Sunday, December 12, 2021

"Ổ BÁNH BÒ" NỔI TIẾNG NHẤT CẦN THƠ MỖI NGÀY CHỈ BÁN TRONG VÒNG 1 TIẾNG LÀ HẾT SẠCH.

Cảm giác ăn lần đầu tiên giống như đang thưởng thức lớp vỏ của bánh bao vậy. Bánh có màu trắng trong, thường để ăn như một món tráng miệng chứ không dùng để ăn no.


Sự tiếp biến trong văn hóa ăn uống của người Trung Hoa khi nhập cư như một "món quà" dành cho vùng Tây Nam Bộ. Người dân vùng đồng bằng châu thổ chưa bao giờ xua tay phủ nhận chính người Hoa đã làm nên những sự trù phú trong nền ẩm thực của họ. Thậm chí đó còn là một câu chuyện rất ăn nhập sau rất nhiều năm. Nói đâu cho xa chẳng hạn như một món bánh vốn đặc trưng ở Nam Bộ như bánh bò là một thành phẩm giao thoa của người Hoa ở vùng đất này.


HƠN 30 NĂM BÁN BÁNH BÒ, MỖI NGÀY CHỈ BÁN DUY NHẤT 1 Ổ TRONG VÒNG 1 TIẾNG RƯỠI

Ở Cần Thơ, duy nhất có xe bánh bò của chú Trương Phùng Chiêu (sinh năm 1961) là nổi tiếng nhất! Cứ hễ về vùng đô thị nơi này, hỏi thăm "ông chú đạp xe đạp bán bánh bò" hay còn gọi với cái tên "Bánh bò Triển Chiêu" là ai cũng biết!


Trên chiếc xe đạp cũ, ngày nào cũng vào đúng duy nhất một khung giờ, một điểm hẹn, cứ hễ chú Chiêu đá chống xe cái "cạch", chiếc xe đạp cũ dựng thẳng đứng nhờ cái sườn được gia cố phía trước, trên mâm bánh bằng thiếc có bán rộng chừng 3 gang tay, ổ bánh bò thơm mùi gạo mới được phủ một lớp vải mùng, một lớp ni lông, màu trắng đục núng nính như má em bé bắt đầu cuốn sự chú ý của người đi đường.


Vừa "vào vị trí" đón khách, chú Chiêu lẹ miệng: "Rồi rồi, con ăn (bao) nhiêu?". Hết lượt khách này đến lượt khách khác, ai nấy đều cầm sẵn tiền trên tay: "Dạ 10 ngàn", "20 đi chú", "Cho con 15 ngàn". Chú Chiêu vừa nghe xong vừa lẹ tay dùng cái dao bản to, cắt/chặn từng phần bánh theo hình chữ nhật rồi bỏ vào một cái túi nhỏ đưa cho khách.

Trình tự đó cứ lặp đi lặp lại cho đến khi hết ổ bánh bò mà không cần một tiếng rao!.


"Chú mới bán trở lại, phải đợi chích đủ 2 mũi mới dám bán", chú Chiêu kể.

Chúng tôi hỏi: "Đã bao giờ chú nghỉ bán lâu vậy chưa?", chú Chiêu đáp: "Chưa, chú bán 30 năm nay, Tết thì cũng chục hai chục ngày chứ không có tới 3 4 tháng dữ vậy".

Cũng phải, thành phố Cần Thơ có lệnh giãn cách từ vài tháng trước, công ăn việc làm của hàng trăm người bị đình trệ, chú Chiêu cũng không ngoại lệ nhưng ngoài cách tuân thủ theo thì cũng người bán hàng rong như chú không thể làm gì khác hơn!


"Lúc trước 4h chiều chú bán tới 5h giờ chiều, còn bây giờ dịch thì bán sớm hơn. 3 giờ là đạp xe ra bán tới 4 giờ rưỡi, chừng 1 tiếng rưỡi là hết", chú Chiêu bộc bạch.

Trước dịch, chúng tôi muốn tìm thưởng thức bánh bò của chú Chiêu phải canh vào đúng khung giờ vì chú nhất định chỉ bán trong vòng 1 tiếng. Nhiều người tiếc vì không mua được hoặc ăn chưa đã cứ hỏi hoài một câu: "Sao chú không làm bán thêm, con thấy bán được mà", tôi cũng từng nói như thế nhưng câu trả lời của chú thì chỉ có một: "Một mình làm không nổi, bán nhiêu đây hết là về được rồi!".


Chú Chiêu kể bán 1 tiếng chứ chú phải làm 4 - 5 tiếng liên tục từ xay gạo, ủ men,... Mỗi ngày cứ 8kg gạo mà đều tay như thế, chú Chiêu tâm sự: "Nhà tui có mình tui làm à, vợ đi bán quán nước giải khát tui làm một mình, làm nhiều làm không nổi".

Ai mua bao nhiêu chú Chiêu bán bấy nhiêu, không mặc cả, nề hà

"ĂN BÁNH BÒ PHẢI BIẾT PHÂN BIỆT TỪNG LOẠI MỚI ĐÚNG LÀ NGƯỜI MIỀN TÂY NHA!"

Từ "bánh vú bò" nguyên bản của người Hoa có thành phần chính là bột gạo, người miền Tây đã sáng tạo thành đa dạng các loại bánh với các tên gọi khác theo cách chế biến khác nhau như bánh bò nướng, bánh bò hấp hay theo hình thù của bánh như bánh bò rễ tre, bánh bò bông, bánh bò dừa...

Điểm chung của các loại bánh bò này là đều có thành phần chính được làm từ bột gạo, men, đường. Thế nhưng không phải ai nhìn vào cũng biết phân biệt tên của từng loại, chính vì điều này mới có câu mà khách mê bánh bò của chú Chiêu nói: "Ăn bánh bò phải biết phân biệt từng loại mới đúng là người miền Tây!".

Bánh bò hấp

Bánh bò hấp là loại bánh bò đa dạng nhất mà người ta thường nhìn thấy ở trong mâm bánh tiêu, của các gian hàng rong. Bánh bò hấp được làm từ một hỗn hợp bột lỏng (bột gạo, bột năng, cơm rượu), không có nước cốt dừa. Bánh thường có hình dạng tròn nhỏ hoặc hình tam giác được cắt từ ổ bánh lớn, khi xé bánh bên trong chằng chịt các "sợi" trông như rễ tre nên ngoài tên gọi bánh bò hấp nó còn được gọi là bánh bò rễ tre. Ngoài ăn với bánh tiêu, bánh bò hấp còn được đánh giá cao thì ăn kèm với nước cốt dừa rắc muối mè, đậu phộng bên trên.

Bánh bò nướng

Bánh bò nướng không chỉ đa dạng ở miền Tây mà còn cả miền Bắc hoặc miền Trung, loại bánh này có thành phần là hỗn hợp bột như bánh bò hấp, và có thêm cả nước cốt dừa hoặc một số nơi có thể thay nước cốt dừa bằng sữa. Thay vì hấp, bánh bò nướng được làm chín bằng phương pháp nướng chảo, thường có lớp áo bên ngoài màu vàng nhờ nướng, bên trong cũng chằng chịt "rễ tre".

Bánh bò xốp và bánh bò bông

Bánh bò xốp và bánh bò bông là 2 loại bánh bò khác nhau thế nhưng xét về thành phần cả hai loại bánh bò này đều gây ấn tượng bởi màu trắng đục và thơm nhờ có thành phần nước cốt dừa. Mặt bánh bánh thường có nhiều bong bóng nhỏ do quá trình lên men và thoát khí khi hấp trong nồi. Khi ăn bánh có vị chua chua, ngọt ngọt (tùy loại). Cảm giác ăn lần đầu tiên giống như đang thưởng thức lớp vỏ của bánh bao vậy.

Bánh bò bông, bánh bò xốp thường có màu trắng sữa

Thiết nghĩ cách phân biệt bánh bò không khó, dựa vào 2 tiêu chí hấp hoặc nướng, có nước cốt dừa hoặc không có nước cốt dừa. Bánh bò có thành phần cốt dừa trong hỗn hợp bột thường có màu trắng đục, xốp như bông, còn loại bánh bò không có nước cốt dừa thường trong, bánh thường có hình rễ tre. Còn riêng tên gọi thì tùy vùng miền mà có tên địa phương khác nhau.

Bảo Trân - Ảnh Mỹ Hân / afamily
Theo: Trí thức trẻ



No comments: