Ngày nay ở Việt Nam, người ta dùng tiền giấy, polime rất tự nhiên, phổ biến. Nhưng khởi nguồn cho sự xoay chuyển từ “lượng bạc”, “tiền đồng” của người xưa sang “tiền giấy” để tiêu dùng cũng còn nhiều điều khá bí ẩn.
Hồ Qúy Ly – cha đẻ của tiền giấy
Hồ Quý Ly (1336 – 1407) khi ấy chỉ là một quý tộc nhưng có quyền lực trong tay thâu tóm toàn bộ triều chính nhà Trần đương thời. Bởi lẽ trước đó tham vọng của ông đã được xây dựng theo một kế hoạch khá vẹn toàn: hai người cô ruột cùng con gái của Hồ Qúy Ly là vợ vua Trần, ông cũng kết hôn với Huy Ninh công chúa làm rể vua Trần Nghệ Tông.
Thời kỳ ấy vào cuối thế kỷ XIV, sau một thời gian dài thịnh trị, triều đình nhà Trần bắt đầu tụt dốc do rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội: thuế dịch nặng nề, người dân điêu đứng vì tệ cho vay nặng lãi, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nước… Đời vua Trần Thuận Tông vào năm 1396 đánh dấu sự thâu tóm quyền lực trong tay Hồ Quý Ly. Ông tiến hành một loạt các cải cách về kinh tế – xã hội. Trong đó, đáng chú ý đến việc thay đổi tài chính, ông phát động thu tiền đồng và cho in tiền giấy, gọi tên là “Thông bản hội sao”.
Chân dung Hồ Qúy Ly
“Thông bản hội sao” chính là cái tên của loại tiền giấy đầu tiên được phát hành tại Việt Nam vào tháng 4/1396. Trước đó, từ Thông bảo là tên gọi chung cho loại tiền đồng, đến khi cải cách thành tiền giấy thì thêm từ Hội sao. Ý nghĩa thể hiện trên tờ tiền với các hình ảnh hội họa nhất định được sao chụp lại trên đó.Đây là tờ tiền giấy đầu tiên có giá trị được lưu hành phổ thông trong thời đại phong kiến có 7 mệnh giá với những hình vẽ khác nhau. Mỗi hình vẽ dùng để phân biệt mệnh giá của một tờ tiền, đằng sau đó, những hình vẽ cũng hàm chứa ý nghĩa, gắn với đời sống kinh tế văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân Đại Việt trong suốt chiều dài lịch sử.
7 mệnh giá là 7 sự khám phá
Hình cây rong trên tờ 10 đồng
Hình ảnh cây rong thuộc nhóm hoa văn thực vật, là cách điệu cho loài cây lương thực chính của Đại Việt, cây lúa nước, cũng là biểu trưng cho mùa màng, ước mơ vụ mùa bội thu, dân chúng no đủ, cũng là mong ước của các vương triều phong kiến bấy giờ. Mặc dù trước đó những mẫu hình quen thuộc là tứ quý Tùng -Trúc -Cúc – Mai tượng trưng cho sự giao hồi 4 mùa trong năm Xuân – Hạ – Thu – Đông với niềm ước vọng của sự may mắn, thịnh vượng, no đủ.
Tờ 10 đồng có hình cây rong
Hình sóng nước trên tờ 30 đồngTrong văn hóa Việt từ cổ đại, chữ Thủy khá được trân trọng. Đặc biệt, đối với cư dân nông nghiệp như Đại Việt, là nước là nguồn sống của con người, là sự khởi đầu của vạn vật và là nhân tố quyết định cho sự phát triển của nền kinh tế phong kiến. Hình ảnh sóng nước gắn liền với các hình tượng như rồng phun nước, cá chép hóa rồng… gắn bó sâu sắc với văn hoá tâm linh người Việt.
Hình mây trời trên tờ 1 tiền
Theo quan niệm của người xưa, mây mang đến những dấu hiệu tốt lành, hạnh phúc. Đối với cư dân nông nghiệp, mây dấu hiệu báo hiệu cơn mưa, mang đến điềm báo cát tường, như mây ngũ sắc cũng có nghĩa là ngũ phúc. Hình tượng mây trời cũng gắn với hình Long, tức là Rồng trong cội nguồn văn hóa Thần truyền người Việt, khi đức Phật ra đời, có mây ngũ sắc toả ánh hào quang. Trong những lễ tế thần, người xưa quan niệm có ứng nghiệm là khi có những đám mây trắng hoặc mây ngũ sắc hiện ra. Và, một lần nữa, sự “may mắn” này được chọn thể hiện trên tiền giấy.
Hình rùa trên tờ 2 tiền
Hình tượng Rùa là một biểu tượng thiêng liêng, là linh vật mang đến điềm lành, hạnh phúc cho con người. Rùa có chiếc mai dạng mái vòm, là biểu tượng của bầu trời; bụng rùa phẳng được biểu tượng cho mặt đất. Rùa có tuổi thọ tưởng chừng như bất diệt, cho nên rùa là con vật thiêng, biểu tượng cho sự trường sinh, bất lão, cho sinh lực và sự trường tồn vĩnh cửu.
Tờ 3 tiền có hình lân
Kỳ lân là một con vật tưởng tượng, có đầu rồng thân thú, biểu tượng cho sự trường thọ, oai phong, báo hiệu điềm lành, biểu trưng cho hòa hợp âm dương. Kỳ lân là một vật linh thiêng trong bộ Tứ linh. Kỳ lân khi xuất hiện là báo hiệu sự ra đời của minh chúa, hay bậc hiền nhân quân tử.
Trong điêu khắc trang trí đình làng, con lân không ở những vị trí trung tâm, trang trọng như con rồng. Nó có mặt ở trên gác thờ, trên nóc đình, trên cửa nghi môn… để tô điểm và canh chừng các thế lực tà ám.
Tờ 5 tiền vẽ phượng
Phượng là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã. Phượng hoàng cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương. Chim phượng là biểu tượng cho phúc lộc và sự sang quý.
Chim hoàng là biểu tượng cho hoàng hậu, xuất hiện bên cạnh hình tượng rồng của vua, chính vì vậy hình ảnh long, phụng thường xuất hiện cùng nhau. Phượng hoàng là con vật hiền đức, báo hiệu điềm lành. Theo truyền thuyết, phượng hoàng chỉ xuất hiện vào thời thịnh trị. Đây cũng là ước mong của vương triều phong kiến Đại Việt.
Tờ 1 quan có hình rồng
Rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loại vật có thật trong tự nhiên, do vậy rồng mang trong mình ưu thế vượt trội của các loài, trong đó sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa là biểu hiện của khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên và chinh phục chính mình của con người.
Hình Rồng trên tờ 1 quan
Hình tượng Rồng trong văn hoá Việt rất linh thiêng, nó là hình tượng của cội nguồn, của đoàn kết dân tộc, đó là Lạc Long Quân, người cha của dân tộc Việt. Rồng là biểu trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, uy lực bất bại trước kẻ thù.
Trong văn hóa nông nghiệp, Rồng là linh vật mang lại điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng và thông thái. Đồng thời còn là sứ giả để gửi gắm những ước vọng trong đời: Cầu mưa thuận gió hòa, cầu phồn thực. Trên hết, rồng đại diện cho Thiên tử, thể hiện quyền uy, củng cố thêm vương quyền và thần quyền tuyệt đối cho người đúng đầu đất nước.
Sáng tạo chuyên nghiệp nhưng tiền giấy nhận “cái chết yểu”
Hình tương rồng thời nhà Hồ
Khi ra đời, tờ tiền đầu tiên mang một sứ mệnh cao cả mà Hồ Qúy Ly mong đợi: giải quyết vấn đề thiếu hụt ngân sách, thương mại khó khăn vì tiền tệ hiếm hoi do hệ chiến trước đó cùng hiện tượng đầu cơ tích trữ của quý tộc. Chính vì thế tiền giấy như một “đòn đánh” trực diện vào tầng lớp quan lại, quý tộc đại địa chủ nhà Trần.Việc phát hành tiền giấy của Hồ Quý Ly cũng tạo ra phương tiện chi trả và thu gom kim loại để đúc súng thần công để góp phần hiện đại hóa quân đội để xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì thế mà những tờ tiền đầu tiên này cũng khẳng định tham vọng thay đổi thể chế chính trị xã hội, thay đổi vương triều của Hồ Quý Ly, đánh dấu sự khác biệt hoàn toàn so với các vương triều trước.
Tuy nhiên niềm ấp ủ thay đổi vận sự quốc gia mà Hồ Qúy Ly đặt niềm tin và hy vọng vào “Thông bản hội sao” đã không thành. Trên thực tế nó còn mang lại những điều không như mong muốn, thậm chí còn bị cự tuyệt’ trong lưu thông.
Cùng với việc phát hành tiền giấy là những quy định của nhà nước trong việc đổi tiền, lưu hành và định giá. Những chính sách đó được cho là độc đoán, mang tính bắt buộc triệt để và đã vấp phải sự “phản kháng” của số đông trong xã hội. Quan chức bị trả lương bằng tiền giấy, dân chúng, đặc biệt là nhà buôn đã chống lại việc sử dụng tiền giấy, một số còn không sử dụng tiền giấy và đóng cửa tiệm khiến giá cả tăng cao gây lạm phát.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến tiền giấy bị cả xã hội phản đối?
Hình tượng kỳ lân được sử dụng nhiều trong văn hóa dân gian.
Thứ nhất, đối với xã hội việc phản ứng sâu sắc ấy là điều khó tránh khỏi. Bởi lẽ, tiền đồng đã được lưu thông và sử dụng trong ngàn đời nay; chốc lát thay thế nó là điều khó khăn, tương đương với việc thay đổi tư duy con người đã được chôn sâu trong tiềm thức.Thứ hai, cùng với thu hồi tiền đồng, phát hành tiền giấy, Hồ Quý Ly còn chủ trương tiến hành cải cách sâu rộng về kinh tế, xã hội, sử gọi là “hạn điền” và “hạn nô” tấn công và đụng chạm vào “thượng tầng” của xã hội Đại Việt lúc bấy giờ – vốn là tầng lớp có ảnh hưởng sâu rông tới kinh tế đất nước.
Thứ ba, việc cất giữ, bảo quản làm “của hồi môn”, “tài sản” cho con cháu mai sau dễ dàng, tiền giấy ra đời đã không đáp ứng được yêu cầu này, đặc biệt là việc cất giữ, đầu cơ trở thành vấn đề đối với tầng lớp quý tộc, nhà giàu và cả nhân dân.
Thứ tư, ngoại thương gần như bị cô lập vì tiền giấy không được các nước thừa nhận và buôn bán. Khó khăn chồng chất khó khăn. Hơn nữa, xã hội khi ấy đang khủng hoảng, kinh tế đang suy yếu, sụp đổ là tất yếu.
Ảnh minh họa từ lichsuvn
Thông Bảo hội sao là “tiếng gà gáy sớm” của lịch sử phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, trong khi điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển đặc biệt là quan hệ buôn bán, giao thương chưa có “nhu cầu” sử dụng tiền giấy. Nó thể hiện cho tinh thần đổi mới trong tư duy con người, hướng tới sự mới mẻ, sự phát triển để vượt khỏi vòng kiểm tỏa của cái bóng của chế độ phong kiến.Nhưng con người vẫn phải thuận theo quy luật của tự nhiên: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đi theo quy luật của vũ trụ hàng ngàn đời xưa nay. Không phải con người tự vùi dập những sáng chế, phát minh của con người mà vì Thiên tượng chưa cho phép nó xảy ra như thế. Đến đúng thời điểm cần có nó cũng như khi mà nó phù hợp với thực tế xã hội, được đặt đúng lúc-đúng chỗ thì bỗng dưng nó sẽ trở thành điều tất yếu.
Cái kết của tiền giấy phong kiến cũng là cái kết của nhà Hồ, nó được lưu hành 11 năm (1396-1407), trùng với khoảng thời gian từ khi ra đời cho đến khi vương triều Hồ thất bại trước cuộc vũ trang xâm lược của nhà Minh.
Nguyệt Hà