Danh y Lý Thời Trân đời nhà Minh cũng có câu nêu bật lên cái lợi và hại của rượu:
“Uống ít thì hòa huyết, hành khí, mạnh thần, trừ hàn, tiêu sầu hưng phấn, uống nhiều thì thương thần khô huyết, tổn vị, mất tinh, sinh đàm, đồng họa. Uống rượu vô độ ngày ngày say rượu, nhẹ thì sinh bệnh tật, nặng thì vong gia bại sản, bại vong thân mệnh, tai hại không thể nói hết”.
Rượu là một vị thuốc. Theo Đông Y, rượu thuốc có khả năng tăng cường sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa, kích thích ăn uống, tăng cường tuần hoàn huyết. Do đó thường có câu:
“Rượu thuốc tính nóng, chạy mà không dừng, tác dụng đều hòa khí huyết, thông kinh hoạt lạc, chấn dương trừ hàn, khứ thấp tán phong”.
Tây Y phần nào cũng đồng quan điểm với Đông Y. Uống rượu vô độ gây hại cho cả tâm lẫn thân. Rượu uống ít có tác dụng an thần, giảm lo âu, uống nhiều sẽ gây mất kiểm soát, giảm khả năng tự kiềm chế, nóng giận, hung hăng. Trên thực tế say rượu là một nguyên nhân hàng đầu gây nên tai nạn giao thông và các vụ bạo lực, hành hung.
Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, rượu đã trở thành một phần trong đời sống văn hoá của con người. Rượu có mặt trong các buổi sum vầy, lễ tiệc. Rượu khơi nguồn cảm hứng cho những vần thơ tuyệt tác, cho những buổi đàm đạo. Nhưng uống nhiều rượu có thể sẽ ngộ độc.
Ấy thế mà cũng như bao thứ khác, uống rượu quá độ lại tai hại vô cùng. Người Nhật có câu:
"Chén thứ nhất: người uống rượu. Chén thứ hai: rượu uống rượu. Chén thứ ba: rượu uống người".
Mới đầu bệnh nhân có biểu hiện nôn, buồn nôn, nặng hơn gây lú lẫn, mất trí nhớ. Khi nồng độ cồn trong máu đạt đến 400mg/100ml sẽ gây ức chế hô hấp, hôn mê và thậm chí là có thể tử vong nếu đạt nồng độ 500mg/100ml. Đặc biệt nếu uống phải rượu có nồng độ methanol cao, nhẹ thì gây triệu chứng như say rượu, nặng thì gây mù mắt, mê sảng, suy hô hấp, ngừng thở ngừng tim và tử vong.
Người nghiện rượu hầu như dành cả cuộc sống chìm trong chén rượu, không thể thực hiện trách nhiệm đối với người thân, bạn bè và xã hội. Uống nhiều rượu làm suy giảm khả năng của não bộ, giảm khả năng sáng tạo, gây trầm cảm và lo âu.
Uống nhiều rượu làm suy giảm khả năng của não bộ, giảm khả năng sáng tạo, gây trầm cảm và lo âu. (Ảnh: Pixabay)
Rượu uống nhiều còn gây tổn thương đa cơ quan. Rượu làm tăng nguy cơ dẫn đến bảy loại ung thư: ung thư đường tiêu hóa, ung thư vú, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư miệng, ung thư gan, ung thư thực quản. Rượu gây nên các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, xơ gan, vấn đề tiêu hóa.
Tác hại khi uống rượu vô độ kể ra thì không ít, thế nhưng nước ta vẫn là một trong những nơi tiêu thụ đồ uống có cồn nổi tiếng thế giới. Khoảng gần 80% đàn ông Việt uống rượu hoặc bia. Cách đây vài năm, Bộ Y tế cho biết gần một nửa đàn ông Việt Nam đang uống rượu bia ở mức độ nguy hại. Nguyên nhân có lẽ nằm ở văn hóa “nhậu” của người Việt.
Nếu như người xưa mượn rượu để tô điểm cho những buổi đàm đạo, cho những câu văn đặc sắc hay trong các buổi tế lễ, thì nay tại nhiều bữa nhậu, rượu chẳng biết tự bao giờ, đã thay thế những món ăn, lời tâm sự để thành chủ đề chính. Người ta coi uống rượu nhiều hay không để đánh giá một người, để đánh giá sự thành bại của buổi gặp mặt. Người xưa uống rượu thật thanh tao, không sa đà và luôn có điểm dừng. Rượu chỉ là chất xúc tác cho những buổi hàn huyên tâm sự, đàm đạo và thi ca.
Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút có ghi chép về cách uống của người xưa: “Khi nào có khách cần thết rượu thì chỉ dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay và chỉ uống vài chén rồi thôi ngay; nếu mời uống quá chén thì ai cũng chê là say đắm”.
Thật may mắn là chính phủ đã ban hành các điều luật nhằm hạn chế tác hại của rượu bia, tuy nhiên bên cạnh những luật định, cũng như phổ biến tác hại của rượu bia cho người dân, thì việc thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu của người Việt vẫn luôn là cốt lõi. Đây cũng là điều khó thay đổi nhất, vì luật lệ chỉ có thể ước thúc hành vi, nhưng không thể thay đổi bản chất con người.
Đại Hải
No comments:
Post a Comment