Sunday, December 31, 2017

HOA NGUYỆT QUẾ NÚI

Nguyệt quế thanh khiết của mùa xuân nước Mỹ


Những bông hoa nguyệt quế núi xinh xắn có nguồn gốc từ miền đông nước Mỹ, gắn liền với cuộc sống của người dân, là loài hoa đại diện cho một bang của Mỹ.

Hoa nguyệt quế núi (Mountain Laurel) được coi là loài hoa tiêu biểu, đại diện cho nét đặc trưng văn hóa của bang Conneticut. Connecticut xuất phát từ "Quinnehtukqut" trong tiếng Mohega, có nghĩa là "Nơi trên sông dài" hoặc "Bên cạnh sông thủy triều dài". Connecticut có khí hậu ôn hòa với đường bờ biển dài quanh vịnh Long Island.

Hoa nguyệt quế núi có hình tròn, mọc thành chùm gồm nhiều màu khác nhau, từ màu trắng, hồng nhạt, hồng đậm, màu đỏ. Ảnh: Wikipedia 

Hoa thường nở rộ vào tháng 5, tháng 6. Ảnh: Seniorhikerphotos 

Hoa nguyệt quế trắng tinh khiết dưới mưa. 

Nhụy hoa rất thu hút côn trùng và ong bướm đến hút mật. Ảnh: Virginiatrailguide 

Một chùm hoa màu hồng đậm. Những màu rực rỡ thường là những giống lai tạo và nhân giống về sau, còn màu tự nhiên của hoa thường là màu sáng. Ảnh: Flickriver 

Hoa nguyệt quế không thích hợp để trồng thương mại nhưng được dùng để kết vòng hoa, và gỗ của thân cây dùng làm đồ nội thất và dụng cụ gia đình. Ảnh: Flickriver 

Những cây hoa cao từ 3-9 m, thường mọc trên sườn núi và trong rừng. Ảnh: Flickriver 

Bắt đầu từ năm 1931, mỗi năm người dân đều tổ chức lễ hội để chọn ra những nữ hoàng nguyệt quế, tượng trưng cho sự trẻ trung, tươi đẹp như những bông nguyệt quế xinh đẹp. Ảnh: Bloginky 

Những em nhỏ trong chiếc váy màu hồng, gần giống với màu hoa, cầm trên tay những bông nguyệt quế được bó cùng với lá xanh trong lễ hội truyền thống. Với vẻ đẹp thanh khiết, hoa nguyệt quế núi là niềm tự hào của người dân Connecticut và vùng đông Mỹ. Ảnh: Bloginky 

Hằng Liên
Theo: VNExpress


CÁC NƯỚC ĂN GÌ VÀO DỊP TẾT DƯƠNG LỊCH?

Nho, cá, rau xanh, thịt lợn, lựu... được một số quốc gia chọn làm món ăn dịp đầu năm, với hy vọng sẽ có một năm thịnh vượng, khỏe mạnh và may mắn.


Nho: Người Tây Ban Nha ăn 12 quả nho khi đồng hồ điểm 12 tiếng theo nhịp chuông. Truyền thống này bắt nguồn từ năm 1909, khi những người trồng nho vùng Alicante thực hiện điều này để giải quyết số nho thừa. Sau đó, ý tưởng này lan tới Bồ Đào Nha và các vùng từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha như Venezuela, Cuba, Mexico, Ecuador, và Peru. (Ảnh: Popsugar.)


Mỗi quả tượng trưng cho một tháng, ví dụ nếu quả thứ 3 hơi chua, điều đó nghĩa là tháng 3 sẽ khá khó khăn. Phần lớn sẽ cố ăn hết 12 quả trước tiếng chuông cuối cùng, nhưng người Peru sẽ thêm quả thứ 13 để đảm bảo may mắn. (Ảnh: Beepb.)

Rau xanh: Các loại rau như bắp cải, cải lá, cải xoăn và cải cầu vồng là món hay được ăn vào dịp năm mới ở nhiều quốc gia vì lý do đơn giản: lá của chúng giống như những đồng tiền gấp, tượng trưng cho tương lai giàu có. (Ảnh: Rd.)

Người Đan Mạch ăn cải xoăn hầm với đường và quế, người Đức ăn bắp cải trong khi người Mỹ chọn cải lá. Nhiều người tin rằng càng ăn nhiều rau xanh vào dịp năm mới thì năm sau càng thu được nhiều tiền của. (Ảnh: Seriouseats.)

Các loại đậu: Đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu xanh... đều được coi là biểu tượng của tiền bạc. Chúng có hình dạng tương tự đồng xu và nở ra khi được nấu chín, đem lại cho người ăn may mắn về tài chính. (Ảnh: Amazinghealthfulfoods).

Ở Italy, người dân thường thưởng thức xúc xích và đậu lăng xanh sau giao thừa. Người dân Đức cũng thường ăn món này vào năm mới, có thể thay đậu lăng bằng súp đậu. (Ảnh: Plated.)

Người Brazil thường ăn bữa đầu tiên của năm mới với súp đậu lăng hoặc đậu lăng và cơm. (Ảnh: Greenacres.)

Ở miền Nam nước Mỹ, người dân thường ăn món Hoppin' John làm từ đậu mắt đen hoặc đậu đũa. Truyền thống này có nguồn gốc từ thời Nội Chiến, khi thị trấn Vicksburg (Mississippi) cạn kiệt lương thực lúc bị tấn công. Các cư dân tìm được đậu mắt đen để sống sót, từ đó loại đậu này được coi là đem lại may mắn. (Ảnh: Foodnetwork.)

Thịt lợn: Truyền thống ăn thịt lợn vào năm mới dựa trên quan niệm rằng lợn tượng trưng cho sự phát triển, do con vật này thường tiến về phía trước khi kiếm ăn. Lợn sữa quay là món không thể thiếu trong dịp năm mới ở Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary và Áo. (Ảnh: Faimouioui/Wordpress).

Người Áo trang trí bàn ăn bằng bánh hạnh nhân hình những chú lợn tí hon. (Ảnh: Butteryum.)

Người Thụy Điển ăn chân giò, còn người Đức thưởng thức thịt lợn nướng và xúc xích. Thịt lợn cũng là món thường gặp ở Italy và Mỹ bởi giàu chất béo, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. (Ảnh: Chopstixfix).

Cá: Món ăn này được cho là đem lại nhiều may mắn vì 3 lý do: vảy của chúng có hình dạng như đồng tiền, chúng đi theo đàn - tượng trưng cho sự thịnh vượng, và chúng bơi về phía trước - tượng trưng cho phát triển. (Ảnh: Catholiccusine.)

Người Đan Mạch ăn cá tuyết hấp, trong khi ở Italy, món cá tuyết muối phơi khô được các gia đình làm suốt từ Giáng sinh tới năm mới. Đức và Ba Lan lại có món cá trích muối để có được may mắn. (Ảnh: Nytimes.)

Các loại bánh: Bánh và các loại đồ nướng khác thường có mặt trong thực đơn của nhiều quốc gia vào dịp Giáng sinh, năm mới, đặc biệt là các loại có hình tròn hoặc hình vòng. Italy có món chiacchiere làm từ bột mì rán phủ đường. (Ảnh: Theitalianbunnyreport/Wordpress).

Ba Lan, Hungary và Hà Lan thường ăn bánh donut. Ngoài ra, Hà Lan còn có olie bollen, một loại bánh nướng hình tròn, với nhân táo, nho khô hoặc lý chua. (Ảnh: Oliebollenzoetermeer).

Một số nền văn hóa còn có tục lệ giấu một món đồ trang sức hoặc đồng xu trong bánh, ai gặp được sẽ có nhiều may mắn vào năm mới. Ở Hy Lạp, người dân thường làm bánh vasilopita với một đồng xu bên trong. Bánh được cắt vào đêm giao thừa hoặc ăn tráng miệng vào ngày đầu năm. (Ảnh: Tarasmulticulturaltable).

Lựu: Người Thổ Nhĩ Kỳ coi lựu là loại quả đem lại may mắn vì nhiều lý do. Màu đỏ của chúng tượng trưng cho sự sống, sinh sôi nảy nở. Khả năng trị bệnh tượng trưng cho sức khỏe và các hạt tròn thể hiện sự thịnh vượng. (Ảnh: Aces).


Theo Zing.vn


NGƯỜI KỂ CHUYỆN TÌNH: NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG - TÌNH BƠ VƠ

Hôm nay ở nhà một mình, tôi sực nhớ là chưa xem "Người kể chuyện tình" của tuần này, dường như nói về nhạc sĩ Lam Phương. Nhạc sĩ Lam Phương rất nổi tiếng trong những ca khúc buồn về tình yêu về cuộc sống nghèo khổ bơ vơ và dương như nó đã nói trước về cuộc đời ông. Thời gian trước tôi có post qua về tiểu sử của ông rồi nên hôm nay không muốn nhắc lại, có một bài viết của An Nhiên nói về những cuộc tình của ông nên mạn phép share lại cho các bạn cùng đọc và xem "Người kể chuyện tình - Tập 6" chủ đề Lam Phương - Tình bơ vơ. (LKH)


Những chuyện tình của nhạc sĩ Lam Phương được tiết lộ trong chương trình Người kể chuyện tình tập 6.

Nhạc sĩ Lam Phương là tác giả của nhiều bài hát vô cùng nổi tiếng như Thành phố buồn, Chờ người, Tiễn người đi... Trong Người Kể Chuyện Tình tập 6, những tình ca bất hủ của nhạc sĩ Lam Phương sẽ được các ca sĩ trẻ thể hiện lại. Như thường lệ, hiện diện trên ghế nóng ngoài danh ca Phương Dung và Thái Châu còn có sự góp mặt của danh ca Họa Mi.

Nhiều câu chuyện tình, chuyện nghề và chuyện đời của người nhạc sĩ tài hoa được tiết lộ thú vị dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Ban giám khảo của chương trình.

Lam Phương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của tân nhạc với trên 200 tác phẩm. Ông sinh ngày 20/03/1937, tên thật Lâm Đình Phùng, là con đầu trong gia đình nghèo có 5 năm anh em tại Rạch Giá, Kiên Giang.

Ca khúc đầu tay của ông là bài Chiều thu ấy, viết vào năm 15 tuổi. Khi ấy ông phải vay tiền của bạn bè để mướn nhà in in nhạc, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Ba năm sau, Lam Phương tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa.

Nhạc sĩ Lam Phương.

Bóng hồng lớn nhất trong sự nghiệp của Lam Phương không ai khác ngoài danh ca Bạch Yến. Bà là người mang đến cho nhạc sĩ cảm xúc lớn để viết ca khúc Chờ người, Thu sầu, Tình bơ vơ, Trăm nhớ ngàn thương, Tình chết theo mùa đông, Tiễn người đi… khiến người nghe nhạc say đắm cho đến tận bây giờ.

Danh ca Bạch Yến.

Một “bóng hồng” khác cũng mang đến cho Lam Phương nhiều khổ đau lẫn hạnh phúc là ca sĩ Minh Hiếu. Cuộc đời ông sau đó từng có mối tình say đắm với ca sĩ Hạnh Dung. Hai ca khúc Bọt biển hay Giọt lệ sầu ông viết cho Hạnh Dung khi chuyện tình yêu của họ rơi vào bế tắc.

Nhạc sĩ Lam Phương từng có nhiều thăng trầm trong chuyện tình cảm. 

Sau thời gian đau khổ với những chuyện tình, nhạc sĩ Lam Phương lập gia đình với diễn viên kịch Tuý Hồng. Thời gian đó ông viết nhiều tác phẩm vui tươi như Ngày hạnh phúc. Khi đến Mỹ, ông gặp khó khăn về kinh tế phải kiếm tiền bằng những việc chân tay nặng nhọc, không may là hạnh phúc gia đình ông cũng tan vỡ trong thời điểm ấy. Ông vô cùng đau xót và viết hàng loạt ca khúc mà tiêu đề chỉ có một chữ. Trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là bài Lầm với câu hát “Anh đã lầm đưa em sang đây”.

Xuất hiện và làm giám khảo khách mời trong Người Kể Chuyện Tình, danh ca Họa Mi vẫn hồi hồi nhắc về ca khúc Em đi rồi - nhạc phẩm do Lam Phương viết tặng riêng cho cô. Bài hát ra đời lúc hôn nhân giữa Lam Phương tan vỡ tại Mỹ. Đó cũng chính là hoàn cảnh của Họa Mi tại nơi đất khách quê người.

“Tôi rất xúc động vì không nghĩ rằng nhạc sĩ Lam Phương đã viết bài hát nói về chính cuộc đời của anh để tặng cho mình. Bài hát Em đi rồi cũng vì thế gắn liền với tôi hơn 30 năm nay”, Họa Mi nói.

Danh ca Thái Châu chia sẻ anh là một trong những người có diễm phúc hát nhiều ca khúc của Lam Phương như Tình bơ vơ, Tình chết theo mùa đông, Giọt lệ sầu, Ngày em ra đi. Thông qua chương trình, anh cũng muốn cảm ơn đến nhạc sĩ Lam Phương đã giúp tên tuổi anh bay cao, khán giả nhớ đến anh nhiều hơn.

Thái Châu chia sẻ âm nhạc Lam Phương là một hiện tượng đặc biệt của dòng nhạc trữ tình, hầu hết ca sĩ nước ngoài đều hát nhạc của ông. “Mỗi người đều tìm thấy trong âm nhạc Lam Phương một sự đồng cảm sâu sắc, sự chia sẻ khi yêu”, danh ca nói.

Thái Châu cho biết tâm tư, tình cảm Lam Phương kín đáo. Ông dù có đau đớn vì tình tan vỡ nhưng vẫn chọn cách đè nén cảm xúc trong lòng. Danh ca Thái Châu thán phục sự lãng mạn, giàu óc tưởng tượng của người nhạc sĩ. “Trong 15 - 30 phút, anh ấy có thể tưởng tượng, viết ca khúc giống như bản thân anh đã trải qua cuộc tình, yêu đậm sâu người nào đó”, anh nói.

Trong đêm thi này, 5 thí sinh Nam Cường, Hà Thúy Anh, Triệu Long, Thúy Huyền và Phú Quí gặp khá nhiều áp lực bởi các sáng tác của Lam Phương rất sâu sắc và được nhiều khán giả biết đến.

Ban giám khảo và 5 thí sinh của chương trình: Nam Cường, Phú Quí, Triệu Long, Hà Thúy Anh, Thúy Huyền. 

Những ca khúc tình yêu tha thiết, sâu lắng của nhạc sĩ Lam Phương sẽ được Người Kể Chuyện Tình giới thiệu khán giả như Tình bơ vơ, Thành phố buồn, Ngày em đi, Kiếp nghèo, Cho em quên tuổi ngọc qua các giọng hát của Nam Cường, Phú Quí, Triệu Long, Hà Thúy Anh, Thúy Huyền.

Theo An Nhiên (Khám phá)



TRƯỜNG TƯƠNG TƯ


Trường tương tư - Vương Chước

Lai thông thông,
Khứ thông thông,
Đoản mộng vô bằng xuân hựu không.
Nan tuỳ lang mã tung.

Sơn trùng trùng,
Thuỷ trùng trùng,
Phi nhứ lưu vân tây phục đông.
Âm thư hà xứ thông.


長相思 - 王灼

來匆匆,
去匆匆,
短夢無憑春又空。
難隨郎馬蹤。

山重重,
水重重,
飛絮流雲西復東。
音書何處通。


Trường tương tư (Dịch thơ: Nguyễn Đương Tịnh)

Đến vội vã
Đi vội vã
Cứ như là mộng khác gì nhau
Vó ngựa mờ tăm tích

Non mờ mịt
Nước rầu rầu
Tây, đông như mây bay liễu cuốn
Thư biết gửi về đâu?


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Chước 王灼 (1081-1162) tự Hối Thúc 晦叔, hiệu Di Đường 頤堂, người Tiểu Khê (nay thuộc Toại Ninh, Tứ Xuyên), là văn học gia và âm nhạc gia trứ danh đời Tống. Ông xuất thân hàn vi, suốt đời không làm quan.

Nguồn: Thi Viện

Saturday, December 30, 2017

CÂU CHUYỆN VỀ TRÁI SAKÊ

Cây sakê hay còn được gọi là cây bánh mì (breadfruit) là loài thực vật bản địa của các đảo phía tây Thái Bình Dương và bán đảo Mã Lai nhưng đã được trồng rộng khắp khu vực nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Từ lâu rồi người Việt đã biết chế biến nhiều món ăn từ trái sakê.


Trái sakê gắn với một câu chuyện đã thành huyền thoại, được Charles Nordhoff và James Norman Hall viết thành tiểu thuyết Mutiny on the Bounty (Cuộc nổi dậy trên tàu Bounty) và được dựng thành phim hai lần.

Lần đầu phim do hãng MGM sản xuất năm 1935, Frank Lloyd đạo diễn với các ngôi sao Charles Laughton và Clark Gable. Lần sau là vào năm 1962, do hãng Metro-Goldwyn-Mayer sản xuất, Lewis Milestone đạo diễn với các diễn viên lừng danh Marlon Brando, Trevor Howard và Richard Harris.

Đó là câu chuyện về chuyến hải hành của tàu HMS Bounty vào năm 1789, khi đó thuyền trưởng William Bligh nhận sứ mệnh đến đảo Tahiti nơi trồng nhiều cây sakê, từ đó vận chuyển cây sakê đến quần đảo West Indies, gần vùng biển Caribê để sẽ trồng trong các đồn điền, cung cấp nguồn lương thực cho các nô lệ. Trên đường trở về Tahiti, các thủy thủ đã nổi dậy chiếm tàu Bounty, thả William Bligh và nhóm thủy thủ trung thành với ông xuống biển trên mấy chiếc xuồng cùng với một số lương thực và nước uống.


Ruột trái sakê sau khi sơ chế để làm món ăn
William Bligh đã cùng với các thủy thủ vượt hơn 3.000 hải lý, tìm đến đảo Timor sau 42 ngày lênh đênh trên biển, còn số thủy thủ nổi dậy tìm nơi ẩn náu an toàn trên đảo Pitcaim, bốc chuyển toàn bộ số cây sakê lên đảo rồi thiêu rụi con tàu. Chính William Bligh trong chuyến hải hành kế tiếp đã thành công khi đem được giống sakê đến Jamaica và trồng thành những đồn điền rộng lớn.

Ngày nay, sakê trở thành một nguyên liệu căn bản để làm các món ăn truyền thống ở Jamaica, Trinidad và Grenada, đặc biệt là món salad sakê nổi tiếng. Du khách nước ngoài đến các nước vùng Caribê, vào bất kỳ nhà hàng nào cũng có món salad này trong thực đơn.

Món salad sakê phổ biến ở Mỹ và các nước vùng Caribê
Không những thế, salad sakê trộn xốt mayonnaise còn là món rau rất phổ biến ở khắp nước Mỹ vào mùa hè. Còn tại nước ta, trái sakê được các bà nội trợ, các đầu bếp nấu với sườn non, tôm tươi làm canh tương tự như nấu canh khoai tây; nấu kiểm để ăn chay hoặc tẩm bột chiên giòn làm món ăn chơi; làm bánh mè sakê; nấu chè cùng với khoai môn, khoai lang, đậu phộng, đậu đỏ, nấm mèo, nước cốt dừa ăn rất mát; và làm món salad lạ miệng.

Về mặt dinh dưỡng, trái sakê rất giàu vitamin, khoáng chất, carbonhydrat, acid amin; giúp tăng trưởng tế bào mới, chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe tim mạch vì chứa nhiều kali; chất xơ của trái sakê còn giúp giảm cholesterol; giúp sản sinh collagen nên tốt cho da và nuôi dưỡng tóc… Có thể nói đây là một loại quả kỳ diệu, vừa là lương thực vừa là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn, lại mang nhiều dược tính.


Mai Trang
THEO DOANH NHÂN SÀI GÒN CUỐI TUẦN


HOA BÁCH NHẬT

Ý nghĩa của hoa Bách Nhật


Hoa Bách Nhật hay cúc Bách Nhật là loài thực vật có hoa thuộc họ Dền. Loài này được L. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753. Chúng là một loài cây hàng năm cao lên đến 24 inch chiều cao. Chúng có lá bắc màu đỏ tươi, và giống có màu sắc như tím, đỏ, trắng, hồng và tím hoa cà.


Cây này gọi là cúc xong lại không phải cúc, cho hoa chu yếu vào mùa hè và thu. ở Nam bộ có thể cho hoa cả năm, cây rất dễ sống, không kén đất, không cần nhiều phân và cần đất khô khan nhưng nhiều ánh nắng.

Có thể mọc và lên tốt ở ngay các kẽ sân, chân tường. Cúc bách nhật có 2 màu trắng và tím, đôi khi có cây cho hoa màu hồng. Cúc bách nhật trồng ở vườn hoa công cộng, ở nhà trồng vào nhậu. Người ta còn trồng đại trà để lấy hao cắm bát, cắm vòng và đôi khi bày vào đĩa cúng. Nó cũng là thứ hoa chủ lực vào mùa hè khi hoa hiếm. Hạt cúc bách nhật có bông đem rắc lên nền đất tưới ẩm sau 4 - 5 ngày là mọc. Nếp lấp đất dày, hạt sẽ bị trẩm. Tuổi cây con 20 - 25 ngày thì đem trồng, mật độ 40 - 45cm. Sau 75 - 80 ngày cho hoa cánh hoa khô xác xong hoa nở rất bền


Hoa Bách nhật (Hoa Nở Ngày): Amaranth, Gomphrena globosa

Ý nghĩa của hoa bách nhật về Lòng Trung Thành, Sự thành thật, Trung Thực

Buông tay đánh rơi một mùa hoa Bách Nhật

Nếu em đang đi trên đường, bất chợt ngoảnh lại nhìn theo một gánh hoa rong, ánh nhìn bị hút sâu vào một màu tím mê mải thì chắc chắn đó phải là hoa Bách Nhật. Những bông bách nhật tím, bách nhật đỏ thường được cột lại thành bó 100 bông, nhỏ xíu, ngăn ngắt và thơm mùi đồng nội.


Em hay cắm Bách Nhật vào một giỏ hoa mây hình chiếc giầy và đặt lên bàn làm việc. Lần nào đi chợ hoa Quảng Bá vào sáng sớm em có thể quên mua bất cứ loại hoa nào đấy nhưng không thể quên mua Bách Nhật. Em hẹn hò với mình mãi mà vẫn chưa lần nào xách máy lên cánh đồng tím miệt mài trên Quảng Bá để chụp. Hà Nội với cánh đồng tím thẫm ấy hẳn là đã rất Tháng Mười.


Có lần em dừng xe lại giữa phố, đứng tần ngần trước một gánh hoa rong với rất nhiều bách nhật tím. Cô bán hàng rong sau khi giới thiệu cho em những bông hoa kiêu sa và thơm phức thì có phần hơi chưng hửng khi em chọn mua bách nhật 15k. Cô ấy hỏi em mua hoa tặng ai mà đơn giản thế. Em bảo em mua hoa tặng chính mình.


Em đã từng được tặng hoa Bách Nhật từ một ánh mắt thiết tha đến mức có thể làm dịu ngọt cả những sắc hoa tím ngăn ngắt. Chỉ có điều đến giờ thì em hiểu người tặng hoa có lẽ chưa bao giờ biết về ý nghĩa của hoa Bách Nhật. Ý nghĩa ấy em tìm thấy trên một trang web về các loài hoa với chỉ một từ có 12 ký tự: unchangeable.

Anh buông tay đánh rơi cả mùa hoa Bách Nhật rồi anh có biết không?

Theo: Hoa Tươi Đà Nẵng


CŨNG LÀ TRĂM NĂM

Nhạc bolero lời Việt : Cũng là trăm năm

Với 60 album phòng thu và hơn 300 triệu đĩa hát bán trên toàn cầu, Julio Iglesias đương nhiên được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness như là ca sĩ La Tinh ăn khách nhất thế giới. Số lượng tình khúc bolero và pop ballad, từng được ghi âm bởi nam danh ca người Tây Ban nha, nay đã xấp xỉ hàng trăm bài.



Trong số hàng loạt ca khúc ăn khách của Julio Iglesias, có những bản bolero kinh điển, cực kỳ nổi tiếng (chẳng hạn như Historia de Un Amor, Besame Mucho, Amapola ……), nhưng bên cạnh đó cũng có những bài bolero chỉ được viết riêng cho ông hoàng Julio Iglesias. Nhạc phẩm ‘‘No Excusas Sin Rodeos’’ hiểu theo nghĩa ‘‘Người đi mà không một lời xin lỗi’’ nằm trong số này. Bản nhạc này từng được đặt thêm lời Việt dưới tựa đề ‘‘Cũng là trăm năm’’.

Được trích từ tập nhạc La Carretera (Lộ trình) phát hành vào năm 1995, bản nhạc ‘‘Người đi không lời xin lỗi’’ (No Excusas Sin Rodeos) không được phát hành dưới dạng đĩa đơn, nhưng lại khá thành công ở Nam Mỹ trên các làn sóng phát thanh qua các chương trình nhạc yêu cầu. Đằng sau bản nhạc bolero này là nhóm sáng tác Donato & Estefano. Cả hai từng lập một ban song ca, cùng ghi âm ba album trong giai đoạn 1995-1998, sau khi rã đám họ tiếp tục hoạt động trong lãnh vực sản xuất, ghi âm và sáng tác.

Nhóm tác giả Donato (tên thật là Donato Poveda người gốc Cuba) và Estefano (tên thật là Fabio Alonso Salgado người Colombia) từng làm việc trong nhóm sản xuất của hai vợ chồng ca sĩ Gloria Estefan, công ty có trụ sở tại Miami, bang Florida. Cùng nhau họ đã hợp tác với những tên tuổi lẫy lừng nhất của dòng nhạc La Tinh kể cả Gloria Estefan, Jennifer Lopez, Shakira, Thalía, Paulina Rubio (trong phái nữ), Marc Anthony, Enrique Iglesias, Chayanne, Jon Sacada và dĩ nhiên là với ông hoàng Julio Iglesias (trong phái nam).




Bên cạnh những bản nhạc pop La Tinh với nhịp điệu tươi tắn yêu đời trẻ trung chẳng hạn như bài Agua Dulce, Agua Sala (Nước Mặn Nước Ngọt), nhóm sáng tác trẻ tuổi Donato & Estefano cũng không thể nào quên rằng trong tầng lớp người hâm mộ Julio, thành phần đông đảo nhất vẫn là lứa tuổi trung niên và đa phần là phụ nữ. Chính cũng vì thế mà các bản bolero được viết cho Julio trong giai đoạn này thường thuần chất La Tinh : ở chỗ giai điệu luôn dìu dặt du dương, ca từ mãi mùi mẫn vấn vương.

Được phát hành vào giữa thập niên 1990, đúng vào thời kỳ vàng son của ông hoàng Julio, tập nhạc Lộ trình (La Carretera) tiêu biểu cho nỗ lực của danh ca Tây Ban Nha chinh phục thị trường quốc tế và củng cố sự nghiệp của mình trên khắp các châu lục. Nỗ lực này bắt đầu từ năm 1989 với tập nhạc Raices chủ yếu bao gồm các liên khúc nhạc xưa quen thuộc trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Song song với việc phát hành các album bằng tiếng Anh (điển hình là tập nhạc Starry Night và Crazy), Julio Iglesias luôn luôn có những dự án ghi âm xen kẽ nhiều thứ tiếng, có thêm những bài hát bổ sung để nhắm vào từng đối tượng, từng thị trường khác nhau.

Julio Iglesias - Sin Excusas Ni Rodeos


Tập nhạc La Carretera (Lộ trình) có 4 phiên bản khác nhau dành cho thị trường Pháp, thị trường Ý, các nước nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Mỗi album của ông hoàng Julio trong những năm 1990, ngoài ý tưởng chủ đạo, còn có một dòng nhạc chuyên đề. Tập nhạc Noche de Cuatro Lunas phát hành vào cuối thập niên 1990 chủ yếu khai thác dòng nhạc cha cha và mambo (qua các ca khúc như Gozar la Vida ‘‘Tận hưởng cuộc sống’’ hay là Me Siento de Aquí ‘‘Ta thuộc về chốn này’’).

Còn tập nhạc Tango đúng với tên gọi của nó là dịp để cho Julio tìm lại cội nguồn của dòng nhạc này trên vùng đất Argentina. Còn tập nhạc La Carretera là ‘‘lộ trình’’ xuyên Nam Mỹ, dựa vào dòng nhạc bolero, rumba, charanga hay là son cubano. Nếu như tập nhạc Tango phá kỷ lục số bán với hơn 10 triệu bản, thì tập nhạc La Carretera được đề cử Grammy và đoạt giải Billboard dành cho album pop la tinh hay nhất năm 1996.


JULIO IGLESIAS-La Cumparsita (Tango)


Trở lại với ca khúc No Excusas Sin Rodeos ‘‘Người đi không lời xin lỗi’’, bản nhạc này từng được nam ca sĩ Nguyên Khang ghi âm lần đầu tiên bằng tiếng Việt dưới tựa đề ‘‘Cũng là trăm năm’’. Tác giả đặt lời Việt cho tình khúc này là nhạc sĩ Hà Quang Minh. Có thể nói đây là một bản phóng tác tự do, do lời Việt tuy nói về cảnh ‘‘kẻ ở người đi’’ nhưng không có cùng bối cảnh của bản nguyên tác tiếng Tây Ban Nha.

Tình khúc No Excusas Sin Rodeos chủ yếu nói về quan hệ lứa đôi. Sau bao lần phản bội, sau bao lời giả dối, tình yêu đến khi đánh mất rồi, không còn cách gì để vãn hồi thì lúc đó người trong cuộc mới cảm thấy tiếc nuối. Đến lúc đó, tình yêu chỉ còn trong vĩnh biệt, không cần tạ từ, cũng chẳng xin lỗi. Những hình tượng hơi khuôn sáo ấy bỗng nhiên trở nên rất thật qua giọng ca của Julio Iglesias. Lối vuốt câu thiết tha, cách níu chữ mượt mà, trong bài ‘‘Người đi không lời xin lỗi’’ khiến cho con tim thấm đau ngậm ngùi, chết trong tê tái bồi hồi.


Tuấn Thảo
Nguồn: RFI

Cũng Là Trăm Năm - Nguyên Khang



LÀM GIÀU


Cổ học tinh hoa:
LÀM GIÀU


Đời nhà Chu, có người họ Doãn chỉ chăm làm giàu. Tôi tớ trong nhà khó nhọc, vất vả, thức khuya dậy sớm. Có một tên đầy tớ tuổi già, sức yếu, nhưng phải làm nhiều, ban ngày tối mắt không kịp thở, ban đêm mệt lử ngủ say, tinh thần tán loạn. Nhưng đêm nào, cũng mơ màng được làm vua một nước, đứng đầu cả muôn dân, cầm quyền chủ mọi việc, ở gác tía, lầu son, ăn của ngon vật lạ, muốn gì được nấy, vui vẻ sung sướng thực không ai bằng. Sáng bừng mắt dậy, thì vẫn hoàn là tên đầy tớ già, làm không kịp thở...

Có người thấy lão ta vất vả khó nhọc, lấy lời an ủi.

Lão ta nói rằng: “Đời người trăm năm, có ngày, có đêm. Ban ngày, ta chỉ là một tên đầy tớ kể ra khổ thực, nhưng ban đêm, ta đã làm vua cả một nước, vui sướng không ai bằng, thì còn oán hận gì nữa?”.

Họ Doãn gây dựng cơ nghiệp, lo lắng làm giàu, nát gan tan ruột, cứ đêm mệt ngủ đi, thì nằm mơ lại thấy đi làm đầy tớ người ta, việc gì cũng phải làm, lại gặp nhà chủ cay nghiệt quở mắng đánh đập khổ cực muôn phần, nên lúc ngủ trằn trọc thổn thức, sáng dậy mới thôi.

Họ Doãn lấy làm lo, nói chuyện với bạn.

Bạn bảo: “Được cái địa vị như bác giàu có hơn người, ban ngày sung sướng vẻ vang biết là bao, đêm đến có nằm mơ đi làm đầy tớ người ta, thì cũng là sướng khổ đắp đổi. Nếu lúc thức, lúc ngủ cũng muốn vui sướng cả, thì làm thế nào được?”

Doãn thị nghe bạn nói, từ hôm đó nới tay cho người ăn kẻ ở và mình cũng bớt lo nghĩ, nên mỗi ngày bệnh một bớt dần.

Liệt Tử


Lời bàn:

Bài này bày ra hai cảnh ngày, đêm của hai người nghèo khác nhau. Tác giả có ý nói người ta được cái này, thường hỏng cái kia. Hễ ai được thế nào, hay thế, mà trí túc thì tự có cái sướng ở đó rồi. Ở đời, giàu nghèo chẳng qua chỉ có lúc thức là phân biệt nhau, chớ đến lúc ngủ, đợi cái giấc ngủ trăm năm – hai con mắt đã nhắm lại, hồn vía đã đi đâu, thì ai cũng như ai. Tuy vậy, cũng không nên viện lẽ ấy mà cam chịu nghèo khổ. Cần kiệm làm ăn để gây dựng cơ nghiệp, để làm giàu, thật là chính đáng. Nhưng, nếu bòn công bòn của người để làm giàu thế là bóc lột, làm giàu vô nhân đạo. Vô nhân đạo thì không những không được hưởng giàu, mà còn khổ hại về giàu nữa.

(Sưu tầm trên mạng)