Thursday, December 30, 2021

THẢM ÁN TỪ QUAN HỆ MẸ GHẺ CON CHỒNG, LÀ VÌ CHÚNG TA LUÔN TIẾP THU BÀI HỌC PHỤ DIỆN?

Từ những vụ mẹ ghẻ bạo hành đến chết con chồng xuất hiện nhan nhản trong xã hội ngày nay, chúng ta không khỏi giật mình nhìn lại sự cổ súy cho những bài học phụ diện về mối quan hệ này.

Những bài học phụ diện đang vô tình làm tăng mặt ác trong lòng mỗi người, khiến người ta cho rằng mối quan hệ giữa mẹ kế con chồng chỉ có thể là như vậy. (Ảnh minh họa qua Avvo)

Hiện nay đâu đâu cũng nhìn thấy những video hay tiểu phẩm nói về cô Tấm bị dì ghẻ ghen ghét hãm hại, hay tuyên truyền những mẫu chuyện phụ diện tương tự như vợ kế của Phạm Công đuổi hai con nàng Cúc Hoa đi ăn mày… Những việc này đang vô tình làm tăng mặt ác trong lòng mỗi người, khiến người ta cho rằng mối quan hệ giữa mẹ kế con chồng chỉ có thể là như vậy.

Thật ra đây chỉ là những bài học phụ diện, còn các bài học chính diện khác về sự hiền đức của người mẹ kế thời xưa, nhằm làm thước đo cho người đời sau có nhiều vô số kể.

Trong xã hội cổ đại, mối quan hệ này còn phổ biến hơn, nhưng người mẹ thời xưa đối xử với các con, bất kể là con đẻ hay con chồng cũng có tiêu chuẩn riêng để được xem là hiền từ đức hạnh. Sách “Liệt nữ truyện” thời Tây Hán có lưu lại 2 câu chuyện về sự bao dung đức hạnh của những người mẹ kế.
 
Mẹ kế bao dung cảm động con chồng

Chuyện kể rằng gia tộc Mạnh Dương thời Ngụy có một người phụ nữ là vợ kế của Mang Mão. Bà có 3 người con do chính mình sinh ra, còn vợ trước có 5 người con. Nhưng 5 người con của vợ trước đều không yêu mến bà dù bà có đối xử với chúng tốt như thế nào. Bà vẫn không lấy vậy mà phiền lòng, luôn ưu tiên cho 5 người con đó, cho chúng ăn mặc đều tốt hơn con mình.

Sau này, một người con chồng phạm pháp bị phán tử hình, bà vô cùng sốt ruột, hàng ngày chạy vạy khắp nơi để cứu đứa con chồng phạm tội.

Có người thấy vậy nói với bà: “Con người ta vốn không quý mến bà. Sao bà lại vì chuyện của nó mà bận tâm lo lắng?”

Bà trả lời: “Con đẻ của ta, cho dù không yêu quý ta thì ta cũng phải cứu. Còn con của vợ trước, mất mẹ mồ côi ta mới làm mẹ kế của chúng. Mẹ kế cũng là mẹ. Tuy chúng không yêu quý ta nhưng ta sao có thể quên mất mình là mẹ được!” Thế là bà vẫn lao nhọc khắp nơi để cứu con chồng.

Tấm lòng vị tha, nhân hậu của người mẹ sẽ cảm hóa được các con, đồng thời cảm động nhân tâm, hóa giải mọi chuyện. (Ảnh minh họa qua Sống Đẹp)

Sau khi An Ly Vương nước Ngụy biết được việc này liền cảm thán nói: “Người mẹ kế đức hạnh như vậy, sao có thể không cứu con bà!” Thế rồi ông hạ lệnh tha cho người con đó.

Từ đó về sau, cả 8 người con đều hiếu thuận với bà, cả nhà vui vẻ hạnh phúc.

Cổ nhân có câu “Phúc đức tại mẫu”, tức là con cái có trở thành người có ích hay không, có cuộc sống hạnh phúc hay không thì đức hạnh của người mẹ là rất quan trọng. Có được một người mẹ hiền từ, đức độ chính là may mắn lớn nhất của những người con.

Không phân biệt con ruột con chồng

Thời vua Tuyên Vương nước Tề, có một vụ án mạng giữa đường. Bởi vì lúc đó người chết từng đứng cạnh 2 anh em nhà nọ, nên cả 2 đều bị bắt.

Ở trên công đường, quan xét xử hỏi ai là người đã đâm chết nạn nhân. Người anh không nghĩ ngợi nói ngay: “Là tôi giết”. Người em liền phản bác: “Không phải do anh trai, là do tôi giết”. Đã qua 1 năm mà viên quan không xử được, bèn đem việc này bẩm báo lại với Tể tướng.

Tể tướng không quyết định được bèn báo lại với vua. Vua nước Tề nói: “Thả cả 2 là tha cho kẻ có tội, giết cả 2 là giết chết người vô tội. Mẹ của họ có thể biết con trai mình tốt hay xấu, hãy nghe theo ý của người mẹ.”

Tể tướng cho người gọi người mẹ của 2 anh em đến, người mẹ khóc lóc nói rằng: “Giết người là đứa con nhỏ”. Tể tướng thấy vậy bèn hỏi nguyên do.

Người mẹ thưa: “Đứa nhỏ là con của tôi, còn đứa lớn là con của người vợ trước. Lúc cha của chúng lâm chung dặn dò tôi chăm sóc cho con lớn thật tốt, tôi đồng ý rồi. Nhận lời ủy thác đó nên tôi không thể nào làm trái”. Nói xong người mẹ khóc như mưa.

Người xưa coi trọng tín nghĩa, có thể xem nhẹ quan niệm “con chồng”, “con đẻ”. (Ảnh minh họa qua Sống Đẹp)

Tể tướng đem việc này bẩm báo lại với vua. Vua Tề khen ngợi nghĩa khí của bà, rồi tha cho cả 2 người con, đồng thời ban cho bà danh hiệu Nghĩa mẫu.

Hành vi của chúng ta phụ thuộc vào việc lựa chọn tiếp thu bài học chính diện hay phụ diện

Những câu chuyện mà người xưa lưu lại cho hậu thế có chính diện có phụ diện, nhưng tất cả đều có một điểm chung đó chính là: làm việc ác ắt có báo ứng, làm việc thiện sẽ gặp bình an. Câu chuyện ‘Tấm Cám’ thì người mẹ ghẻ cuối cùng cũng nhận được cái kết xứng đáng cho tội ác mình đã gây ra. Còn câu chuyện của 2 người mẹ kế hiền đức bên trên lại có cái kết vô cùng có hậu, khiến người đời nể phục, sử sách lưu truyền. Đúng như câu nói: “Hãy cứ làm người lương thiện, trời xanh ắt có an bài.”

Nhưng hiện nay đa số người ta điều thích xem và tiếp thu những bài học phụ diện, những đấu đá đẩy các mâu thuẫn lên cao trào, còn những bài học chính diện thì ít ai biết đến. ‘Sở thích’ này vô hình chung đã khiến nội tâm người ta nuôi dưỡng những quan niệm bạo lực không tốt, lâu dần tạo ra những hành vi không thể kiểm soát, gây ra hậu quả không thể vãng hồi.

Còn những bài học chính diện hoàn toàn ngược lại, chúng nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, học được những quy chuẩn đạo đức khiến con người ngày càng tốt hơn trong cuộc sống. Nếu ai ai cũng có thể tiếp thu những bài học chính diện từ lịch sử thì có lẽ sẽ không còn những thảm cảnh đau lòng mà chúng ta nhìn thấy hiện nay.

Tử Vi (t/h) / Theo: Tinh Hoa