Friday, November 29, 2024

CHUYỆN CỤ TẢ AO TÌM HUYỆT QUÝ CHO HỌ ĐÀM THẬN LÀNG ME

Làng Hương Mạc (xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) còn có tên tục là làng Me, là nơi có dòng họ Đàm Thận nổi tiếng. Theo tục truyền thì dòng họ này đã hưng thịnh kể từ khi có thầy địa lý lừng danh đất Việt là cụ Tả Ao đến làng. Chuyện này được ghi chép trong gia phả của dòng họ Đàm Thận.

Tiết Nghĩa Từ, đền thờ cụ Tiết Nghĩa Đàm Thận Huy tại Bắc Ninh.(Ảnh từ nghiencuulichsu)

Tiên tích đức

Ghi chép kể rằng một lần thầy Tả Ao đi qua làng, bất chợt nhìn thấy một ngôi mộ và buột miệng khen nhà nào phúc đức lớn để đúng huyệt trời cho, chỉ tiếc là chưa đúng hướng. Thầy Tả Ao đi vào làng hỏi thăm và được biết đó là ngôi mộ của chồng người phụ nữ đức độ trong làng, dù chồng mất sớm nhưng vẫn giữ tiết hạnh ở vậy nuôi 2 đứa con.

Khi chồng chết người phụ nữ này cũng chẳng có tiền để làm đám cho chồng. Lúc chôn cất làng xóm lại tìm giúp một vũng trâu đầm cho dễ đào để chôn cất, ngờ đâu lại đúng vào vị trí mà thầy Tả Ao khen là đẹp, chỉ là chưa đúng hướng.

Cụ Tả Ao nhờ người làng chỉ dẫn tìm đến ngôi nhà tranh vách đất của ba mẹ con của người phụ nữ góa. Nhưng thầy Tả Ao không xưng tên, mà nói mình là thầy đồ xứ Nghệ, nghe tiếng nhà này có 2 đứa con học giỏi nên đến đây để xin được chỉ dạy thêm.

Gia cảnh rất khó khăn, lại có người tình nguyện đến dạy con nên người phụ nữ mừng lắm, dọn dẹp dành chỗ cho thầy đồ ở.

Lúc này Tả Ao mới thử xem bà có giữ phẩm hạnh đúng như lời dân làng nói hay không. Ông trêu ghẹo, bông đùa, nhưng người phụ nữ này không mảy may để ý.

Sau một thời gian, đến lúc phải đi, thầy Tả Ao lại thử hiết hạnh của người phụ nữ này lần cuối cùng. Người phụ nữ góa này liền nói thẳng rằng: “Tôi tưởng thầy đến đây để dạy dỗ giúp con tôi nên người, ai ngờ thầy lại định làm những việc bậy bạ. Thầy đi khỏi nhà tôi ngay. Nhà tôi không chứa những người như thầy.”

Hậu tầm long

Biết chắc rằng bà chỉ một lòng thờ chồng nuôi con, thầy Tả Ao mới nói rõ mình là thầy địa lý đi ngang qua đây, thấy bà là người phúc đức nên muốn giúp đỡ, nhưng phải kiểm chứng đức hạnh của bà trước rồi mới dám làm. Rồi thầy Tả Ao đề xuất việc sửa lại hướng mộ cho ông nhà.

Nghe nói vậy thì người phụ nữ mừng lắm, dù rất nghèo nhưng vẫn quyết định bán miếng ruộng nhờ thầy Tả Ao đặt mộ của chồng và bố mẹ chồng. Tả Ao tìm đất đẹp và hợp táng ngôi mộ của bố mẹ chồng bà theo hướng tiền phong hầu, hậu phong vương, tử tôn khoa giáp thế bất tuyệt, nghĩa là trước được phong hầu, sau được phong vương, con cháu học hành đỗ đạt đời đời.

Xong xuôi thầy Tả Ao dặn người phụ nữ này rằng khi nào sắp mất thì nhớ dặn con cháu đến báo cho ông biết để ông tìm mộ cho bà và chỉnh mộ của chồng bà.

Sau này, người phụ nữ qua đời, thầy Tả Ao được báo liền đến và làm như đã hứa. Gia phả ghi lại rằng thầy Tả Ao đặt mộ theo hướng khoa trường hữu song trúng chi cát, đầu hướng về Tam Đảo (Vĩnh Phúc), chân đạp về Bạch Đằng giang. Với ngôi mộ này thầy Tả Ao đoán con cháu về sau sẽ phát đạt hiển vinh đời đời. Tài liệu chữ Hán còn ghi lại, thầy Tả Ao đã trấn yểm cả hai ngôi mộ hợp táng bằng hia và ấn tín.

Con cháu đỗ đạt làm quan lớn

Đúng như những gì thầy Tả Ao định trước, hai con trai người phụ nữ là Đàm Thận Huy và Đàm Thận Giản đều thi đỗ và làm quan to đầu triều. Đàm Thận Huy đỗ tam giáp đồng tiến sỹ năm 1490, còn Đàm Thận Giả đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ đời vua Lê hiến Tông làm quan đến chức Hộ bổ Tả thị lang.

Đàm Thận Huy làm quan trải qua 6 đời Vua: Lê Thánh Tông (8 năm), Lê Hiến Tông (6 năm), Lê Túc Tông, Lê Uy Mục (5 năm), Lê Tương Dực (7 năm), Lê Chiêu Tông (5 năm).

Đàm Thận Huy là một thành viên của hội Tao Đàn nổi tiếng thời vua Lê Thánh Tông, ông từng được Vua khen là “Thiên hạ đệ nhất thi nhân”.


Thời vua Lê Tương Dực, nhà Vua hỏi hỏi ý kiến Thận Huy về việc muốn phong em ông là Thận Giản Thượng thư bộ Công, thế nhưng Thận Huy đã khiêm nhường đáp rằng: “Thần đã làm thượng thư, nay em thần lại lên thượng thư, thần e rằng thiệt đường cho người hiền tài trong thiên hạ”.

Các đời sau này dòng họ Đàm Thận cũng có người làm quan to từ trong Triều đến địa phương như: Cháu 6 đời của Đàm Thận Huy là Đàm Công Hiệu vào Vương phủ giảng sách cho Chúa Trịnh, được phong Lễ bộ Thượng thư, tham dự triều chính, phong Thiếu bảo, tước Nghĩa Quận công.

Con trai Đàm Thận Giảng là Đàm Cư làm quan Thượng thư đến 6 bộ, tước Thế quận công

Gần đây dòng họ này có giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn; giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; giáo sư, tiến sỹ vật lý Đàm Thanh Sơn hiện đang giảng dạy tại trường đại học danh tiếng Chicago (Mỹ).

Niềm vui của GS Đàm Thanh Sơn (giữa) và các nhà khoa học tham dự Gặp gỡ Việt Nam khi hay tin ông đoạt huy chương Dirac - Ảnh: DUY THANH

Các thầy phong danh tiếng khi xưa thường chỉ giúp những ai có đức hạnh tìm được đất tốt đặt mộ, thậm chí phải kiểm chứng trước như thầy Tả Ao trong câu chuyện này. Những ai không có đức hạnh các thầy phong thủy cũng không dám tìm cho cuộc đất tốt. Thậm chí ngay cả cụ Tả Ao dù định liệu kỹ càng, nhưng khi mất rồi cũng không thể có được miếng đất tốt cho bản thân mình.

Trần Hưng / Theo Trithucvn