Thursday, November 7, 2024

CRAZY HORSE MEMORIAL, NGỌN NÚI BIỂU TƯỢNG CHIẾN BINH DA ĐỎ

Khu vực Black Hills của South Dakota không những chỉ nổi danh với bốn bức tượng tổng thống Hoa Kỳ được khắc tạc trên đỉnh núi Rushmore, mà du khách đến nơi đây còn có dịp thưởng ngoạn một công trình tạc khắc khác (cũng tại vùng Black Hills) để tưởng niệm một người chiến binh anh hùng của các bộ tộc Da Dỏ (Native American tribe) vùng Dakota. Công trình tạc khắc núi có tên Crazy Horse Memorial đã và đang được tiếp tục từ năm 1948 đến nay.

Thunderhead Mt. nơi tạc khắc tượng Crazy Horse. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Dakota là vùng đất rộng lớn phía Bắc của vùng Midwestern Hoa Kỳ (bao gồm North và South Dakota ngày nay). Trước thế kỷ 19, đây là vùng đất thuộc về người dân bản địa thuộc các bộ tộc Sioux Tribes. Tuy nhiên sau khi người Âu Châu tìm ra Tân Thế Giới, họ đã bắt đầu di dân đến vùng đất mới và di chuyển dần về phía Tây lục địa. Đây là nguyên nhân tạo ra các cuộc chiến tranh vì sự tranh giành quyền lợi kinh tế giữa người dân bản địa và di dân.

Từ những năm 1800, số lượng người di dân Âu Châu dần dần đi về phía Tây ngày một nhiều hơn. Về lãnh vực kinh tế, họ lùng kiếm mua da thú từ da thú quí Beaver đến da thú thường Buffalo. Nhất là thời điểm này các mỏ vàng được tìm thấy trong khu vực Black Hills càng thu hút người dân liên bang đổ xô về đây xâm phạm vào phần đất của người Da Đỏ. Điều này đã đụng chạm mạnh đến quyền lợi kinh tế của người dân bản địa làm gia tăng thêm sự căng thẳng giữa bộ tộc Sioux với chính quyền liên bang.

Ogalala Lakota là bộ tộc lớn trong bảy bộ tộc của Lakota do một chiến binh Da Đỏ Crazy Horse lãnh đạo vào khoảng thời điểm 1865-1866, đã đứng lên chiến đấu vì các tranh chấp với chính quyền liên bang lúc đó. Crazy Horse kêu gọi các bộ tộc Sioux chiến đấu với chính quyền liên bang để giành lại đất đai, nền văn hóa riêng biệt và những quyền lợi của người Da Đỏ (Native American). Ông hợp tác liên minh với các bộ tộc Northern Cheyenne và Arapaho tham dự các trận chiến Great Sioux War of 1876 (còn gọi là Black Hills War) với quân đội của chính quyền. Nổi tiếng nhất là các trận chiến Fetterman Fight (1866) và Battle of the Little Bighorn (1876) chiến thắng của người Da Đỏ vẫn còn in đậm trong lịch sử Hoa Kỳ. Sự chiến thắng đã đưa Crazy Horse lên ngôi chiến binh anh hùng trong lịch sử và văn hóa của các bộ tộc Da Đỏ Sioux.

Khuôn mặt chiến binh Crazy Horse được hoàn tất năm 2017. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Cuộc chiến có lúc thắng lúc thua, cuối cùng vì nhiều lý do người dân bản địa Da Đỏ đã thua cuộc chiến. Dù là người thua cuộc nhưng hình ảnh oai hùng của Crazy Horse vẫn sáng ngời trong tâm hồn bộ tộc Sioux.

Ông được các hậu duệ vinh danh là người chiến binh đã làm nổi bật sự chiến đấu của bộ tộc Da Đỏ chống lại sự xâm lấn của di dân ở thế kỷ 19. Năm 1877, ông đầu hàng chính quyền liên bang và cũng mất vào năm đó, chỉ mới 37 tuổi. Sự kiêu hùng của người chiến binh Da Đỏ Crazy Horse không những được xem là biểu tượng trong lòng người dân Native American, ông còn được lịch sử Hoa Kỳ ngưỡng mộ. United Postal Service của Hoa Kỳ trân trọng vinh danh in hình ông lên một tem thư (stamp) trong bộ Great Americans series postage stamp.

Sau khi bốn tượng tổng thống Hoa Kỳ được tạc khắc trên Mt Rushmore, một hậu duệ Da Đỏ của Crazy Horse tên Henry Standing Bear đã cố gắng xin tiểu bang South Dakota cho phép tạc khắc tượng Crazy Horse cũng trên đỉnh Rushmore chung với các vị tổng thống nhưng chuyện này không thành.

Năm 1948, Henry Bear lập ra Crazy Horse Memorial Foundation, một tổ chức vô vụ lợi nhằm hoàn thành ngọn núi tưởng niệm Crazy Horse. Vị trí được chọn là núi Thunderhead Mt. nằm cách Mt Rushmore khoảng 17 miles.

Núi Thunderhead Mt. đang được đục khắc theo pho tượng mẫu. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Công trình thiết kế được giao cho Korczak Ziolkowski, một điên khắc gia gốc Ba Lan, đục khắc tượng trên đỉnh núi với hình ảnh Crazy Horse đang ngồi phóng trên lưng ngựa, tay đang chỉ về phía trước. Phải nói đây là một tham vọng lớn của khu vực tự trị Black Hills vì sau khi hoàn thành, tượng Crazy Horse có một kích thước rất lớn, lớn hơn cả bốn tượng tổng thống Hoa Kỳ bên Mt Rushmore. Chiều dài tượng sẽ là 195m, cao 172m. Cánh tay của Crazy Horse chỉ về phía trước cũng đã dài đến 80m. Còn đầu tượng cao 27m trong khi đầu tượng các vị tổng thống Hoa Kỳ chỉ cao 18m.

Chương trình đã khởi đầu từ năm 1948 và vẫn đang tiếp tục hàng năm, tiến trình tùy theo tài chính hàng năm thu được. Bảy mươi hai năm trôi qua, Korczak Ziolkowski đã ra người thiên cổ năm 1982. Vợ ông, Ruth Ziolkowski cùng các con nối tiếp công việc dang dở của chồng. Ruth mất năm 2014. Con gái họ, Monique Ziolkowski và các em tiếp tục công việc chưa hoàn thành của cha mẹ.

Cũng cần nói thêm Crazy Horse Memorial Foundation không nhận sự hỗ trợ từ chính quyền tiểu bang lẫn liên bang. Họ muốn được độc lập tài chính để không bị chi phối bởi nguồn tài trợ của chính quyền. Họ bán vé lấy tiền từ du khách để tiếp tục công trình dang dở. Không biết đến bao giờ thì ngọn núi Thunderhead Mt. mới hoàn toàn biến thành tượng núi Crazy Horse Memorial để du khách có thể thưởng ngoạn một công trình tuyệt tác khác của South Dakota.

Ngoài ra, công trình còn mở ra một nhà bảo tàng Indian Museum of North America và trung tâm Native American Cultural Center để quảng bá về văn hóa, âm nhạc của các bộ tộc Native American. Đồng thời để có thêm thu nhập cho công trình.

Tượng người Da Đỏ (Native American) Ogalala Lokota. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Phần đất Tân Thế Giới nguyên thủy là nơi định cư của những bộ tộc người Da Đỏ mà ngày nay người ta gọi họ là Native American. Ngoài ra tất cả các người ở Hợp Chủng Quốc đều là những di dân đến từ khắp nơi trên thế giới, họ đến đây từ suốt thế kỷ 17 cho đến ngày nay. Ba trăm năm nay các di dân đã phải rời bỏ quê hương nguyên quán của họ vì hàng trăm lý do khác nhau để đến đây. Họ kết hợp lại tạo ra một đất nước mới, một đất nước biết tôn trọng đời sống tinh thần và nhân phẩm con người. Không một ai và không một giống dân nào có thể tự cho rằng phần đất này nguyên thủy dành riêng cho họ mà có tinh thần kỳ thị giữa giống dân này và giống dân khác đang cùng chung sống với nhau. Hiểu như thế để chúng ta không có một mặc cảm nào giữa đời sống Hợp Chủng Quốc. Tất cả trắng vàng đen nâu đều đang ở trọ ngôi nhà da đỏ.

Không phải vô cớ mà chính quyền liên bang dành nhiều sự ưu ái cho sự tự trị của Native American.

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
Theo: Người Việt



No comments: