Saturday, December 11, 2021

TRIẾT HỌC KHÔNG BUỒN CHÁN

Diogenes - người 'bật' Plato và cả Alexander Đại Đế

Triết gia Diogenes nếu là người sống ở thời hiện đại chắc sẽ được gán mác là "thánh troll", nhưng điều đó chưa đủ đối với tầm vóc của ông ấy.


Chúng ta có xu hướng ngại triết học. Dù đã quen thuộc với những cái tên mang tính biểu tượng như Socrates, Plato, Aristotle...v..v. chúng ta vẫn e ngại vì có cái gì đó “phi thực”, “to tát” quá. Có thể do ngay từ đầu chúng ta được giới thiệu về triết học theo cách khiên cưỡng và thiếu gần gũi, từ đó hiểu sai và vô tình bỏ qua kho tàng chuyện hay triết học: những câu chuyện cũng không kém phần hài hước nhưng thâm nho, độc địa như đứa bạn thân chúng ta vậy. Nhất là khi nhắc đến Diogenes, triết gia theo chủ nghĩa yếm thế (Cynicism) – người dám “cân” hết dân thành Athens, Plato và Alexander Đại Đế.

Diogenes dưới nét vẽ của họa sĩ Pháp Jean-Léon Gérôme, trông điển trai rắn chắc nhưng thật ra chẳng ai biết dung mạo thực của ông ra sao.

Diogenes thành Sinope, con trai của Hicesias làm nghề đúc tiền nhưng bị trục xuất khỏi Sinope vì tội phá hoại tiền tệ (cắt xén phần kim loại đúc tiền). Đối mặt với việc này, ông nói “Chúng tuyên án trục xuất ta khỏi Sinope, còn ta tuyên án họ ở yên trong xó nhà”.

Nghe theo lời nhà tiên tri Delphi, Diogenes "phượt" tới Athens, nơi ông quyết thách thức các giá trị xã hội bấy giờ và thể chế chính trị mà theo ông thấy là rối rắm và đàn áp. Khi tới Athens, tên nô lệ ốm lững thững đi theo ông là Manes cũng bỏ trốn không thèm phục vụ nữa, người ta bảo ông rượt theo bắt lại, ông chỉ nói: “Nếu Manes có thể sống mà không có Diogenes, thì Diogenes cũng có thể sống không cần Manes mà”.

Ông xin làm học trò của Antisthenes, một trong những nhân vật lập nên trường phái Cynicism. Ban đầu Antisthenes không chịu nhận, còn lấy gậy đánh đuổi. Diogenes không nao núng: “Cứ đánh đi, bởi chẳng có cây gậy nào đủ cứng để xua ta khỏi người”. Antisthenes nghe không hợp lý lắm nhưng cũng thấy thuyết phục, nên nhận Diogenes làm học trò.

Antisthenes và Diogenes

Được Antisthenes thu nhận, Diogenes quyết đẩy việc thực hành thuyết yếm thế một cách cực đoan và trở thành hình tượng tiêu biểu. Cũng xin nói thêm, Cynicism trong tiếng Hy Lạp cổ là kynikos, trong đó Kyôn nghĩa là “con chó” (có nhiều bản dịch từ này thành “khuyển nho”, nhưng trong Hán Việt “khuyển nho” mang nghĩa xấu chỉ những người học chữ mà tư cách hèn hạ nên trong bài viết này xin bỏ qua vỏ bọc ngôn từ mà hướng tới ý nghĩa đích thực). Những người theo thuyết yếm thế cũng tự gọi mình là chó, mục tiêu họ hướng tới là đời sống “hòa hợp tự nhiên”, đức hạnh, trong đó nếp sống khổ hạnh xa rời vật chất là phương tiện đưa tinh thần con người chạm tới ngưỡng tự do. Diogenes không có của cải gì ngoài tấm áo, cây gậy hành khất và cái bát gỗ. Nhưng cái bát gỗ ấy một ngày cũng bị ông ném đi sau khi thấy cảnh một thằng bé uống nước bằng cách hớt nước bằng tay. “Một đứa trẻ đã dạy ta về hạnh giản dị ở đời”.

Diogenes vứt bỏ bát nước dưới nét vẽ của Salvator Rosa

Diogenes sống trong cái chậu sứ bỏ ở xó chợ và sống nhờ vào bố thí của người qua kẻ lại. Khi bị đặt câu hỏi vì sao người ta cho tiền ăn mày thì nhiều còn triết gia như ông lại nhận được quá ít, ông bảo “Vì họ sợ một ngày nào đó sẽ trở nên đui mù què quặt như vậy, chứ không nghĩ bản thân sẽ thành một triết gia”.

Diogenes học tập và thực hành bằng chính cuộc đời của mình, tương truyền ông viết được khoảng 10 cuốn sách và vài bài luận khác nhưng tất cả đều thất lạc, ông cũng chẳng nhận học trò vì quan trọng là thực hành chứ không phải sách vở. Thành ra những gì lưu trữ về ông là giai thoại, những màn đối đáp trứ danh làm nên tên tuổi “Socrates điên” mà Plato đặt cho ông.

Tiêu biểu là màn xách đèn ra giữa chợ soi người.


Diogenes tự gọi mình là Chó và có nhiều lý do để những người theo chủ nghĩa yếm thế như ông lấy chó làm hình mẫu để noi theo. Chó không chỉ là một phần trong tên gọi của giáo lý mà họ theo đuổi, chó là loài sống “tự nhiên” và vô sỉ, cũng như chó Diogenes đi chân trần, bạ đâu ngủ đó, “tự sướng” giữa chợ... Khi bị chỉ trích vì hành vi đó, ông bảo đám người Athens cũng ăn ngủ làm tình đấy thôi những chẳng qua là giấu diếm khuất mắt.

Người theo phái yếm thế với lối sống thách thức như vậy nên nhận ánh mắt khó hiểu, dèm pha của người đời. Cũng như chó, họ biết bạn biết thù, những ai hiểu và chấp nhận thì họ chào đón, còn ai “ném đá” sẽ bị họ “cắn” lại, bằng ngôn từ hay hành động cụ thể.


Diogenes sinh thời là người ăn nói sắc bén, dù sao thì những triết gia yếm thế như ông luôn mang tinh thần thách thức thói thường dân Athens nên việc “cắn” người như thế cũng là một cách hành đạo, nhờ vậy sinh ra lắm chuyện hay để hậu thế đọc trên Internet.



Ngay từ Hy Lạp cổ đại cũng đã phát hiện ra chân lý ăn ké là ngon nhất.

Diogenes gặp Alexander Đại Đế

Diogenes và Alexander phiên bản chó của Edwin Landseer

Đám dân thành thị màu mè giả tạo chẳng là gì trong mắt Diogenes, nhưng quan trọng không chỉ thị dân, Alexander Đại Đế cũng không phải đối tượng khiến ông phải "vẫy đuôi".

Danh tiếng về những lời thông thái của Diogenes truyền đến tai Alexander, khi ấy có tham vọng chinh phạt thế giới. Thuở nhỏ ông được kèm cặp bởi Aristotle nên dĩ nhiên lớn lên ông là một lãnh đạo có học. Vì là người có học, ông bị hấp dẫn bởi sự dị thường của Diogenes nên thân chinh đến thăm, khi ấy Diogenes đã bị bán sang Corinth (dân Athens thở phào) đang lõa thể tắm nắng.

Alexander: Ta là Alexander Đại Đế.

Diog: Ta là Diogenes Con Chó.

.....

Alexander: Ngươi không sợ ta sao?

Diog: Người là xấu hay tốt?

Alexander: Người tốt.

Diog: Người tốt thì có gì phải sợ.

(Trích Lives of the Ancient Philosophers - John Cormack)

Màn đối thoại giữa vua và triết gia được lưu lại với nhiều dị bản có khác nhau đôi chút, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là lời đáp trả của Diogenes khi được vua ban ân huệ.


Liệu vị vua có nhận ra bản thân dù đi chinh phạt bốn phương, danh tiếng lẫy lừng, nhưng ông có được sự hài lòng như Diogenes hài lòng với ánh mặt trời của tự nhiên ban tặng? Thứ ông không thể cho Diogenes dù nói lời đao to búa lớn? Nên vị vua chỉ còn cách đứng né ra một bên.

Trích A Dialogue between Alexander the Great, and Diogenes the Cynic - Henry Fielding

Thấy Diogenes xấc láo với vua, vài tên lính hằm hè, một số cười nhạo. Alexander ngăn lại: "Để cho ông ấy yên, ta ngưỡng mộ tính cố chấp của ông, có khi phải ganh tỵ. Tạm biệt nhé kẻ bất cần. Những lời này chắc sẽ bơm phồng niềm kiêu hãnh của ngài thêm, nhưng thật sự, ta coi trọng ông. Nếu không phải là Alexander, ta muốn được là một Diogenes."

Tuy không chắc chắn nhưng có nhiều phiên bản ghi chép Diogenes đáp lại:


Diogenes đấu khẩu với Plato

Nhắc đến Diogenes mà không nhắc thêm những màn "tay đôi" với Plato thì lại bỏ qua những giai thoại để đời của hai bộ óc tài ba thành Athens.


Khác với Diogenes, Plato sinh ra trong một gia đình quý tộc và từ nhỏ hấp thụ nền giáo dục tuyệt vời, là học trò của Socrates và là người sáng lập Akademia, trường học đầu tiên nơi giảng dạy triết học, khoa học.

Plato's Academy của họa sĩ Raphael

Bạn thấy nhân vật nào đang nằm rất "xõa" ở nơi trống trải nhất không? Là Diogenes đó.


Còn 2 anh trai này thì kiểu "Ớ ớ có lộn không? Sao ông già gàn dở này lại ở đây" *níu áo mọi người để hỏi*


Có lần Plato đang giảng lý thuyết về "khái niệm", ông chỉ vào một chiếc cốc, nói rằng dù trên đời có rất nhiều chiếc cốc nhưng chỉ có một "khái niệm" về cốc và khái niệm này đã tồn tại trước cả khi những cái cốc có mặt trên đời. Diogenes bảo "Tôi có thể thấy cái cốc trên bàn, nhưng không thấy được khái niệm cốc nào cả". Plato gõ gõ tay lên trán "Đó là vì ông chỉ nhìn bằng mát trần chứ không có trí tuệ để nhìn thấy khái niệm". Diogenes bèn tới nhìn nhìn cái cốc: "Nó rỗng mà đúng không? Vậy cái "sự rỗng" nào đã tồn tại trước khi sự rỗng của cái cốc có mặt trên đời". Plato đang ngẫm nghĩ thì Diogenes đã gõ vào trán Plato "Cái sự rỗng đó nó có sẵn ở đây nè".

Diogenes thách thức Plato

Dù thường xuyên đối đầu nhau (và Diogenes có vẻ chiếm ưu thế), nhưng khó có thể nói hai người này ghét nhau được. Diogenes một người hoài nghi đương nhiên sẽ luôn hỏi khó, phản biện, chỉ trích những bài thuyết giảng "dài dòng văn tự" của Plato. Plato thì gọi Diogenes là "Socrates điên", Socrates là thầy Plato, người ông nhất mực tôn kính và thường lấy ra làm đề tài thảo luận tại trường, cho thấy phần nào sự tôn trọng và công nhận của ông dành cho Diogenes dù gàn dở và ưa "cà khịa".

Diogenes hay chê Plato ăn nói dài dòng và thường tỏ vẻ không quan tâm mỗi khi Plato thuyết giảng môn sinh. Có lần bực mình trước thái độ của Diogenes, Plato gắt: "Tập trung nghe ta nói này, con chó!", Diogenes thờ ơ: "Ừ thì là chó, ít ra chó không quay lại với kẻ đã bán nó đi", mỉa mai việc Plato sau khi bị bán đi như nô lệ ở Sicily, phải nhờ bạn mình chuộc ra vẫn quay lại đó lần nữa theo thư mời.

Plato và Diogenes (người cầm đèn) của Mattia Preti

Sống sao cho vừa lòng ông đây?

Diogenes cũng từng mời Aristotle ăn sung, Aristotle biết rằng nếu không nhận sẽ bị Diogenes xỉa xói chết mất thôi nên đành lấy vài quả nhưng rào trước: "Ta lấy sung của Diogenes và cả lời chua cay của ông ấy đi mất rồi". Lần khác cũng được mời (Diogenes nghèo nhưng thảo ăn vì xin được sung từ Plato), Aristotle nhận lấy, giơ lên trời cao bằng cả hai tay, đoạn trả lại cho Diogenes và nói "Diogenes vĩ đại".


Tuy nhiên cũng hiếm hoi vài lần Plato bật lại được Diogenes. Một lần Diogenes được mời tới nhà Plato, ông bị vấp thảm té ngã, lúc bò dậy ông xỉa xói: "Úi chời ta vấp phải lòng kiêu hãnh của ông Plato rồi", Plato vặt lại: "Ông bạn có kém cạnh gì đâu, ra vẻ không màng hư danh như vậy cũng là phù phiếm lắm đấy".

Cuối đời

Về sau Diogenes bị bọn cướp biển bắt cóc làm nô lệ khi ông đang chu du tới đảo Aegina. Chúng đưa ông tới Crete để bán đấu giá, khi được hỏi ông làm được những gì, ông bảo "Cai quản con người", thật ra trong tiếng Hy Lạp, "cai quản con người" và "dạy con người biết giá trị" phát âm gần như nhau. Đoạn ông chỉ vào một người ăn mặc đẹp là Xeniades "Người này vừa nhìn là biết đang cần một thầy dạy, bán ta cho hắn.". Cảm kích sự hài hước của Diogenes, Xeniades mua Diogenes về Corinth để dạy học cho 2 con trai.

Quãng đời Diogenes sau khi dạy học cho con của Xeniades có nhiều dị bản. Người thì nói ông chết già trong nhà Xeniades, cũng có người nói ông được thả tự do và tiếp tục sống hành khất ở Corinth. Tương truyền lúc sắp chết ông đòi được thả ra ngoài thành cho chó hoang ăn thịt. Không biết có ai làm theo ý nguyện của ông không nhưng dân thành Corinth lập một đài tưởng niệm đá hoa cương cho Diogenes, trên đó đặt tượng một con chó.

Lời Kết

Những giai thoại về Diogenes, dù có thật hay không, nhưng cuộc đời và tinh thần của ông là thật và mãi trường tồn, đồng thời còn tác động lên trường phái triết học khác là Stoicism (phái khắc kỷ). Dù khi sống những hành động của ông bị xem là gàn, "bựa" theo tiếng lóng hiện đại, nhưng thực chất cả đời ông lấy đạo đức làm kim chỉ nam không màn hư danh, nghiêm túc, chân thành theo đuổi giáo lý mà mình đã tin và chúng ta, những con người hiện đại có thể học từ ông đức tính đó, cùng hạnh giản dị, óc phản biện và khiếu hài hước (nhưng không cần cực đoan như thế đâu).
Làm thế nào một người có thể sống không quần áo, không nhà, không lò sưởi, không nô lệ, không thuộc về thành đô nào, bẩn thỉu như thế mà vẫn sống một đời bình lặng? Đó, thánh thần đưa xuống cho chúng ta một người như vậy để chứng minh mọi điều trên là có thể.
(Epictetus nói về Diogenes)

Tượng Diogenes ở quê nhà Sinop, Thổ Nhĩ Kỳ

Mustamoon - Theo: Lost Bird