Chỉ cần nghe khúc nhạc mở đầu, hẳn chắc giới hâm mộ đều nhận ra ngay giai điệu "El Cóndor Pasa", một bài dân ca cực kỳ nổi tiếng của Peru. Phiên bản phóng tác tiếng Việt là của tác giả Nguyễn Hoàng Đô. Bài hát này có tựa đề ''Nhớ chốn quê nhà'' phản ánh ý tưởng của bản nhạc gốc, nói lên tâm trạng của kẻ tha hương, hồn lưu luyến đất tổ, tim nhung nhớ quê cha.
El Cóndor Pasa - Jorge Milchberg
Chương trình Góc vườn âm nhạc RFI tuần này được dành để tưởng niệm nhạc sĩ Jorge Milchberg đã qua đời tại Pháp hồi 20/08/2022, hưởng thọ 93 tuổi. Sinh trưởng tại Buenos Aires, thủ đô Argentina, ông chủ yếu lập nghiệp tại Pháp. Ông là giám đốc nghệ thuật của ban nhạc Los Incas, chuyên biểu diễn dân ca Nam Mỹ, và trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ phóng tác giai điệu "El Cóndor Pasa" (Đại bàng lướt bay).
Nhắc tới đồng nghiệp, ông Ricardo Galeazzi, thành viên đồng sáng lập ban nhạc Los Incas cho biết hoàn cảnh ra đời của bản phóng tác này. Vào năm 1963, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của bài hát, nhạc sĩ Argentina Jorge Milchberg mới bắt tay thực hiện phần ghi âm bản nhạc này cùng với ban nhặc Los Incas. Được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1913 trong một vở nhạc kịch (zarzuela), ''El Cóndor Pasa'' đã là một khúc hát dân gian rất quen thuộc ở Nam Mỹ, được hai tác giả Daniel Alomía Robles và Julio de La Paz hoàn chỉnh lời ca.
Nhạc sĩ Jorge Milchberg trình diễn cùng nhóm Urubamba tại Buenos Aires, Achentina, ngày 02/11/2014. Ông qua đời tại Pháp ngày 20/08/2022. © CC / Mario Efron
Tuy nhiên, giai điệu này ban đầu được viết cho một dàn nhạc giao hưởng, mang nhiều âm hưởng Tây phương (Tây Ban Nha). Dựa vào kiến thức âm nhạc hàn lâm, (ông từng được đào tạo khao dương cầm cổ điển) nhạc sĩ người ArgentinaJorge Milchberg vào năm 1963, đã phóng tác bằng cách soạn lại giai điệu cho một bộ tứ tấu. Nhạc sĩ Jorge chẳng những thu hẹp lại dàn nhạc biểu diễn, từ 80 ban đầu chỉ còn có 4 nhạc công, mà ông còn thay thế các nhạc cụ Tây phương cổ điển bằng các nhạc cụ dân tộc cổ truyền.
Thay vì được chơi với vĩ cầm, piano hay cello, giai điệu lại dùng các nhạc cụ dân gian (thời tiền Cristobal Colón) như hạc cầm vùng núi Andes, sáo trúc quena, trống con tinya và nhất là đàn charango, một loại đàn ghi ta truyền thống của người dân bản địa. Điều đó buộc ông phải chuyển đổi và chỉnh sửa đôi chút giai điệu, nhưng không làm sai cấu trúc nguyên tác. Cũng chính với những nhạc cụ dân gian ấy, mà nhạc sĩ Argentina nói lên được những tình cảm chân phương : nhẹ mà sâu sắc, trầm mà tơ vương.
Georges Moustaki - Nous avons le temps (El condor pasa)
Một trong những phiên bản chuyển ngữ đầu tiên là của ca sĩ Pháp Marie Laforêt vào năm 1966. Tựa đầu tiên là ''La flûte magique'' (Tiếng sáo kỳ diệu) lời của Michel Jourdan. Hai năm sau có thêm lời tiếng Pháp thứ nhì của Françoise They (cũng do Marie Laforêt ghi âm cùng thời với nữ ca sĩ Anna Saint-Clair). Nhạc sĩ Jorge Milchberg, với tư cách thành viên đồng sáng lập ban nhạc Los Incas mới giúp dịch bài hát này sang tiếng Pháp thành ''Sur le Chemin des Andes'' (Đường lên dãy núi cao). Đến năm 1976, tác giả Georges Moustaki đặt thêm lời tiếng Pháp thành nhạc phẩm ''Nous avons le temps" (Chúng ta còn thời gian).
Khúc hát dân gian này sau đó lọt vào tai của Paul Simon, một trong hai thành viên của nhóm Simon & Garfunkel. Tác giả người Mỹ mới viết thêm lời tiếng Anh ''If I Could'' cho bản nhạc ''El Cóndor Pasa''. Do hai nghệ sĩ người Mỹ không chuyên về các loại nhạc cụ cổ truyền Peru, cho nên ban song ca này mới nhờ nhóm Los Incas ghi âm bài này cùng với họ vào cuối năm 1969 trên album ''Bridge over troubled water''. Bản nhạc ''El Cóndor Pasa /If I Could'' lập kỷ lục số bán khi được phát hành vào tháng 9 năm 1970.
El Condor Pasa - Paul Simon & Garfunkel
Ngoài tiếng sáo trúc (pan flute), giai điệu còn thuần chất văn hóa Peru nhờ tiếng đàn charango đặc thù, một loại đàn giống như ghi ta nhưng nhỏ của hơn Tây ban cầm và có nhiều dây hơn. Nhạc cụ đặc trưng này của các cộng đồng thổ dân sinh sống tại các vùng núi cao của Peru, mang nhiều ảnh hưởng của Tây Ban Nha, và sau đó được phổ biến rộng rãi từ thế kỷ XVII ở các nước Nam Mỹ.
Phiên bản tiếng Anh của Simon & Garfunkel giúp bài hát chinh phục thêm nhiều tầng lớp khán giả. Nhóm này ban đầu chuyên hát nhạc folk, tức dân ca Mỹ, nhưng sau El Condór Pasa, ban song ca mở rộng sân chơi của họ (répertoire / tủ nhạc) để kết hợp thêm với các nhịp điệu đến từ Nam Mỹ, Brazil hay châu Phi. Dòng nhạc ''world music'' âm nhạc được hình thành từng bước để rồi trở thành một trào lưu quan trọng đầu thập niên 1990. Bài hát cũng được rất nhiều nhóm song ca sau này như Robinson Brothers hoặc Nick & Simon ghi âm lại để vinh danh bậc thầy của họ là Simon & Garfunkel.
Phiên bản tiếng Anh của Simon & Garfunkel giúp bài hát chinh phục thêm nhiều tầng lớp khán giả. Nhóm này ban đầu chuyên hát nhạc folk, tức dân ca Mỹ, nhưng sau El Condór Pasa, ban song ca mở rộng sân chơi của họ (répertoire / tủ nhạc) để kết hợp thêm với các nhịp điệu đến từ Nam Mỹ, Brazil hay châu Phi. Dòng nhạc ''world music'' âm nhạc được hình thành từng bước để rồi trở thành một trào lưu quan trọng đầu thập niên 1990. Bài hát cũng được rất nhiều nhóm song ca sau này như Robinson Brothers hoặc Nick & Simon ghi âm lại để vinh danh bậc thầy của họ là Simon & Garfunkel.
Nhớ chốn quê nhà ( El condor pasa ) - Nguyễn hoàng Đô - Quốc Duy
Sau tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh , hàng loạt phiên bản khác trong nhiều thứ tiếng lần lượt được ghi âm kể cả tiếng tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Nga, Hà Lan, Do Thái, Croatia. Phiên bản tiếng Hoa gồm cả hai lời Quan Thoại và Quảng Đông. Còn trong tiếng Việt thì cũng có nhiều phiên bản ghi âm. Ngoài bản phóng tác ''Nhớ chốn quê nhà'' của tác giả Nguyễn Hoàng Đô, qua phần trình bày của các ca sĩ Quốc Duy hay Quỳnh Dao, còn có một phiên bản khác của tác giả trứ danh Lê Hựu Hà, từng được nhiều ca sĩ Việt Nam ghi âm lại. Qua giọng ca của Nhã Phương, bài này mang tựa đề ''Tình ca sa mạc''. Còn qua phần trình bày song ngữ của nam ca sĩ Anh Khoa, bài lại được đặt tên thành ''Cánh chim sa mạc''.
Với hơn 4.000 phiên bản ghi âm trong cả chục thứ tiếng khác nhau, giai điệu ''El Cóndor Pasa'' được Peru xếp vào hàng di sản quốc gia, một số người dân bản địa còn thích bài này hơn cả bài quốc ca chính thức. Bản quốc ca nói lên tinh thần yêu nước, còn bài ''El Cóndor Pasa'' bằng tiếng sáo tiếng đàn lại nói lên được nỗi u hoài vấn vương. Ai từng mang thân phận lạc loài mới hiểu thấu tâm trạng lưu luyến nhớ thương : chừng nào bầy chim mới trở về tổ ấm, chừng nào con người mới tìm lại quê hương.
Với hơn 4.000 phiên bản ghi âm trong cả chục thứ tiếng khác nhau, giai điệu ''El Cóndor Pasa'' được Peru xếp vào hàng di sản quốc gia, một số người dân bản địa còn thích bài này hơn cả bài quốc ca chính thức. Bản quốc ca nói lên tinh thần yêu nước, còn bài ''El Cóndor Pasa'' bằng tiếng sáo tiếng đàn lại nói lên được nỗi u hoài vấn vương. Ai từng mang thân phận lạc loài mới hiểu thấu tâm trạng lưu luyến nhớ thương : chừng nào bầy chim mới trở về tổ ấm, chừng nào con người mới tìm lại quê hương.
Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt
Leo Rojas - El Condor Pasa (Videoclip)
No comments:
Post a Comment