Monday, December 27, 2021

VIỆT NAM TỪNG CÓ NHIỀU THỦ ĐÔ QUA CÁC TRIỀU ĐẠI VÀ CHÁNH QUYỀN

Quyết định chuyển thủ đô từ Jakarta sang hẳn một hòn đảo khác của chính quyền Indonesia hiện nay làm sống lại câu chuyện 'dời đô'.

Jakarta trước kia có tên là Batavia và từng là thủ đô của Đông Ấn thuộc Hà Lan trong thời thuộc địa, cũng là trung tâm hoạt động để Công ty Đông Ấn Hà Lan vươn ra hoạt động trên toàn Á châu. Ảnh: Getti Images

BBC News có bài 'Changing places: Why countries decide to move their capitals' mà bản tiếng Việt có thể đọc ở đây.

Kênh CNN thì có video nói 'Indonesia xây thủ đô mới vì Jakarta đang chìm dần xuống biển', nhấn mạnh lý do địa chất và môi trường.

Nikkei Asian Review có bài nói không chỉ Indonesia mà Philippines cũng đang tính chuyển các cơ quan chính quyền sang New Clark City vì Manila đã quá tải.

Người ta cũng nhắc lại một chuyện hy hữu: dời đô sang hẳn một lục địa khác.

Đó là trường hợp Bồ Đào Nha vào năm 1808, khi triều đình chuyển sang đóng đô 13 năm ở thuộc địa Brazil ở Nam Mỹ vì chính quốc tại châu Âu bị Pháp đe dọa.

Trung Quốc đã có nhiều thủ đô trải từ phía Tây sang Đông Bắc, xuống phía Nam qua lịch sử chia cắt, kình chống nhau của các tập đoàn quyền lực.

Dời đô có nhiều lý do: chiến tranh, cách mạng, môi trường, phân chia lãnh thổ, nhu cầu xây mới, tách trung tâm hành chính khỏi đô thị thương mại...

Ngoài Pháp và Anh, nhiều quốc gia đông dân ở châu Âu đều đã có ít nhất một lần dời đô.

Petrograd (nay trở lại tên cũ là St Petersburg) từng là thủ đô của Nga trước khi Lenin quyết định chọn Moscow làm địa chỉ thay thế hồi 1918. Ảnh: Getty Images

Nổi tiếng hơn cả có quyết định của Lenin đưa thủ đô năm 1918 của nước Nga cộng sản từ Petrograd về Moscow.

Sau Chiến tranh Lạnh, Bonn, thủ đô Tây Đức bị "bỏ rơi"; nước Đức thống nhất đưa thủ đô về lại Berlin để có vị trí trung tâm hơn.

Một điều có thể nhiều người chưa biết là một quốc gia có thể "chứa đựng" tới ba thủ đô.

Đó là trường hợp nước Ý, với Rome là thủ đô nước cộng hòa Italia, San Marino là thủ đô của cộng hòa cùng tên chỉ có 32 nghìn dân, và Vatican City, thủ đô của Vương triều Vatican.

Các thủ đô của Việt Nam

Hiện thủ đô Việt Nam là Hà Nội nhưng nước này, cụ thể hơn là các triều đại khác nhau và các chính phủ khác nhau đã đặt thủ đô của mình ở những điểm rất xa nhau.

Thành cổ Hà Nội trong thời khoảng thập niên 1880, tranh vẽ trong L'Illustration, Journal Universel. Ảnh: Getty Images

Ngay trong thế kỷ 20, ba thành phố Hà Nội, Huế và Sài Gòn đều từng là thủ đô.

Năm 1945, đế quốc Việt Nam với chính phủ Trần Trọng Kim đã chọn Huế (Thuận Hóa) làm thủ đô.

Cùng năm, sau Cách mạng tháng Tám, chính phủ Hồ Chí Minh lấy Hà Nội làm thủ đô.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chính phủ VNDCCH đóng tại An Toàn Khu Việt Bắc, trải ra ở nhiều huyện thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên... ngày nay.

Một địa điểm toàn lán bằng gỗ, tre nứa ở Định Hóa được giới thiệu với khách nước ngoài thuộc phe cộng sản là 'Dinh Chủ tịch ở An Toàn Khu', nhưng hiển nhiên đó không phải trung tâm chính quyền VNDCCH.

Ông Hồ Chí Minh cũng từng ở một nhà sàn tại Vai Cày, Đại Từ, Thái Nguyên, theo các tài liệu Hà Nội công bố sau này.

Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại từ 1949 lại chọn Sài Gòn làm thủ đô.

Thành phố này tiếp tục là thủ đô của VNCH (1955-1975).

Trong quá khứ, một cuộc phân tranh khác, giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, kéo dài hàng trăm năm, đã tạo ra hai kinh đô: Thăng Long và Phú Xuân.

Ngay ở Đàng Ngoài, không phải lúc nào triều đại 'chính thống' như nhà Lê cũng trụ được ở Thăng Long.

Dấu tích Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa. Ảnh: Getty Images

Tranh chấp Lê - Mạc đẩy nhà Lê sang Lào, rồi về bám trụ ở Tây Đô, Thanh Hóa.

Nhà Mạc (1527-1593) làm chủ lãnh thổ từ Ninh Bình trở ra, đóng đô ở Đông Kinh (Hà Nội) cho đến khi thua trận (1593).

Sau đó, vua quan nhà Mạc rút lên vùng núi, đóng lực lượng chính ở Cao Bằng.

Khó nói thành nhà Mạc ở Nà Lự (Cao Bình - Cao Bằng) là một thủ đô đúng nghĩa nhưng ba đời vua Mạc cũng ở đó 83 năm, và họ còn kiểm soát các thành quách nay còn phế tích ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Điều chắc chắn là việc giành lại Thăng Long đã phục hồi nhà Lê, cho triều đại này tồn tại thêm hai thế kỷ nữa.

Có những người Việt Nam tin vào vị thế đặc biệt 'rồng bay' của Thăng Long, thủ đô của các triều đại rực rỡ Lý, Trần, sau khi Lý Công Uẩn dời đô từ vùng rừng núi Hoa Lư năm 1010.

Nhưng với dòng người Nam Tiến, ở phía gần cực Nam, Gia Định đã vươn lên trong những thế kỷ sau, thành một trung tâm chính trị, kinh tế lớn.

Sài Gòn được chọn làm thủ đô của Quốc gia Việt Nam từ năm 1949. Ảnh: Getty Images

Trước đó, trong giai đoạn tranh giành quyền bính và xung đột đẫm máu, có lúc thành Đồ Bàn là thủ đô của nhà Tây Sơn.

Vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc - nhà Tây Sơn) cho xây thành Hoàng Đế tại nơi này, cách Quy Nhơn ngày nay chừng 27 km.

Tính cả Champa thì ngoài kinh đô Đồ Bàn còn có những địa danh khác đã là thủ đô của người Chăm khác như Bal Canar ở Phan Rang, và sau ở Phan Rí.

Họ phải dời đô nhiều lần trước sức tấn công của Đại Việt.

Ngược lại, các thế lực Việt phía Nam có lúc vươn mạnh ra hướng Bắc.

Huế được các vua triều Nguyễn chọn làm kinh đô. Ảnh: Getty Images

Nguyễn Huệ khi lên làm Quang Trung Hoàng đế đóng đô ở Phú Xuân, kinh đô của các chúa Nguyễn.

Sau đó Quang Trung quyết định dời đô ra Nghệ An, cho xây Phượng Hoàng Trung Đô nhưng công trình chưa thành thì ông mất.

Điều đáng chú ý là dù nhà Tây Sơn thời Nguyễn Huệ đóng đô ở Phú Xuân, cố đô Thăng Long vẫn là 'thủ đô ngoại giao' của Việt Nam để đón sứ thần nhà Thanh.

Hà Nội hụt

Vẫn liên quan đến chiến tranh, nhưng là cuộc chiến Nam - Bắc trong thế kỷ 20, Hà Nội cùng suýt bị di dời lên miền trung du.

Một kế hoạch mở rộng Hà Nội lên Xuân Hòa đã có từ 1969 để tránh bom Mỹ.

Vì thế, Xuân Hòa có tên là thủ đô Hà Nội hụt.

Bộ trưởng Kiến trúc thời đó, ông Bùi Quang Tạo được giao nhiệm vụ tiến hành kế hoạch xây rộng Xuân Hòa, cách Hà Nội trên 30 km.

Người ta còn lo rằng Hà Nội nằm thấp hơn lòng sông Hồng, sợ đê sông Hồng trúng bom sẽ gây ngập lụt cả thủ đô Hà Nội, nên chọn Xuân Hòa.

Địa điểm mới ở nơi có nền đất cao, khí hậu trung du mát tốt hơn vùng Hà Nội nóng ẩm.

Căn cứ vào sử liệu thì vùng trung du còn là điểm có kinh đô Phong Châu thời Hai Bà Trưng.

Trên thực tế, một số cơ quan trung ương VNDCCH đã đóng trụ sở ở Xuân Hòa, và sau 1975, đô thị này vẫn được xây cất tiếp và chỉ dừng lại những năm 1980.

Dù dự án Xuân Hoà bị bỏ, vấn đề lụt lội, và gần đây là ách tắc giao thông tiếp tục đang thách thức chính quyền Hà Nội, nhiều năm sau chiến tranh.

Nhìn lại lịch sử, các thủ đô và trung tâm hành chính, chính trị của người Việt qua các triều đại đúng là đã trả dài từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên xuống Hà Nội, Ninh Bình, vào Thanh Hoá, Nghệ An, Huế, Bình Định, Phan Rang, Sài Gòn, phản ánh các chuyển biến lịch sử nước này.

BBC News Tiếng Việt
28 tháng 8 2019
Cập nhật 5 tháng 3 2020