Tôi đang là nhân viên của đoàn Văn Nghệ Giải Phóng. Bất ngờ tôi gặp Văn Cao và vài bạn khác là Ty Rỗ, Hoành, Đạt v.v… cũng có mặt tại thành phố biên giới này. Các bạn của tôi vừa mở ra ở Lào Cai một phòng trà với cái tên là Quán Biên Thùy do Văn Cao làm chủ. Quán này bề ngoài là phòng trà và khiêu vũ trường, bên trong là một cơ sở tình báo để theo dõi và ngăn bắt những Đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng có ý định vượt biên giới qua Trung Hoa.
Tôi và Ngọc Bích bỏ ngay đoàn Văn Nghệ Giải Phóng để thành nhạc sĩ và ca sĩ của phòng trà Biên Thùy này. Đêm đêm cùng hai ba nhạc công đánh đàn và ca hát cho một nhúm người nghe và nhẩy đầm. Ban ngày – hay đúng hơn là ban trưa – tôi kéo một cô vũ nữ vào sòng bạc hay đi chơi trong vùng lân cận với Văn Cao. Vì nghề nghiệp tình báo, Văn Cao đang là bạn thân của một lãnh chúa người Nùng tên là Hoàng A Tưởng. Tới dinh của lãnh chúa là được hưởng những thú vui như gái đẹp, rượu nồng, nghe nhạc khèn và hút á phiện. Với tuổi 25, chúng tôi nhào vào những thú ăn chơi như đom đóm vờn lửa.
Sau khi đã soạn một số bản nhạc gọi là nhạc hùng cho cuộc kháng chiến (Về Đồng Quê, Khởi Hành, Nhớ Người Thương Binh…), bây giờ tôi muốn viết một bản nhạc tình, bởi vì tôi muốn xả hơi sau một thời gian căng thẳng.
Vả lại, từ khi đi theo cuộc chiến, tới nay tôi mới gặp đàn bà là cô vũ nữ phòng trà đã hoàn lương (quên tên mất rồi) xui tôi có cảm hứng để soạn ngay một tình khúc.
Tôi soạn ra bài Bên Cầu Biên Giới khi cùng người đẹp đứng cạnh chiếc cầu phân chia biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa. Mới đầu, tôi chỉ nghĩ đó là một tình khúc có anh, có em, có dòng nước lũ, có nắng ngừng trên chiếc cầu biên giới… nhưng mãi về sau tôi mới chợt thấy đó là bài hát nói về biên giới trong lòng người, giữa hòa bình và chiến tranh, giữa cái tốt cái xấu… mà anh nghệ sĩ trẻ tuổi ngây thơ là tôi lúc bấy giờ muốn phá vỡ nó đi.
Bên Cầu Biên Giới cũng còn là bài hát mong ước phiêu du trên thế giới, được sống trong lòng người đẹp Tô Châu, được chết bên dòng sông Danube – lạy Trời – tôi cũng đã có may mắn được thấy cái đẹp và sống trong không khí lãng mạn của hai nơi đó. Rồi tới bây giờ, tôi vẫn còn sống để tới nơi mà cách đây trên dưới 60 năm, bài hát được ra đời và còn sinh tồn cho tới ngày nay. Quang cảnh nơi biên giới không còn hoang dại như xưa. Cạnh chiếc cầu bắc qua sông Nạm Thi (Sông Hồng), bây giờ có xây một trụ sở của lính biên phòng với bóng cây râm mát ở bên phía Việt Nam. Bên kia cầu là Cốc Lếu, một thành phố nhỏ của Trung Hoa mà tôi đã có lần qua đó để ăn điểm tâm. Bây giờ Cốc Lếu được mở mang và có rất nhiều cao ốc. Thế là tôi mãn nguyện. Sau 60 năm, được trở về nơi mình đã ngồi ước mơ, tóc xưa xanh biếc nay đã bạc trắng nhưng con tim thì hình như vẫn còn mơ mộng như xưa. Khiến cho tôi phải ngẫm nghĩ về cụm chữ “nước chảy qua cầu”, câu này thường ngụ ý: thời gian trôi nhanh, cái gì cũng có thể bị thay đổi… Thế mà đứng bên chiếc cầu biên giới này, ước mơ của tôi vẫn còn y nguyên, nhưng chua xót hay, vẫn còn đâu đó sự cấn cá phân cách như một giai điệu buồn… Vẫn còn người bên ni, bên nớ…
Phạm Duy
Nguồn: Phạm Duy, Vang vọng một thời, Nxb Hồng Đức – Phương Nam Book