Tuesday, December 28, 2021

DANH TƯỚNG TRƯƠNG TẤN BỬU

Xung trận cứu vua, trai làng thành hổ tướng Sài Gòn


Danh tướng Trương Tấn Bửu theo Nguyễn Ánh lúc vua nguy khốn nhất, giúp lấy lại cơ đồ, sau đó nhiều lần mang quân đánh giặc Tàu Ô và từng giữ chức tổng trấn Gia Định.

Cách con đường nhộn nhịp Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận, TP HCM) hơn 100 m có lăng Phú Thành rộng 2.300 m2, gần 200 năm tuổi. Lăng được bao bọc bởi tường rào, khá yên tĩnh, gồm khu mộ và đền thờ riêng biệt nhưng nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Khu lăng mộ này của danh tướng Trương Tấn Bửu - một trong ngũ hổ tướng đất Gia Định xưa. Ông từng nhiều năm làm tổng trấn Bắc Thành, Gia Định… góp công lớn giúp Nguyễn Ánh lập nên nhà Nguyễn.

Khu lăng mộ rộng 2.300 m2 của vị hổ tướng ở Sài Gòn với nhiều hạng mục xuống cấp. 
Ảnh: Tư liệu

Theo sách Tiểu sử Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, vị hổ tướng sinh năm 1752 tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ngày nay. Xuất thân từ gia đình nhà nông có 7 anh em, ông rất giỏi võ, tính trầm, gan dạ, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Thời trẻ, ông đã nổi tiếng tuấn tú, có sức mạnh vô song, dám đánh nhau với cọp dữ.

Khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, đánh tan tác phải bỏ chạy trong đêm và lạc tới làng của Trương Tấn Bửu. Vị vua cùng tùy tùng đói lả, gõ cửa nhà ông Bửu xin ăn.

Cha ông Bửu là Trương Tấn Khương thương người nên vừa mời cơm vừa cho họ ngủ nhờ. Do lạc mất quân tướng nên Nguyễn Ánh xin ông Khương ở lại sinh sống, làm ruộng một thời gian. Cha con Trương Tấn Bửu thấy Nguyễn Ánh khác người nên gặng hỏi, vua đã thổ lộ danh tính.

Ông Khương sau đó gửi gắm Bửu cho chúa để theo phò giá. Thấy nam thanh niên có sức khỏe, thông minh lại hàm ơn gia đình giúp đỡ trong hoạn nạn nên Nguyễn Ánh nhận lời.

Vừa đưa chúa Nguyễn ra khỏi nhà, gã trai làng Trương Tấn Bửu phải đối mặt quân Tây Sơn phục sẵn. Quân ít, ở thế yếu nên họ vất vả chống đỡ. Toàn bộ quân tướng nhà Nguyễn lúc bấy giờ rơi vào nguy cơ bị Tây Sơn bắt giết. Tuy nhiên, do quen thuộc địa bàn, ông Bửu vung đao tả xung hữu đột bảo vệ chúa giữa muôn trùng vây. Nhờ tài trí, ông đưa Nguyễn Ánh trốn thoát.

Mộ ông Trương Tấn Bửu trên đường Nguyễn Thị Huỳnh, Phú Nhuận. Ảnh: Panoramio

Sau này, Trương Tấn Bửu được phong chức Khâm sai đốc chiến cai cơ, ông được Nguyễn Ánh cho tên Long, phong hầu nên gọi là Long Vân Hầu. Ông theo Nguyễn Ánh đánh những trận lớn ở Quy Nhơn, Hội An, góp công lớn giúp nhà Nguyễn đánh bại Tây Sơn.

Năm 1802, Bửu được phong Chưởng dinh, giữ chức Tiền quân Phó tướng, cai quản quân đội tại Bắc thành. Thời gian này ông dẫn quân đánh cướp biển Tàu Ô - đội quân rất hùng mạnh với hàng trăm chiến thuyền. Chúng khuấy đảo từ Vân Đồn (vịnh Hạ Long, Quảng Yên) tới Kinh Môn (Hải Dương). Quan quân nhà Nguyễn gặp cướp biển thua liểng xiểng nhưng riêng ông Bửu là khắc tinh với chúng.

Đánh nhau với giặc Tàu Ô ròng rã 36 trận trong nhiều năm, Trương Tấn Bửu mới dẹp yên để dân an cư lạc nghiệp. Ông sau đó được Gia Long phong chức quyền tổng trấn Bắc thành để tưởng thưởng. Nhờ giúp cư dân phía Bắc dẹp nạn cướp nên nhiều nơi sau này lập đền thờ vị hổ tướng này.

Năm 1810, Trương Tấn Bửu được triệu về giữ chức quyền Tổng trấn thành Gia Định. Hai năm sau, tả quân Lê Văn Duyệt được điều về làm tổng trấn, ông giữ chức phó. Hai tướng này coi trọng quốc pháp cũng như một lòng tận tụy giúp dân nên được kính phục như thánh sống.

Ông là người có tầm nhìn chiến lược quân sự nên năm 1816 tuân lệnh vua đốc suất quân dân đắp thành Châu Đốc, trấn giữ bờ cõi. Bảy năm sau ông cùng Thoại Ngọc Hầu chỉ đạo 35.000 người đào kinh Vĩnh Tế (kênh đào lớn nhất thời điểm đó) dài 87 km ở An Giang và Kiên Giang ngày nay.

Kinh Vĩnh Tế ở miền Tây do Trương Tấn Bửu góp công sức khai lập. 
Ảnh: Bùi Nguyên Đào Thụy

Hổ tướng Trương Tấn Bửu mất năm 1827, thọ 75 tuổi, được đưa vào thờ ở miếu Trung hưng công thần. Mộ ông ở Gia Định có người trông coi, thờ cúng hàng năm.

Trước năm 1985, Sài Gòn có 2 con đường mang tên Trương Tấn Bửu mà hiện là đường Lê Quang Sung ở quận 6 và Trần Huy Liệu ở Phú Nhuận.

Sơn Hòa

No comments: