Trĩ sao Việt Nam, với tên khoa học là Rheinardia ocellata, là một trong những loài chim đặc hữu và quý hiếm nhất của khu vực Đông Nam Á. Được Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phân hạng CR - Cực kỳ nguy cấp, loài này chỉ tồn tại tại hai quốc gia trên thế giới: Việt Nam và Lào. (Ảnh: Earth Life)
Sự hiện diện của chúng chủ yếu tập trung dọc theo dãy Trường Sơn, trải dài từ miền Trung đến miền Nam Việt Nam và các vùng núi cao ở Lào.(Ảnh: BioLib.cz)
Trĩ sao Việt Nam nổi bật với bộ lông đen và nâu sẫm, có đốm trắng như sao, mỏ hồng đậm và da xanh quanh mắt. Con trống trưởng thành có chiều cao từ 190 đến 239 cm và sở hữu chiếc đuôi khổng lồ với 12 lông vũ, trong đó lông đuôi trung tâm dài gấp 5 lần lông ngoài cùng. Con mái nhỏ hơn, cao khoảng 74-75 cm, đuôi ngắn và có hoa văn đầu đặc biệt.(Ảnh: Wikimedia)
Loài chim này sống trong các khu rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh, từ mực nước biển lên đến 1.900 mét trên Cao nguyên Đà Lạt. Chúng ăn tạp, tiêu thụ lá cây, quả mọng, côn trùng, ấu trùng và các loài động vật lưỡng cư nhỏ.(Ảnh: Fletcher & Baylis/Arkive)
Trĩ sao Việt Nam đang phải đối mặt với hai mối đe dọa lớn: săn bắt và mất môi trường sống. Việc săn bắt trĩ sao chủ yếu để lấy thịt và làm thú cưng đã gia tăng đáng kể từ đầu những năm 2000. Đặc biệt, tình trạng săn bắt bằng bẫy "cấp độ công nghiệp" đã làm suy giảm mạnh số lượng cá thể trong tự nhiên.(Ảnh: Francesc Jutglar/Birdsoftheworld)
Ngoài ra, nạn phá rừng để săn bắn và lấy gỗ cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra mất môi trường sống của loài này. Tỷ lệ mất độ che phủ rừng trong giai đoạn 2003-2020 đã tăng lên, và nếu tiếp tục diễn ra, diện tích rừng bị mất đi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của trĩ sao Việt Nam.(Ảnh: Paul Sweet/Birdsoftheworld)
Để bảo vệ trĩ sao Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng, cần thiết thực thi nghiêm ngặt các quy định về săn bắt tại các khu vực được bảo vệ và nâng cao nhận thức về bảo tồn tại cộng đồng địa phương.(Ảnh: BioLib.cz)
Trĩ sao Việt Nam không chỉ là biểu tượng của dãy Trường Sơn mà còn là một phần của di sản thiên nhiên quý giá của thế giới. Việc bảo vệ loài chim này không chỉ giúp duy trì đa dạng sinh học mà còn gìn giữ giá trị văn hóa và lịch sử của vùng đất nơi chúng sinh sống. Sự hợp tác quốc tế và những hành động bảo tồn kịp thời sẽ là chìa khóa để bảo vệ báu vật của dãy Trường Sơn này cho các thế hệ tương lai.(Ảnh: Science Source)
Thiên Trang (TH) / Theo: kienthuc
No comments:
Post a Comment