Thursday, November 14, 2024

TÊN ĐẦY ĐỦ CỦA THÚY KIỀU LÀ GÌ? NHIỀU NGƯỜI LỚN CHƯA CHẮC TRẢ LỜI ĐƯỢC CÂU HỎI LỚP 9 NÀY

Trong chương trình "Ai Là Triệu Phú", ban tổ chức từng đưa ra câu hỏi: "Trong Truyện Kiều, nhân vật Thúy Kiều mang họ gì?", kèm theo bốn lựa chọn: họ Nguyễn, họ Vương, họ Lê và họ Trần.


Ngay sau khi phát sóng, câu hỏi này đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên các diễn đàn mạng xã hội, tạo nên làn sóng thảo luận sôi nổi. Dù Truyện Kiều là một tác phẩm kinh điển, nhưng không phải ai cũng biết chính xác họ của Thúy Kiều. Nhiều người tin rằng nàng mang họ Vương, trong khi số khác lại đoán là họ Lê hoặc họ Trần.

Bản thân người chơi cũng phân vân giữa các đáp án nên cuối cùng phải lựa chọn sự trợ giúp của chương trình mới có thể vượt qua câu hỏi này. Vậy đáp án chính xác ở đây là gì?

Tên đầy đủ của Thúy Kiều

Truyện Kiều, kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, được coi là truyện thơ nổi bật và mang tầm vóc kinh điển trong văn học Việt Nam. Tác phẩm, gồm 3.254 câu lục bát, được viết bằng chữ Nôm, hiện đã trở thành một phần của chương trình Ngữ văn lớp 9 và lớp 10.

Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch sang 20 ngôn ngữ với khoảng 75 bản dịch khác nhau, đưa tác phẩm đến gần hơn với độc giả toàn cầu. Tại nước ngoài, Truyện Kiều được giới thiệu rộng rãi và không ít chính trị gia, khi làm việc với phái đoàn Việt Nam, đã trích dẫn tác phẩm này trong các bài phát biểu. Họ cho rằng: "Muốn hiểu con người Việt Nam, hãy tìm hiểu Truyện Kiều."

Truyện Kiều xoay quanh cuộc đời đầy biến động và bi kịch của nhân vật chính, Vương Thúy Kiều - một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn. Với vẻ đẹp sắc sảo, dáng vóc thanh thoát và tài năng vượt trội trong cầm, kỳ, thi, họa, Thúy Kiều nổi bật giữa mọi người. Tuy nhiên, vì gia biến, nàng phải rời xa gia đình và lưu lạc suốt hơn 15 năm, trải qua bao đắng cay, tủi nhục trên đường đời.

Ngay trong phần mở đầu tác phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du từng miêu tả về gia đình nàng Thuý Kiều như sau: 

"Có nhà viên ngoại họ Vương,
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung.
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia.
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân".


Từ những dòng thơ trên có thể thấy, nàng Thuý Kiều sinh ra trong gia đình họ Vương. Nàng là chị cả trong gia đình, với hai em là Thuý Vân và Vương Quan. Như vậy, tên đầy đủ của cô là Vương Thúy Kiều. Đáp án đúng của câu hỏi trong chương trình "Ai Là Triệu Phú" là B.

Dấu ấn Truyện Kiều trong đời sống văn hóa người Việt

Về mặt nghệ thuật, "Truyện Kiều" vẫn được xem là đỉnh cao rực rỡ và là ngọn hải đăng sáng giá nhất của văn học Việt Nam. Tác phẩm vĩ đại này của Nguyễn Du kết tinh tinh hoa từ hàng trăm năm phát triển của văn học cổ điển dân tộc, được coi là nền tảng quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nghệ thuật văn học Việt Nam sau này.

Trong tác phẩm, Nguyễn Du đã chắt lọc tinh hoa ngôn ngữ từ đời sống nhân dân, đặc biệt là tiếng nói dân gian, khi ông khéo léo sử dụng các khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao và một số thành ngữ Hán Việt được "Việt hóa." Ngược lại, tác phẩm đã đi sâu vào đời sống, khiến người dân vay mượn ngôn ngữ và hình tượng nhân vật trong Truyện Kiều để sáng tạo thêm các câu thành ngữ, ca dao, dân ca mới, nhằm biểu đạt phong phú những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống.

Qua hàng trăm năm, Truyện Kiều vẫn bền bỉ hiện diện trong đời sống văn hóa của người Việt. Nhờ đó, tiếng Việt trở nên phong phú, sâu sắc và giàu tính biểu cảm hơn, và văn chương Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn nhờ dấu ấn "Truyện Kiều."

Từ tác phẩm này, nhiều nét sinh hoạt văn hóa độc đáo đã xuất hiện trong cộng đồng như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều...


"Ngâm Kiều toàn truyện" là dự án âm nhạc tôn vinh một lối ngâm độc đáo được sinh ra và gắn liền với kiệt tác văn học Việt Nam đó là "Truyện Kiều". Lối ngâm này còn được gọi là lẩy Kiều.

Một số nhân vật trong truyện cũng đã trở thành hình tượng tiêu biểu với ý nghĩa sâu sắc: Sở Khanh gắn liền với kiểu đàn ông phụ bạc, Tú bà đại diện cho những người lợi dụng phụ nữ để trục lợi, và Hoạn Thư biểu trưng cho người phụ nữ ghen tuông thái quá.

Truyện Kiều còn là nguồn cảm hứng cho các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, thư pháp... Hiện nay, tác phẩm đang được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 9 và lớp 10 với các trích đoạn nổi bật như "Chị em Thúy Kiều," "Cảnh ngày xuân," "Kiều ở lầu Ngưng Bích," "Mã Giám Sinh mua Kiều," "Thúy Kiều báo ân báo oán," "Trao duyên," "Nỗi thương mình," "Chí khí anh hùng," và "Thề nguyền."


Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại Thăng Long (nay là Hà Nội). Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1776), quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, từng giữ chức Tham Tụng (tương đương Tể tướng) dưới triều Lê. Mẹ ông, bà Trần Thị Tần, quê gốc tại Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Với tác phẩm Truyện Kiều cùng toàn bộ di sản văn chương để lại, Nguyễn Du được người Việt tôn vinh là Đại thi hào dân tộc và được Hội đồng Hòa bình thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Đánh giá về Truyện Kiều, trong lời đầu sách Từ điển Truyện Kiều (1974), Giáo sư Đào Duy Anh nhận xét: "Trong lịch sử ngôn ngữ và văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với ‘Quốc âm thi tập’ là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với ‘Truyện Kiều’ lại là người đặt nền tảng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta..."

Thùy Linh / Theo: ĐSPL