp biển vùng Caribe. Đây là cụm từ chỉ lá cờ những tên cướp biển khét tiếng dùng để uy hiếp đối tượng bị cướp, và như một biểu tượng nhằm phân định ranh giới quyền lực giữa các tàu Hải tặc với nhau trên biển.


Tuy nhiên, thật thú vị khi tìm hiểu và được biết cụm từ “Jolly Roger”, vào đầu thế kỷ 17, được dùng để chỉ những người bạn vui tính, thân thiện, hoàn toàn không có chút liên quan gì đến hình ảnh những tên cướp biển man rợ và độc ác, cũng như những lá cờ kỳ dị mà bọn chúng thường trang trí trên tàu với cái đầu lâu và bộ xương bắt chéo.

Vậy do đâu và từ khi nào cụm từ này lại để chỉ những lá cờ của những kẻ cướp biển?

Lịch sử ghi lại, biểu tượng đầu lâu xương chéo được những tên cướp biển dùng như một dấu hiệu báo cho mục tiêu về tình trạng họ đang sắp bị tấn công.


Lật lại những trang viết trong cuốn “Lịch sử ra đời của những tên cướp biển” của Charles Johnson vào năm 1724, người ta tìm thấy cụm từ “Jolly Roger” được viết trên những lá cờ. Đầu thế kỷ 17 được xem là thời kỳ Hoàng kim của các nhóm cướp biển.

Trong cuốn sách này, hai thuyền trưởng hải tặc Bartholomew Roberts (1721) và Francis Spriggs (1723) gọi lá cờ treo trên tàu của họ là “Jolly Roger”. Cả hai người cùng có quan điểm chung khi miêu tả về các lá cờ, dù vậy chúng hoàn toàn khác nhau về mặt hình thức, và tuyêt nhiên không lá cờ nào của họ có hình đầu lâu xương chéo. Điều đó có nghĩa “Jolly Roger” là biểu tượng của mọi loại cờ trên tàu cướp biển, chứ không chỉ cho những thiết kế phổ biến hiện nay.

Lời kể của nạn nhân vụ cướp biển xảy ra vào năm 1724 minh chứng cho điều này. Ông ta kể lại những tên cướp biển gọi lá cờ có hình bộ xương người cầm giáo đâm rỉ máu một trái tim của chúng là “Jolly Roger”.

Cờ hải tặc với bộ xương người cầm giáo đâm rỉ máu một trái tim.

Cụm từ “Jolly Roger”, như đã đề cập ở trên, có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau. Trong báo cáo hải quân từ năm 1703, nó đã được nhắc đến khi nói về một tên cướp biển nổi tiếng tên là John Quelch, cùng với con tàu “Old Roger” chuyên hoạt động ở ngoài khơi biển Braxi”. “Old Roger” là biệt danh của quỷ, giả thiết rằng, thuật ngữ này sau đó đã được sửa đổi để biểu thị cái sọ người hay bộ xương trong những lá cờ hải tặc – cũng là biểu tượng của ma quỷ (hoặc là cái chết).

Nhóm nhà nghiên cứu khác thì cho rằng nó xuất xứ từ cụm từ tiếng Pháp “jolie rouge” hay “lovely red” có khả năng ám chỉ tới máu. Họ liên hệ đến một thực tế là những thương nhân người Pháp thời đó đã sử dụng một lá cờ đỏ trên thuyền của họ. Tuy nhiên, giả thiết này dễ bị bác bỏ vì “Jolie Rouge” đã không được đề cập đến trong bất kỳ tài liệu lịch sử nào liên quan đến cướp biển.

Một giả thiết khác là “Roger” có thể bắt nguồn từ “rouge” nghĩa là kẻ trộm hay kẻ hung ác. Tuy nhiên cách hiểu này cũng không mấy thuyết phục.


Jolly Roger được nhiều tên cướp biển sử dụng, ví như “Black Sam” Bellamy, Edward England, và có lẽ tên hải tặc râu đen cũng sử dụng nó.

Có một điều chắc chắn là từ thế kỷ thứ 17 biểu tượng đầu lâu xương chéo mới được bắt đầu vẽ trên cờ của hải tặc. Người ta cũng tin rằng ý tưởng này được vay mượn từ thiết kế trên lá cờ cướp biển Barbary với sọ người trên nền xanh lá cây. Màu đen của cờ cướp biển cho thấy biểu ngữ màu đen của Hồi giáo, nhưng đây chỉ là một giả định.

Một trong những hồ sơ lưu trữ đầu tiên về thiết kế đầu lâu xương chéo được ghi lại là vào ngày 6 tháng 12 năm 1687. Trong lưu trữ này, người ta nói rằng loại cờ cướp biển này được sử dụng trên đất liền chứ không phải trên tàu. Emanuel Wynn, thuyền trưởng cướp biển người Pháp, được cho là hải tặc đầu tiên sử dụng cờ Jolly Roger. Thiết kế của ông còn có thêm một chiếc đồng hồ cát đặt bên dưới hộp sọ và xương chéo, như được ghi trong báo cáo của Bộ Hải quân Anh ngày 18 tháng 7 năm 1700. Theo báo cáo này, một chiếc tàu có tên là HMS Poole đã thuê tàu của ông Wynn có treo lá cờ này.

Jolly Roger của Emanuel Wynn.

Sau cuộc chiến kế vị Tây Ban Nha (1714), đế chế cướp biển thực sự lộng hành. Lúc này cướp biển thường sử dụng các lá cờ Jolly Roger màu đỏ và màu đen được trang trí rất độc đáo. Những hình ảnh được miêu tả trên những lá cờ thường tượng trưng cho cái chết hoặc ma quỷ.

Cờ của thuyền trưởng Calico Jack Rackham.

Cờ Jolly Roger màu đen không phải lúc nào cũng được treo lên. Cướp biển có nhiều lá cờ khác nhau và thường xuyên dùng những cờ màu khác khi di chuyển trên đại dương. Jolly Roger chỉ được treo lên khi con mồi đã nằm trong tầm bắn. Họ sẽ nâng lá cờ này lên và bắn một phát súng cảnh báo. Đó là tín hiệu để đối phương nhận dạng họ đang bị tàu nào tấn công. Các nạn nhân có quyền chọn đầu hàng hoặc chống lại. Nếu con tàu quyết định chống cự, chiếc Jolly Roger màu đen sẽ được thay thế bằng chiếc màu đỏ, ngụ ý họ sẽ không nương tay, cướp tàu mà không lấy người.

Cờ Jolly Roger màu đỏ của Henry; Ông ta cũng dùng cờ màu đen.

Như vậy, Jolly Roger không chỉ đơn giản là một lá cờ, nó là một hình ảnh đại diện có tính biểu trưng. Người ta nói, một thuyền trưởng không cần phải vẫy cờ để chứng minh rằng anh ta là một cướp biển, anh ta chỉ cần có lá cờ Jolly Roger trong tay là đủ.

Ngày nay, đầu lâu xương chéo trở thành một biểu tượng hết sức phổ biến, được sử dụng cho những cảnh báo nguy hiểm gây chết người. Các nhà thiết kế thời trang không ngại khai thác triệt để hình ảnh kỳ dị này trong các sản phẩm may mặc, các phụ kiện trang phục… Một số đảng phái dùng nó như biểu tượng phản đối các nhà chức trách. Thậm chí nó còn trở thành biểu tượng của một đảng phái chính trị (Đảng cướp biển ở Canada). Trong thế kỷ của internet, các nhà quản trị mạng sử dụng lá cờ này cho các vấn đề cảnh báo liên quan đến “vi phạm bản quyền”.

Thực tế, một biểu tượng mang ý nghĩa xấu hay tốt phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đặt định của chúng ta. Lá cờ đầu lâu có thể mang một ý nghĩa tích cực hơn nếu như cướp biển và những người khác không gán những suy nghĩ tiêu cực cho nó nhằm truyền tải những thông điệp về quyền lực và sự đe dọa. Tương tự, số phận hay hình ảnh của một con người trong mắt người khác đều do người đó chọn lựa. Vậy nên, hãy biết xây dựng và vun trồng những điều thiện lành, và nhìn nhận những điều xung quanh với một con mắt tích cực. Mọi thứ đều có thể thay đổi tùy vào quan niệm của chúng ta.

An Nhiên
Theo The Vintagenews

Sunday, November 29, 2020

NHÂN TÂM

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, có lần một người đàn ông ghé vào nhà tôi xin tiền. Ông nói ở quê lên đây chữa bệnh, giờ bác sĩ chạy rồi, ông không còn tiền về quê nên ông phải đi xin. Mẹ tôi đưa ông số tiền ít ỏi bà có và hỏi ông ăn cơm chưa rồi bảo tôi xới cho ông bát cơm nguội với mắm. Bà lấy cho ông cái áo của anh tôi. Ông ăn xong, cầm cái áo và tiền cứ vừa đi thụt lùi ra cổng vừa chắp tay bái bái vừa nói, “Tôi đội ơn cô, cầu Trời Phật ban phước cho nhà mình.”


Với một đứa trẻ ở quê, đó là một câu chuyện lạ, tôi tò mò níu áo mẹ, “Mẹ, ông ấy quê ở đâu? Ông ấy bị bệnh gì? Ông ấy đi xin được nhiều không?…” Mẹ hơi mỉm cười, “Mẹ không hỏi.” “Tại sao mẹ không hỏi?” “Ừ, người ta xa quê, rơi vào cảnh khốn cùng thì hỏi về quê hương là đụng vào nỗi đau của họ. Người thành đạt rất tự hào khi nói về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, người sa cơ thì xấu hổ khi nói về quê của mình. Mình cho người ta có một chút mà mình lại chạm vào nỗi đau, nỗi xấu hổ của người ta thì không phải, không đúng. Làm vậy là ác tâm.”

Tôi lại băn khoăn, “Ông ấy sắp chết hả mẹ? Ông ấy có xin đủ tiền về quê không?” Mẹ nhìn xa xăm, “Ừ, phần lớn con người dù có thế nào thì vẫn muốn được chôn trên mảnh đất nơi mình sinh ra. Cái đó gọi là tình yêu quê hương. À, lúc nãy con đưa cho chú ấy bát cơm bằng một tay rồi chạy biến đi không mời là sai đấy nhé.” Tôi xấu hổ dụi mặt vào ngực mẹ. Bà nghiêm khắc, “Tại sao con được dạy đưa đồ cho người lớn phải đưa bằng hai tay mà hôm nay con lại chỉ đưa bát cơm bằng một tay cho chú? Chú ấy đi xin nhưng không có nghĩa là con được phép đưa đồ cho chú bằng một tay. Làm vậy người ta sẽ nghĩ mẹ không biết dạy con tôn trọng lễ phép với người lớn tuổi. Hôm nay người ta phải đi xin hay sắp chết thì con người vẫn luôn có phẩm giá của họ. Con không được khinh khi người ta vì biết đâu sau này mình sẽ như họ.” Tôi càng xấu hổ và rúc sâu hơn vào lòng mẹ vì biết mình sai.


Ngày bé, những bài học mẹ dạy cứ nhẹ nhàng như vậy nhưng nó đi vào đầu tôi và ở đó, không thể quên. Những bài học đã hình thành nên tính cách, con người của tôi hiện tại. Khi lớn, tôi mới hiểu hết những lời dặn và sự tinh tế trong cách cư xử, trong các bài học của mẹ. Nó cũng làm cho tôi nhận biết người có nhân tâm hay ác tâm, tinh tế hay hời hợt qua hành vi, lời nói, cách ứng xử của họ chứ không phải nhân danh việc của họ làm.

Khi chịu khó để ý, suy nghĩ để nhận ra đâu là hành động xuất phát từ nhân tâm, đâu là từ nhân danh nhân tâm, ta sẽ thấy có rất nhiều việc làm nhân danh nhân tâm nhưng thật ra nó lại phục vụ cho một mưu toan, mục đích khác. Đôi khi chúng ta để cho bản thân bị đánh lừa và khi số đông bị lừa thì nó sẽ là tai hoạ cho dân tộc.


Tôi khát khao, khi đất nước tự do, các bài học trong môn văn học và giáo dục công dân là những bài học đơn sơ như thế, để con người có thể phân định rõ các giá trị và trả nó về đúng giá trị của nó, dần loại bỏ các hành động nhân danh để xã hội Việt Nam là một xã hội trung thực và nhân văn đúng nghĩa.

Nguyễn Thị Bích Ngà

MA QUỶ CŨNG BIẾT NHÌN NGƯỜI: KÍNH SỢ NGƯỜI LƯƠNG THIỆN, TRÊU CHỌC KẺ ÁC NHÂN

Trên thế gian có không ít kẻ nịnh hót, họ cúi đầu bợ đỡ những người có quyền lực và khinh thường những người có thân phận thấp bé. Mà ở âm gian, quỷ cũng là kẻ nịnh nọt, chúng có thể ăn hiếp một số người nào đó nhưng lại sợ một số người khác.

Trong tâm tồn thiện niệm, tiểu quỷ không dám gần. (Ảnh: Kknews)

Trong tâm tồn thiện niệm tiểu quỷ không dám tới gần

Trong bài viết “Bí ẩn ánh hào quang trên cơ thể người” của tác giả Trần Khắc Lập có đề cập đến Hoàng tiên sinh, một đồng nghiệp của Trần Khắc Lập, có thể nhìn thấy được ánh hào quang phát ra trên thân thể người, đồng thời có thể đoán được nhân cách và vận mệnh tốt xấu của người đó dựa trên màu sắc, độ sáng và kích thước lớn nhỏ của ánh hào quang.

Theo lời của Trần Khắc Lập kể lại, một ngày nọ, cha của anh đi dự tiệc với Hoàng tiên sinh. Lúc về, họ băng qua một con phố vắng vẻ. Ban đầu cả hai người đều lặng lẽ bước đi thì bỗng nhiên Hoàng tiên sinh phá lên cười. Cha của Trần Khắc Lập nhìn xung quanh, tất cả đều yên tĩnh không có gì buồn cười cả, vì vậy ông đã hỏi lý do tại sao Hoàng tiên sinh lại cười.

Sở dĩ Hoàng tiên sinh phá lên cười là vì vừa rồi đi trên đường ông đã nhìn thấy cảnh tượng này: Có một tiểu quỷ nhìn thấy một người ngay thẳng chính trực từ xa đi tới liền nhanh chóng nhường đường và dựa vào tường chờ người kia đi qua.

Không may, đúng lúc này, dây giày của người đó đột nhiên bị lỏng nên phải đưa chân lên tường để buộc lại, nào ngờ đưa chân lên đúng vào thân tiểu quỷ, khiến nó sợ đến mức tay chân múa may loạn xạ muốn chạy mà không được. Hoàng tiên sinh cảm thấy tiểu quỷ kia quả thật buồn cười, nên không kìm được đã phá lên cười.

Sau khi Hoàng tiên sinh kể lại sự việc mình vừa nhìn thấy thì cha của Trần Khắc Lập mới biết rằng quỷ cũng biết nịnh bợ, nhưng sự nịnh bợ của quỷ thì khác với người.

Con người nịnh bợ những kẻ quyền thế và ăn hiếp những người lương thiện và hiền lành; còn quỷ thì ngược lại, chúng sợ những người lương thiện và tốt bụng, một khi nhìn thấy họ, liền nhanh chóng nhường đường tôn trọng hoặc cẩn thận đứng từ xa, đợi sau khi họ đi qua mới dám ra hoạt động.

Còn nếu gặp phải một kẻ tiểu nhân xấu xa, hoặc thường hà hiếp người lương thiện thì tiểu quỷ sẽ đùa giỡn, chọc ghẹo, thậm chí cả bầy quỷ cũng cười nhạo hắn như vẽ con rùa đen trên lưng hoặc dùng dây cỏ rơm rạ cột bím tóc của hắn lại.

Làm quan có chính khí sẽ xua được ma quỷ

Vào thời nhà Thanh, có vị quan tên là Vương Trung trong thời gian từ quan về thủ tang đã sống trong dinh thự Dương Thị ở thành phố Hàng Châu. Một ngày nọ, một tỳ nữ làm bếp trong nhà đột nhiên ngã xuống bất tỉnh, một lúc lâu sau mới tỉnh lại.

Chẳng ngờ, sau khi tỉnh cô ta lại trừng trừng mắt và nói bằng tiếng Bát Kỳ (dân tộc Mãn) rằng cô là Lam cô nương ở kinh đô nào đó, đang vừa đói vừa khát, và bảo người đi nói lão gia chuẩn bị rượu và thức để cô ta ăn.

Khi Vương Trung nghe về sự việc kỳ lạ này, ông đã đến và đích thân hỏi cô: “Nếu cô là người Bát Kỳ, thì tại sao lại đến nhà người Hán chúng tôi để gây chuyện?”.

Ma nữ nhập lên thân tỳ nữ nói rằng, do cô ta cùng mấy chị em nhân dịp Tết Thanh minh đi ra ngoài, chẳng ngờ đụng phải quan chánh sứ đi ngang qua. Vì gặp phải đội quân hùng hậu, đoàn tùy tùng gõ chiêng trống dẹp đường, cái khí thế kia đã khiến bầy quỷ bỏ chạy tán loạn. Lúc đó ma nữ này chạy không thoát đành phải trốn vào nhà của Vương Trung.

Vương Trung nghe xong, có chút trách móc: “Cô trốn tránh quan lớn nhưng cũng không tránh được ta. Lẽ nào cô không biết ông ta vốn là quan viên của ta sao? Nếu là vì khí thế của ông ta mà đuổi được cô, thì tại sao cô không đến nhà ông ta gây chuyện đi?”.

Ma nữ đáp: “Là bởi vì tôi sợ ông ta!”. Vương Trung bất đắc dĩ nói: “Xem ra, ma quỷ các ngươi cũng thật biết nịnh bợ. Chỉ sợ quan đương nhiệm mà không sợ người đã từ quan!”.

Ma nữ nói: “Không phải vậy. Nếu như người rời chức vị là quan tốt thì ta sẽ sợ hắn”, ngụ ý rằng Vương Trung lúc làm quan không liêm khiết nên mới chiêu mời ma đến cửa nhà.

Vương Trung nghe vậy rất không vui, nhưng cũng không còn cách nào khác, không thể làm gì khác là lệnh cho người hầu đốt một ít tiền giấy và cúng đồ ăn cho hồn ma. Sau khi cúng xong thì người tỳ nữ ngay lập tức trở lại bình thường. Sau đó chưa đầy một năm thì Vương Trung cũng xảy ra chuyện.

Đại thần chính trực ác quỷ tránh xa

(Ảnh minh hoạ: Getty)

Vào thời Vạn Lịch triều Minh, đại phu ngự sử Thẩm Tư Hiếu là người ngay thẳng, cương trực, ông từng kịch liệt kháng lại thánh chỉ của triều đình mà phải chịu nhục hình, sau đó bị cách chức và đưa đến Lĩnh Nam để canh gác Thần Điện Vệ (một trong những pháo đài phòng thủ ven biển ở Quảng Đông chống lại hải tặc vào thời nhà Minh).

Khi đó, Thần Điện Vệ vừa trải qua một trận chiến loạn, thành trì tan hoang, do đó Thẩm Tư Hiếu phải đến ở tạm Dương Giang, một thị trấn lân cận.

Ở Dương Giang có nhà của Lưu Tử Hoài, trước là nhà của Quang Lộc Thiếu Khanh, nơi mà những người lính tàn bạo từng tụ tập ở đây. Sau này những người lính này bị dịch bệnh chết mấy trăm người, nghe nói rằng nơi đây ám khí rất nặng, người dân truyền rằng những người lính đã chết kia đều trở thành ma quỷ dọa người, thậm chí xuất hiện giữa thanh thiên bạch nhật. Vì vậy, những vết nhơ ô uế đã tích tụ lâu ngày ở nhà Lưu Tử Hoài rất khó được thanh lý đi.

Một hôm chị dâu của Lưu Tử Hoài bỗng nhiên nằm mơ thấy một bầy quỷ nói: “Mau đi khỏi đây, đại thần chính trực trong triều tới rồi!”. Vì vậy, nhà họ Lưu đã quét dọn dẹp sân nhà chờ đại quan chính trực đến.

Quả nhiên, hôm đó Thẩm Tư Hiếu đến sống ở đó. Một số người hàng xóm đã mắng Lưu Tử Hoài rằng: “Làm sao ông có thể để khách sống trong một ngôi nhà ma quỷ lộng hành như này chứ?”. Lưu Tử Hoài liền kể cho mọi người về giấc mơ của chị dâu mình, nghe xong ai cũng đều rất kinh ngạc.

Kể từ khi Thẩm Tư Hiếu chuyển đến ở nhà họ Lưu, ma quỷ không bao giờ xuất hiện quấy phá nữa. Người dân địa phương rất biết ơn Thẩm Tư Hiếu, vì ông sống ở đây mà dân chúng xung quanh mới có thể sống những ngày tháng yên bình.

Tuệ Tâm

LOÀI CÂY BÍ ẨN NHẤT TRONG MUÔN LOÀI: DÙ BOM NGUYÊN TỬ NỔ VẪN KHÔNG THỂ CHẾT

Mùa hè năm 1945, một máy bay ném bom bay trên thành phố Hiroshima và thả một quả bom nguyên tử, nó phát nổ 43 giây sau khi được thả xuống. Trong đám khí hình nấm bao trùm hàng trăm mét, người ta cho rằng không gì còn sống sót. Vào mùa xuân năm sau, trong đống đổ nát hoang tàn của thành phố Hiroshima, người dân Nhật Bản rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những chồi non nẩy nở từ một loài cây…


Loài cây ấy chính là cây bạch quả. Nó giống như hiện thân tuyệt vời của hy vọng và của sự tái sinh sau thảm họa chiến tranh. Một ngôi chùa Phật giáo bị phá hủy sau vụ nổ, đã được xây dựng lại bằng gỗ của cây bạch quả sống sót ở gần đó. Kể từ đó, lá bạch quả trở thành biểu tượng của thành phố Tokyo.

Cây bạch quả có những đặc tính đặc biệt ấn tượng. Sự “đề kháng” đáng kinh ngạc đối với ô nhiễm và các yếu tố gây đột biến gen cho phép nó thích nghi và tồn tại qua các thời đại và trong tất cả các vùng khí hậu. Ở châu Á, nó là loài cây “thánh” với nhiều công dụng chữa bệnh. Nó phát triển bất cứ đâu khi được trồng xuống, và có nhiều tên gọi khác nhau: Cây của sự sống ở Tây Tạng, cây trường thọ và trung thành ở Trung Quốc, cây trường sinh ở Nhật Bản, cây 40 đồng ecus ở Pháp (là giá của bữa ăn mà nhà thực vật học người Pháp Pétigny mời đồng nghiệp người Anh để đổi lấy 5 cây bạch quả vào năm 1780).


Một loài cây từ thời tiền sử

Cây bạch quả thuộc họ Ginkgophyta, là đại diện cuối cùng của loài này. Xuất hiện từ cách đây hơn 270 triệu năm, chúng là một trong những loài cây lâu đời nhất trên thế giới. Chúng tồn tại trước cả sự xuất hiện của loài khủng long. Loài này đã sống sót và tồn tại cho đến nay nhờ các nhà sư Phật giáo đã trồng chúng xung quanh các tu viện.

Quả bạch quả (Wikipedia)

Cách sinh sản của chúng rất đặc biệt, trước khi ra hạt, gần giống với sự sinh sản của người: cây bạch quả cái là thụ thể mang hoa, cây đực mang phấn, cây cái sinh ra noãn, khi được thụ phấn sẽ phát triển thành hạt. Cây bạch quả không bao giờ bị bệnh, nó là loài cây bất tử.

Lão tử, người sáng lập Đạo giáo, đã từng trồng một cây bạch quả. Gần chùa Địch Lâm, thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, có một cây bạch quả hơn 3.000 năm tuổi.

Cây bạch quả trong Vườn thực vật ở Paris được trồng khoảng năm 1811.

Tại Nhật Bản, cây bạch quả được gọi là cây trường sinh, do quả của chúng trông giống như quả trứng. Một cách thơ mộng, người Nhật gọi chúng là “cây của ông và cháu”. Điều này có thể được nhìn theo góc độ khác: người cháu là hy vọng tiếp nối dòng giống của người ông, một truyền thừa bất tử.

Một số truyền thuyết châu Á, kể rằng hậu duệ cuối cùng của một dòng họ vương giả đã trồng một cây bạch quả trước khi biến mất. Khi già đi, thân cây bạch quả được các rễ khí bao phủ (mà người Nhật Bản gọi là tchitchis, có nghĩa là núm vú). Các vú em thường cắt rễ khí này của cây bạch quả như điều may mắn để có sữa.

Quả bạch quả trông giống như quả trứng.

Một số cây bạch quả lớn lên trong môi trường khắc nghiệt đã phát triển một số tính năng khá lạ thường: một số cây có khả năng chịu được lửa, có khả năng tái sinh đặc biệt và thậm chí có thể chống cháy. Có nhiều “cây – cứu hỏa” như vậy trên thế giới. Đặc tính này thường có ở những cây sống ở vùng khí hậu nóng.

Khi có hỏa hoạn, cây bạch quả ứa nhựa ra phía ngoài khiến nó rất khó bị cháy. Năm 1923, một ngôi chùa Nhật Bản không bị thiêu rụi trong một đám cháy nhờ hàng cây bạch quả trồng xung quanh. Ngày nay, bạch quả được trồng thử nghiệm ở Var, để chống cháy.

Cây bạch quả già 1.400 năm tuổi trong một ngôi chùa Phật giáo ở Trung Quốc.

Loài cây này cũng là một bí ẩn đối với các nhà khoa học, vì sự hiện diện của tảo trong lá của nó. Đây không phải là một loại tảo thường được nói đến, nó được gọi là “bóng ma của tảo xanh“. Năm 2002, nhà dược học người Pháp François Rabelais của đại học Tours đã phát hiện ra một số tế bào bạch quả được nuôi cấy đã chuyển sang màu xanh không thể giải thích. Khi quan sát gần hơn, cô phát hiện các tế bào bạch quả nuôi dưỡng những khung tế bào riêng của nhân và lục lạp. Khi tế bào này chết đi, những “khung” này sẽ chuyển thành tảo quang hợp.

Tạp chí Pour la Science viết: “Khi tảo này gia tăng lên, các tế bào bạch quả ‘sưng’ lên, sau đó vỡ ra, làm trào loại tảo này ra môi trường bên ngoài. Người ta vẫn chưa rõ cơ chế kích hoạt sự phát triển dữ dội của tảo. Nhưng nuôi cấy trong môi trường lỏng, loài tảo này trở nên độc lập và chỉ cần một nguồn ánh sáng để tồn tại“.


Vào mùa thu, lá cây bạch quả chuyển sang màu vàng rất đẹp, tạo nên khung cảnh nên thơ, tuyệt vời. Ở Trung Quốc, hàng ngàn du khách đến chiêm ngưỡng thảm vàng mênh mông của cây bạch quả được trồng trong chùa Quan Âm.

Về dược học

Bạch quả đã có một vị trí quan trọng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Với đặc tính chống oxy hóa, lá của nó giúp cải thiện tuần hoàn máu trong não và khi lưu thông máu ở mạch máu ngoại biên gặp khó khăn. Ngoài ra, cây bạch quả cũng giúp cho việc lưu thông mạch vành, làm giảm đau thắt ngực và xơ cứng động mạch; làm giảm độ nhớt của máu, ngăn ngừa đông máu và cải thiện phục hồi từ nhồi máu cơ tim và chấn thương sọ não. Nó cũng có tác dụng rất tốt trong điều trị giãn tĩnh mạch, giảm bớt cơn đau nửa đầu.

Lá cây bạch quả.

Không chỉ thế, cây bạch quả còn có thể ngăn ngừa mất thính lực, chống ù tai, giúp dễ thở, làm tăng khả năng miễn dịch với nhiễm trùng, ngăn ngừa cảm lạnh, ho và các bệnh đường hô hấp.

Điều quan trọng bạn cần nhớ là tránh dùng các thuốc kháng đông với bạch quả, và cần kiểm tra liều lượng nếu chúng ta dùng các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là ai sắp trải qua phẫu thuật.

Theo Epochtimes France
Xuân Hà

Saturday, November 28, 2020

HOA GỪNG - ĐẶC SẢN VÙNG CAO MỖI NĂM CHỈ CÓ MỘT MÙA

Mỗi năm chỉ có một mùa, lại được trồng ở vùng cao nên hoa gừng được xem là món rau đặc sản hiếm có. Không chỉ dễ chế biến mà còn có tác dụng phòng cảm cúm, hoa gừng giờ đây trở thành mặt hàng được nhiều người tìm mua.


Hoa gừng, nghe tên nhiều người thấy lạ nhưng đối với người dân miền núi, vùng cao thì đây là đặc sản hiếm có vì mỗi năm chỉ có 1 mùa. Cứ khoảng tầm tháng 7 đến tháng 9 âm lịch là thời điểm thu hoạch hoa gừng của người dân vùng cao.

Hoa gừng mọc từ củ, bông to bằng ngón tay cái và có cuống dài khoảng 10 – 15cm, màu xanh đậm nằm ở dưới tán lá. Mỗi gốc gừng có thể ra từ 8 – 20 hoa, có gốc tốt có thể nhiều hơn.


Để hái hoa gừng người dân dùng những chiếc dao nhỏ, hoặc kéo cắt để tránh làm ảnh hưởng đến củ gừng. Việc sơ chế búp hoa gừng rất dễ bởi chỉ cần rửa sạch rồi dùng dao chẻ đôi búp hoa.

Búp hoa gừng xào lên dậy mùi rất thơm, ăn có vị ngọt đặc trưng của loài hoa.

Hoa gừng non mỡ màng giòn ngọt, ai đã từng ăn hoa gừng đều rất thích, vị ngon hơn cả măng ngọt, rau sạch không hóa chất, không có thuốc kích thích, rất an toàn lại chế biến được nhiều món như xào tôm, xào thịt bò, nấu canh xương hoặc canh gà…, vừa ấm bụng lại vừa phòng cảm cúm.

Hoa gừng sau khi sơ chế có thể dùng để xào măng hoặc xào thịt bò rất ngon.

Tuy mùa hoa gừng từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch nhưng thu hoạch rải rác chứ không có nhiều nên mỗi lần đi thu hái được rất ít. Theo chợ mạng rao bán thì hoa gừng có giá dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, được thu hái từ nhiều nơi như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An…

An Liên / Theo: ĐKN


NGHĨA TRANG THÁI GIÁM Ở HUẾ

Nghĩa trang thái giám ở chùa Từ Hiếu (Huế) là một điểm đến thu hút du khách nhưng đang bị ngành du lịch địa phương "lãng quên"...

Nghĩa trang thái giám trong khuôn viên chùa Từ Hiếu. Ảnh: Phạm Phước Châu

Chùa Từ Hiếu thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), chùa nằm ẩn mình sau một rừng thông rộng lớn. Đây là ngôi chùa gắn liền với câu chuyện về tấm lòng hiếu đạo của người con với mẹ già và là ngôi chùa sở hữu nghĩa trang độc nhất Việt Nam, nghĩa trang của các quan thái giám Triều Nguyễn.


Là những người sống và phục vụ trong cung suốt đời, khi về già những thái giám (hay còn gọi là hoạn quan) này sẽ sống những năm tháng cuối cùng khi không còn sức để làm các công việc nặng nhẹ trong cung, họ chờ chết tại tòa nhà phía Bắc Hoàng thành, nơi còn được gọi là Cung giám viện chứ không được ở trong cung... cuộc sống của họ hết sức tẻ nhạt buồn đau.

Vào khoảng năm 1848, dưới triều Vua Tự Đức, một vị thái giám có tên là Châu Phước Năng đã nhận ra số phận của các thái giám khi về già, họ không có người thân, không nơi nương tựa, khi chết không ai hương khói...

Mong khi chết đi có nơi thờ tự, hương khói, ông kêu gọi các thái giám trong triều quyên góp, mở rộng Thảo Am đường (tiền thân của chùa Từ Hiếu sau này) để có nơi chôn cất, thờ tự sau khi yên nghỉ. Cũng vì thế, sau khi thiền sư Nhất Định – tổ sư của tổ đình Từ Hiếu viên tịch, Thảo Am Đường dưới sự giúp đỡ của vị thái giám trên đã tu sửa và mở rộng thành chùa Từ Hiếu.

Tấm bia ghi lại công lao của các vị thái giám với triều đình. Ảnh: Phạm Phước Châu 

Việc làm này sau đó đã được vua Tự Đức chấp thuận. Vì có sự đóng góp xây dựng chùa, các thái giám sau khi chết được chôn cất ở một ngọn đồi nhỏ nằm cạnh chùa Từ Hiếu. Vốn mang thân phận thiệt thòi, các thái giám khi đó đã coi cửa Phật chính là nơi thờ tự lâu dài, nên hết lòng chăm sóc, ngôi chùa này chính vì thế cũng có tên gọi khác đó là chùa Thái Giám.

Lâu ngày, những ngôi mộ của các thái giám cũng nhiều hơn, trở thành chỗ chôn cất của những người “trong nội” có thân phận đặc biệt này. Ngày nay khu nghĩa trang này nằm ở bên phải của chùa Từ Hiếu, có diện tích gần 1.000 m2, xung quanh có tường bảo vệ cao khoảng 1,5m. 25 ngôi mộ hiện có được chia làm ba hàng sắp xếp từ nhỏ đến lớn theo chức vụ của quan thái giám xưa. Ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao của họ đối với triều đình.

Ngoài ra, vòng ngoài khu lăng mộ này cũng có những ngôi mộ khác xuất hiện rải rác theo thời gian nhưng vẫn giữ phong cách của các ngôi mộ xưa thời Nguyễn. Những ngôi mộ này là do số lượng thái giám tăng lên vượt quá lượng mộ mà khuôn viên khu lăng mộ chứa được nên đã được xây ở ngày bên ngoài. Do cũng ít được chăm sóc nên những ngôi mộ ở vòng ngoài này đã bị thời gian bào mòn. Thương cho số phận của các vị hoạn quan, chùa Từ Hiếu cũng đã bỏ tiền ra sửa sang lại những ngôi mộ này và được hoàn thành vào đầu năm ngoái.

Ít ai, kể cả người Huế biết về sự tồn tại của khu nghĩa trang khá độc đáo này, nên du khách đến Huế càng ít quan tâm. Người Huế hay khách du lịch Huế trước đây tìm đến Huế vì những lăng tẩm, đền đài cung điện, người đến Từ Hiếu tự cũng chỉ để phúng viếng, cầu nguyện chứ ít ai biết và quan tâm đến khu lăng mộ này.

Điều này khiến những vị hoạn quan xưa có số phận hẩm hiu khi sống, đến chết họ cũng bị lãng quên, những ngôi mộ giữa rừng thông gợi cảm xúc lạnh lẽo và trơ trọi, hẩm hiu như chính thân phận của những vị thái giám đang nằm dưới mộ.

Các ngôi mộ của thái giám được chùa Từ Hiếu xây dựng lại. Ảnh: Phạm Phước Châu 

Tuy nhiên, hằng năm cứ đến rằm tháng 11, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung, đây cũng là ngày duy nhất trong năm các thái giám triều Nguyễn được cúng hương hoa phẩm vật. Đây cũng là một sự an ủi dành cho những người sống cuộc sống lặng lẽ trong bốn bức tường cung cấm, mất đi cũng chỉ cô đơn giữa bốn bức tường của khu nghĩa địa quạnh hiu vắng bóng người.

Cùng với sự phát triển của du lịch, những điểm đến thu hút giới trẻ cũng như sự tò mò của những người quan tâm văn hoá, lịch sử triều Nguyễn…, khu nghĩa trang thái giám triều Nguyễn đã có những khách đến với tâm thế khác.

Họ tò mò, nên nơi đây đã được nhiều người tìm đến hơn. Riêng những người viếng thăm chùa Từ Hiếu cũng đã coi đây như một điểm đến tâm linh, nên sau khi vãn chùa cúng Phật họ ghé thắp hương cho những phần mộ này để tỏ lòng thương cảm và xin phúc.

Những chữ viết, hình vẽ vô ý thức nguệch ngoạc trên cổng khu nghĩa trang. Ảnh: Phạm Phước Châu 

Nhưng khi nhiều người biết đến cũng dẫn đến một tệ trạng vốn nhức nhối ở nhiều di tích trên cả nước nói chung và Huế nói riêng, đó là viết, vẽ bậy lên di tích. Tệ trạng này đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa hề có một giải pháp ngăn chặn hiệu quả nào. Những dòng chữ “lưu danh” của những người vô ý thức đã xuất hiện tại các di tích và xuất hiện dày đặc ở những phần bia mộ, tường… ở khu nghĩa trang thái giám.

Khi hỏi về vấn đề này, các sư thầy ở đây cũng chỉ biết ngán ngẩm với thói quen xấu của những người vô ý thức. Là điểm tham quan tự phát nên nhà chùa cũng như địa phương không thể ngăn chặn được. Những ngôi mộ thái giám ở đây vì thế ngoài sự tàn phá của thời gian thì sự tác động xấu của những người vô ý thức cũng rất nặng nề…

Phải chăng, dù đã khá muộn, nhưng, ngành du lịch Thừa Thiên Huế nên quan tâm tới một địa chỉ đầy tiềm năng như nghĩa trang thái giám Triều Nguyễn, một địa chỉ có một không hai ở Việt Nam?

Phạm Phước Châu


LÀM NGƯỜI BIẾT CÚI ĐẦU MỚI KHÔNG VẤP NGÃ, BIẾT NHƯỜNG BƯỚC MỚI KHÔNG PHẢI THOÁI LUI

Khi xưa chúng ta đến thế giới này, đó là vì không thể không đến. Sau này, khi chúng ta đi cũng là không thể không đi. Thế nên, cuộc sống vạn cảnh tùy tâm, vạn sự tùy duyên, ung dung tự tại ắt là người minh trí.


Cuộc sống thì có đủ vị đủ hương, chua cay, mặn ngọt, hồng lam, xanh tím, hợp vui, ly nhớ, tất cả chúng ta đều phải bước qua. Thế nên, làm vừa lòng người khác, không bằng làm vui chính mình, đi con đường mình chọn, sống cuộc sống mình muốn. Có thể lấy khổ làm vui, lấy gian nan làm điểm tựa, đây mới là bản lĩnh, là sống trọn kiếp người.

Bạn muốn trở thành người như thế nào? Cách nghĩ khác nhau, kết cục cũng khác nhau:

Lấy tiền làm trọng, ắt khổ cực bám theo, lấy con cái làm trọng, ắt phiền lụy khó tránh.

Lấy tình cảm nam nữ làm trọng, ắt tổn thương khó thoát, lấy so sánh làm trọng, ắt phiền não không nguôi.

Còn nếu:

Lấy khoan dung làm điểm tựa, nhân ái sẽ đong đầy, lấy biết đủ làm thước đo, an lạc ắt kề bên.

Lấy cảm ơn làm hướng, thiện lương cuối con đường, lấy đức độ làm gốc, vạn phúc ắt nở hoa. Cuộc sống là hiện thực, trân quý điều mình có.

Khi nằm trên giường bệnh, chúng ta sẽ hiểu rằng, không điều gì đáng để sợ, bởi ai cũng sợ mình. Người thân sợ bạn mượn tiền, bố mẹ sợ bạn không khỏi. Lãnh đạo sợ không thể đi làm, phải tìm người thay thế. Bệnh viện sợ bạn không có tiền trả, luôn ước định túi tiền của bạn. Khi đó tính khí, sự kiêu ngạo đều không còn.

Cho nên, chăm sóc bản thân, đó là mới là điều quan trọng, không gì trân quý hơn bản thân mình. Khi bạn mệt, người khác chỉ có thể nói: “Mệt rồi thì nghỉ đi” chứ chẳng mấy khi có ai đó kêu: “Mệt rồi thì nghỉ đi, tiền đây cầm lấy mà tiêu”.

Cũng như khi bạn bệnh rồi nằm đó, người khác chỉ nói: “Bệnh rồi thì nên uống thuốc”, nhưng lại chẳng có mấy ai mua thuốc cho bạn. Khi điện thoại bạn hỏng, chỉ thấy người nói bạn thay máy chứ không thấy người thay máy cho bạn.


Cố gắng, chính là điều duy nhất chúng ta có thể tin tưởng, khi chúng ta không cố gắng thì không ai có thể cho chúng ta cuộc sống mà mình muốn.

Có những sự việc, nghĩ thông rồi chúng ta sẽ thấy, sống ở trên đời, mình chính là mình, khi đau, thì mình chúng ta biết, khi mệt cũng chỉ mình chúng ta hay. Người khác có đồng cảm thì người chúng ta có thể nương tựa sau cùng vẫn chỉ bản thân mình.

Trên đời, có những người có thể đợi, nhưng không thể ỷ lại, ghi nhớ trong tâm, nỗ lực, kiên cường đó là con đường duy nhất có thể giúp được mình. Trời mưa đất trơn, tự mình ngã tự mình đứng dậy.

Đường của mình, tự mình phải bước, mệt hay vui, cũng chỉ mình hiểu.

Nước mắt của mình, tự mình lau, mình không lau cũng không ai giúp.

Đừng vì chuyện cũ mà đau buồn, đừng vì người cũ suy sụp, người đã quên ta, sao ta phải nhớ?

Người với người, gặp nhau là duyên đến, chia ly là duyên đi, phiền muộn hay không cũng nào thay đổi?

Người giả say thì gọi sao tỉnh được, kẻ muốn đi, giữ có ích gì, người muốn ở, đuổi chỉ mất công.

Người tưởng khôn mà hóa thành dại, thứ không có cứ mệt mỏi truy cầu, điều tồn tại thì thờ ơ xem nhẹ.

Mặt trời lên cao, mặt trời lặn, trăng tròn trăng ắt khuyết, mỗi người đều theo đuổi cho riêng mình một cuộc sống viên mãn tròn đầy, nhưng hỏi trên đời việc đó có không? Khiếm khuyết tồn tại, hoàn mỹ thì không, kiếp nhân sinh muôn đời không thay đổi.


Kỳ thực, cuộc đời cũng như câu hát: “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Hoa đẹp nhất là khi hoa kia đang nở, nở hết rồi cũng là lúc hoa tàn.

Làm người biết cúi đầu thì không bao giờ bị va đầu, biết nhường bước thì không bao giờ phải lùi bước.

Vạn sự hư không, đến trong cát về với bụi, làm người hiểu được chữ Chân thì lòng nhẹ như mây, biết được chữ Thiện thì hạnh phúc đong đầy, thấm được chữ Nhẫn ắt muôn đời tự tại.

Theo: ĐKN

Friday, November 27, 2020

CÁ LINH NON MÙA LŨ

“Nước không chưn sao kêu nước đứng,
Con cá không thờ sao gọi cá linh”.

Tháng mười gió chướng về se se lạnh bờ vai, lách luồn vào ký ức khơi dậy trong tôi những hoài niệm đẹp tuổi thơ. Gió rủ rê sông hành hương về miền Tây quê tôi. Những dòng nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong mang theo món quà phù sa ban tặng những cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái. Đặc biệt là những con cá linh non óng ánh vảy bạc.


Con cá linh đã từ lâu sống gần gũi với người dân miền Tây trong canh tác nông nghiệp và ẩm thực. Ông bà ta thời trai trẻ thường ca ví đối đáp nhau, có câu đố tả hình dáng con cá linh như “Ốm yếu hình dong là con cá nhái. Thiệt như lời vái là con cá linh” hay câu ca dao “Nước không chưn sao kêu nước đứng. Con cá không thờ sao gọi cá linh”.

Trên đồng ruộng, lũ tràn vào nước mênh mông, những bụi lúa ăn phù sa hớn hở tươi vui. Những cây điên điển cũng vui không kém, các cô mỉm cười môi nở những chùm hoa vàng nhuộm sắc nắng thu ghẹo trêu mấy chú bướm si tình lạc cánh. Dưới mặt nước, tép trấu thi nhau vũ điệu đón mùa nước lũ và chào đón các vị khách cá linh tham quan quê mình.


Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ còn ở Ô Môn khi lũ về,tuy có lo lắng nước dâng cao, dòng chảy mạnh, nguy hiểm cho lũ trẻ chúng tôi khi cắp sách đến trường phải vượt qua bao chiếc cầu khỉ lắt lẻo, gập ghềnh. Nhưng bà con quê tôi hầu như đã quen, năm nào lũ không về, ngồi chóng cằm, buồn trông đợi, lo lắng cho cái ăn của lúa và cây trái.

Chưa nói đến việc thèm món cá linh non nấu canh chua bông điên điển và kho mía. Tuy cá linh chế biến nhiều món ăn ngon như: làm mắm, kho mắm, lăn bột chiên giòn, bầm nhuyễn làm chả viên dùng nấu canh hay kho lạt, chiên…

Ngoài chế biến những món ăn ngon ấy, cá linh còn được ủ làm nước mắm đồng rất ngọt, thơm ngon. Nhớ lời ngoại kể, hồi thời Pháp thuộc, xăng dầu hiếm hoi, giá cao, người dân ngoài việc thắp sáng bằng đèn đốt từ nhựa từ trái mù u hoặc nấu cá linh để lấy mỡ thắp đèn.

Đó là thời của ngoại tôi, cá linh còn nhiều, chứ bây giờ đừng mơ được làm người nghèo thắp đèn bằng mỡ cá linh. Món ăn cá linh không đơn điệu với ẩm thực người dân quê mà nó trở thành món ngon của người dân thành phố. Cá đánh bắt không đủ cung cấp cho thị trường có đâu mà nấu lấy mỡ thắp đèn. Cái chính đáng lo khi lũ không về là những người dân chuyên sống bằng nghề “hạ bạc” đóng đáy, cào, chài lưới hay đặt dớn.

Xuồng ghe đánh bắt cá linh mùa nước nổi.

Thời điểm này, nơi bến sông trước cửa nhà tôi, người, ghe, xuồng hội họp đông vui như lễ hội. Có thể gọi cao sang là lễ hội lắm chứ, nhìn những gương mặt tươi vui rạng rỡ của họ, nơi ánh mắt sáng lên niềm tự tinh một mùa đánh bắt cá linh bội thu.Từng chiếc xuồng, ghe lần lượt rời bến, đa phần là những dân chài,một số ít ghe lớn có trang bị máy đuôi tôm hay còn gọi là Koler, trên ghe có lắp đặt bộ phận lưới kéo hay còn gọi là ghe cào. Họ kéo như vậy thì thu hoạch nhiều cá hơn.

Chưa kể những giàn lưới đóng đáy theo những khúc sông. Tất nhiên, những ngư chài nghèo, buồn là cái chắc. Nhưng mưu sinh mà! Sông nước bao la, chim trời cá nước, trời biếu cho không chứ của riêng ai mà buồn mà giận. “Kình ngư vui thú kình ngư, tép tôm, tôm tép vui bề tép tôm”. Đứng trên bờ sông nhìn họ ra khơi, lòng tôi cũng náo nức muốn được lên ghe ra sông như bọn thằng Út, con Mẹo được cha nó cho đi theo phụ giúp.

Nhưng biết sao giờ, chỉ biết cầu mong cho dân xóm tôi chài được nhiều cá. Đón mua cho bằng được mẻ cá đầu tiên. Mẹ nói cá linh non, thịt mềm, thơm ngọt. Bởi mẹ không cho ra ruộng dùng chiếc rổ tre xúc hay cái gió lưới nhỏ mà lũ trẻ hay dùng. Cha thằng Út lấy tre chẻ đóng một cái chữ thập, phía trên có cây đòn buộc vào sợi dây,phía dưới bốn đầu thanh tre có bốn sợi dây buộc vào bốn góc tấm lưới. Chỉ cần đặt gió xuống sâu khỏi mặt nước ruộng,khi thấy bầy cá linh bơi vào phạm vi lưới tức thì nhấc đòn lên, bầy cá bị dính nằm trong lưới vùng vẫy sáng lấp lánh. Cũng phải thôi, mẹ lo sợ tôi ham mê phơi nắng dầm mưa bị bệnh không đi học được.

Tôi vâng lời mẹ, nhưng trong lòng rất ấm ức, rất dễ hiểu vì đó là thú vui chơi của bọn trẻ chúng tôi khi mùa lũ về, tha hồ bắt cá về chơi nhà chòi, tự nấu thưởng thức ngoài vườn. Bù đắp sự chờ đợi ấy bằng niềm vui chào đón những chiếc ghe, xuồng trở về bến. Khoảng xế trưa thì đoàn ghe, xuồng từ từ cặp bến, người lớn, trẻ con reo hò túm tụm nơi bến sông. Trong số đó, có người là mối bạn hàng bán cá ngoài chợ, và người thân, vợ, con của chủ ghe, có người là hàng xóm đợi mua cá. Tôi cũng là một trong số người chờ mua,bác Sáu giở tấm be xuồng lên, cầm chiếc rổ dạo dạo dưới lớp nước rồi giơ lên trút vào chiếc rổ tre của tôi với những chú cá linh còn sống oằn mình lấp lánh ánh bạc.

Là chòm xóm với nhau nên bác chỉ tính nhẩm, phỏng chừng nói giá tiền chứ không cân như bán cho bạn hàng ngoài chợ vào mua.


Hí hửng cầm chiếc rổ cá chạy riết lên nhà giao cho mẹ. Trong khi mẹ ngồi cắt vây, đuôi rồi dùng hai ngón tay móc nơi yết hầu cá, moi lấy phần ruột, mật bỏ. Sau đó, rửa sạch để cá trong rổ cho ráo nước. Tôi nhanh nhẹn lấy cái rổ tre thảy lên chiếc xuồng con, dùng cây sào tre chống xuồng ra ruộng, dọc hai bên mé, thấy nơi nào có cây điên điển thì chống xuồng vào cặp gần phía dưới gốc.

Đứng dưới xuồng với tay lên kéo nhánh cây xuống, từ từ lặt hái những đóa hoa vàng. Khi rổ đã đầy thì chống xuồng trở vào. Không biết thời ông bà ngoại tôi thì sao mà người ta thường nói. “Muốn ăn bông súng cá linh. Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Chứ thời của tuổi thơ tôi thì Ô Môn cũng có cá linh và bông súng để mà thưởng thức, đâu có cần chi qua Đồng Tháp cho xa.

Ra sau vườn nhảy ùm xuống ao, quơ một mớ cọng bông súng, cù nèo, rau nhút và chặt một cây mía. Rồi không quên leo thót lên cây dừa xiêm, thân thấp vặn cuốn hái một hay hai trái dừa. Ì ạch đem các món chiến lợi phẩm ấy vào nhà. Mẹ kêu chặt mía róc bỏ lớp vỏ cứng, chặt mía khoảng từ 5-7cm. Chẻ lóng mía theo chiều dọc thành 4 hoặc 6 thanh. Xong vạt mặt trái dừa trút nước vào cái tô lớn. Cá đã ráo nước, cho vào nồi nhôm nhỏ, đập vài tép tỏi, ớt hiểm cho vào ướp cùng chút nước màu, đường, nước mắm, chút dầu ăn hay mỡ nước. Xếp mía lót dưới đáy nồi, cho cá lên phần trên của mía. Đặt nồi lên lò lửa liu riu, khi nước mắm sôi bọt tràn phủ mình cá, cho nửa tô nước dừa vào.

Khi nước dừa sắp cạn cho nửa tô nước dừa còn lại vào tiếp tục kho lửa nhỏ. Vì thời gian cần cho cá thắm hương thơm và vị ngọt của mía nên phải kho từ 2-5 tiếng thì nhấc nồi xuống cho vào chút mỡ nước. Món này dành cho bữa cơm chiều. Trong thời gian kho, mẹ có thời gian lặt rữa rau các thứ và bông điên điển. Món cá kho mía có thể chấm với rau cù nèo, bông súng, rau nhút hay lục bình hoặc bắp chuối bào hay cây chuối xiêm con bào mỏng trộn với rau xà lách xắt nhỏ, rau thơm các loại.


Buổi chiều thật vui, gia đình tôi hội tụ quanh chiếc bàn gỗ tròn đặt ở căn phòng nhà sau. Gió từ sau hè thổi vào đem theo mùi hương thơm của lục bình, rơm rạ. Trên bàn thì hương thơm từ dĩa cá kho, tô canh chua bốc lên bên âm thanh của lũ chúng tôi nịn mẹ khen ngon. Quả thật ngon thiệt, khi gắp đũa rau chấm vào nước cá kho vị thơm giòn của rau hòa vị ngọt mằn mặn của nước mắm nấu chung với nước dừa, nước mía cùng vị ngọt béo của thịt cá linh. Vị nhân nhẫn của bông điên điển hòa cùng vị chua chua, ngòn ngọt của nước canh trộn lẫn tiếng rột rột của mấy đứa em tôi húp canh và tiếng hít hà cay từ vị ớt…

Giờ ra thành phố sống đã lâu, tuổi đời lớn, tôi ít được ăn lại hai món ngon này. Mỗi khi nghe lũ về thì từ vùng ký ức tôi nhắc nhở, chợt nghe thèm bữa cơm thời thơ ấu ở quê ngoại Ô Môn với món cá linh kho mía và canh chua bông điên điển ngon tuyệt trần.

Huỳnh Duy Lộc
Nguồn: Người Đô Thị Online


"HÃY NÓI YÊU THÔI, ĐỪNG NÓI YÊU MÃI MÃI"

Ai cũng có một thời bồng bột và ngạo mạn, yêu đắm say không cần biết gì. Hãy cứ yêu đi, nhưng hãy nhớ " hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi" Đừng hứa hẹn bằng lời hứa, vì lời nói " chỉ là gió bay"


Tôi cũng có một thời tuổi trẻ bồng bột để tin tưởng tình yêu của tôi là mãi mãi, không có gì có thể thay đổi được tình yêu của tôi và anh.

Tôi cũng có một thời bồng bột để mỉm cười khi nhìn lũ bạn bằng con mắt chông chênh, yêu nhau mà suốt ngày cãi vả, chia tay, giận hờn rồi quay lại. Với tôi, chúng nó rõ khổ, còn tôi rõ là quá tự tin với tình yêu của mình.

Không tự tin làm sao khi tôi nhìn những người con trai khác xung quanh chỉ loanh quanh trong cái thế giới nhỏ bé này, trong khi người đàn ông của tôi lúc nào cũng muốn bay cao, bay xa. Tôi mỉm cười hạnh phúc và thủ thỉ với anh.

- Chúng ta mãi thế này nhé, mãi mãi nắm tay nhau đi qua mọi khó khăn, không bao giờ chia xa dù có lý do gì.

- Chúng ta sẽ mãi mãi hạnh phúc, anh sẽ mãi mãi ở bên em, không có chuyện gì khiến anh xa em.

Năm ấy tôi 18 tuổi.

Trong mắt tôi, tình yêu chỉ có màu một màu hồng, tình yêu là những buổi chiều bên cạnh nhau, là ly cafe tôi pha cho anh mỗi ngày, là khung cảnh hai người đi bên nhau, là viễn cảnh chỉ có hạnh phúc và là nơi nỗi buồn không bao giờ len đến được.

Năm tôi 23 tuổi, tôi nhận ra mình sai.

Theo thời gian mọi thứ đều có thể thay đổi, thời gian thay đổi, tình yêu cũng không phải là một ngoại lệ.

Thay vì suốt quãng đời sinh viên, chỉ có ăn, học và yêu, cuộc đời đúng là một màu hồng đẹp đẽ. Tôi khi ấy hay cười, vô tư và hồn nhiên biết bao. Nhưng nào ai biết được đâu, giống như một đứa trẻ bây giờ đang lớn, tôi khám phá thế giới xung quanh bằng lăng kính hồng, khi tôi lớn hơn nữa, cuộc đời bắt buộc tôi phải nhìn nó bằng nhiều lăng kính nhiều màu sắc khác nhau, để so sánh, để nhận thức, và để biết rằng " không có gì là mãi mãi "


Người ta nói, yêu là mong cho đi thật nhiều, và chẳng cần nhận lại bao nhiêu. Họ lừa bạn đấy!

Đã gọi là tình yêu, thì xin hỏi, chỉ cho đi một chiều, liệu nó có mãi bền vững hay không, khi cứ mãi cho đi mà chẳng hề mong nhận lại.

Tôi cũng đã một thời tự đánh lừa bản thân mình, tôi yêu, chỉ mong người vui vẻ, chỉ mong mang đến thật nhiều niềm vui cho người, đôi khi tôi quên mất tôi là ai, chẳng chú ý gì đến cảm xúc của mình nữa, cứ mãi chạy theo cảm xúc của người, để rồi khi tôi biết khóc, tôi phải tự lau nươc mắt cho chính mình, khi mà tôi đau, phải tự băng bó vết thương ngay lồng ngực của mình, vì tôi vô tình tập cho người thói quen chỉ biết nhận mà không cho đi.

Khi yêu mà, đâu ai tính toán thiệt hơn, để rồi khi lỡ dỡ , đau xót nhận ra rằng mình đã mất đi quá nhiều thứ, mất đi chính mình để đổi lại những giọt nước mắt và người cuối cùng đau đớn nhất chình lá ngưới yêu nhiều nhất.

Các cô gái của tôi ơi, khi yêu, đừng mạnh miệng tự tin rằng mình chỉ cần cho đi mà không cần nhận lại. Là bạn đang tự lừa dối mình khi bạn đang nhìn tình yêu bằng trái tim màu hồng mà thôi.

Cũng giống như cái thời tuổi trẻ bồng bột của tôi đã trải qua, để khi mà mình cho đi thật nhiều, và nhận lại được sự vô tâm, thì sẽ đau lắm, cho đi và không nhận lại, thì đó không hẳn là tình yêu. Mà là mù quáng! chỉ là mù quáng mà thôi.

Ai cũng có một thời bồng bột và ngạo mạn, yêu đắm say không cần biết gì.

Hãy cứ yêu đi, nhưng hãy nhớ " hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi"

Đừng hứa hẹn bằng lời hứa, vì lời nói " chỉ là gió bay".

Trân Trần


HOA PHI YẾN

Cứ đến tháng 7 hằng năm thì cây hoa Phi Yến lại nở hoa. Cả một cánh đồng hoa dường như sáng bừng. Từng cánh hoa Phi Yến mềm mại, dịu dàng trước gió giống như thiếu nữ đang e ấp. Loại hoa này không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa đặc biệt. Do đó nó được chọn làm hoa chủ đạo trong các hôn lễ được tổ chức vào tháng 7. Để hiểu rõ hơn về loài cây xinh đẹp, dịu dàng này Muahoatuoi365.com chúng tôi mời bạn tham khảo bài viết sau.


Đặc Điểm Và Nguồn Gốc Của Hoa Phi Yến

Cây hoa Phi Yến là giống hoa có nguồn gốc, xuất xứ từ Bắc bán cầu và cả những khu rừng nhiệt đới tại Châu Phi. Giống cây này là loại thân thảo. Hoa của nó có cuống dài, thanh mảnh. Hoa có nhiều màu như màu trắng, hồng phơn phớt, xanh, tím và đỏ. Hoa có thời gian sống khá lâu. Hoa Phi Yến có cánh mỏng, mềm mại. Ngắm nhìn những bông hoa Phi Yến bạn chợt nhận ra bản thân là người dịu dàng nhưng không kém phần mạnh mẽ và luôn có trái tim rộng mở.

Truyền Thuyết Về Hoa Phi Yến

Theo truyền thuyết cây hoa Phi Yến là loại cây mọc ra từ máu của Ajax. Đây là một trong những chiến binh dự bị của chiến thành Troy. Vì không đồng tình với cách phân chia chiến lợi phẩm Ajax nóng tính đã chạy ra khỏi đồng và anh ta trút cơn giận của mình lên một đàn cừu tội nghiệp. Anh ta đã giết gần hết đàn cừu mới trút được cơn giận. Vì quá xấu hổ với cảnh tượng đẫm máu mà mình gây ra Ajax đã quay gươm tự sát. Máu của anh chảy dài trên mặt đất. Và từ đây mộc lên loại cây có tên gọi là Delphinium Ajacis.

Loại cây này du nhập vào Việt Nam và được gọi là cây hoa Phi Yến. Sở dĩ nó có tên gọi như vậy là vì hình dáng của nó trông giống cái mũi nhọn trên đầu con cá heo. Một số quốc gia trên thế giới còn gọi loài cây này này là Larkspur. Vì hoa của nó trông giống cái mào của con chim chiền chiện (lark).


Ý Nghĩa Của Hoa Phi Yến

Chắc hẳn bạn đã từng nghe nhiều người ví von rằng cây hoa Phi Yến là loài hoa báo thức. Người ta nói rằng chỉ cần thấy hoa Phi Yến nở là biết tháng 7 đã về. Từng cánh hoa Phi Yến nở, hương thơm tỏa ngào ngạt ra xung quanh. Ngoài tên gọi là cây hoa Phi Yến nhiều nơi gọi nó là cây chân chim. Đây là loài cây cảnh được yêu thích tại Châu Âu. Tại Việt Nam thì hoa Phi Yến được trồng chủ yếu là tại Đà Lạt. Hiện nay có rất nhiều cặp đôi lựa chọn hoa Phi Yến trang hoàng cho không gian tiệc cưới của mình. Vậy bạn đã biết gì về hoa Phi Yến?

Tháng 7 là tháng hoa Phi Yến nở chính vì vậy mà nhiều cặp đôi kết hôn tháng 7 đã chọn loại hoa này làm hoa chủ đạo. Loài cây này cho nhiều loại hoa có màu sắc khác nhau. Tùy thuộc vào màu sắc nào thì hoa sẽ có ý nghĩa tương ứng. Nhưng đa phần chúng tôi thấy các cặp đôi ưa chuộng màu tím hơn, bởi màu này tượng trưng cho sự chung thủy. Màu hồng tượng trưng cho sự dễ thương. Màu đỏ biểu trưng cho sự quyến rũ. Màu xanh là màu của sự sang trọng. Màu trắng biểu tượng cho sự trang nhã

Tại Châu Âu loài hoa này rất được ưa chuộng trang hoàng trong đám cưới vì nó có màu sắc tươi tắn và vẻ ngoài nổi bật. Khi về đến Việt Nam chính vẻ đẹp thanh thoát, dịu dàng của nó đã thu hút nhiều cặp đôi. Hiện nay hoa Phi Yến được chọn là hoa chủ đạo trong đám cưới. Đa phần trong đám cưới hoa Phi Yến được dùng để trang trí bàn gallery, làm hoa cầm tay cô dâu, hoa trang trí cổng cưới, hoa trang trí bàn tiệc,…..


Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Hoa Phi Yến Hiệu Quả Tại Nhà

Cây hoa Phi Yến không kén đất lắm. Đặc biệt đây là giống cây chịu hạn và chịu rét cực tốt. Đây là loài cây ưa sáng nên khi trồng bạn nên đặt nó tại nơi có nhiều ánh sáng, ít phân bón nhưng phải cân đối tỷ lệ N.P.K. Khi cắt cây lấy hạt làm giống bạn chỉ chọn những cành chính đã chín vàng để cắt. Bạn nên cắt bỏ 1/3 đoạn trên và 1/3 đoạn dưới cành. Làm như vậy sau này cây mới ra hoa đều và đẹp. Hạt đem phơi kỹ dưới bóng râm. Sau đó bọc trong giấy báo để nơi gác đừng để nơi gần với lửa.

Trước khi gieo bạn lấy hạt ra đem chà cho vỏ mỏng. Sau đó bạn ngâm trong nước ấm 6 đến 7 tiếng. Kế đến vớt ra rửa sạch nước chua rồi dùng vải bọc lại mang vào bỏ tủ lạnh. Quy trình này được gọi là quá trình xử lý lạnh. Ngày hôm sau lại đem rửa lại và xử lý tiếp, làm như vậy từ 5 – 7 lần, hạt sẽ nảy mầm và đem gieo.

Trước khi trồng cây nên làm đất thật kỹ. Tưới nước cho đất ướt đẫm mới gieo hạt xuống. Đồng thời bạn bón thêm phân lót vào đất nhưng không nhiều, mật độ 20x25cm. Trong quá trình trồng thường xuyên tưới ẩm, nhổ cỏ bằng tay không cần vun. Nếu thấy nắng ấm mà cây vươn sớm, bạn nên bấm ngọn để nó tiếp tục đâm chồi. Nếu cây phát triển chậm thì bón thêm phân để thúc cây nhanh ra hoa.


Trên đây chúng ta vừa tìm hiểu về giống cây hoa Phi Yến. Cây Phi Yến cho hoa đẹp lại rất dễ trồng vậy bạn còn chần chờ gì nữa mà không trồng ngay giống cây này trong vườn. Mỗi ngày được ngắm nhìn hoa Phi Yến bạn sẽ cảm thấy tâm hồn như trẻ ra và vô cùng khoan khoái.

Theo: Muahoatuoi365


PHÁ RỪNG VÀ NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ KHÔNG BIẾT "NÓI DỐI"

Lũ lụt lịch sử ở miền Trung khiến nhiều địa phương chìm trong biển nước, cuộc sống của người dân điêu đứng. Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ sạt lở đất đã cướp đi mạng sống của hàng chục con người. Sau những thảm kịch đau thương ấy, những nguyên nhân cụ thể đã được gọi tên. Đó là tình trạng cấp phép thuỷ điện "cóc" ồ ạt, thiếu kiểm soát, đã lấy đi nhiều diện tích rừng tự nhiên; đó là nạn phá rừng âm ỉ lâu mà không ít vụ có sự tiếp tay của chính những người mang trọng trách bảo vệ rừng; là cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên vì đã hết ngưỡng chịu đựng...


Và theo mạch thời sự, những trăn trở ấy trở thành chủ đề "nóng" được thảo luận tại nghị trường Quốc hội những ngày qua. Đáng tiếc, có những kiến giải của các "tư lệnh ngành" lại chưa đủ sức thuyết phục nếu so với thực tế và những hệ luỵ đã và đang xảy ra. Trong đó, một trong những vấn đề nổi bật là việc suy giảm diện tích rừng tự nhiên góp phần dẫn tới lũ lụt, sạt lở...

Bài viết với góc tiếp cận từ bản đồ học, cung cấp một số thông tin cũng như mở rộng một số vấn đề với hy vọng góp thêm tiếng nói giúp việc quản lý rừng hiệu quả hơn.

Mất rừng do Mỹ rải hoá chất?

Ngày 3.11, thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu, rằng: Trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hóa học đã hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung. Bây giờ phục hồi rừng tự nhiên cũng phải có thời gian từng bước.

Ông Cường còn cho rằng, diện tích rừng ở Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha (năm 1990) lên 14,6 triệu ha như hiện nay (trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha) và có hệ số che phủ rừng gần 42% - đây là “sự cố gắng vượt bậc” khi so sánh với hệ số che phủ bình quân của thế giới ở mức gần 29%.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại nghị trường. Ảnh: TTVN

Có phải rừng Trường Sơn đã “cơ bản mất” từ trước 1975 vì chiến tranh? Không hẳn vậy, có thể thấy tình trạng rừng Trường Sơn trong các tấm Bản đồ Việt Nam do quân đội Mỹ xuất bản trước năm 1975 (nay đã công bố miễn phí). Chúng thể hiện rất rõ màu xanh rừng tự nhiên tồn tại sau những trận bom đạn, rải thảm hoá chất lên rừng tự nhiên trên dãy Trường Sơn, các bản đồ chú thích cụ thể các khu vực “rừng rậm hay rừng già”.

Chính vì còn rừng, nhờ “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nên quân đội ta với quân số rất lớn, gồm cả bộ binh, xe tăng, pháo binh, vận tải, hậu cần, các đường cấp ống xăng dầu… không bị phương tiện trinh sát trên không, dưới đất của đối phương phát hiện. Rừng Trường Sơn kiên cường trụ vững dưới bom pháo và chất độc hóa học, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Và rừng Trường Sơn không chỉ che chở, mà con nuôi sống bộ đội, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bằng những tài nguyên, vật thực trong suốt cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ đó. Những tài liệu lịch sử minh chứng cho điều này không phải là ít, mà bất cứ ai cũng có thể tìm thấy trong các bảo tàng, các thước phim tư liệu, trong các tác phẩm văn học viết về chiến tranh...

Bản đồ khu vực vùng 3 biên giới trước 1975 (bên trái) và hiện trạng (bên phải): nhiều diện tích rừng của Việt Nam đã bị phá trụi, trong khi tại Lào và Campuchia vẫn xanh tốt. Nguồn: Google Earth & National Geospatial-Intelligence Agency. Đường biên giới do Google Earth cung cấp chỉ để tham khảo

Hoặc cho tới sau những năm 1980, trước khi vào chiến trường, những thanh niên, sinh viên Hà Nội được huấn luyện tại Đan Phượng, nên (ngày đó công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Đan Phượng, rồi Phó Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật huyện Đan Phượng - tỉnh Hà Tây cũ) chắc Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn nhớ những tân binh sư đoàn 304. Vì sau khóa huấn luyện tại Hà Tây, họ đã tiến về biên giới Tây Nam, để lúc ra đi và trở về Tổ quốc đều phải băng qua những cánh rừng đại ngàn trùng điệp dọc biên giới, dày đặc cây cối...

Kinh tế nông nghiệp và ‘năng lực cạnh tranh’ từ... đất rừng

Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng nhanh. Không kể lúa gạo vốn đã vang danh trên thương trường quốc tế, có thêm nhiều mặt hàng mới nổi chiếm vị trí cao về số lượng/tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu. Điều đó hẳn nhiên là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam có điểm chung là có giá thấp. Và yếu tố giá rẻ - một trong những lợi thế cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam, có sự góp phần của việc không mất tiền thuê đất và thủy lợi được Nhà nước hỗ trợ. Do vậy, gia tăng xuất khẩu nông sản cũng là gia tăng xuất khẩu nguồn phúc lợi của nhà nước dành cho nông nghiệp.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng giá còn thấp, trị giá gia tăng/lao động nông nghiệp cũng vậy

Điều đáng chú ý nữa, đó là diện tích canh tác nông nghiệp truyền thống tại đồng bằng sông Hồng – sông Thái Bình dần bị thu hẹp do hệ thống thủy lợi suy giảm năng lực (một phần nước tưới tiêu ô nhiễm). Trong khi đó, tại đồng bằng sông Cửu Long thì khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp… Nhưng nhìn vào các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh gần đây, như: sắn, cà phê, ngô, cao su, mía, chè… thì đây là những loại cây vốn không trồng quy mô lớn tại đồng bằng mà tại các vùng đồi núi trung du.

Nhìn vào biểu đồ tỷ trọng nông nghiệp trong thu nhập hộ gia đình cho thấy, tăng trưởng nhanh là các vùng rừng núi Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc… đang bỏ xa những đồng bằng nông nghiệp truyền thống. Thu nhập nông nghiệp gia tăng, trong đó có yếu tố gia tăng diện tích đất canh tác: hàng triệu ha sản xuất nông nghiệp mới vùng rừng núi tăng bao nhiêu thì hàng triệu ha rừng giảm đi bấy nhiêu. Đặc biệt là rừng tự nhiên đã phá đi trồng cây ngắn ngày thì nếu có quyết tâm/quyết liệt thì cũng cần hàng chục, hàng trăm năm sau may ra mới phục hồi được?!

Vì vậy, gia tăng giá trị nông sản, từ khâu nghiên cứu, chọn giống, canh tác và đặc biệt chú trọng công nghệ sau thu hoạch mới là nông nghiệp phát triển và bền vững.

Phải chăng hàng triệu ha sản xuất nông nghiệp mới vùng rừng núi tăng bao nhiêu thì hàng triệu ha rừng giảm đi bấy nhiêu?

Trong diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Cường cho rằng “rừng tự nhiên tăng 1,3 triệu ha trong 30 năm”… Các đại biểu Quốc hội lập luận: Việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Giữ được 1 ha rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100 ha rừng trồng mới. Đáng chú ý, cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác rừng trái phép, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Báo cáo kiểm toán nêu rõ nhiều sai phạm trong việc cấp phép các dự án khai thác tài nguyên như thế...

Những tấm bản đồ không biết ‘nói dối’

Để làm rõ hiện trạng tàn phá rừng tự nhiên không khó. Thế giới đã phát triển hệ thống bản đồ vệ tinh giám sát từ lâu. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được ngân sách Nhà nước đầu tư từ lâu với khoản chi phí không nhỏ. Những lúc cần so sánh đối chiếu, có cái nhìn toàn cảnh về diện tích rừng tự nhiên qua các thời kỳ như hiện nay, thì không biết sẽ tìm những ‘thành phẩm’ đó ở đâu? (Ngay cả những nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường ô nhiễm đồng bằng sông Hồng – Thái Bình khởi động từ 2016, nhiều lần thất hẹn, đến nay vẫn chưa hoàn thành thì bản đồ rừng núi xa xôi liệu đã được ngó ngàng?).

Bản đồ vệ tinh khu vực 2.400 km2 tại tỉnh Kon Tum. Nguồn: Google Earth; Đường biêngiới chỉ để tham khảo

Phóng to khu vực 6 km2 rừng bị phá trụi chỉ còn ruộng đất đỏ. Nguồn: Google Earth; Đườngbiên giới chỉ để tham khảo

Bù lại, bản đồ miễn phí trên mạng đã cập nhật khá đầy đủ và chi tiết. Ví dụ, chỉ cần khoanh vùng diện tích 2.400 km2 ( 40 km x 60 km) thuộc tỉnh Kon Tum cho thấy vùng núi rừng tự nhiên đã giảm đi rất nhiều, từ lấm tấm da beo nay đã thấy rõ những khỏng trống màu đất, lơ thơ vài khóm cây vạt cỏ trong hình phóng to 6 km2 (2 km x 3 km). Nếu như vậy thì con số mười mấy triệu ha rừng tự nhiên Việt Nam còn lại bao nhiêu thì ngành tài nguyên và môi trường cần những tấm bản đồ tin cậy, thay vì những dẫn chứng còn thiếu thuyết phục; còn ngành nông nghiệp cũng nên dựa vào tư liệu có sức thuyết phục cao để xây dựng lộ trình phát triển bền vững, thay vì đưa ra những lý lẽ khiến người ta chỉ còn biết nhún vai, lắc đầu. Trong khi chưa kịp vẽ bản đồ thì có thể tra cứu miễn phí trên mạng toàn cầu, đó cũng là IOT, là cách mạng công nghệ 4.0 chứ đâu xa?.

Tranh luận với quan điểm tăng giảm rừng tự nhiên, Đại biểu Quốc hội (Hà Nội) Vũ Thị Lưu Mai, nói: “Tôi xin trao đổi lại với Bộ trưởng Nông nghiệp ý kiến lý giải diện tích rừng tự nhiên thu hẹp là do đế quốc Mỹ rải thảm hoá chất. Nói như thế không sai nhưng đáng ra sẽ là toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu Bộ trưởng phân tích những nguyên nhân từ những bất cập trong việc quản lý từ trung ương đến địa phương nơi có rừng”.

KTS. Trần Huy Ánh
(Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội)
Nguồn: Người Đô Thị Online