Đã trót lên đèo, phải xuống đèo
Tay không mình tưởng đã cheo leo
Thương thay thiên hạ người gồng gánh
Tháng lọn ngày thâu chỉ những trèo!
(Nguyễn Thiếp)
Vào khoảng đầu năm 1803, Gia Long cũng có cho mời người hiền Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân để hỏi việc nước và ngỏ ý trao cho ông một chức tước gì đó. Đã ngoài 80, Nguyễn Thiếp đành phải trèo đèo lội suối vào tận đất Thuận Hoá (Huế) cho Gia Long hỏi chuyện nhưng cương quyết từ chối bổng lộc vinh hoa. Trên đường về, khi đi ngang núi Luỹ Sơn ở đèo Ngang, ông có cảm đề bài thơ này.
Sơ lược tiểu sử:
Nguyễn Thiếp (chữ Hán: 阮浹, 1723 - 1804), là nhà giáo và là danh sĩ cuối đời Hậu Lê và Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.
Ông vốn có tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, sau vì kiêng húy vua chúa nên đổi là Thiếp . Ngoài ra, ông còn có rất nhiều tên tự hay tên hiệu, hoặc do ông tự đặt, hoặc do người đương thời xưng tặng, chẳng hạn như: Khải Xuyên (có sách chép là Khải Chuyên), Hạnh Am, Điên ẩn, Cuồng ẩn, Lạp Phong cư sĩ, Hầu Lục Niên, Lam Hồng dị nhân, Lục Niên tiên sinh, La Giang phu tử,.... Riêng Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung) gọi ông là La Sơn phu tử, là La Sơn tiên sinh.
Thuỷ tổ của ông là người quê ở Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), lấy vợ lẽ, rồi lập chi họ Nguyễn ở xã Nguyệt Ao (hay Áo, còn gọi là Nguyệt Úc), tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là xã Kim Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Và ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723), Nguyễn Thiếp đã ra đời tại đây.
(Sưu tầm trên mạng)