Saturday, March 4, 2023

DẪN QUAN LẠI ĐẾN 1 CÁI GIẾNG TRƯỚC KHI GIAO VIỆC, CHU NGUYÊN CHƯƠNG KHIẾN CÁC BỀ TÔI CỦA MÌNH KHÔNG DÁM THAM Ô

Cách làm của Chu Nguyên Chương thực chất vừa là lời nhắc nhở cũng vừa là lời răn đe dành cho bề tôi của ông.


Triết lý “giữ giếng”

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương mỗi lần trước khi phái cử quan lại tới các địa phương, đều dẫn họ tới cạnh một giếng nước trong hoàng cung mà nói:

“Làm quan thanh liêm, sống nhờ bổng lộc triều đình, giống như trông giữ một cái giếng, nước giếng cho dù không đầy nhưng vẫn nuôi sống một gia đình có già có trẻ.

Nếu đổ nước từ bên ngoài vào giếng, nước đầy thì phải xây thành giếng cao lên, một khi thành vỡ, nước tràn, sẽ làm liên lụy tới cái mũ cánh chuồn của các khanh”.

Ảnh minh họa. – Nguồn: quizlet.com

Trước những lời cảnh báo về câu chuyện giếng nước, rất nhiều vị quan đều nghiêm chỉnh tuân thủ luật lệ, làm quan liêm khiết.

Như câu chuyện của Thủ Hứa Độ, quận Thường Châu. Ông thích nhất món cá trắng ở Thái hồ. Có một lần, một ngư dân thắng kiện, lựa vào con cá trắng Thái hồ vừa to vừa béo, mang tới biếu ông, nhưng Hứa Độ cảm tạ rồi từ chối. Người ngư dân thắc mắc hỏi: “Không phải ngài thích ăn cá hay sao? Tại sao lại không nhận?”

Hứa Độ đáp lời: “Tôi nhận cá của ông, thì chính là nhận hối lộ, có thể sẽ bị cách chức, chức vị, bổng lộc đều tiêu tan, vậy thì sau này tôi lấy gì mà mua cá đây? Không thì như thế này, đợi tôi xử kiện xong, ông dạy tôi đan lưới đánh cá đi”.

Phán quyết án lệ xong, Hứa Độ thực sự đã học được kỹ thuật đan lưới đánh cá. Một lần, Chu Nguyên Chương đi tuần tới Thường Châu, Hứa Độ bày tiệc lớn với các món cá để tiếp đón. Chu Nguyên Chương hỏi: “Dựa vào bổng lộc của khanh, lấy đâu ra bạc mà mua nhiều cá thế?”

Thủ Hứa Độ không nhận “hối lộ” dù chỉ là những con cá (ảnh minh họa). – Nguồn ảnh: cakho.vn

Hứa Độ nói chính mình tự tay xuống hồ bắt cá, Chu Nguyên Chương không tin liền cùng Hứa Độ ra hồ, nhìn thấy kỹ thuật Hứa Độ thả lưới đánh cá quả nhiên không kém ngư dân lão luyện là bao. Thế là Chu Nguyên Chương, long nhan rạng rỡ, lập tức thưởng Hứa Độ trăm lượng bạc ròng.

Nhờ vào triết lý “giữ giếng” mà Chu Nguyên Chương cảnh cáo quan lại và luật pháp trị quốc nghiêm khắc của ông, mà sau này đã sản sinh ra một lớp quan thanh liêm vang danh sử sách như Tống Liêm, Hải Thụy, Vu Khiêm, Dư Quang Khởi, Huống Chung…

Thứ đáng sợ nhất trên đời là “dục vọng”

Có người cho rằng thứ đáng sợ nhất trên đời này là thất bại, thực ra không phải. Bởi lẽ, khi thất bại bạn hoàn toàn có thể đứng dậy lại một lần nữa. Có người cho rằng, từ bỏ mới là đáng sợ nhất. Thực ra cũng không phải. Bởi lẽ sau khi từ bỏ có thể bạn sẽ vẫn tìm được những thứ như ý.

Kỳ thực dục vọng mới là thứ đáng sợ nhất. Dục vọng của con người càng nhiều sẽ càng không thỏa mãn, càng không vui mà chỉ cảm thấy sầu não hơn.

Người có ham muốn vật chất quá lớn rất dễ đánh mất niềm vui. Với những người thứ gì cũng muốn chiếm giữ, không nỡ vứt bỏ, nội tâm họ được lấp đầy bởi lòng tham và sự lo lắng trong khi tình yêu và hạnh phúc lại không tìm được vị trí tương ứng.

Chỉ có buông bỏ lòng tham, trở về bản chất chân thật, thì con người mới trải nghiệm được niềm vui vô tận của sinh mệnh. – Nguồn ảnh: Internet

Cổ nhân có câu: “Tâm hồn sẽ trở thành cái mà nó dung chứa”. Một người ham muốn càng nhiều thì áp lực càng nặng nề. Ôm giữ càng nhiều dục vọng thì càng bị ràng buộc chặt. Khi đã rơi vào vực thẳm dục vọng, con người khó có thể thoát ra được.

Có một câu chuyện:

Trên một bãi biển nọ, một người giàu hỏi một người nghèo ăn mặc rách rưới rằng vì sao không đi kiếm tiền. Người nghèo hỏi ngược lại người giàu rằng kiếm tiền để làm gì?

Nghe người nghèo hỏi ngược lại mình như vậy, người giàu nói với giọng tiếc nuối: “Chỉ khi anh kiếm đủ tiền, cuộc sống của anh mới tốt hơn, giống như tôi này, ngồi trên bãi biển phơi nắng.”

Nghe người giàu nói xong, người nghèo lại hỏi ngược lại: “Thế giờ tôi đang làm gì?”. Câu nói của người nghèo khiến người giàu không biết đối đáp lại ra sao.

Rất rõ ràng, trong câu chuyện này, người giàu là người có khát vọng, anh ta cảm thấy chỉ khi có tiền, cuộc sống mới hạnh phúc. Nhưng người nghèo lại không cho là như vậy, người nghèo là người biết đủ biết làm mình vui, có tiền hay không không quan trọng, bản thân tự thấy hài lòng với mình là đủ.

Dục vọng sẽ ăn mòn ý chí, làm tha hóa lương tri và hậu quả là biến chúng ta thành nô lệ. Tiền tài giống như gông xiềng, lòng tham tựa như mộ phần, tranh danh đoạt lợi cuối cùng chỉ còn tay trắng.

Trên thực tế, có nhiều người đã hủy hoại sức khỏe, uy tín và nhân cách của bản thân chỉ vì không kiểm soát được ham muốn, dục vọng quá lớn của bản thân. Khi tâm của một người chứa đầy lợi ích và dục vọng cá nhân thì người ấy không thể có một nhân cách tốt hay ý chí mạnh mẽ.


Hành trình đi tìm hạnh phúc, có người không phải là không tìm thấy, mà là rõ ràng hạnh phúc ở trước mắt, nhưng lại không biết trân trọng. Vốn dĩ có thể vui vẻ sống tốt mỗi ngày, nhưng lại để những dục vọng kiểm soát khiến bản thân không cảm nhận được hết vẻ đẹp của thế giới.

Bất cứ khi nào cũng cần nhận thức được một điều rằng, hạnh phúc, thực ra rất đơn giản, chỉ cần bạn đừng đặt cho nó quá nhiều gông cùm, đừng quá kỳ vọng vào định nghĩa của hạnh phúc, tự nhiên bạn sẽ có thể cảm nhận được nó.

Mặc dù chúng ta không thể giống như người khác, sống trong biệt thự xa hoa lộng lẫy, không giống như người khác, lái những chiếc xe sang chảnh đắt đỏ, nhưng như vậy thì đã làm sao?

Chỉ có buông bỏ lòng tham, trở về bản chất chân thật, thì con người mới có thể nhìn thấu rằng tất cả vinh hoa phú quý của thế gian giống như mây khói thoảng qua, rốt cuộc đều là sắc tướng vô thường, cuối cùng mới trải nghiệm được niềm vui vô tận của sinh mệnh.

Tịnh Yên
Nguồn: cafef