Saturday, March 31, 2018

CỎ XƯỚC NƯỚC

Mới vừa biết được một món ăn lạ của miển Tây mà đặc biệt là ở Cần Thơ, một món rau cỏ mới với cái tên thật lạ "Cỏ Xước Nước". Các bạn nào ở Cân Thơ vào nhà hàng Ven Sông ăn món "lươn um cỏ xước nước" rồi cho biết có ngon không nhé.

Mời các bạn đọc vài chi tiết về nó:



Cỏ xước nước

Cỏ xước nước - Centrostachys aquatica (R.Br.) Wall. ex Moq. - Tard., thuộc họ Rau dền - Amaranthaceae.

Mô tả: Cây thảo thủy sinh nổi; thân to 1-1,5cm, có sọc và đốm đỏ. Lá mọc đối, có lông sát, nhiều ở mặt dưới. Bông cao 20cm; hoa có lá bắc và 2 tiền diệp mỏng; lá đài 5, xanh, cao 7mm, nhị sinh sản 5, xen với 5 nhị lép chỉ là những phiến có mép trắng. Quả 1 hạt vàng.

Hoa tháng 3.

Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Centrostachyos.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở vùng châu thổ sông Cửu Long, nhất là mùa nước to, ở bờ rạch, ruộng ngập.

Tính vị, tác dụng: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Cần Thơ, nhân dân dùng chữa khí hư, bạch đới và thông kinh.


(theo Cây Thuốc)

LẶN LỘI TÌM RAU CỎ XƯỚC NƯỚC TRÊN NET


Phía view sông Hậu của nhà hàng Ven Sông có một đám cỏ xước nước chừng 40m2 dùng làm món rau nấu với lươn, cá trê ngon bá cháy. Món cỏ xước nước nấu canh cá trê, theo như ký ức ông Nguyễn Bửu Việt, có từ thời ông bà của ông. Gần đây, ở Cần Thơ, món cỏ xước nước nổi lên đình đám. Có tờ báo đưa tin: “Lúa Nếp Resort (Cần Thơ) mang đến cuộc thi món lươn um với cỏ xước – một loại cỏ có tác dụng thanh nhiệt, lưu thông khí huyết theo đông y”.

Đi tìm lý lịch cỏ xước

“Thanh nhiệt và theo đông y” là nói trật lất. Thực ra nếu chỉ nói cỏ xước, người ta dễ ngộ nhận với hai loại cỏ xước trên cạn. Một cây vốn là vị thuốc bắc, chính danh đông y, di thực vào Việt Nam từ khoảng những năm 1960. Sang thập kỷ 1970, nó được trồng đại trà, đáp ứng nhu cầu trị bệnh trong nước và xuất khẩu. Tên của vị thuốc này là ngưu tất. Vì nó là một loại cỏ xước nên người ta lẫn lộn nó với cây cỏ xước địa phương (Achyranthes aspera L.). Nhiều người gọi phân biệt loại sau là nam ngưu tất, được cho là tác dụng không bằng ngưu tất. Dược điển Việt Nam chỉ nêu cây ngưu tất di thực mà chưa ghi cỏ xước địa phương, vì chưa có nghiên cứu.

Nhưng hai loại cỏ xước trên lại không phải là thứ cỏ xước nước mà dân Miền Tây đưa vào thực đơn của mình bao đời nay. Ông Việt lúng túng vì đi hỏi ông Google không ra lý lịch của cỏ xước nước. Lý do ông thất vọng với ông Google, vì người ta quen miệng gọi giống cỏ mọc thuỷ sinh này là cỏ xước, nên ông chỉ gõ từ khoá “cỏ xước”. Ông Việt nói: “Chắc tại nó có bông giống bông cỏ xước nên người ta gọi vậy”.

Tên tuổi đúng của cỏ xước này là cỏ xước nước (Centrostachys aquatica). Nó cũng thuộc họ dền như hai loài cỏ xước trên cạn. Nhưng nó là cỏ thuỷ sinh sống nổi. Mọc nhiều ở các ao hồ ruộng đầm và đất ẩm ven nguồn nước. Nhiều tài liệu nói nguồn nó tận bên châu Phi nhiệt đới. Có lẽ cỏ xước nước được phát hiện ở đấy trước tiên. Nói cỏ xước nước là vị thuốc theo đông y là nói lấy được kiểu cố bán hàng của dân sản xuất thực phẩm chức năng suốt ngày ra rả trên tivi. Cỏ xước nước chưa được nghiên cứu về tác dụng trị bệnh. Chỉ có một nghiên cứu của Trần Thị Ngọc Bích, đại học Cần Thơ và Hisashi Kato-Noguchi, đại học Kagawa, về một chất của cỏ xước nước gây ức chế sự phát triển rễ của cải xoong.

Để tìm được lý lịch cỏ xước nước, mất gần cả hai tuần, và phải nhờ công lớn của ông bạn Hoàng Tuyên, dân Cần Thơ.




Món rau thanh nhiệt

Tôi được ăn món lươn um cỏ xước nước như một quảng bá cho cây cỏ họ dền này ở nhà hàng Ven Sông. Lươn ở miền Tây thì cho tiền cũng không dám chê. Nước dùng để um, đối với người ít sợ chết hơn, thì có thêm nước cốt dừa. Vốn là cái gu của dân miệt vườn. Còn sợ dừa béo tăng cholesterol, thì um với nước dừa. Một thứ nước dùng hỗn hợp với nước xương và nước dừa, cho một vị ngọt vừa thanh vừa thơm có lẽ là tuỳ biến tốt nhất. (Ông Việt cho biết trong nước dùng này không có bột ngọt mà chỉ có bột nêm nên nhiều người yên tâm. Thực ra, tất cả các loại bột nêm hiện nay đều có thành phần chất điều vị E621, E627, E631. E621 là “bí danh” của bột ngọt. E627 và E631 là “bí danh” của siêu bột ngọt).

Mải lo phát hiện cái vị nhẩn của rau cỏ xước nước, tôi bỏ quên mất cái ngon của thịt lươn đồng – thứ thật trần ai khoai củ mới tìm thấy ở Sài Gòn. Tìm trong nhà hàng? Đừng mơ! Phải dặn mấy bà bán ở chợ hôm nào có con lươn bụng vàng thì cho hay.

Ông Việt, sẵn thấy khách còn lạ lẫm về món rau cỏ cố cựu của Tây đô, bèn nhớ lại: hồi nhỏ, bà ngoại tôi hay nấu canh cỏ xước với cá trê vàng; bà nói mùa nóng ăn canh này giải nhiệt. Tôi cũng thấy nhà chùa lấy cây này về làm thuốc.

Bây giờ ở một số nhà hàng biến món canh cá trê vàng nấu với cỏ xước nước cổ điển nước thành món lẩu cá trê với cây cỏ xước nước lột lớp lụa bên ngoài. Người nấu có niềm tin vào công dụng cỏ xước nước từ tổ tiên. Người ăn có niềm tin y như vậy. Nhưng bằng chứng khoa học chẳng có chút nào. Nhưng tài liệu khoa học vẫn nói cây cỏ này không có đe doạ gì. Là ta có thể yên tâm với niềm tin của mình.

Ngữ Yên


No comments: