Saturday, March 31, 2018

CÓ MỘT NGÀY NÀO EM SẼ HIỂU!

Hôm nay đọc một bài post của bạn FB Linh Huynh có mấy câu thơ chữ Hán trích trong mạng FB của 心靈舒果 (Tâm Linh Thư Quả), thấy hay nên tôi tạm dịch nôm cho nó có vần điệu một chút, để nói lên cảm khái một đời người:



總有一天,你會明白!
眼淚,是流在心裡的,
委屈,是憋在肚中的!

Tổng hữu nhất thiên, nễ hội minh bạch!
Nhãn lệ, thị lưu tại tâm lý đích,
Ủy khuất, thị biệt tại đỗ trung đích!


Có một ngày nào em sẽ hiểu  (Dịch: Lưu Khâm Hưng)

Có một ngày nào em sẽ hiều!
Nước mắt mình... chỉ tuôn chảy trong tim,
Nỗi lòng ai... sao lại mãi im lìm?
Vì nó được chôn sâu trong đáy dạ.
(LKH)


TÁO TÂY, TÁO TA VÀ TÁO TÀU

Tôi nhớ hoài cây táo mà tôi ăn được ở Việt Nam mấy mươi năm về trước, một cây táo trồng ở nhà một người bạn ở Cái Răng, nó giòn, ngọt, thơm vô cùng...và sau đó tôi không còn được ăn lần nữa. Mấy năm trước qua Trung Quốc, dường như ở Trương Gia Giới trong khách sạn ăn sáng, tôi thấy có một rổ đựng trái màu xanh xanh nho nhỏ, tôi lấy mấy trái ăn thử thì đúng là trái táo mà ngày xưa tôi đã ăn qua và gần như điểm tâm hôm đó của tôi là trái táo. Lần thứ nhì khi đến Sa Pa, cũng bữa ăn sáng trong Victoria Sa Pa Resort, tôi lại thấy và ăn được một lần nữa nó ngon lắm, tôi không dám khẳng định nó là táo tàu nhưng chắc chắn không phải là táo thái, táo tây hay táo ta bởi vì trái táo không tròn mà hơi dài dài một chút. Tôi chỉ muốn nói nó là trái táo kỷ niệm dù trồng ở đâu cũng được miễn nó cho tôi nhớ lại chút ký ức ngày xưa.


Hiện nay ở Úc đã trồng được táo tàu và có bán tại các tiệm tạp hóa trong một vài tháng nay, trái táo có màu nâu hoặc vệt đỏ đỏ nâu nâu nhưng không hiểu vì chín quá hoặc để lâu hay không mà ăn không giòn mà xốp lại chẳng ngọt lắm, có lẽ chỉ là loại táo để phơi làm táo khô chứ không phải để ăn sống.(LKH)



TÁO TÂY, TÁO TA VÀ TÁO TÀU

Mùa thu đến, các loại hoa quả tươi xứ lạnh bắt đầu ồ ạt xuất hiện trên thị trường Việt Nam, quen thuộc nhất là nho, lê và táo. Trong số đó, táo là loại dễ gây nhầm lẫn nhất.

Do cách gọi giống nhau nên loại xanh loại đỏ, loại nhỏ loại lớn gì cũng là táo. Vậy đâu mới là táo “thật” và đâu là táo Việt Nam?

Táo tây

Đầu tiên, phải nói đến loại quả dễ gây nhầm lẫn nhất: táo “tây” – tiếng anh là apple. Đây là loại cây thuộc họ Hoa Hồng, sống chủ yếu ở vùng ôn đới, quả thường chín vào mùa thu. Đối với người Việt chúng ta, loại táo này có nguồn gốc từ các nước Tây Âu (nên mới ưu ái gọi là táo “tây”) nhưng thật ra, các nước châu Á thuộc vùng khí hậu ôn đới đều có trồng như Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Loại táo Tây thường thấy thuộc họ Hoa hồng.


Táo đối với người phương Tây cũng quen thuộc với bữa ăn như chuối với người Việt Nam vậy. Có đến mấy chục loại táo khác nhau: từ màu đỏ như táo Bạch Tuyết Red Delicious đến xanh Granny Smith to cỡ như quả ổi; từ loại thuần chủng với hương vị chua chua, ngọt ngọt như Braeburn đến loại lai F1 Fuji thơm giòn nổi tiếng và lai F(n) ngọt thanh như Honeycrisp; từ loại vỏ vàng ươm Golden Delicious đến loại vỏ đỏ tím mà ruột cũng đỏ tím như được nhuộm của Almata…

Từ khi các đường bay quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn, với giá cả cạnh tranh hơn, các loại trái cây nước ngoài cũng bắt đầu ồ ạt đổ bộ vào nước ta, trong đó tiên phong là các loại táo. Lý do chính là vì táo có thể giữ được rất lâu. Nếu sau khi thu hoạch, được đánh bóng bằng một lớp sáp thực phẩm cực mỏng để chống mất nước và bảo quản ở điều kiện lý tưởng (0 – 2oC với độ ẩm cao 90 – 95%) thì táo có thể giữ tươi tới 6 tháng, thậm chí là cả năm.

Ở nước ta, táo tây cũng được trồng nhiều ở các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc như Sơn La, Lào Cai nhưng vì không hợp thổ nhưỡng nên quả táo tây của ta chỉ bé bằng nắm tay trẻ con, giòn nhưng vị chua, không mang lại giá trị kinh tế. Chính vì sự nhập nhằng này nên trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại táo không rõ nguồn gốc (hoặc từ Trung Quốc nhập về mà không được kiểm định an toàn thực phẩm) mạo danh là táo Việt Nam dưới các tên gọi như “táo đá Hà Giang”, “táo dân tộc”, “táo Sapa”… Chỉ có một loại trong họ Hoa Hồng sinh trưởng mạnh nhất ở Việt Nam là táo mèo, sẽ được đề cập đến bên dưới.

Loại táo Honeycrisp có vị ngọt thanh.


Táo “tây” là loại thực phẩm vô cùng tốt cho sức khoẻ. Dù không giàu các loại vitamin và khoáng chất nhưng táo lại là một nguồn cung cấp chất xơ và nhiều loại chất chống oxi hoá dồi dào. Nếu ăn một lượng táo vừa đủ, đều đặn mỗi ngày tuỳ theo nhu cầu của cơ thể thì sẽ cải thiện được chức năng tim, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và tiểu đường. Ngoài ra, táo còn cực kỳ hữu dụng cho những người muốn giảm cân.

Táo ta

Hoàn toàn khác biệt với táo “tây”, táo “ta” – nghĩa là táo bản địa của Việt Nam – chỉ có duy nhất một màu xanh. Đây là loài cây ăn quả nhiệt đới nên thích hợp với khí hậu Việt Nam. Tuy nhiên, tuỳ theo thổ nhưỡng từng vùng, chúng có thể cho ra quả có hình dáng và mùi vị khác nhau. Song, về tổng quan, nước ta chỉ có hai loại táo là táo chua và táo đường. Táo chua là giống thuần từ táo dại, quả thon dài, da mỏng, dễ chín và khi chín thì có vị chua chua, ngọt ngọt rất dễ chịu và thơm, hiện nay vẫn được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc. Táo đường là loại táo được ghép gốc, quả tròn, thịt cứng, ăn ngọt nhưng không có mùi thơm. Táo hồng ở các tỉnh miền Tây, táo gió và táo bom Phan Rang là các loại táo đường được trồng phổ biến ở nước ta hiện nay.

Loại táo gió Ninh Thuận.

Táo bom Ninh Thuận.

Táo ta là nguồn vitamin tự nhiên dồi dào cho sức khoẻ con người. Mỗi 100gr táo xanh chứa lượng vitamin C cao gấp 8 lần trong 100gr cam hay quýt. Tuy nhiên, táo ta lại không có nhiều ứng dụng trong ngành thực phẩm mà thường chỉ được dùng tươi. Riêng táo chua thì có thể chờ chín xốp rồi phơi khô, ngâm rượu nhờ mùi thơm đặc trưng của nó.

Đã nhắc rượu táo thì không thể không nói đến táo mèo, đây là một loại táo có nguồn gốc một trăm phần trăm ở Việt Nam, không lẫn vào đâu được và là đặc sản của vùng núi phía Bắc. Tương tự, táo mèo vốn cũng thuộc họ Hoa Hồng nên đúng ra cũng phải được gọi là táo tây, nhưng vì sinh trưởng ở vùng đất của dân tộc Mèo (hay thường gọi là người Mông), được người Mèo hái lượm, sử dụng nên không biết từ lúc nào đã chết với cái tên “táo mèo”.

Táo mèo thật ra là một vị thuốc Bắc vô cùng nổi tiếng, còn gọi là sơn tra. Táo mèo tươi có vỏ xanh, thịt quả rất chắc; khi chín thì thịt xốp hơn, vỏ chuyển sang màu vàng mơ hoặc ửng đỏ, dậy mùi thơm rất ngọt nhưng vị thì không ngọt chút nào. Táo mèo rất chua và chát, do đó không thể ăn sống mà chỉ có thể chế biến – cách tốt nhất là ngâm – để rút được hết mùi thơm ngọt ngào và dược chất của chúng.

Táo mèo chín.


Theo Y học cổ truyền, táo mèo có vị chua ngọt thuộc nhóm tiêu thực hóa tích, giúp dịch vị tăng bài tiết axít mật và pepsin dịch vị, chủ yếu điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều thịt, dầu mỡ, trẻ em bú sữa không tiêu, giúp ăn ngon miệng. Dịch chiết từ táo mèo có tác dụng ức chế trực khuẩn E.Coli, lỵ, bạch hầu, thương hàn, tụ cầu vàng khá mạnh.

Nhiều hơn nữa, nghiên cứu hiện đại cho thấy táo mèo có tác dụng kháng khuẩn, cường tim, làm giãn mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường công năng miễn dịch, trấn tĩnh an thần, ức chế ngưng tập tiểu cầu, điều chỉnh rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, phòng ngừa đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, béo phì, viêm cầu thận cấp và mạn tính, hậu sản, ứ trệ, giảm kích thích ruột, tiêu chảy, lỵ.

Do có rất nhiều công năng chữa bệnh, vào mùa lại có sẵn trên cây nên hầu như đến bất kỳ một nhà nào ở vùng Tây Bắc, ta cũng sẽ được mời một… chum rượu táo mèo ở bữa cơm. Có thể người Mèo cũng chưa biết được hiệu quả tuyệt vời của táo mèo, họ chỉ thấy rượu táo mèo thơm ngon hết ý, uống vào không đau đầu, lại dễ ngủ, dễ tiêu cho khẩu phần rất nhiều thịt và nếp ở bữa cơm nên người nọ cứ truyền miệng cho người kia, vô tình đưa rượu táo mèo và giấm táo mèo trở thành một đặc sản “thần thánh” ở vùng rẻo cao này.

Táo tàu

Cuối cùng, lại phải nói đến một loại quả đang gây tranh cãi trong hai năm gần đây, cũng thuộc họ nhà táo ta: táo tàu (jujube).

Táo tàu xanh.

Gọi là táo tàu nên chắc chắn phải được trồng ở bên Tàu (Trung Quốc). Táo tàu tươi hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam, nhưng táo tàu khô thì không ai không biết. Táo tàu khô có hai loại: táo tàu đen (loại vẫn bán ở các tiệm đồ khô và cửa hàng thuốc Bắc) được làm từ quả còn xanh, phơi vài nắng cho dôn dốt rồi sên với đường và các loại thuốc Bắc, sấy khô để giữ được lâu; còn có táo tàu đỏ (hay còn gọi là hồng táo) là quả táo chín khô trên cây từ mùa thu đến mùa đông, rồi được thu hoạch nguyên quả. Có rất nhiều loại táo tàu - loại to nhất gần bằng nắm tay của trẻ sơ sinh, loại bé nhất thì chỉ bằng một đốt ngón tay của người lớn – nhưng đều có một đặc tính là vỏ quả chuyển màu nâu thẫm và ruột xốp lại khi chín.

Một hai năm gần đây, ở Việt Nam rộ lên “mốt” ăn táo tàu tươi vì cho rằng táo tàu tươi là thần dược chữa mất ngủ, đau đầu. Trên thực tế, nếu táo tàu khô có vô vàn ứng dụng trong các toa thuốc Bắc thì táo tàu tươi có chứa hàm lượng Vitamin càng phong phú, nhưng chúng chỉ có từ cuối hè sang thu, không phải lúc nào cũng mua được, hơn nữa ăn nhiều có thể gây tổn hại đến chức năng tiêu hóa. Vì thế, các lương y chuộng hồng táo hơn - tuy hàm lượng Vitamin giảm nhưng hàm lượng sắt lại tăng cao, hơn nữa dinh dưỡng dễ được hấp thu hơn, thích hợp để nấu ăn trị bệnh.

Táo tàu đỏ (còn gọi là hồng táo).

Kết: Thiên nhiên vốn luôn ưu đãi chúng ta; cho dù là táo tây, táo tàu hay táo ta thì bản thân mỗi loại đều có tác dụng tốt với sức khoẻ con người. Người tiêu dùng chỉ cần chú ý chọn các loại hoa quả theo mùa thì sẽ có được món ăn vừa ngon, vừa bổ, rẻ, lại tránh được các loại hoá chất bảo quản.

Chiếc Thìa Vàng

BỚI LÔNG TÌM VẾT

Thành ngữ "bới lông tìm vết" xuất phát từ thành ngữ Hán Việt "xuy mao cầu tì" (吹毛求疵). Trong tiếng Việt, thành ngữ này dược dùng để chỉ hành vi của những người hay bới móc khuyết điểm, thiếu sót của người khác.



"Có một bà già lười lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà, con cà con kê, sinh ra lắm chuyện. Bà thóc mách bới lông tìm vết đơm đặt chuyện nọ, chuyện kia, gây xích mích với bà con làng xóm".

Trước hết hành động bới lông tìm vết được thực hiện khi xem xét các loại chim đẹp. Ngày xưa bên Trung Quốc hay mở các hội thi chim. Chim đẹp ở bộ lông và dáng điệu. Chim quý ở tiếng hót. Những điều này lộ ra ở bề ngoài, rất hiển nhiên, có thể nhận biết dễ dàng và chính xác. Một khi đã bới lông để dò tìm những vếtxấu thân thể có thể bị che khuất dưới lớp lông đẹp của chim có nghĩa là về vẻ đẹp của bộ lông, của dáng điệu, của tiếng hót, những tiêu chí khách quan, có tính chất truyền thống, đã được thừa nhận nhưng vì chủ quan không muốn thừa nhận, hoặc muốn đánh sụt giá vẻ đẹp của chim. Đó là một sự cố tìm moi móc không thiện ý nhằm làm giảm giá trị của loài vật này: Với nhận thức này, nhân dân ta gắn việc bới lông tìm và với hành vi cố tìm moi móc khuyết điểm người khác để hạ thấp uy tín của họ.

Trong vận dụng ngôn ngữ, thành ngữ bới lông tìm vết có thể được sử dụng linh hoạt để nhấn mạnh ý nghĩa biểu đạt của nó.

"Bới lông mựa nỡ tìm nơi vết
Cũng có khi kinh, cũng có quyền
(Hồng Đức quốc âm thi tập)

Gần nghĩa với thành ngữ "bới lông tìm vết" là thành ngữ "vạch lá tìm sâu". 

(Trích từ "Kể chuyện Thành ngữ, Tục ngữ" - Hoàng Văn Hoành - Viện Ngôn Ngữ Học)

Nhẹ nhàng nhưng thâm thúy hơn mời các bạn đọc bài dưới đây:


BỚI LÔNG TÌM VẾT

Thói bới lông tìm vết hay bới lỗi phản ánh nội tâm của con người. Nếu tấm gương phản chiếu mọi vật, thì thói bới lỗi phản chiếu những bản chất của con người. Có lẽ không có thói xấu nào làm tổn hại đến nhân cách của con người, cũng như làm cho vết thương trong tâm, lậu hoặc, trở nên trầm trọng hơn là thói quen bới lông tìm vết này.

Bới lỗi là một hội chứng. Nó phản ánh một số những triệu chứng, làm cho căn bệnh lậu hoặc bị biến chứng thậm tệ hơn. Tự cho mình là đúng, là thánh thiện hơn người, có thể là nguyên nhân cơ bản của thói bới lông tìm vết. Sự phẫn nộ, dễ mếch lòng, thâm hiểm - những pháp xuất phát từ căn sân này có thể gây ra thói bới lỗi. Sự dối trá, xảo quyệt, thủ đoạn, hai lòng, cấu kết, mánh khoé - tất cả những thói xấu này có thể được ngụy trang bằng bới lỗi. Ngụy biện, đạo đức giả, võ đoán - những điều này có thể là căn nguyên của thói bới lỗi. Không có lòng bao dung, cư xử hẹp hòi, cố chấp - những điều này có thể hóa trang như thói bới lỗi. Còn rất nhiều những pháp làm ô nhiễm tâm khác nữa nuôi dưỡng thái quá các lậu hoặc có thể là nguồn gốc của thói bới lỗi này.

Như chú giải đã đề cập, trong ba bất thiện căn, chỉ có tham và si là lậu hoặc, sân không phải. Nhưng thói bới lỗi, một dạng thức của sân là lực truyền dẫn phong phú nhất làm màu mỡ thêm cho các lậu hoặc. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật nhất quyết ngăn chặn cái khuynh hướng ưa sanh sự, thói quen thích đưa ra những lời chỉ trích có tính xoi mói đối với những chuyện nhỏ nhặt, thái độ khiển trách có vẻ bề trên và ta đây giới hạnh.


Tuy thế, sửa sai một người nào vì quan tâm đến lợi ích của họ, cũng có nghĩa là vạch lỗi, nhưng lại được Ðức Phật khen ngợi. Thực ra không có gì có thể được coi là đáng trân trọng hơn, nếu một người muốn loại bỏ một khuyết điểm, một sai sót hoặc lỗi lầm của mình. Những khiếm khuyết và nhược điểm chỉ có thể được sửa đổi bằng chính sự cần cù của người ấy và thái độ thân ái của người chỉ lỗi cho họ. Suy cho cùng, che dấu một khuyết điểm cũng chẳng ích gì.

Chính vì vậy nếu có người nào tìm thấy nơi ta có điều gì sai trái, không hoàn hảo và khiếm khuyết, tức là người ấy đã tiết lộ cho ta một điều bí mật và khám phá cho ta cái sự thật đích thực. Người ấy đã tiết lộ cho ta bí quyết để thành công và khám phácho ta cái sự thật để được hoàn hảo. Như vậy thì còn ai khác, có thể là người chỉ mong điều tốt lành cho tha nhân tốt hơnngười ấy nữa? Vì lý do đó mà trong Kinh thường gọi người chỉ lỗi cho ta là một Kalyānamitta, tức bậc thiện tri thức hay một người bạn chân thực. Trong Pháp Cú, chương nói về Bậc Hiền Trí (Pandita vagga) có những bài kệ:

"Nếu gặp bậc Hiền Trí, 

Chỉ lỗi và khiển trách, 
Như chỉ chỗ chôn vàng, 
Hãy thân cận người trí, 
Thân cận bậc như vậy, 
Chỉ tốt hơn, không xấu.

Những người hay khuyên dạy, 
Ngăn người khác làm ác, 
Ðược người hiền kính yêu, 
Bị người ác chỉ trích.

Chớ thân với bạn ác, 
Chớ thân kẻ tiểu nhân, 
Hãy thân người bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân."


Tuy nhiên cũng cần phải có sự thận trọng và một cái tâm nhạy bén mới phân biệt được đâu là người bới lỗi và đâu là một người sửa sai. Và để cho mọi người có thể có được một sự hiểu biết sáng suốt như vậy, Ðức Phật đã gọi những vị Tỳ khưu đem lại nhiều phiền phức cho Ngài bằng biệt danh "Trưởng lão Hay Bắt Lỗi" hay đúng hơn là "Trưởng lão Tự Thị". [3]


Chú giải Pháp Cú có ghi lại câu chuyện rằng, có vị Tỳ khưu thường đi loanh quanh kiếm chuyện với hết người này đến người khác, chê trách nào là "Nhìn xem cái ông Tỳ khưu này bận y hạ kìa, và xem ông kia đắp y thượng kìa!" Bất kỳ chuyện nhỏ nhặt nào vị ấy cũng tìm cho ra khuyết điểm, đúng thời hay phi thời cũng vậy. Vì thế, khi các vị Tỳ khưu ở chung không còn chịu đựng được cái thái độ đạo đức giả của vị sư huynh này nữa, họ trình sự việc lên Bậc Ðạo Sư hy vọng rằng chứng bệnh của vị ấy có thể được chữa lành.

Sau khi nghe các Tỳ khưu kể rõ tự sự, Bậc Ðạo Sư nói, "Này các Tỳ khưu, nếu vị nào thực hành giới luật của đời phạm hạnhthật nghiêm túc, và buộc phải chỉ lỗi vì muốn hướng dẫn người khác, hành động như vậy không có nghĩa là bới lỗi. Nhưng nếu vị nào, vì thích chỉ trích, đi loanh quanh kiếm chuyện với mọi người như vị Tỳ khưu này, chỉ có một mục đích duy nhất là tìm khuyết điểm của người khác. Một người như vậy không bao giờ có thể thành tựu Thiền Ðịnh cũng như các chứng đạt Siêu Thếkhác. Ðối với họ các lậu hoặc chỉ thêm tăng trưởng." Sau đó, để kết luận, Ðức Thế Tôn nói lên bài kệ này:


"Ai thấy lỗi người khác, 
Thường sanh lòng chỉ trích, 
Người ấy lậu hoặc tăng, 
Rất xa lậu hoặc diệt."
-- (Dhammapada 253)


Tâm lý thích bới lỗi, trên quan điểm của Ðạo Phật, có thể được định nghĩa như là sự phóng hiện của chính những mặt hạn chế hay nhược điểm của người đó. Cũng như mong muốn phát xuất từ sự muốn có, tìm lỗi cũng vậy, phát xuất từ việc có lỗi. Một người được coi là đang mong muốn khi anh ta muốn cái gì đó; tương tự, chỉ khi một người tự bản thân mình có lầm lỗi mới có thể thấy được lỗi nơi người khác. Ðiều này tóm tắt cái cơ chế của sự phóng hiện; đó là, nghĩ rằng người khác cũng có lỗi như mình. Thấy lỗi trong chính mình sẽ làm tổn thương tự ngã (cái tôi) của họ và người hay bới lỗi chính là người ích kỷ, vì họ không có đủ khả năng để thừa nhận nó.

Người hay bới lông tìm vết có đặc điểm là dễ cáu. Cáu kỉnh là tức giận với chính bản thân mình, nó được biểu hiện bằng những lớp vỏ khác nhau - sự phẫn nộ, phản đối, không có lòng bao dung hay độ lượng đối với sự sai lầm hay nóng giận, nói chung những tội lỗi do người khác gây ra. Sự ân hận do việc bới lỗi tạo ra, đã chứng minh đầy đủ trạng thái bất hòa và xung đột nội tâm ấy.


Trong tâm lý học Phật Giáo, một ý thức tội lỗi thể hiện bằng việc bới lông tìm vết như vậy biểu thị một sự chuyển đổi bên trong, tức chuyển những xung lực hay cảm giác khó chịu ấy sang người khác. Hành động thay thế hay sự chuyển đổi trong tâm này chỉ tạo ra những chướng ngại nội tâm và cản trở sự tiến bộ tâm linh. Khi một phần của quả đồi bị sạt lở hay sập xuống, nó cản trở đường đi và gián đoạn giao thông; thói bới lỗi cũng làm cản trở tâm như vậy.


[1] Saṃsāra: Faring on; transmigration - sự chuyển sanh, sự luân lưu trong tam giới.

[2] Ý: Mano (Pāli)

[3] Tự thị: tự cho mình là đúng, tự đánh giá mình quá cao và coi thường người khác.

Nguồn: Văn hóa Phật Giáo

VÌ SAO THỜI XƯA TÂN NƯƠNG XUẤT GIÁ PHẢI TRÙM KHĂN ĐỎ TRÊN ĐẦU?

Hôn nhân từ xưa đến nay luôn là đại sự của đời người. Đặc biệt là thời xưa, cho dù chỉ là tiểu tiết nhỏ trong hôn lễ thì cũng luôn được xem là rất quan trọng, trong đó có việc tân nương phải trùm đầu bằng một chiếc khăn màu đỏ.


Những cô dâu xưa khi xuất giá, đều có một tấm khăn đỏ che đầu. (Ảnh: iFaceBlog)

Khăn che còn được gọi là “khăn cô dâu”, là tấm khăn mà tân nương thời xưa che đầu khi xuất giá. Khăn được làm từ vải lụa rất mỏng, có thể hình chữ nhật hoặc hình vuông, màu đỏ tươi, là mang ý nghĩa cát tường.

Tân nương trước khi lên kiệu về nhà chồng thì trùm chiếc khăn này lên mặt, khi cử hành hôn lễ, tân lang sẽ tháo khăn ra. Có hai cách giải thích cho dụng ý của khăn che mặt: Một là để che mặt, hai là để trừ tà.

Tân nương nhất định phải trùm khăn lên đầu trước khi lên kiệu về nhà chồng, khi ngồi trên kiệu cũng không được bỏ khăn ra, đợi khi cử hành hôn lễ tại nhà chồng, tân lang sẽ tháo khăn ra, để cho thân bằng quyến thuộc xem dung mạo, phong thái của tân nương, tục lệ này gọi là “tháo khăn trùm”.

Lai lịch của chiếc khăn trùm đầu này còn liên quan đến một truyền thuyết, theo Lý Nhũng triều đại nhà Đường ghi chép lại trong “Độc Dị Chí”, vào thời sơ khai của vũ trụ, thiên địa chỉ có hai người là Phục Hy và Nữ Oa.



Vì để sinh sôi nảy nở ra nhân loại, sau khi hai người thương nghị đã quyết định kết thành phu thê, nhưng cả hai đều cảm thấy vô cùng ngượng ngùng. Do đó họ hướng lên trời cầu nguyện nói: “Nếu thiên thượng đồng ý để hai người chúng tôi kết thành phu thê, thì hãy làm cho những đám mây kết tụ lại; nếu không cho phép, thì hãy làm cho chúng phân khai ra”.

Vừa mới nói xong, thì những đám mây trên trời liền kết tụ lại. Do đó, hai người họ đã thành phu thê. Tân nương Nữ Oa vì để che giấu sự xấu hổ, nên đã dùng cỏ kết thành quạt để che mặt mình.

Người đời sau vì mỹ quan và thuận tiện cho việc che mặt đã thay thế quạt cỏ bằng miếng lụa, cứ như vậy dần dần hình thành nên tập tục khăn trùm đầu trong hôn lễ. Sỡ dĩ chọn màu đỏ cho khăn che mặt, là bởi vì cổ nhân coi màu đỏ là màu tượng trưng cho khánh hỉ cát tường.


Tân nương thời xưa khi xuất giá lại phải đội khăm trùm đầu màu đỏ, chỉ có hai nguyên nhân chủ yếu là che mặt và khánh hỉ cát tường. (Ảnh: Paoshouji)

Trong “Mộng lương lục – Giá thú” của Ngô Tự Mục thời nhà Tống cũng miêu tả như thế này: “Trước khi tân lang, tân nương vào lễ đường, tân nương tháo khăn trùm đầu để mọi người cho thể thấy dung mạo của mình”. Có thể thấy rằng, vào thời đó tân nương đã sử dụng khăn trùm đầu rồi.

Trong phong tục tân nương đội khăn thường là tân lang sẽ tháo khăn trùm tại lễ đường hoặc cũng có thể là khi vào động phòng thì mới tháo khăn, cách làm này bắt đầu từ thời Đông Hán. Bởi vì trong thời Đông Hán – Phổ Tấn, xã hội loạn lạc bất an, nên nghi thức cử hành hôn lễ cũng được thu ngắn lại, tìm được ngày lành tháng tốt là mau chóng kết hôn.

Đến thời nhà Tề – Nam Bắc triều, phụ nữ đa số là sử dụng khăn trùm đầu để chống lạnh chống gió. Đến thời kỳ đầu của triều đại nhà Đường, khăn trùm đầu trở nên dài hơn, có thể che từ đầu đến tận hai bả vai.

Trong những năm Khai Nguyên, Đường Hoàng Minh – Lý Long Cơ lập dị khác người, đã lệnh cho những cung nữ dùng “vải lưới” trùm đầu như là một hình thức trang điểm. Sau đó từ triều Tấn đến triều Nguyên, phong tục trùm đầu kiểu dân tộc Hán đã trở nên phổ biến rộng khắp trong dân chúng, trở thành một thứ không thể thiếu của tân nương trong hôn lễ.



Vậy nên, tân nương thời xưa khi xuất giá lại phải đội khăm trùm đầu màu đỏ, chỉ có hai nguyên nhân chủ yếu là che mặt và khánh hỉ cát tường.

Trong xã hội phong kiến, những cô gái chưa chồng theo lễ nghĩa mà nói, thì thường chỉ ở trong khuê phòng, rất ít khi lộ diện hoặc đi ra ngoài, nên người lạ rất khó nhìn thấy dung mạo của họ.

Cho đến độ tuổi dựng vợ gả chồng, thì lại thường là theo sự sắp đặt của cha mẹ, hoặc mai mối. Có khi đến lúc cử hành hôn lễ, tân lang và tương nương cũng chưa biết mặt nhau, vì trong hôn lễ tân nương vẫn đội khăn trùm đầu, nên mới nói khăn trùm đầu là để giấu mặt.

Về lý do chiếc khăn trùm mặt có màu đỏ, thì ngoài việc “màu đỏ là màu khánh hỉ cát tường và trừ tà” ra, thì còn để cho đồng bộ với màu đỏ của trang phục hôn lễ.

Lê Hiếu biên dịch

TEPPANYAKI NHẬT BẢN

Thật lòng mà nói ăn thức ăn Nhật Bản thì phải công nhận nó tinh tế, tươi sống nhưng nếu ăn hoài các món sống của cá của mực thì các bạn sẽ ngán rồi phải qua Tempura, Furai hay Kara Age,.. theo tôi vừa muốn ăn đồ chín, vừa muốn xem biễu diễn thì vào nhà hàng Nhật chọn món Teppanyaky là sướng nhất vì thực đơn có đủ các loại và ngồi ngay trước mặt đầu bếp thưởng thức tài nghệ và thức ăn. Tôi đã ăn mấy lần ở các nhà hàng Nhật ở Melbourne, rất tuyệt vì phong cách biễu diễn và thức ăn cũng ngon nhưng có một điều đầu bếp không phải là người Nhật chánh cống.


Thôi thì chờ có dịp sang Nhật mà thử với đầu bếp Nhật nhưng nếu đã sang Nhật thì phải chơi luôn món cá nóc sashimi mới đúng điệu. Bây giờ thì các bạn nào chưa thử thì tạm đọc bài sau đây:(LKH)

Teppanyaki – Nghệ thuật ẩm thực của khói và lửa

Nếu như những món hải sai tươi sống như Sushi hay Sashimi được xem là biểu tượng của nền ẩm thực xứ Phù Tang với hương vị đặc trưng và đặc biệt là không chứa cholesterol nên cực kỳ tốt cho sức khỏe thì những món nướng cũng không thể thiếu trên bàn ăn của người Nhật giúp cung cấp các chất béo và protein cần thiết cho hoạt động hàng ngày. Và nhắc đến món nướng Nhật Bản, chắc chắn phải nhắc đến Teppanyaki – nghệ thuật ẩm thực đặc biệt giúp tạo ra những món nướng hấp dẫn, ngon miệng mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng.


Lịch sử của Teppanyaki

Teppanyaki là nghệ thuật thưởng thức ẩm thực sang trọng và tinh tế của Nhật Bản và chỉ có mặt trong những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Nguồn gốc của Teppanyaki cũng khá thú vị: Trong thế chiến thứ II, những lính thuỷ đánh bộ Mỹ làm nhiệm vụ ở Nhật cảm thấy không quen với những món ăn của người bản địa (chủ yếu là những món hải sản sống), vậy nên họ đã nghĩ ra cách làm chín thức ăn mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của thực phẩm là dùng một miếng thép phẳng, bên dưới đặt bếp lửa để làm nóng, sau đó đặt những miếng thịt bò, cá, gà, tôm… tươi đã được tẩm ướp gia vị lên trên, rồi nướng chín.

Những người lính Mỹ thời đó chỉ coi đây là một giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề về ăn uống, nhưng rồi những đầu bếp Nhật Bản đã nhanh chóng nhận ra rằng cách chế biến này cũng có thể tạo nên một nghệ thuật, và thế là Teppanyaki ra đời. Ngày nay, món Teppanyaki được thực hiện bằng cách đặt thức ăn trên miếng thép dày 6 cm và làm chín thông qua nhiệt lượng tỏa ra từ miếng thép đã được làm nóng trên 100 độ C. Với độ nóng vừa đủ, đồng thời không để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với lửa nên món ăn luôn giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên, khác hẳn với các kiểu nướng thông thường.


Những thao tác cơ bản của nghệ thuật Teppanyaki

Đã gọi là nghệ thuật nên để chế biến một món nướng đúng chuẩn Teppanyaki, người đầu bếp phải thực sự thành thục các kỹ thuật cơ bản, quan trọng nhất là kỹ năng kiềm chế và điều khiển. Bởi lẽ, chiếc chảo Teppan như một thế giới rộng lớn cho người nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn, nhưng đó cũng như con ngựa bất kham: Chảo lớn, luôn nóng và dễ gây bỏng. Người đầu bếp phải biết điều chỉnh độ nóng từ bếp ga hoặc củi lửa để đảm bảo làm chín thức ăn mà không để dầu, mỡ bắn tung tóe ra xung quanh. Mặt khác, phải canh chừng sắp xếp các nguyên liệu trên chảo sao cho vừa vặn, hợp lý và đẹp mắt.

Những “chiêu trò” biểu diễn Teppanyaki thường thấy nhất là kĩ năng biểu diễn dao, kĩ năng biểu diễn dĩa, biểu diễn xẻng, biểu diễn ống tiêu và biểu diễn lửa. Ví dụ, với dao, đầu bếp sẽ trình bày cách thức xẻ, cắt và thái nguyên liệu với những đường dao ngọt xớt cùng vận tốc khó tin. Một kiểu biểu diễn bắt mắt khác là “thổi lửa”: Trong lúc nướng thịt, đầu bếp sẽ từ từ thêm vào gia vị, nước sốt hoặc các loại rượu, tiếp xúc với chảo nóng sẽ làm bùng lên ngọn lửa rực rỡ. Để bảo đảm độ đẹp mắt lẫn an toàn cho màn biểu diễn, người đầu bếp phải có kỹ thuật nấu nướng cực cao.


Các món nướng nổi tiếng

Nguyên liệu phổ biến nhất của Teppanyaki là thịt đỏ, hải sản, rau củ và các loại mì. Teppanyaki chia các món ăn ra thành nhiều phân khu khác nhau. Một trong những kiểu Teppanyaki nổi tiếng nhất là Teppanyaki phong cách Âu với các nguyên liệu đậm chất ẩm thực phương Tây như thịt bò, tôm sú, tôm hùm, sò điệp được chế biến trên chảo theo tiêu chí mộc mạc và ít nêm nếm gia vị, nhằm giữ độ tươi ngon của thịt cá.

Những món mì, cơm cùng tinh bột cũng rất được các đầu bếp Teppanyaki ưa thích. Phổ biến nhất là mì yakisoba cùng củ cải và thịt xắt lát, hoặc bánh xèo kiểu Nhật gọi là okonomiyaki. Với các vắt mì, bạn sẽ được chứng kiến đầu bếp biểu diễn kĩ năng dùng nĩa và xẻng để tạo hình sợi mì và đảo mì khéo léo trên mặt chảo nóng rực.


Sốt và rượu

Dùng kèm các món nướng Teppanyaki là nước sốt và rượu Sake. Nước sốt thì rất đa dạng, dùng tùy theo từng món ăn, ví dụ như các loại thịt nướng sẽ ăn cùng sốt miso, trong khi đó món rau xào sẽ thích hợp với sốt Hanabusa (gồm sốt mayonnaise, hành lá, hành tây, đồ chua được xào chung, thêm vào chút wasabi). Rượu Sake cũng là thức uống quen thuộc khi thưởng thức các món Teppanyaki, vào mùa hè, người ta dùng Sake lạnh, trong khi vào mùa đông, người Nhật lại ưa chuộng rượu Sake được hâm nóng.

Đến với Teppanyaki, thực khách không chỉ được chứng kiến quá trình chế biến món ăn, mà còn cả một màn trình diễn nghệ thuật độc đáo và cực kỳ hấp dẫn. Những dĩa Teppanyaki nóng hổi, thơm ngon và cực kỳ bắt mắt cũng hứa hẹn sẽ làm hài lòng bất kỳ vị khách khó tính nào.


(Sưu tầm trên mạng)


CỎ XƯỚC NƯỚC

Mới vừa biết được một món ăn lạ của miển Tây mà đặc biệt là ở Cần Thơ, một món rau cỏ mới với cái tên thật lạ "Cỏ Xước Nước". Các bạn nào ở Cân Thơ vào nhà hàng Ven Sông ăn món "lươn um cỏ xước nước" rồi cho biết có ngon không nhé.

Mời các bạn đọc vài chi tiết về nó:



Cỏ xước nước

Cỏ xước nước - Centrostachys aquatica (R.Br.) Wall. ex Moq. - Tard., thuộc họ Rau dền - Amaranthaceae.

Mô tả: Cây thảo thủy sinh nổi; thân to 1-1,5cm, có sọc và đốm đỏ. Lá mọc đối, có lông sát, nhiều ở mặt dưới. Bông cao 20cm; hoa có lá bắc và 2 tiền diệp mỏng; lá đài 5, xanh, cao 7mm, nhị sinh sản 5, xen với 5 nhị lép chỉ là những phiến có mép trắng. Quả 1 hạt vàng.

Hoa tháng 3.

Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Centrostachyos.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở vùng châu thổ sông Cửu Long, nhất là mùa nước to, ở bờ rạch, ruộng ngập.

Tính vị, tác dụng: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Cần Thơ, nhân dân dùng chữa khí hư, bạch đới và thông kinh.


(theo Cây Thuốc)

LẶN LỘI TÌM RAU CỎ XƯỚC NƯỚC TRÊN NET


Phía view sông Hậu của nhà hàng Ven Sông có một đám cỏ xước nước chừng 40m2 dùng làm món rau nấu với lươn, cá trê ngon bá cháy. Món cỏ xước nước nấu canh cá trê, theo như ký ức ông Nguyễn Bửu Việt, có từ thời ông bà của ông. Gần đây, ở Cần Thơ, món cỏ xước nước nổi lên đình đám. Có tờ báo đưa tin: “Lúa Nếp Resort (Cần Thơ) mang đến cuộc thi món lươn um với cỏ xước – một loại cỏ có tác dụng thanh nhiệt, lưu thông khí huyết theo đông y”.

Đi tìm lý lịch cỏ xước

“Thanh nhiệt và theo đông y” là nói trật lất. Thực ra nếu chỉ nói cỏ xước, người ta dễ ngộ nhận với hai loại cỏ xước trên cạn. Một cây vốn là vị thuốc bắc, chính danh đông y, di thực vào Việt Nam từ khoảng những năm 1960. Sang thập kỷ 1970, nó được trồng đại trà, đáp ứng nhu cầu trị bệnh trong nước và xuất khẩu. Tên của vị thuốc này là ngưu tất. Vì nó là một loại cỏ xước nên người ta lẫn lộn nó với cây cỏ xước địa phương (Achyranthes aspera L.). Nhiều người gọi phân biệt loại sau là nam ngưu tất, được cho là tác dụng không bằng ngưu tất. Dược điển Việt Nam chỉ nêu cây ngưu tất di thực mà chưa ghi cỏ xước địa phương, vì chưa có nghiên cứu.

Nhưng hai loại cỏ xước trên lại không phải là thứ cỏ xước nước mà dân Miền Tây đưa vào thực đơn của mình bao đời nay. Ông Việt lúng túng vì đi hỏi ông Google không ra lý lịch của cỏ xước nước. Lý do ông thất vọng với ông Google, vì người ta quen miệng gọi giống cỏ mọc thuỷ sinh này là cỏ xước, nên ông chỉ gõ từ khoá “cỏ xước”. Ông Việt nói: “Chắc tại nó có bông giống bông cỏ xước nên người ta gọi vậy”.

Tên tuổi đúng của cỏ xước này là cỏ xước nước (Centrostachys aquatica). Nó cũng thuộc họ dền như hai loài cỏ xước trên cạn. Nhưng nó là cỏ thuỷ sinh sống nổi. Mọc nhiều ở các ao hồ ruộng đầm và đất ẩm ven nguồn nước. Nhiều tài liệu nói nguồn nó tận bên châu Phi nhiệt đới. Có lẽ cỏ xước nước được phát hiện ở đấy trước tiên. Nói cỏ xước nước là vị thuốc theo đông y là nói lấy được kiểu cố bán hàng của dân sản xuất thực phẩm chức năng suốt ngày ra rả trên tivi. Cỏ xước nước chưa được nghiên cứu về tác dụng trị bệnh. Chỉ có một nghiên cứu của Trần Thị Ngọc Bích, đại học Cần Thơ và Hisashi Kato-Noguchi, đại học Kagawa, về một chất của cỏ xước nước gây ức chế sự phát triển rễ của cải xoong.

Để tìm được lý lịch cỏ xước nước, mất gần cả hai tuần, và phải nhờ công lớn của ông bạn Hoàng Tuyên, dân Cần Thơ.




Món rau thanh nhiệt

Tôi được ăn món lươn um cỏ xước nước như một quảng bá cho cây cỏ họ dền này ở nhà hàng Ven Sông. Lươn ở miền Tây thì cho tiền cũng không dám chê. Nước dùng để um, đối với người ít sợ chết hơn, thì có thêm nước cốt dừa. Vốn là cái gu của dân miệt vườn. Còn sợ dừa béo tăng cholesterol, thì um với nước dừa. Một thứ nước dùng hỗn hợp với nước xương và nước dừa, cho một vị ngọt vừa thanh vừa thơm có lẽ là tuỳ biến tốt nhất. (Ông Việt cho biết trong nước dùng này không có bột ngọt mà chỉ có bột nêm nên nhiều người yên tâm. Thực ra, tất cả các loại bột nêm hiện nay đều có thành phần chất điều vị E621, E627, E631. E621 là “bí danh” của bột ngọt. E627 và E631 là “bí danh” của siêu bột ngọt).

Mải lo phát hiện cái vị nhẩn của rau cỏ xước nước, tôi bỏ quên mất cái ngon của thịt lươn đồng – thứ thật trần ai khoai củ mới tìm thấy ở Sài Gòn. Tìm trong nhà hàng? Đừng mơ! Phải dặn mấy bà bán ở chợ hôm nào có con lươn bụng vàng thì cho hay.

Ông Việt, sẵn thấy khách còn lạ lẫm về món rau cỏ cố cựu của Tây đô, bèn nhớ lại: hồi nhỏ, bà ngoại tôi hay nấu canh cỏ xước với cá trê vàng; bà nói mùa nóng ăn canh này giải nhiệt. Tôi cũng thấy nhà chùa lấy cây này về làm thuốc.

Bây giờ ở một số nhà hàng biến món canh cá trê vàng nấu với cỏ xước nước cổ điển nước thành món lẩu cá trê với cây cỏ xước nước lột lớp lụa bên ngoài. Người nấu có niềm tin vào công dụng cỏ xước nước từ tổ tiên. Người ăn có niềm tin y như vậy. Nhưng bằng chứng khoa học chẳng có chút nào. Nhưng tài liệu khoa học vẫn nói cây cỏ này không có đe doạ gì. Là ta có thể yên tâm với niềm tin của mình.

Ngữ Yên


Friday, March 30, 2018

CHỮ NHÂN (人) HÀM CHỨA ĐẠO LÀM NGƯỜI

Tinh túy trong nét chữ cổ xưa: Chữ Nhân (人) hàm chứa đạo làm người

Chữ nhân (人) trong tiếng Hán có nghĩa là “người” trong tiếng Việt chỉ cần hai nét bút là viết xong. Kỳ thực, chữ nhân (人) nhìn thì rất đơn giản, nhưng lại hàm chứa đạo làm người vô cùng sâu sắc.


Chữ Hán cổ xưa là chữ tượng hình, tượng thanh. Trong mỗi chữ Hán cổ xưa đều bao hàm một ý nghĩa sâu xa. (Ảnh: Pinterest)

“Chữ Hán” là chữ tượng hình, là văn tự duy nhất hiện nay có thể diễn tả ý, như kể lại một câu chuyện ở trong đó. Mỗi nét bút, mỗi chữ Hán đều ẩn chứa thông tin cực kỳ phong phú.

Theo chiết tự tiếng Trung, kết cấu chữ “人” (nhân) gồm một nét phẩy và một nét mác. Cũng theo lý luận của Đạo gia, phía bên trái là dương bên phải là âm. Bởi vậy nét phẩy bên trái, nét mác bên phải để hợp thành chữ “人” (nhân), đây cũng chính là thể hiện của Đạo.

Nguyên lý thái cực cho rằng tương ứng với âm dương lần lượt là vật chất và ý thức. Đối chiếu với con người chúng ta thì chính là thể xác và tinh thần. Trong đó tinh thần là thuộc về dương, thể xác hay thân thể người là thuộc về âm, dương là thể (chủ thể, chủ ý thức), âm là dụng (thân thể, ứng dụng).

Như thế đối với con người mà nói, tinh thần mới thực sự chính là bản thân mình. Thân thể con người vì có tinh thần mới sống và hoạt động. Bởi vậy trong cách viết chữ “人” (nhân) nét phẩy thường dài còn nét mác thường ngắn, nét phẩy thường cao còn nét mác thường thấp.

Tinh thần mới thực sự là chủ thể của bản thân chúng ta. Bởi vậy, một cuộc sống có chất lượng tinh thần cao mới là điều mà con người cần hướng tới. Lời giáo huấn của các bậc thánh hiền luôn hàm chứa một giá trị tinh thần thâm sâu, lớn lao.

Chỉ một câu ví như “Nhân chi sơ, tính bản thiện” cũng đã có ý nghĩa trải dài suốt mấy nghìn năm trong đời sống các dân tộc Á Đông.

Đối với truy cầu lợi ích vật chất và các thứ dục vọng, người ta chẳng nên quá coi trọng. Coi trọng chúng quá thì hoá thành tự ràng buộc, tự lấy dây trói chặt mình lại, không cách nào thăng hoa. Đề cao tinh thần mới chính là con đường duy nhất thăng hoa hạnh phúc của đời người. Thân thể con người tồn tại được là vì có tinh thần. Tinh thần không phải là nô dịch cho thân thể.

Nếu một người đeo đuổi dục vọng, truy cầu vật chất, tiền tài quá độ, rơi rớt hết cả tinh thần, đạo đức, ý thức thì đã không còn là một người bình thường nữa, đừng nói đến việc có thể làm người trí huệ, kiểu người như vậy chính là “âm thịnh dương suy“. Cách viết của chữ “人” (nhân) sẽ bị đảo ngược, trở thành chữ “入” (nhập). “Nhập” chính là: nhập mê, nhập vào dục vọng, nhập vào ngu dốt, cuối cùng tiến nhập vào địa ngục.

Từ hình chữ mà xem xét, chữ “ nhân’ và thủ ấn song thủ hợp thập là hoàn toàn tương đồng. (Ảnh: Chanhkien)

Ngoài ra, khi sáng tạo chữ “nhân”, người xưa đã truyền tải thông điệp về thái độ đối với Thần cho con người thế gian, từ hình chữ mà xem xét, chữ “nhân” và thủ ấn song thủ hợp thập (chắp tay trước ngực) là hoàn toàn tương đồng. Cũng chính là nói rằng: là con người, chúng ta cần phải tin tưởng vào Thần, đối với Thần cần phải có thái độ tôn kính.

Chữ nhân “人” trong “Khải thư” và chữ “nhân” trong giáp cốt văn (chữ khắc trên mai rùa và xương thú thời nhà Thương, Trung Quốc, thế kỷ 16 -11 TCN) vào 3.000 năm trước đều là 2 chữ vô cùng đơn giản không có gì thay đổi.

Chỉ là chữ “nhân” trong giáp cốt văn mới nhìn thì giống như con người thực sự, hai tay rủ xuống ở trước ngực, cúi khom người xuống. Điều này thể hiện ra triết lý nhân sinh, con người là loài phức tạp nhất, ngay cả hoạ sĩ cũng cảm thán rằng vẽ quỷ dễ, vẽ người khó.

Mọi thứ trong cuộc sống quả thực rất phức tạp, bao chủng loại người, bao chủng loại quan hệ. Ấy vậy mà cả hai chữ “nhân” ở mỗi thời đều vô cùng đơn giản, phải chăng nó đang thể hiện triết lý nhân sinh rằng giữa nhân thế vô thường này thì làm người càng đơn giản thì càng có thể trở thành người chân chính?

Lại nói, đối với những rối ren trong thiên hạ, chỉ cần cúi người đáp một lễ, chẳng phải mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn sao? Từ hình họa hai chữ “nhân” đơn giản này, biết đâu bạn có thể nhìn ra nhiều điều khác nữa.

Chữ “nhân” trong giáp cốt văn. (Ảnh: Epoch Times)

Những từ đồng âm với chữ “人” (nhân) là “仁” (nhân), “忍” (nhẫn), “韧” (nhận), “任” (nhậm). Đây đều có thể coi là yêu cầu, quy phạm đạo đức làm người. Theo giải thích của Khổng Tử, cái gọi là “仁” (nhân) chính là yêu thương con người. Lòng nhân ái chính là hạt nhân cơ bản của đạo làm người. Chữ “忍” (nhẫn) chính là chỉ ý khoan dung, độ lượng, có khí phách của người quân tử.

Bởi vì thế giới này vô cùng rộng lớn, rất nhiều người có tính cách và lối sống không nhất định phù hợp với quan niệm của chúng ta, ngay chính lối sống của chúng ta cũng không nhất định là phù hợp với quan niệm của người khác, cho nên mọi người đều nên khoan dung, nhường nhịn, hòa thuận với nhau.

Chữ “韧” (nhận) chính là có ý nói con người cần có ý chí kiên cường, trải qua phong ba, bão táp vẫn không thay đổi, chí vững như bàn thạch. Chữ Nhậm (任) khuyên chúng ta làm người phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình.

Con người là thể hiện của Đạo, làm người nên phải có tâm cầu Đạo, cũng nên tu Đạo đắc Đạo, trở thành “Chân Nhân”, đây mới là mục đích duy nhất để làm người.

TinhHoa tổng hợp

NGUYỆT DẠ ỨC XÁ ĐỆ - ĐỖ PHỦ



Nguyệt dạ ức xá đệ - Đỗ Phủ

Thú cổ đoạn nhân hành, 
Thu biên nhất nhạn thanh. 
Lộ tòng kim dạ bạch, 
Nguyệt thị cố hương minh. 
Hữu đệ giai phân tán, 
Vô gia vấn tử sinh. 
Ký thư trường bất đạt, 
Huống nãi vị hưu binh.



月夜憶舍弟 - 杜甫

戍鼓斷人行,
秋邊一雁聲. 
露從今夜白, 
月是故鄉明. 
有弟皆分散, 
無家問死生. 
寄書長不達, 
況乃未休兵.


Đêm trăng nhớ em (Bản dịch của Hải Đà)

Trống trận dồn mau cản bước người 
Vào thu biên ải nhạn than trời 
Tha phương đêm phủ màn sương trắng 
Cố quận trăng soi ánh tỏ ngời 
Em đấy, thân thương mà cách biệt 
Nhà đâu, sống chết biết nơi nào ? 
Gửi thư thăm hỏi hoài không đến 
Binh lửa lan tràn rực khắp nơi.

Nguồn: Thi Viện

VỀ CÁI RĂNG ĂN BÚN TÔM KHÔ

Trong vô vàn món ngon vùng đất chín rồng, Cái Răng (Cần Thơ) khẳng định “vị thế” của mình với một món bình dị mà độc đáo – bún tôm khô.



Chính tôm khô – nguyên liệu đơn giản, dễ tìm nhưng đặc trưng này đã khiến món ăn làm nên thương hiệu cho vùng đất gạo trắng nước trong, Là người dân vùng sông nước, không ai xa lạ gì với tôm khô, bởi nó được sử dụng cho rất nhiều món ăn. Có vị mặn chủ yếu nhưng sau khi ngâm trong nước nóng thì dấy lên vị ngọt rất riêng, do vậy, tôm khô là một nguyên liệu bổ sung hoàn hảo cho các món canh, kho lẫn chiên, xào.

Tôm khô – nguyên liệu chính của món bún tôm khô.

Nước lèo của món này được làm từ tôm khô xào mở, vài miếng tiết và da lợn.Vị ngọt tiết ra từ tôm khô, tiết lợn hòa cùng vị béo của da lợn tạo nên vị đậm đà khó tả cho món ăn. Ngay cả miếng chả ăn kèm cũng được làm từ trứng đánh tơi với tôm khô rồi chiên vàng. Như thế, trong cái sánh mịn béo ngậy của trứng, ta bắt gặp cái giòn giòn ngọt ngọt của tôm khô. Một sự kết hợp không thể tuyệt vời hơn.

Rau dùng cho món này khá giản dị, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu: rau muống chẻ nhỏ, một ít húng cây và giá sống. Đây cũng là những loại rau quen thuộc của vùng đất này.

Ngoài ra, không thể bỏ qua vai trò của thức chấm đặc biệt: mắm ruốc. Cứ y như rằng người Nam Bộ khi ăn bún thì phải có mắm ruốc mới thấy thỏa được khẩu vị của mình. Không những vậy, đa phần khi ăn, họ cho thêm nhiều ớt để kích thích vị giác và tăng màu sắc cho món ăn.

Rau sống hòa quyện cùng nước súp và tôm khô đã tạo nên vị ngon đặc biệt của 

món ăn này.

Món ăn này khá giống với bún riêu, tuy nhiên nó được biến tấu đi để “thích nghi” với đặc thù Cần Thơ. Mẹ đẻ của món này là chị Dương Thị Ngọc Phượng.Quán của chị rất nhỏ, chỉ tầm 9 – 10 bàn nhưng lúc nào cũng đông khách. Có người thậm chí chạy từ quận Ninh Kiều xuống chỉ để ăn sáng với món này. Bởi lẽ cứ tầm 9 -10 giờ là hết nên ai cũng phải tranh thủ cơ hội để được thuởg thức. Món ăn tuy nổi tiếng như rất rẻ, chỉ tầm 5.000đ 1 tô, gọi kèm nước súp với tôm không thì thêm 3.000 đồng.

Còn gì vui thích bằng việc nhâm nhi li cà phê buổi sáng, ăn tô bún tôm khô nóng hổi với không khí se lạnh những ngày giáp Tết. Địa chỉ gợi ý cho bạn đây: chợ Cái Răng, số 35/4, đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ/theo Báo Cần Thơ.

Thấy hay nên post cho các bạn thích thì nấu thử chơi xem có ngon không.

Thursday, March 29, 2018

NEM PHÙNG

"Nem Phùng ăn với lá sung 
Cho người tứ xứ nhớ nhung một đời" 


Về thị Trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Tây, bạn sẽ bị quyến rũ bởi hương thơm dìu dịu của thính, của thịt dậy lên từ những quán hàng bán thứ nem đặc sản đã nổi tiếng bấy lâu của thị trấn này.

Để làm nên thứ đặc sản này, thì ngay từ khi chọn nguyên liệu đã rất cầu kỳ. phải chọn loại thịt mềm, có cả nạc và mỡ, bên ngoài lớp bì được làm sạch sẽ. Gạo được chọn cũng phải là loại gạo tẻ ngon và một ít gạo nếp cái hoa vàng để rang thính.




Thịt lợn mang về được người làm nem Phùng hấp cách thủy, rồi vớt ra lọc lấy lớp bì riêng, thịt nạc riêng, mỡ riêng. Bì lợn được thái chỉ nhỏ, lăn tăn như sợi miến nhưng cũng đòi hỏi bàn tay cầm dao thái phải đưa thật đều, thật thuần thục.



Theo những nghệ nhân lâu đời ở làng Phùng: Bí quyết làm nem Phùng giòn, thươm, béo, bùi phụ thuộc rất nhiều vào khâu rang thính gạo. Gạo nếp hoa cái vàng, gạo tẻ được pha trộn theo tỉ lệ 7 phần gạo tẻ, 3 phần gạo nếp phải được rang đều tay, đều lửa, củi than phải là củi gỗ mới cháy đều và đượm. Khi rang phải khuấy đều, nhanh, có vậy thính mới khô và có màu nâu sáng hấp dẫn. Gạo rang xong được đem vào cối xay nghiền cho mịn tơi, thơm lừng là đạt yêu cầu cho một mẻ thính.


Thịt lợn sau khi thái con chì sẽ được trộn đều với bì thái chỉ, thính gạo rang vàng thơm rồi chia thành từng gói có lá sung, lá ổi, đem gói lại vuông vắn như chiếc bánh chưng xinh bằng lá chuối, buộc lạt hồng điều, nom rất đẹp mắt.

Nem phải được cuốn bởi lá sung non rồi mới tới lớp vỏ chuối ở bên ngoài. Gói xong là có thể ăn ngay hoặc để được 2 ngày trong mùa nóng và mùa lạnh là 4 ngày.


Cắn miếng nem, những nguyên liệu kết dính với nhau dai dai, giòn giòn, vị bùi bùi, ngậy ngậy của thịt, của thính gặp vị chan chát của lá sung tạo nên cảm giác vừa quen, vừa lạ vừa muốn nhai thật chậm nhưng lại vừa muốn ăn thật nhanh để còn thỏa mãn cái vị giác thèm muốn, tham lam của lần đầu ăn món ngon. Cái dân dã, cái quê nhà đậm chất mà vẫn thật cuốn hút được tạo ra từ thịt heo, từ thính gạo, từ màu xanh của lá chuối bọc nem, mùi hương của lá ổi, lá sung cho tới màu đỏ của chiếc lạt giang nổi bật sâu giữ nem thành cụm nhỏ.


Nem Phùng ăn với lá sung
Cho người tứ xứ nhớ nhung một đời"

Ở Hà Nội, bạn có thể đến 63 Hàng Bún để được thưởng thức nem Phùng chính hiệu do chính tay nghệ nhân Nguyễn Thị Hà, người con của gia đình có 3 đời làm nem Phùng.

Trời lành lạnh thế này rất thích hợp cho một bữa nhậu đã đời với gói nem Phùng lá sung cạnh bên.

Lâm Trang



CÂY BÁCH THỦY TIÊN

Cây Bách Thủy Tiên mang may mắn, thịnh vượng cho gia chủ, trồng cực dễ


Cây Bách Thủy Tiên là một trong những loại cây thủy sinh được nhiều người ưu thích, cây có dáng đẹp, thích hợp trang trí trong nhà, bàn khách, bàn học, bàn làm việc mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng, mang đến niềm vui cho bạn. Kỹ thuật trồng cây Bách Thủy Tiên thủy sinh cũng không quá phức tạp chỉ cần biết cách chăm sóc cây sẽ xanh tốt quanh năm.

Cây Bách Thủy Tiên có tên gọi khác là cây Thủy Cúc, Từ Cô lá tim, tên khoa học là Echinodorus cordifolius thuộc họ thực vật Alismataceae. Bách Thủy Tiên có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và miền bắc của Nam Mỹ.

Bách Thủy Tiên có đặc điểm là lá có màu xanh sáng, bóng, có hình ovan hơi tròn. Đối với loại bách thủy tiên sống dưới nước có lá tròn và rộng hơn. Đặc biệt, Bách Thủy Tiên có hoa đẹp, màu trắng, hoa tụ tán trên một phát hoa dài 60 đến 80 cm, phát hoa có khoảng 3 đến 9 vòng hoa, mỗi vòng hoa có từ 3 đến 15 chiếu, nhị hoa màu vàng cuống hút côn trùng khám phá.

Kỹ thuật trồng cây Bách thủy Tiên nhà bạn sẽ gặp may mắn cả năm. Ảnh minh họa

Điều kiện sống của cây Bách Thủy Tiên

Bách Thủy Tiên là loại cây ưa nước, ưa ẩm, dễ trồng. Cây có tốc độ phát triển khá nhanh, ra rễ trong nước mạnh. Cây chịu được bóng, sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có nước và đầy đủ ánh sáng, thường được trồng làm cây thủy sinh trong các ao, hồ nhân tạo, hay sử dụng cây trong các tiểu cảnh nước sân vườn biệt thự rất phù hợp. Bách Thủy Tiên cũng được dùng làm cây cảnh trang trí hồ cá trong các quán café, nhà hàng,…

Nhân giống Bách Thủy Tiên

Trồng cây Bách Thủy Tiên có thể trồng bằng cả phương pháp thủy sinh lẫn đất trồng. Nếu muốn tiết kiệm thời gian và công sức thì bạn có thể tìm mua cây giống bán sẵn ở các cửa hàng bán cây cảnh hoặc có thể tự nhân giống.

Khi bách thủy tiên trở thành điểm nhấn cho hồ nước của bạn.
Không giống với những loài khác, cây Bách Thủy Tiên được nhân giống khá đặc biệt. Người ta thường nhân giống khi vòng hoa dài có một túm lá nhỏ ở đầu vòi. Lúc này, chèn đầu vòi này xuống và ngâm vào nước, sau 1 khoảng thời gian cây con sẽ mọc mầm.

Chăm sóc Bách Thủy Tiên

Luôn duy trì mực nước ngang cổ rễ hoặc trên cổ rễ 1cm. Lưu ý tuyệt đối không để cây bị khô nước. Nếu trồng cây Bách Thủy Tiên làm cây trồng trong nước để bàn, trang trí văn phòng, tiểu cảnh trong nhà…thì lượng nước tưới không nên quá nhiều, khi nào thấy lượng nước trong chậu cạn dưới gốc thì cần bổ sung nước cho cây. Ngoài ra còn có thể sử dụng bình phun để phun nước cho cây.

Nếu trồng thủy sinh, cứ 1 tuần thêm dung dịch dinh dưỡng cho cây. Nếu dùng nước máy thì nên xả khoảng 1 ngày cho khí clo bay bớt mới dùng để tưới hoặc thay nước cho cây.

Kỹ thuật trồng cây Bách Thủy Tiên còn mang thịnh vượng, niềm vui tràn ngập. Ảnh minh họa

Thường xuyên cắt tỉa, lau sạch lá để phần phá khô héo, vàng úa không bị rơi vào trong bình. Nếu trồng trong nhà, thường xuyên phải cho cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để cây xanh tốt và phát triển nhanh hơn.

Trồng cây trong đất thì cứ khoảng 15 ngày hòa tan phân đạm tưới vào xung quanh gốc cây. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước vo gạo để tưới cho cây. Trong thời gian đầu, tránh tác động tới cây để bộ rễ không bị tổn thương.

Phòng bệnh cho Bách Thủy Tiên

Trồng Bách Thủy Tiên thường bị bệnh phấn trắng. Để phòng trừ loại bệnh này cần dùng thuốc trừ sâu hoặc dùng khăn thấm cồn lau. Nếu trường hợp bệnh nặng cần đưa cây ra ngoài và trị bằng thuốc trừ sâu.


Bách Thủy Tiên ra hoa tại nhà của em Nguyễn Trần Long - Cần Thơ
Cách khắc phục cây bị héo

Khi quan sát thấy cây cảnh có hiện tượng vàng úa, rụng lá...phải kịp can thiệp để xử lý kịp thời. Không nên cho ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào cây khiến cây sẽ nhanh chóng héo rũ. Nơi chăm sóc cây phải mát, không khí trong lành và nên tránh gió mạnh.

Trong thời gian đầu nuôi dưỡng cây thì không nên tác động vào đất trồng bời vì lúc này các tổ hcuwcs và chức năng của cây ở trạng thái tĩnh, nếu động thổ thì sẽ làm cho hệ rễ cây tổn thương. Vào thời gian này chỉ nên cắt bỏ các lá vàng úa và tưới nước đầy đủ hoặc pha đạm hòa loãng với nước để tưới cây mỗi tuần/lần. Đợi đến khi cây có sức sống trở lại thì thay đổi đất trồng tốt nhất là dùng mục và đất phù sa để trồng, nên bón lót phân bắc trước cho cây.

An Dương