Thursday, December 9, 2021

TÂM VÀ ĐỨC TRONG LÝ NIỆM CỦA CỔ NHÂN

Đạo đức là lý niệm đã có từ rất xa xưa. Thời cổ đại, các bậc thánh nhân đều cho rằng đức là điều kết nối con người với nhau, kết nối con người với trời đất. Trong bất cứ xã hội nào, quan niệm của con người có thể thay đổi, nhưng tiêu chuẩn làm người kỳ thực là không đổi. Dù ít hay nhiều, tiêu chuẩn đạo đức vẫn luôn tồn tại trong tâm của chúng ta, là tiêu chuẩn để đánh giá tốt xấu, đúng sai. Cho dù người ta có cố ý giẫm đạp lên tiêu chuẩn này thì cũng mơ hồ hiểu được đạo lý trong đó. Bởi vì lương tâm luôn tồn tại trong mỗi người, chỉ là nó có vị trí quan trọng hay không mà thôi.

(Ảnh minh họa: Bubbers BB/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Người xưa có câu: “Đức phối thiên địa, thiên tất hữu chi”, có nghĩa là đạo đức của người ta mà hài hòa với trời đất thì trời đất ắt sẽ phù trợ. Điều trân quý nhất của đời người chính là đức, chỉ khi nào có đạo đức tốt, nhân ái, lương thiện thì hạnh phúc thật sự mới tìm đến gõ cửa. Bởi thế trong quá khứ, những người lớn tuổi thường hay dặn dò con cháu như thế này: “Tích đức, làm việc tốt”. Khi có người làm việc thương thiên hại lý, cổ nhân thường có câu rằng: “Thất đức, tổn đức”.

Chữ “德” (đức) được tạo thành từ 5 bộ, bao gồm: “彳”, “十”, “罒”, “一” và “心”. Ý nghĩa như sau:

  • Bộ “彳” (xích) có nghĩa là bước đi chậm rãi, cũng có nghĩa là đức cần phải tích lũy lâu dài. Muốn tích đức thì cần luôn giữ thiện tâm, không phải là nhất thời hứng chí. Phúc đức là kết quả nỗ lực liên tục của cả một đời người.

  • Bộ “十” (thập) có nghĩa là nhiều, là đầy đủ, thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, ngụ ý là bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu cũng đều phải có thiện tâm, phải đức độ, khoan dung với mọi người.

  • Bộ “罒” (võng) thực chất là bộ mục (con mắt) nằm ngang, nhấn mạnh người có đức có thể nhìn thấy rõ những điều không chân chính, có thể nhận biết được đâu là đúng đâu là sai, đâu là tốt đâu là xấu.

  • Bộ “一” (nhất) là tổng thể, ý rằng người luôn có tầm nhìn bao quát, không ích kỷ, luôn chính trực, lý trí, trung thành, trong lòng không có tạp niệm, không lo lắng mới là người có đức.

  • Bộ “心” (tâm) là nói đến nội tâm, bồi dưỡng “đức” cần phải dựa vào tu ở tâm, chân tâm, thành thâm, chung tâm. “Tâm” nằm ở vị trí cuối cùng của chữ “đức” cho thấy đức là ở tận đáy lòng.

Những tính tốt như chân thành, kiên trì, nhẫn nại, vị tha, v.v. đều được gọi là “đức tính”. Người hay làm điều thiện, tấm lòng bao dung lại được gọi là người “đức độ”. Người xưa có câu rằng, phong thủy âm dương bảo hộ người lương thiện, còn kẻ trộm cắp tà dâm thì dù ở nơi phong thủy tốt cũng khó có phúc báo. Hay những câu như, nhà tích thiện thì tất sẽ có dư phúc… đều là để nhấn mạnh tầm quan trọng của “đức” đối với sinh mệnh mỗi người. Trong xã hội xưa kia, dù là bình dân bá tánh, quan lại hay kẻ làm vua đều phải biết “tu dưỡng đạo đức”. Điều đó đủ để thấy rằng một chữ “đức” đã gồm thâu lại tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người.


Muốn có “đức” thì cần phải tu tâm. Trong cuộc đời, mỗi ngày của một người thông thường đều trải qua hỉ (mừng rỡ), nộ (tức giận, phẫn uất), ai (buồn rầu, bi ai), lạc (vui vẻ). Người mà có thể được thì không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh sủng hay chịu nhục cũng không kinh động, ra đi hay ở lại cũng không bận tâm, như vậy mới có thể giữ tâm cảnh ôn hòa, tu tâm dưỡng tính.

Cổ ngữ có câu: “Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn, tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan”. Người ta khi làm việc mà có thể xem vinh nhục cũng bình thường như đóa hoa kia sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm bình lặng không kinh động, có thể xem chức vị đến rồi đi biến đổi thất thường tựa như mây tụ mây tan, thì mới có thể giữ được tâm vô vi thanh tịnh. Bởi thế, người có đức hạnh thường thủ giữ một nội tâm bình lặng, an tĩnh.


Những người tu luyện xưa nay khi nghiêm khắc bước trên con đường tu tâm, thì có thể buông bỏ sự tự tư, vượt trên cái tình, tu xuất tâm từ bi. Khi ấy họ không chỉ yêu thương những gì thuộc về bản thân mình, mà sẽ đối xử với hết thảy như thể người thân của mình vậy. Lòng từ bi của họ sẽ có thể hoá giải mọi nỗi oán hận và những mâu thuẫn, tranh đấu thiệt hơn, cảm hoá nhân tâm, dẫn dắt con người quay trở về với chính đạo.

Kỳ thực, trời có những ngày mưa gió, người có phúc có họa, nhưng trong đời người ngoài sinh tử ra thì không có bao nhiêu chuyện lớn cả. Nếu như có thể tĩnh tâm, giữ thái độ xử thế hòa nhã, thản nhiên, thì đức hạnh ấy sẽ giúp con người gìn giữ được nội tâm an lành trước vô vàn khó khăn trong cuộc sống.

An Hòa
Nguồn: trithucvn.net

No comments: