Ward vừa cười vừa dọn bàn, chuẩn bị bày biện cho buổi tụ tập tại gia ở Nam London, với các món ta thường gặp trong một bữa tiệc đãi khách thông thường.
"Chúng ta sẽ bắt đầu với món cá trích muối, không phải cá trích ngâm dấm - người Anh ghét củ cải đường vì họ toàn phải ăn nó ở dạng ngâm dấm rất kinh, còn món cá trích cuộn thì trông như xác chết, ai cũng biết rồi đấy."
Ward rất tinh thông khéo léo trong việc chuyển đổi qua lại giữa các nền văn hóa. Bà có một nửa dòng máu là người Nga, nửa là người Anh, và đã từng làm công tác phiên dịch rất đa dạng, từ phục vụ cho Liên Hợp Quốc cho tới Angelina Jolie và Mikhail Gorbachev.
Hôm nay, bà sẽ giải thích cho chúng tôi đích xác lý do tại sao người Nga lại hít bánh mì khi uống vodka.
Nhiệm vụ giải thích này không hẳn là một việc thú vị gì, nhưng rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về đời sống Nga vào lúc thế giới đang rất thiếu vắng cái nhìn hiểu biết sâu sắc đối với văn hoá Nga, cũng thiếu cả sự cảm thông chia sẻ thực lòng với Nga.
Phong tục truyền thống hít bánh mì khi uống vodka khiến ta biết về những nét thực tế của đời sống Nga
Với các nhà quan sát salon thì quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện có vẻ lạnh lẽo tới mức châm biếm; tầng sương giá lạnh lẽo thời Chiến tranh Lạnh bao trùm trong các tường thuật thời sự gần đây về việc Nga và Mỹ rút khỏi hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, về vụ điệp viên Sergei Skripal cùng con gái Yulia Skipal bị đầu độc bằng chất độc Novichok tại Salisbury, Anh Quốc, và tất nhiên là cả về chuyện World Cup 2018 tổ chức ở Nga.
"Chúng tôi thấy vui khi đội bóng đá Nga cuối cùng đã thua," bà Anna Ivanov nói, trong khi ông chồng Misha thì nhún vai.
Anna và Misha là cha mẹ của Helena Bayliss - bạn thân của Ward; Hai vợ chồng ông bà chuyển từ Nga đến đây được 20 năm, khi con gái họ Helena Bayliss lấy chồng người Anh. "Chứ nếu đội Nga thắng, bầu không khí sẽ nóng hừng hực trên truyền thông. Cứ ra rả suốt!"
"Bây giờ thì," bà Ward nói, "ta bắt đầu với loại vodka nào nhỉ?"
Màn chọn rượu vodka luôn ấn tượng, trước giờ vẫn vậy. Rốt cuộc thì bởi nước Nga là nơi sinh ra nhà hóa học Dmitri Mendeleev, người đã tạo ra Bảng Tuần hoàn Nguyên tố Hoá học và cũng được cho là người đã hoàn thiện công thức rằng vodka phải đạt nghiêm ngặt chuẩn 40% độ cồn (câu chuyện này được kể khá phổ biến, cũng là một chuyện tiếu lâm).
Ward đưa ra thứ rượu vodka pertsovka bốc lửa được làm từ ớt, vodka Nga nguyên chất - loại rượu vodka do công ty mới của diễn viên Hollywood Dan Aykroyd sản xuất tại Newfoundland kết hợp với rượu vodka chanh tự làm thủ công.
"Thứ này thực sự là cồn y tế, nồng độ tới 95%," bà Ward nói một cách đơn giản, "rồi ta thêm nước vào, nửa nước nửa rượu, rồi thêm chanh nữa."
Nói cách khác, nó là 'rượu lậu'? "Không phải, nếu là rượu tự nấu, chúng tôi phải có nồi chưng cất." Bayliss cười. "Natasha, cô thất vọng rồi phải không!"
Nhóm chúng tôi tụ tập vì hai lý do: thứ nhất, để tận hưởng những phút giây vui vẻ; và thứ hai, để uống vodka theo đúng nghi lễ truyền thống của Nga - một truyền thống được gìn giữ theo thời gian mà theo đó những tay sành sỏi phải hít bánh mì khi uống rượu mới là đúng kiểu.
Để bắt đầu, cả vodka lẫn ly uống đều được lấy ra từ tủ lạnh, và Bayliss nêu ra các quy tắc cốt yếu khi uống vodka theo kiểu Nga.
"Rượu vodka cần để lạnh, ly phải nhỏ xíu và phải có thứ gì đó mằn mặn, hoặc bánh mì lúa mạch đen, để nhấm nháp sau đó," cô nói.
"Uống vodka xong rồi ăn miếng bánh kem chẳng hạn, là hỏng bét."
"Mà," Ward nói thêm, "không dùng kèm bất kỳ gì sau đó thì cũng không ổn!"
Rượu đương nhiên là phải ướp thật lạnh; như vậy lúc rượu đi qua cổ họng sẽ êm hơn. "Vodka không phải là thứ để bạn nhấp từng ngụm để thưởng thức hương vị," Bayliss nói.
Vậy tại sao mọi người uống vodka? Mẹ của Bayliss cười. "Là bởi sau đó ta sẽ có cảm giác nóng toàn thân!"
Nghi thức uống vodka kiểu Nga là truyền thống được gìn giữ theo thời gian
Cảm giác nóng khắp người chính là cảm giác đầu tiên của tôi khi lần đầu thực hiện nghi thức hít bánh mì Nga.
Bà Ward là mẹ của Marsha, bạn thân của tôi.
Thời còn là những đứa trẻ ngang bướng, Marsha và tôi rất thích tham dự các buổi tụ tập mà bà tổ chức sau mỗi chuyến đi công tác từ Nga về, bàn ăn có rượu mang từ nước ngoài về, dưa muối chua và bánh mì đen.
Chúng tôi thích nhìn bà Ward và những vị khách cười nói, kể những giai thoại dị thường khó tin, và quan trọng nhất là được nhấm nháp đồ ăn nhẹ ngay sau khi uống cạn những ly vodka.
Lúc những vị khách đã nhấm nháp tương đối đủ đồ ăn - nhưng bánh mì vẫn tiếp tục được nướng - thì họ sẽ hít bánh mì sau khi uống vodka, thay vì ăn nó. Chúng tôi đã rất kinh ngạc trước cảnh đó.
Hai thập kỷ sau, tôi lại bắt gặp nghi thức này trên một chương trình truyền hình được chiếu trong "giờ vàng". Trong một tập của loạt phim House of Cards phát trên Netflix, tổng thống Nga ăn tối với tổng thống Mỹ và trình diễn cách uống vodka kiểu Nga - chỉ hít ngửi bánh mì.
Đó là một cảnh phức tạp, nặng tính trình diễn trong chương trình truyền hình chứ không hẳn là đúng như trong thực tế ("Chả ai làm thế với khách sang cả!" bà Ward la lên), nhưng khán giả nghe rõ âm thanh hít thở mạnh.
Các bài báo bình luận về tập phim thì cho rằng hít bánh mì để hả bớt hơi rượu và làm cân bằng vị vodka, trong khi muối và axit trong món dưa chua của Nga - giống như món dưa mà bà Ward bày trên bàn ăn - thì giúp trung hòa rượu.
Helena Bayliss: "Rượu vodka cần để lạnh, ly phải nhỏ xíu và phải có đồ mồi mằn mặn để nhắm"
Nhưng theo Ward và bạn bè của bà thì nghi thức hít bánh mì không chỉ đơn thuần là để chống say rượu mà còn có tác dụng giao tiếp xã hội; bằng cách ăn hoặc ngửi bánh mì sau khi uống vodka, bạn chứng tỏ rằng bạn uống vodka đâu phải để say mèm.
"Nếu không có thứ gì để nhắm cùng vodka, như một miếng bánh mì mặn hoặc một ít cá trích, hoặc, hay hơn cả, là trứng cá muối, thì bạn hãy hít ngửi", Bayliss nói. "Điều đó mang ý nghĩa biểu tượng."
Ward đồng ý: "Việc hít ngửi chỉ xảy ra nếu bạn quá nghèo, không có thức nhắm thích hợp." Hoặc tất nhiên là khi bạn đã quá no rồi. Thật vậy, nếu bạn chỉ có một ít bánh mì cho buổi tụ tập, thì bạn sẽ chuyền nó quanh bàn để mỗi vị khách có thể lần lượt hít ngửi nó.
Nhưng nếu thậm chí không có cả bánh mì? "Bạn hãy hít ngửi tay áo!"
Thế là chúng tôi uống lượt vodka đầu tiên của bữa tiệc: Misha lịch lãm nâng ly chúc mừng, vodka lạnh băng trượt êm dịu xuống và chúng tôi nhắm kèm với miếng bánh mì đen lớn phết bơ. Nhiều lượt uống nối tiếp, vô cùng hoan hỉ, mỗi người chúng tôi xé một mẩu bánh mì và hít ngửi ngon lành.
Có những quy tắc kiên định về cách thức uống vodka ở Nga. Nhưng một điều quan trọng không kém là lý do để uống vodka. Ở Nga, uống vodka là một hoạt động xã hội tuyệt vời; các bữa tiệc của người Nga diễn ra xung quanh bàn ăn, và uống rượu nên là một hoạt động nhóm, chả vui thú gì khi uống một mình.
Các món ăn nhẹ (zakuski) bày sẵn trên bàn tiệc là để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người, và bạn phải tự lấy mà dùng, không chờ đợi để được mời mọc phục vụ. Bà Ward thậm chí còn chia sẻ một giai thoại của Nga về hai điệp viên Mỹ uống vodka; vỏ bọc của họ bị thổi bay chỉ vì thực tế họ đã uống mà không nhấm nháp zakuski.
Sau đó, đến tiết mục nói những lời chúc tụng. Misha có vẻ phấn khích và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chúc tụng. "Khi uống, bạn cần phải chuyện!" ông nói. "Không giống như ở Anh, nơi mọi người ngồi im một góc. Chúng ta ngồi với nhau cơ mà! Vì vậy, cần phải có một cái gì đó cho tất cả mọi người cùng làm. Điều đó giúp mọi người cảm thấy rằng họ là một nhóm đoàn kết."
Ở nước cộng hòa Georgia thuộc Liên Xô cũ, nghi thức phát biểu những lời chúc mừng là những công việc phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đến mức phải thuê các công ty chuyên nghiệp thực hiện.
Ngược lại, cách thể hiện chúc mừng của người Nga rất đơn giản - chỉ cần có ý tưởng là được. Ngày hôm đó, những lời chúc mừng nhiệt thành đã được tung hô trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi, chúc mừng những người phụ nữ xinh đẹp trong bữa tiệc và chúc mừng vì sức khỏe của Nữ hoàng Anh.
Misha bắt nhịp các lời chúc và mọi người hô theo "hãy lên đường", giống như nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin đã hô khi tàu của ông được phóng lên năm 1961.
Rõ ràng, người Nga có một niềm say mê sâu sắc với vodka. Ngay cả tên của thức uống này cũng rất đáng yêu - 'voda' có nghĩa là nước, và vodka là rút gọn của 'tiểu thuỷ', nàng nước bé nhỏ.
Nhưng uống vodka ở Nga cũng có mặt tiêu cực. Trong lịch sử, nạn nghiện rượu lan tràn ở Nga, và vodka (hoặc bất cứ thứ gì bạn có trong tay) đã trở thành một lối thoát tiêu cực khỏi sự khắc nghiệt của cuộc sống hàng ngày. "Như là địa ngục ở Liên Xô vậy," bà Ward nói.
Các vị khách dự bữa tiệc Nga được khuyến khích tự nhiên nhấm nháp đồ ăn nhẹ giữa các lần uống vodka
Thật vậy, trước khi Bayliss lấy chồng người Anh rồi Misha và Anna chuyển đến Anh để sống cùng cô, Misha làm công việc mang tính "mật" khiến ông không được ra khỏi nước Nga.
"Chúng tôi đã quen với cách sống này, dù rằng không phải là ổn," Misha nói về cuộc sống của họ ở Nga thời Liên Xô. "Chúng tôi thường xuyên nghe đài BBC, đài Tiếng nói Hoa Kỳ và chúng tôi biết ở đó có một cuộc sống khác. Nhưng, bạn đã sinh ra ở đây, vì vậy bạn biết rằng bạn không thể đi bất cứ nơi nào." Anna gật đầu đồng ý. "Điều đó giống như mơ về những điều không thể."
Hai vợ chồng nhà Ivanov kể những câu chuyện về sự túng thiếu của người dân và đặc quyền đặc lợi của đảng mà không hề thêm bớt cường điệu hay bi kịch hoá.
"Bạn có tất cả mọi quyền, hoặc bạn không có chút quyền nào cả," Anna nói. "Bạn cần phải đi mua rồi trả tiền cho món nào đó? Bạn sẽ thấy ngay lợi ích tác dụng của đảng. Bạn đến cửa hàng nhưng không mua được bất kỳ đôi giày nào, thế nhưng lại có cửa hàng đặc biệt dành riêng cho các quan chức của đảng và các quan chức KGB."
Bất chấp những ký ức buồn này, vẫn còn đó sự ấm áp tuyệt vời đối với các truyền thống Nga mà chúng ta đã chia sẻ tại bàn ăn ngày hôm nay, từ hành động nâng ly cùng nhau chúc mừng cho đến kể lại những giai thoại và những trò đùa hài hước của người Nga xưa.
"Có người mang món cá trích đến dự một bữa ăn tối," bà Ward kể chuyện vui, "khi bà chủ nhà mở chúng ra thì chúng cũ đến mức không còn ăn được nữa. Và người đã mang chúng đến nói, 'Tôi rất xin lỗi vì quý vị đã hiểu sai - đây không phải là cá để ăn, mà là để biếu!"
Theo truyền thống của người Nga, mọi người phải trò chuyện trong khi uống
Đã đến lúc cho một màn chúc tụng khác, và Misha đứng lên phát biểu trang trọng - những lời này dành tặng những người bạn vắng mặt.
Rượu vodka được nâng lên uống, những mẩu bánh mì được cầm lên ăn và nĩa xiên vào cá mặn. Mọi người quanh bàn tiệc đều đỏ hồng đôi má và lấy làm mãn nguyện.
Khi trời chiều chuyển sang chạng vạng tối, Misha nhận xét một cách nghiêm túc: "Vodka giống như một con dao. Nó không tốt nhưng nó cũng chẳng tồi. Bạn có thể làm bất cứ điều gì với một con dao. Cắt thịt, cắt bánh mì - mà với một con dao chuyên dụng thì bạn có thể thực hiện ca phẫu thuật. Nhưng một con dao cũng có thể giết người; đâu thể đổ lỗi cho con dao."
Ông ngưng một chút. "Vodka cũng vậy thôi. Đó là một loại thức uống, không xấu và cũng chẳng tốt. Nếu bạn biết, hẳn bạn sẽ phân biệt được. Tất cả đều sẽ ổn."
Link tiếng Anh: