Vào một buổi sáng đầy sương mù vào tháng 2 năm 2017, các đặc vụ liên bang trên một chiếc ô tô không có nhãn hiệu đã vượt qua một chiếc Toyota Corolla màu trắng ở Quận Cam, California. Họ thận trọng tiếp cận chiếc xe. Ngồi ở ghế lái là Shawn Lee, 29 tuổi. Khi các đặc vụ tiến đến gần hơn, họ có thể thấy anh ta đang nâng niu một chiếc túi nhựa lớn. Bên trong chiếc túi này là đối tượng của cuộc truy lùng: 8 con cá rồng châu Á - vật nuôi thủy sinh giá trị nhất thế giới.
Là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên nên việc nhập khẩu, buôn bán cá rồng châu Á ở Mỹ là bất hợp pháp. Nhưng ở những nơi khác trên thế giới, cá rồng là một mặt hàng xa xỉ rất được ưa chuộng và hoàn toàn hợp pháp. Chúng được đánh giá cao bởi các thành viên băng nhóm Yakuza ở Nhật Bản, các ông trùm kinh doanh ở Trung Quốc và các nhà sưu tập cá ở châu Âu. Một mẫu vật nguyên thủy duy nhất có thể đắt hơn một chiếc Ferrari.
Từ một sinh vật đầm lầy trở thành một món hàng xa xỉ
Cá rồng châu Á.
Trong nhiều thế kỷ, cá rồng châu Á là một món ăn dân dã phổ biến của người Đông Nam Á. Ngoài các chợ địa phương ở Malaysia, loài cá này không được buôn bán rộng rãi cũng như không được ưa chuộng. Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 1975.
Khi môi trường sống ở vùng đất ngập nước tại Đông Nam Á suy giảm, cá rồng châu Á bắt đầu giảm về số lượng. CITES, một hiệp ước hạn chế buôn bán các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng đã phân loại cá rồng châu Á là loài bị đe dọa. Động thái này nhằm cấm buôn bán cá rồng vì mục đích thương mại.
Nhưng theo Emily Voigt, người đã dành gần một thập kỷ tìm hiểu câu chuyện về loài cá rồng châu Á cho cuốn sách của mình- “The Dragon Behind the Glass” cho biết: “Chứng nhận chính thức đó hoàn toàn phản tác dụng. Nó thực sự đã biến con cá thành món hàng xa xỉ phiên bản giới hạn.”
Những kẻ buôn lậu ở Malaysia bắt đầu tuồn cá rồng châu Á vào Đài Loan và Nhật Bản. Trong một nỗ lực để ngăn chặn hoạt động buôn bán bất hợp pháp này, CITIES đã cho phép nông dân ở Đông Nam Á nhân giống, thu hoạch và bán cá rồng châu Á một cách hợp pháp. Nhưng một lần nữa, mọi thứ lại đi vào ngõ cụt.
Trong những thập kỷ sau đó, hàng trăm trang trại nuôi cá rồng mọc lên khắp Indonesia và Malaysia. Đáng chú ý là những con cá này đều biến mất khỏi tự nhiên. Ngày nay, thị trường lớn nhất của cá rồng châu Á là Trung Quốc.
Loài cá mang trong mình “linh khí” và thị trường phẫu thuật thẩm mỹ dành cho cá nở rộ
Emily Voigt cho biết: “Nó đã trở thành sinh vật huyền bí được cho là có khả năng bảo vệ và giúp bạn đưa ra các quyết định kinh doanh tốt, đem đến sự giàu có và thịnh vượng. Thậm chí, có những lời kể về việc cá rồng nhảy ra khỏi bể là để cảnh báo điềm xấu.”
Để giữ cho cá của mình có tính thẩm mỹ, các chủ sở hữu không ngại chi tiền “phẫu thuật thẩm mỹ” cho chúng để thỏa mãn thú vui chơi cá của mình với mức giá nâng mắt (90 đô la), làm cằm (60 đô la) và chỉnh sửa đuôi (60 đô la).
Niềm tin này đã biến cá rồng châu Á được nuôi trong trang trại thành một thị trường toàn cầu ước tính 200 triệu USD / năm.
Thu nhập khủng từ việc buôn bán cá rồng
Vào giữa những năm 1980, một giám đốc điều hành ngành in ở Indonesia tên là Tris Tanoto đã bỏ việc và mua 12 con cá rồng châu Á với giá 170 đô la. Với sự giúp đỡ của bạn bè, Tanoto mua một trang trại nhỏ ở Đông Jakarta, nuôi cá ở một cái ao trong khuôn viên nhà. Trải qua nhiều lần thất bại thì cho đến ngày nay, cơ sở hoạt động của Tanoto là một trong số ít nhất 250 trang trại nuôi cá rồng châu Á được CITES công nhận trên khắp Đông Nam Á.
PT Munjul Prima Utama là một trong những nơi xuất khẩu cá rồng châu Á lớn nhất Indonesia , đặc biệt là “Super Red”- một giống cá rồng màu đỏ thẫm rất được người Trung Quốc ưa chuộng vì họ coi màu đỏ là đại diện cho sức sống và vận may tốt đẹp. Mỗi năm, công ty bán được khoảng 1 nghìn con trong số 7 nghìn con cá rồng châu Á, thu về khoảng 3 triệu đô la doanh thu hàng năm.
Tính ra trung bình là 3.000 đô la/con, nhưng giá có thể dao động dựa trên nhiều yếu tố như màu sắc, nguồn gốc, kích thước vây và hình dạng đầu… Tanoto bán 8 giống cá rồng châu Á, với giá từ 1,200 đến 5,500 đô la. Tanoto đã bán một con cá rồng giống Super Red “hoàn mỹ” cho một người Trung Quốc với giá 30 nghìn đô la. Cá rồng châu Á cực hiếm có thể kiếm được gấp 10 lần số tiền đó.
Một nhà lai tạo ở Malaysia chuyên nuôi cá rồng châu Á bạch tạng từng bán một trong những con cá rồng của mình cho với giá 300 nghìn đô la.
Thay vì trực tiếp đến tay khách hàng, nhiều trang trại ở Đông Nam Á bán số lượng lớn cho các đại lý ở các nước khác. Trong số các đại lý này có David Carr, người điều hành Planet Arowana. Với niềm đam mê cá rồng, David Carr chuyển đến Malaysia và dành một năm để học mọi thứ về loài cá này từ các nhà lai tạo địa phương. Carr cho biết quy trình hoạt động như sau:
Hồ có 20 con cá rồng (6 con đực, 14 con cái).
Mỗi con cái đẻ từ 10-80 trứng.
Cứ 2-3 tháng thu hoạch cá con (gọi là cá giống).
Những con cá được vận chuyển đến Vương quốc Anh và được bán khi 4-6 tháng tuổi với giá từ 300 đến 4 nghìn đô la trở lên cho mỗi con.
Carr bán cá rồng của mình cho người mua trên khắp thế giới. Trong những năm gần đây, Carr cho biết nhu cầu đã mở rộng từ châu Á sang phương Tây.
Theo: Lưu Ly / Báo Tổ Quốc
No comments:
Post a Comment