Khi chiến cuộc trong thập niên 60 – 70 lan tràn, xã hội cũng biến đổi và biến động theo nhịp súng, dòng nhạc tình Việt Nam cũng thay đổi. Nhịp sống xã hội ngày càng nhanh lên, vội vã lên, tình yêu cũng cấp bách lên, không còn nhiều thời gian để mơ mộng, không còn “thuở làm thơ yêu em” nữa. “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ”[1] của Xuân Diệu ngày trước nay chỉ đáng là … đi dạo! Tình ca bây giờ được viết theo thể “trực khởi”, vào đầu đã chốt ngay tình yêu của ANH và Em rồi. Nếu mới hôm qua còn phải ví von
Anh về với em như chim liền cánh như cây liền cành
(Anh Về Với Em – Trần Thiện Thanh)
Hay
Không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi
(Không Bao Giờ Ngăn Cách – Trần Thiện Thanh)
Thì nay là
Ngày nào anh yêu em
Anh đã quên trong cay đắng tuyệt vời
Và còn can đảm hơn
Xưa hôn em một lần
Rồi đau thương tràn lấp
(Mùa Đông Của Anh – Trần Thiện Thanh)
Tình yêu cũng phải tăng tốc lên, và thế là Y Vân với “Lòng Mẹ” tha thiết và dịu dàng bao nhiêu, lại cuồng loạn lên với 60 Năm:
Em ơi có bao nhiêu
60 năm cuộc đời
(60 Năm – Y Vân)
Và đòi xóa cả ngăn cách về tuổi tác
Khi anh 20, em mới sinh ra đời
Ngày anh 40, em mới vừa 20
(20 40 – Y Vân)
Ngậm ngùi thay, số phận của Y Vân đã được định với bài hát của ông, khi ông ra đi vào đúng năm thứ 60 của cuộc đời!
Đến giai đoạn này, tình yêu thậm chí chỉ trở thành một nhu cầu chứ không còn chút gì lãng mạn nữa.
Tôi ở miền xa trời quen đất lạ
Nhiều đông lắm hạ
Nối tiếp đi qua
Thiếu bóng đàn bà
(Kẻ Ở Miền Xa – Trúc Phương 1968)
Từ giữa thập niên 60 trở đi, âm nhạc miền Nam nở rộ và chia ra nhiều nhánh, trong đó có tình ca (muôn thuở), phản chiến ca (như Ca Khúc Da Vàng – TCS), du ca, dân ca … với những anh tài nở rộ như trăm hoa đua nở dưới sức nóng của chiến tranh, của thân phận nhược tiểu, của nỗi buồn chia xa.
Những tình khúc trong đau đớn của Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Vũ Thành An … đã kêu lên những tiếng kêu của tình yêu trong cơn hồng thủy lạc loài, trong vô nghĩa của cuộc chiến
Từ Ngô Thụy Miên với tình yêu thơ mộng ngày đầu
Và em có mơ khi mùa thu tới
Hai chúng ta sẽ cùng chung lối
Em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương
(Mùa Thu Cho Em – Ngô Thụy Miên 1969)
Sau đó đã trở thành tình yêu trong khắc khoải và đòi hỏi của xác thịt
Cho tôi xin em như gối mộng
Cho tôi ôm em vào lòng
Xin cho một lần
Cho đêm mặn nồng
Yêu thương vợ chồng
(Niệm Khúc Cuối – Ngô Thụy Miên)
Cho đến chàng thi sĩ lãng đãng khói trời mênh mông Trịnh Công Sơn, ngày nào còn không dám ngỏ lời với người em gái và chỉ biết chờ đợi
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
(Diễm Xưa – Trịnh Công Sơn)
Mà bây giờ cũng đã phải tăng tốc
Ta mang cho em một đóa quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng
(Quỳnh Hương – Trịnh Công Sơn)
Rồi đến Lê Uyên Phương thì tình yêu trở nên quằn quại, đau đớn như một thú đau thương, hay hơn nữa, như những loài thú yêu nhau khi phải chia xa. Dù vẫn bắt đầu từ tình yêu lãng mạn của hiện sinh còn mang chút dấu ấn của điển tích
Dù gương xưa không được lau [2]
Soi lấy bóng mối duyên sầu
(Tình Khúc Cho Em – Lê Uyên Phương)
Nhưng đến
Hãy ngồi xuống đây như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
Dưới nắng ban mai phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ
(Hãy Ngồi Xuống Đây – Lê Uyên Phương)
Là cả một sự phản kháng phẫn nộ với xã hội.
Phạm Duy cũng từ những tình khúc cổ điển
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối
(Ngày Đó Chúng Mình – Phạm Duy)
Đến tình yêu man dại trong Phượng Yêu
Yêu người song chết được ngày mai
Yêu như loài ma quái
Đi theo ai cuối chân trời
Đi không ngơi kêu gào
Làm sao tránh được tình yêu
(Phượng Yêu – Phạm Duy)
Và rồi càng ma mị hơn nữa trong
Yêu tinh tình nữ đi tìm người yêu
Kêu vang lời hú trong chiều tịch liêu
Yêu tinh mặt trắng như vôi
Ôi sâu thẳm mắt em soi
Không gian ma quái của loài người
(Yêu Tinh Tình Nữ – Phạm Duy)
Rồi đến những nhạc sĩ trẻ như Tùng Giang với những cảm xúc hiện sinh của một thanh niên trong cơn lũ của xã hội chiến tranh, không còn thời gian để làm quen, để nhớ nhung hay để tỏ tình nữa
Phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng
Lòng đang giá băng bỗng ngập tràn muôn tia nắng
Nghe bao xót xa vụt bay theo cánh chim ngàn
Dừng bước nơi này chỉ còn em với anh
(Biết Đến Thuở Nào – Tùng Giang)
Có thể nói, giai đoạn bùng nổ những ca khúc hiện sinh này mang tính “Việt Nam hóa”, vì triết lý hiện sinh của thanh niên Việt Nam thời kỳ đó thật ra mang tính chắp vá, giao thoa giữa triết lý hiện sinh của thế giới và cuộc sống hiện sinh không biết/ không có ngày mai của tuổi trẻ trong cuộc chiến. Không xa xôi, rối rắm trong chữ nghĩa như Sartre, như Camus, mà là sống hết mình, yêu hết mình trong hôm nay, trong hiện tại, vì chắc gì còn có ngày mai. Như Lê Uyên Phương, ngồi bên nhau, yêu nhau mà như lần cuối bên nhau, vì ngày mai không còn nhìn thấy nhau nữa. Trong lúc đang ngồi bên nhau đã cảm thấy sự chia phôi đang đến.
Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền
Nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau
Ngày mai ta không còn thấy nhau.
(Cho Lần Cuối – Lê Uyên Phương)
Vì biết sẽ có ngày nhìn thấy nhau
Mắt môi lạnh mất rồi .
Khóc thay người
(Yêu Nhau Trong Phận Người – Lê Uyên Phương)
Nhẹ nhàng hơn như Quốc Dũng
Buổi sáng hôm nay giờ triết lý thật buồn
Giờ anh đưa em đi tìm giây phút lạ thường
Mình có bao lâu rồi sẽ hết một ngày
Hãy cho nhau trọn niềm đắm say.
(Bên Nhau Ngày Vui – Quốc Dũng)
Hay thiết tha như Nguyễn Trung Cang
Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu
Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh
Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau
(Thương Nhau Ngày Mưa – Nguyễn Trung Cang)
Cũng đều nói lên ý muốn sống hết mình cho ngày hôm nay, không màng tới ngày mai.
Lê Hựu Hà ban đầu có những sáng tác mang tính trào lưu hiện sinh và hippy, như bài Tôi Muốn
Tôi muốn mọi người biết thương nhau
Không oán ghét không gây hận sầu
Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau
Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu…
Nhưng rồi cũng rất mau, chuyển thành u uất, bi quan chán nản
Nước mắt ấy đã lau khô rồi
Đôi môi ấy đã quen tiếng cười
Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi
Người tình cũ đã xa ta rồi
(Phiên Khúc Mùa Đông – Lê Hựu Hà-Nguyễn Trung Cang)
Cho đến khi Nguyễn Trung Cang phải thốt lên
Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta
Đời hằng mong thoát đi, đi khung trời xa
Cuộc đời như chó hoang lang thang về đêm.
Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm.
(Mặt Trời Đen – Nguyễn Trung Cang)
Thì có lẽ không còn gì nữa, không còn gì để nói nữa!
Mà không còn gì để nói nữa thật, vì càng gần đến ngày cuối của cuộc chiến, lòng người càng ly tán, xã hội rối bời. Người thì chỉ cúi đầu nhìn vào cuộc sống hôm nay, không cần đến ngày mai. Người thì mơ mộng hão huyền với một nền hòa bình trong mơ. Người thì đối diện với cái chết từng ngày, từng giờ. Nhưng không ai ngờ rằng, tất cả đã chấm dứt đột ngột vào một ngày tháng Tư. Sau đó, giống như một chiếc máy tính được bấm nút reset, tất cả đều bị xóa sạch và trở về trạng thái trống rỗng. Toàn bộ kho tàng âm nhạc của miền Nam nước Việt bị vất vào rổ “văn hóa đồi trụy”, mà ít năm sau được đổi tên và mang một tên mới là “nhạc vàng”, tức loại nhạc vàng vọt ủy mị, nói theo các nhà lãnh đạo của cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Trung Hoa những năm 1960.
Dần dà sau đó bắt đầu có những dòng nhạc mới xuất hiện tiếp nối từ bên bờ các đại dương. Nhưng với cái cảm quan thiên kiến của tôi, hình như các nhạc sĩ, các nghệ sĩ khi phải rời khỏi quê hương để sống kiếp lưu đày trên đất khách, đã không còn những cảm xúc, rung động như ngày xưa. Có chăng, có lẽ chỉ có bài Riêng Một Góc Trời của Ngô Thụy Miên. Phải chăng cú sốc khi bị bứng ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn đã khiến họ phải hứng chịu một cú “reset” trong tâm tưởng.
Tôi lại chợt nhớ đến, trong bộ sưu tập tem của tôi, bộ tem kỷ niệm “Ngày tỵ nạn thế giới” phát hành năm 1960, trên đó có hình logo của tổ chức Unesco, bây giờ là UNHCR. Logo có hình một cây sồi bị nhổ bật gốc rễ, chơ vơ không chạm đất. Ngày đó, đọc sách thấy nói logo có hình “cây mất rễ”, nhưng nay nhìn lại, tôi thấy đúng ra là “cây mất đất”, vì cây và rễ vẫn còn nguyên, nhưng đã bị bứng khỏi mặt đất, không còn nơi nương tựa nữa. Rễ sẽ hút nhựa từ đâu??
Vậy nên, sự quan tâm của tôi với những biến chuyển trong ca khúc về tình yêu cũng đã có cùng một điểm chấm dứt ở đó. Đừng ai hỏi tôi về những dòng nhạc sau này, vì sau cú reset đó, cuộc đời đã chuyển qua một hệ điều hành khác rồi. Và không ai so sánh sự việc dưới hai hệ quy chiếu khác nhau.
Chỉ trong vòng chưa đến 40 năm, những bản tình ca Việt đã có những thay đổi vun vút như vậy. Nay nhìn lại để thấy những gì mình đã trải qua, đã cùng vui buồn đớn đau, và để tiếc nuối những gì không bao giờ còn trở lại. Trong biết bao câu hát mênh mang trí tuệ, triết lý của tình yêu, của cuộc đời, tôi chợt chỉ nhớ được một câu
Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
(Nguyễn văn Đông – Có Một Chiều Xuân)
Có một loài hoa vỡ… Nghe thật lạ, nhưng thật xúc động. Tác giả không phải thiếu vần, thiếu chữ mà cố tình dùng chữ “vỡ”. Tôi cũng chẳng cố tìm hiểu xem tại sao hoa vỡ, vỡ như thế nào. Chỉ thấy, như có một chút gì đã vỡ vụn trong tôi!!
Nguyễn Văn Đạo
Theo: saigonthapcam
[1] Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi – Xuân Diệu (Giục Giã)
[2] Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi – Tự Đức khóc Bằng Phi (?)
No comments:
Post a Comment