Wednesday, November 20, 2024

KỲ LẠ LOÀI CÂY CỰC ĐỘC CÓ QUẢ PHÁT NỔ NHƯ LỰU ĐẠN

Đây được xem là một trong những loài cây nguy hiểm nhất hành tinh với gai nhọn dày đặc và chất độc cực mạnh.


Nếu có dịp tới các quốc gia ở Nam Mỹ, du khách có thể bắt gặp loài cây kỳ lạ có quả hình tròn to cứng, thường được trồng để lấy bóng mát.

Đây là loại cây được người dân địa phương khuyến cáo không nên tiếp xúc gần bởi chúng là một trong những loài thực vật nguy hiểm nhất hành tinh. Loài này có nhiều gai nhọn dày đặc, chất độc cực mạnh, đặc biệt quả có thể phát nổ như lựu đạn. Đó là cây vông đồng (Hura crepitans).

Tuy là loại thân gỗ mềm nhưng vông đồng được đánh giá "đầy bạo lực". Chúng có nhiều tên khác nhau, còn gọi là cây thuốc nổ, cây bã đậu, phát triển ở hầu hết các vùng nhiệt đới của châu Mỹ, châu Phi, châu Á, đặc biệt là rừng rậm Amazon. Chúng có thể cao tới 30m.

Theo các chuyên gia, mọi thứ về loại cây này đều nguy hiểm, từ gai nhọn, chất độc cho tới quả phát nổ.

Quả cây vông đồng khi còn xanh (Ảnh: Flickr).

Đầu tiên là thứ quả được ví như lựu đạn. Du khách dễ bị đánh lừa bởi hình dáng nhỏ nhắn xinh xắn như trái bí ngô của chúng. Thứ quả này cứng với khoảng 15-20 mảnh hình múi nổi tròn, hạt hình mắt chim, phía trên phủ lớp lông. Nhưng thực ra, nó giống như quả lựu đạn chờ phát nổ.

Khi bị va đập hay rơi mạnh từ trên cao xuống, hạt trong quả có thể văng ra xung quanh với vận tốc lên tới 70m/giây, âm thanh được so sánh với tiếng nổ của súng lục. Những mảnh vỡ có thể bay xa tới 45m. Điều này rất dễ làm tổn thương cho người hoặc gia súc đứng gần đó.

Thí nghiệm quả vông đồng khi bị va đập mạnh phát nổ như "lựu đạn" (Ảnh cắt từ clip).

May mắn là, người ta dễ dàng dự đoán khi nào chúng sẽ phát nổ. Chúng không "nổ" vào ban đêm hay những ngày ẩm ướt mà thường chọn ngày trời khô ráo, nhiệt độ cao. Đến giới hạn chúng khô tới mức các phần "múi" không gắn kết được nữa, sẽ tách nhau ra một cách dữ dội làm hạt bên trong bắn ra ngoài.

"Vũ khí" lợi hại tiếp theo của cây vông đồng là phần vỏ đầy gai, thậm chí được so sánh với thiết bị "tra tấn" thời Trung Cổ.

Xung quanh cây thường không có biển cảnh báo "cấm trèo" bởi những gai dài hơn 2,5cm bao phủ gần như kín thân. Đó là những chiếc gai hình nón, rộng hơn 1,2cm ở phần gốc và nhọn như đầu kim. Gai nhọn bao phủ từ trên xuống dưới gốc với mật độ dày đặc tới mức chúng chạm vào nhau, tạo thành "bộ áo giáp" không thể xuyên thủng.

Gai nhọn phủ kín từ trên cao xuống dưới gốc như "bộ áo giáp" (Ảnh: Trees).

Sự nguy hiểm không kém của loại cây này chính là chất độc cực mạnh. Quả vông đồng độc tới mức chỉ cần cắn một miếng sẽ gây ra nhiều triệu chứng như chuột rút dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy.

Nhựa cây cũng là loại chất độc, tạo ra mẩn đỏ khó chịu nếu vô tình tiếp xúc trên da. Để nhựa dính vào mắt, nó có thể khiến bạn bị mù tạm thời. Người dân trên đảo Java, Indonesia, thường sử dụng nhựa cây làm thuốc trừ sâu, còn người Brazil từng dùng nước sắc từ vỏ trên thân với tác dụng tẩy mạnh. Tương tự, ở Congo, hạt cây cũng dùng làm thuốc tẩy.

Dù nguy hiểm nhưng ở nhiều nước tại Nam Mỹ, loài cây này được trồng nhiều để lấy bóng mát (Ảnh: WK).

Dù trong hạt vông đồng chứa 37% chất dầu béo, hơn 25% protein nhưng rất ít nước khai thác. Chúng chủ yếu để bón phân chứ không thể làm thức ăn cho gia súc vì quá độc.

Tại Tanzania ở Đông Phi, ban đầu, vông đồng được trồng làm cây bóng mát. Nhưng đến nay, chúng đã trở thành một loài xâm lấn. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên thận trọng khi tiếp xúc với loại cây này.

Huy Hoàng / Theo: Dân trí
Link tham khảo: