Theo “Binh pháp Tôn Tử”, chiến thắng lớn nhất chính là chinh phục quân đội nước khác mà không cần chiến đấu, không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Thời gian này, Tôn Tử kết giao với với trọng thần nước Ngô là Ngũ Tử Tư. Biết được tài năng binh pháp của Tôn Tử, Ngũ Tử Tư liền tiến cử ông với Ngô vương Hạp Lư. Tôn Tử liền dâng 13 chương binh pháp lên được Ngô vương rất tán thưởng.
“Binh Pháp Tôn Tử” trở nên nổi tiếng từ đó và được tham khảo và nhắc đến thường xuyên trong các triều đại sau này, đặc biệt là vào thời Chiến Quốc (475 TCN -221 TCN).
Binh pháp Tôn Tử - Tuyệt tác binh thư
Trong suốt cuộc đời của mình, Tôn Tử không chỉ đạt được những chiến công lừng lẫy, mà còn để lại những chiến lược quý giá về Binh pháp, được thể hiện trong cuốn “Binh pháp Tôn Tử”, chỉ trong 13 chương và 8.000 từ đã phản ánh đầy đủ triết lý quân sự của ông(1).
Một trong những nguyên tắc chỉ huy của Tôn Tử là quân lệnh như sơn, các binh lính cần phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh vị tướng của mình.
Có chuyện kể rằng, một ngày, Ngô vương Hạp Lư triệu gọi Tôn Tử và nói: “Trong “Binh pháp Tôn Tử” lý luận của mỗi chương là khá hoàn hảo. Tuy nhiên không ai biết thực hành các lý thuyết đó như thế nào!”
Tôn Tử nói với nhà vua: “Hoàng thượng có thể cử ai đó và cho phép thần chứng minh lý thuyết của mình? Sau đó bệ hạ sẽ hiểu được binh pháp này.”
Chân dung Tôn Tử. (Ảnh: Wikipedia)
Trong buổi đầu tiên, những nô tài đã không cho là Tôn Tử nghiêm túc. Khi Tôn Tử nói với họ phải quay sang bên phải, họ chỉ cười khúc khích và đùn đẩy nhau. Tôn Tử yêu cầu hai đội trưởng không xem buổi luyện tập như một trò đùa và cảnh báo họ đừng mắc sai lầm nếu không họ sẽ bị trừng phạt theo quân pháp. Với ông, trách nhiệm của một vị tướng là đảm bảo các mệnh lệnh của mình được rõ ràng.
Tuy nhiên, sau buổi tập luyện thứ hai, những người hầu vẫn cười cợt và không chú ý đến Tôn Tử. Ông nghiêm khắc nói với hai đội trưởng, đồng thời là hai ái thiếp của vua Ngô như sau: “Cả hai người, là đội trưởng mà không đáp ứng được nhiệm vụ giám sát và phải chấp nhận sự trừng phạt.” Sau đó, ông đã ra lệnh tử hình ngay lập tức đối với hai người này.
Những người hầu thấy vậy vô cùng khiếp sợ, liền tuân phục mọi mệnh lệnh của ông một cách chính xác và ngay lập tức, không khác nào một đội quân thật sự.
Câu chuyện trên đây ta có thể thấy được tài dụng binh của Tôn Tử, biến một đám người ô hợp thành một đội quân có kỷ luật rõ ràng, nghiêm túc tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy. Điều đó cũng đã chứng minh cho vua Ngô thấy “Binh Pháp Tôn Tử” không phải là triết lý suông mà là những lý luận quân sự vô cùng cụ thể. Lúc này, Ngô vương Hạp Lư đã nhận ra tài thao lược kiệt xuất của Tôn Tử, liền bổ nhiệm ông làm thượng tướng quân và phong làm quân sư nước Ngô.
Đương thời, Tôn Tử cũng không chỉ là một nhà lý luận binh pháp đơn thuần, mà ông từng trực tiếp chỉ huy quân đội chiến đấu để chứng minh cho những học thuyết của mình:
Tôn Tử từng trực tiếp chỉ huy quân đội chiến đấu để chứng minh cho những học thuyết của mình. (Ảnh: Secretchina)
Tháng 12 năm 512 TCN, Ngô vương Hạp Lư ra lệnh cho Tôn Tử chỉ huy quân tiêu diệt hai nước nhỏ là nước Chung Ly và nước Từ. Trong lần cầm quân đầu tiên này, Tôn Tử đã xuất sắc hạ gọn hai nước trên đồng thời thừa thắng chiếm được đất Thư thuộc nước Sở, lập công lớn, được Ngô vương ban thưởng.
Năm 511 TCN, Tôn Tử lại thống lĩnh ba quân cùng Ngũ Tử Tư, Bá Hi đi chinh phạt nước Sở. Dưới quyền chỉ huy của Tôn Tử quân Ngô đánh hai trận thắng cả hai, chiếm được hai xứ Lục và Tiềm thuộc đất Sở.
Năm 510 TCN, giữa nước Ngô và nước Việt xảy ra chiến tranh. Trong cuộc chiến này lần đầu tiên Tôn Tử đưa ra cách dụng binh “quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quân cần tinh nhuệ chứ không cần nhiều), chỉ với ba vạn quân, Tôn Tử đã đánh bại 16 vạn quân nước Việt.
Năm 509 TCN xảy ra cuộc đại chiến giữa nước Ngô và nước Sở. Lần này Tôn Tử khôn khéo vòng tránh đội quân chủ lực của quân Ngô; dùng lối đánh vu hồi tập kích doanh trại bắt sống công tử Tử Phàm, quân Sở từ thế mạnh, chuyển sang yếu cầm cự chưa đầy một tháng phải rút chạy về nước.
Tháng 11 năm 506 TCN Hai nước Ngô - Sở một lần nữa xảy ra đại chiến, quân Sở huy động tới 25 vạn quân tiến đánh nước Ngô, khí thế hừng hực. Lần này, Tôn Tử triệt để lợi dụng địa hình để giao chiến với quân Sở. Cuối cùng 3 vạn quân Ngô đã phá tan 25 vạn quân Sở buộc Sở vương phải tháo chạy.
Sau các chiến thắng này, uy danh và tài thao lược quân sự của Tôn Tử lừng lẫy khắp thiên hạ. Đồng thời cũng chứng minh giá trị của cuốn “Binh pháp Tôn Tử” của ông.
Sau các chiến thắng này, uy danh và tài thao lược quân sự của Tôn Tử lừng lẫy khắp thiên hạ. (Ảnh: Secretchina)
“Binh pháp Tôn Tử”: Tuyệt tác binh thư nhưng khuyến khích hòa bình
“Binh Pháp Tôn Tử” bao gồm hầu như tất cả các lý thuyết quân sự như chiến lược, tâm lý học, khí tượng học, và địa hình. Ngoài ra, nó cũng áp dụng chính trị, kinh tế, lịch sử, triết học,... và coi đó như là một phần quan trọng của chiến lược quân sự. Theo “Binh pháp Tôn Tử”, chiến thắng lớn nhất chính là chinh phục quân đội nước khác mà không cần chiến đấu, không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch. Ngoài ra, có thể đánh bằng phương pháp ngoại giao, kinh tế, chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng.
Trong cuốn binh pháp của mình, Tôn Tử không hề khuyến khích chiến tranh, ông lưu ý rằng: “Chiến tranh là một sự kiện quan trọng của quốc gia và có ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ về sự sống và cái chết của con người, mà còn là sự sống còn của một quốc gia. Vì vậy, phải xem xét thận trọng và thích đáng để bắt đầu một cuộc chiến tranh với các quốc gia khác.”
Trong cuốn binh pháp của mình, Tôn Tử không hề khuyến khích chiến tranh. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-2.0)
Ngoài ra, Tôn Tử cảnh báo các vị vua và các tướng lãnh của các quốc gia không gây chiến vì tức giận, mà nên suy nghĩ kỹ trước khi bắt đầu một cuộc chiến tranh, đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của đất nước mình.
Cũng trong “Binh pháp Tôn Tử”, Tôn Tử cho rằng mục đích của việc sử dụng lực lượng quân sự là để chấm dứt tình trạng hỗn loạn và đem đến hòa bình. Vì thế, các lý thuyết trong “Binh pháp Tôn Tử” giúp các bậc quân vương hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc chiến, không tùy tiện gây chiến, giảm thương vong của binh lính và đau khổ cho nhân dân.
Ngày nay, các lý thuyết và ý tưởng của Binh pháp Tôn Tử còn được sử dụng trong kinh doanh hiện đại và quản lý xã hội. Giúp cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa quốc gia tiến tới giàu mạnh và ổn định.
Nam Minh / Theo: ntdtv
Ghi chú:
(1) “Binh pháp Tôn Tử” nguyên có 18 chương (còn gọi là “thiên”), nhưng hiện nay chỉ còn lại 13 chương.