Thơ yêu của Râu Xanh
Bài thơ tình được bắt đầu bằng một cái tựa rất tượng hình, … rậm rạp và … hung hãn: RÂU XANH
“Râu Xanh” ở đây chính là “Con Yêu Râu Xanh”, một nhân vật trong truyện ngắn nguyên bản bằng tiếng Pháp “Barbe-Bleue” (tiếng Anh là Bluebeard) trích từ tập truyện cổ tích ‘Những Câu Chuyện Của Mẹ Ngỗng’ (Tales of Mother Goose/Les Contes De Ma Mère l’Oye) của tác giả người Pháp Charles Perrault, xuất bản vào giữa thế kỷ 17.
Ôi! Nhân vật ấy mới đáng sợ làm sao!
Một “Con Yêu Râu Xanh” nổi tiếng vì “quá đỗi yêu mến” những người đẹp kiều diễm nên đã tìm mọi cách để được thoả mãn lòng mình. Vậy thì tại sao thi sĩ lại chọn đưa nhân vật nguy hiểm này vào thơ?
Chính vì điều này mà bài thơ trở nên thu hút những người hiếu kỳ như tôi.
Thơ khác với văn xuôi bởi những “ẩn dụ”. Ẩn dụ như má lúm đồng tiền ẩn hiện duyên dáng trên gương mặt của cô gái mà khi bắt gặp đúng khoảnh khắc sẽ làm ngây ngất lòng người. Cung Thi Sĩ đã dùng bút pháp thi ca của mình một cách táo bạo để ví von nỗi lòng Râu Xanh với tâm trạng của một người tình đang ngóng đợi người yêu của mình đến thăm.
Chàng chờ đợi và nôn nóng…
Đến anh thì đến hôm nay,
Lỡ mai gió lật chở đầy mưa qua.
nôn nóng đến mức trong đầu lo lắng bâng quơ đến viễn ảnh rủi ro của ngày mai.
… rồi lại nôn nóng đến độ tưởng tượng ra hình bóng kiều diễm và gợi tình của người yêu.
Đến anh thân thể lụa là,
Dài đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu.
Chàng mơ màng hình dung ra sự hiện hữu của nàng từ lớp lụa là mềm mỏng cho đến ánh mắt long lanh.
“Đến anh” là cách viết gọn của một nửa mệnh đề “Nếu… có ĐẾN thăm ANH”. Vì vậy, nửa mệnh đề còn lại theo ngữ pháp Việt ắt được hiểu là “Thì…”, vì vậy ý thơ nửa như thầm cầu mong, nửa như thầm căn dặn người yêu: Nếu có đến thăm anh, thì… đuôi mắt đa tình ấy xin “dài” thêm, còn chiều dài của chiếc váy kiêu sa kia thì nên “ngắn” bớt!
Đến anh lưng thắt chiết yêu,
Sểnh tâm phá giới con diều ái ân.
Xin mở ngoặc ở đây để được diễn giải rằng “Chiết Yêu” là tên của một loại chén bát kiểu rất đẹp. Kiểu chén bát này loe rộng ở miệng bát nhưng thắt nhỏ lại ở đáy bát khiến cho khi nhìn nghiêng sẽ có hình dáng của một hình tam giác mà phần thắt nhỏ gợi cho người ta nghĩ đến một… vòng eo. “Chiết Yêu” và một vòng “Eo”… sử dụng “uyên ngữ vô thanh” có lẽ không ai tài tình bằng Cung Thi Sĩ, bởi chỉ cần nhìn mặt con chữ đã gợi nên trong lòng người đọc những thanh âm gợi cảm biết bao!
Một lần nữa, chàng Râu Xanh đa tình lại thầm căn dặn người yêu, “Nếu” có đến thăm anh, “Thì” xin em hãy chuẩn bị “tâm thức” để cùng anh thả “con diều” kia bay cao… Trời ạ! He he…
Hai câu thơ kế tiếp lại càng thú vị hơn nữa!
Gót ngờ rớt chín phân vân
Để sau một hoá mười lần đến anh.
“Gót ngờ” ở đây là sự ngờ vực, e dè và phân vân nơi bước chân của cô người yêu mà tác giả đã phỏng đoán tâm lý: Không biết có nên đi hay không? Điều gì sẽ chờ đợi ở nơi ấy? Vì vậy, thi sĩ đã viết một cách đầy thuyết phục, tự tin và hứa hẹn đúng kiểu dụ dỗ của… Râu Xanh: Nếu như có ngờ vực thì xin em hãy “rớt đi… chín phần mười” (đừng phân vân nữa!) bởi vì anh biết sau này sẽ từ “một hóa mười lần” em đến thăm anh (tự tin chưa!)
Nhắc đến “Râu” hẳn hầu hết chúng ta đều từng nghe một câu ‘chơi chữ’ vui vui “rầu rĩ râu ria ra rậm rạp”. Trộm nghĩ, trong bối cảnh của bài thơ thì có lẽ ta nên đổi thành “rạo rực râu ria ra rậm rạp”… bởi thi sĩ đã viết tiếp:
Chờ em anh để râu xanh,
Lòng xây bốn bức tường thành giam em.
Nhân vật Râu Xanh trong chuyện cổ tích Pháp là một bá tước giàu có nên ông ta sống trong một lâu đài có thành quách kiên cố bao quanh. Nhưng với Cung Thi Sĩ, “bốn bức tường thành” ở đây được “xây” lên từ “lòng ngóng đợi” để được đón người yêu đến và nhốt kín nàng vào vòng tay tình yêu mạnh mẽ của chàng.
“Lòng” chàng thì đã vậy, còn “hồn” thì sao nào?
Hồn anh em thắp lên xem
Ác như một chiếc lồng đèn kéo quân.
Ah! Thì ra là vậy. “Con Yêu Râu Xanh” là hiện thân của sự hung ác mà. Nhưng “hung ác” ở đây qua chiếc đũa thần của thi ca bỗng hoá thân thành “mãnh liệt” trong tình yêu. Sự mãnh liệt đó thi sĩ đã ví von qua hình ảnh của “chiếc lồng đèn kéo quân”, mà khi nhắc đến đèn kéo quân thì trong đầu chúng ta đã cảm thấy rộn ràng như đang xem …”phim hành động”, bởi tướng-sĩ-người- ngựa đuổi nhau chạy vòng quanh vô cùng lung linh và huyền ảo. Một lần nữa, sự huyền diệu của “uyên ngữ” trong thơ Cung Trầm Tưởng lại lấp lánh rộn ràng âm sắc.
Lần lượt, thi sĩ đã trang trải nỗi niềm tâm sự của mình từ “lòng” đến “hồn” và bây giờ là “tình”.
Tình anh sương giá đầy sân
Cần em mái phủ cho thân ấm nhờ.
Ôi! ôi… đến lúc này thì còn đâu hình ảnh của một “Con Yêu Râu Xanh” hung ác nữa, mà chỉ còn lại một khoảng sân trống lạnh và nỗi mong chờ thống thiết “cần” em… cho anh “nhờ”. Chừng như mọi thứ giáp sắt, khiên đao đều đã bỏ xuống quy hàng để chờ đợi tình yêu của nàng.
Bởi cần có hai bàn tay mới làm nên tiếng vỗ, hoặc theo quan niệm của trời Âu “It takes two to tango”, cho nên chàng thi sĩ ân cần đưa nàng vào thế giới thi ca của mình mà ví von:
Chuyện mình mới nửa trang thơ
Phải hai cùng viết bài thơ vẹn tình.
Và cuối cùng đúc kết bằng một câu thơ lập lại để nhấn mạnh nỗi lòng, mà giờ đây như một lời trần tình khéo léo: Anh không phải là Râu Xanh, mà chỉ vì…
Chờ em anh để râu xanh…
RÂU XANH
Đến anh thì đến hôm nay,
Lỡ mai gió lật chở đầy mưa qua.
Đến anh thân thể lụa là,
Dài đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu.
Đến anh lưng thắt chiết yêu,
Sểnh tâm phá giới con diều ái ân.
Gót ngờ rớt chín phân vân
Để sau một hoá mười lần đến anh.
Chờ em anh để râu xanh,
Lòng xây bốn bức tường thành giam em.
Hồn anh em thắp lên xem
Ác như một chiếc lồng đèn kéo quân.
Tình anh sương giá đầy sân
Cần em mái phủ cho thân ấm nhờ.
Chuyện mình mới nửa trang thơ
Phải hai cùng viết bài thơ vẹn tình.
Chờ em anh để râu xanh.
Diễm Nguyễn
===================
Tác giả bài viết này, là một người gần gũi với ngôn ngữ hoa mộng của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, cô đã đặc biệt chép, giữ lại bài thơ có phong cách rất lạ, và lạ cả cái tên của Cung Trầm Tưởng. Vào năm 2021, cô Diễm đã gửi thư, viết về cảm nhận của mình với bài thơ này cho thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Bài cảm nhận này đã được lưu lại trong lịch sử của những người yêu thơ của ông.
Xin được gửi đến quý vị bài viết cảm nhận của cô Diễm Nguyễn, trọn bài thơ (lẫn quà tặng tưởng niệm của báo Saigon Nhỏ), để nhớ về một con người tài hoa đã vừa rời bỏ trần gian lên đường miên viễn. (SGN)
Nguồn: Saigonnhonews