Cổ ngữ có câu: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”.Người tài giỏi thực sự sẽ không tùy tiện khoe khoang tài năng của mình, họ thường biểu hiện là một người tầm thường nhất.
Nghĩa rộng hơn của câu này là có ý nói rằng những người có bản sự, có thân phận, có địa vị cao thường không để lộ mặt hoặc lộ thân phận của mình trước người khác. Nó cũng bao hàm ý nghĩa là cao thủ chân chính thì không khoe khoang mà có thể ẩn giấu được tài năng của mình, không tùy tiện thể hiện tài năng của bản thân.
Liên quan đến cách nói “chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân” có một điển cố lịch sử như sau:
Vào thời Xuân thu Chiến quốc có một vị công tử con nhà giàu tên là Ôn Như Xuân. Ngay từ nhỏ Như Xuân đã rất thích chơi đàn, đến khi lớn lên cũng có thể sáng tác và chơi đàn không tồi. Anh ta thường xuyên khoe khoang tài nghệ của mình ở trước mặt người khác.
Một hôm, Ôn Như Xuân một mình đến Sơn Tây du ngoạn. Khi anh ta đến trước một ngôi miếu thì chợt nhìn thấy một đạo sỹ đang nhắm mắt ngồi thiền. Bên cạnh đạo sỹ có một chiếc túi, miệng túi hé mở lộ ra một góc của cây đàn cổ.
Ôn Như Xuân rất lấy làm hiếu kỳ, tự hỏi mình: “Lão đạo sỹ này cũng biết chơi đàn ư?”. Sau đó, anh ta tiến lại gần hỏi lão đạo sĩ bằng vẻ trịch thượng: “Xin hỏi đạo trưởng biết chơi đàn chứ?”
Đạo sỹ hé mắt trả lời một cách rất khiêm nhường: “Cũng biết đôi chút! Tôi đang muốn tìm cao nhân bái sư học đàn đây.”
Ôn Như Xuân vừa nghe thấy đạo sĩ muốn tìm cao nhân bái sư, lập tức hứng thú trong lòng, muốn thể hiện tài nghệ cho đạo sĩ xem. Anh ta nói một cách không khách sáo rằng: “Thế thì để tôi đàn cho ông xem”.
Vị đạo sỹ lấy cây đàn cổ từ trong túi ra đưa cho Ôn Như Xuân. Ôn Như Xuân lập tức ngồi khoanh chân dưới đất đánh đàn. Đầu tiên, anh ta đánh tùy hứng một bài, đạo sỹ mỉm cười chẳng nói một lời. Ôn Như Xuân không thấy đạo sĩ khen mình một câu nên trong lòng có chút mất hứng.
Ôn Như Xuân bèn đem hết tài nghệ của mình ra chơi một bài khác, đạo sỹ vẫn lẳng lặng. Anh ta bực quá nổi giận nói: “Tại sao ông chẳng nói năng gì vậy, có phải tôi chơi dở không vậy?
Lúc này Ôn Như Xuân đã không còn chút kiên nhẫn nào, không nén nổi cơn bực tức nói: “Ông chơi đàn giỏi, thế thì hãy để tôi mở rộng tầm mắt xem nào!”.
Đạo sỹ vẫn giữ vẻ ôn nhu, chẳng nói chẳng rằng, cầm cây đàn, vuốt nhẹ vài cái, bắt đầu chơi. Tiếng đàn cầm vang lên, âm thanh như nước chảy réo rắt, như gió chiều hiu hiu. Ôn Như Xuân nghe ngất ngây say đắm, ngay cả cây cổ thụ cạnh chùa cũng đầy chim từ đâu bay đến đậu xuống.
Khúc nhạc hết đã lâu rồi, Ôn Như Xuân mới bừng tỉnh lại, biết rằng hôm nay đã gặp cao nhân, lập tức quỳ trước mặt đạo sỹ xin được bái sư.
Bởi vì những người tu luyện đắc đạo thì được xưng là chân nhân, cho nên người xưa căn cứ vào chuyện này đúc kết ra câu cổ ngữ: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”. Câu nói cũng là để khuyên mọi người rằng đừng nên chỉ dựa vào bề ngoài, cử chỉ bên ngoài mà đánh giá, nhận định người khác. Cao nhân chân chính sẽ không dễ dàng để lộ thân phận và tài năng của mình. Chỉ có những kẻ không có tài năng thực sự mới khoe khoang trước mặt người khác, lại còn cho rằng mình có bản sự lớn lắm.
Không chỉ những bậc cao nhân mà người quân tử thời xưa cũng thường ẩn giấu, không để lộ tài năng của mình. Trong “Thái Căn Đàm. Lập đức tu thân” viết: “Quân tử chi tâm sự, thiên thanh nhật bạch, bất khả sử nhân bất tri, quân tử chi tài hoa, ngọc uẩn châu tàng, bất khả sử nhân dị tri” (君子之心事, 天青日白, 不可使人不知, 君子之才華, 玉韞珠藏, 不可使人知) tức là bậc chính nhân quân tử có tu dưỡng đạo đức, hành vi tư tưởng của họ phải như thanh thiên bạch nhật, quang minh lỗi lạc, không có hành vi ám muội nào cần phải giấu, còn tài nghệ và năng lực của họ phải như châu ngọc, không dễ dàng hiển lộ ra ngoài làm loá mắt người khác. Những lời này thực sự rất có đạo lý, cũng là bài học cho hậu nhân nhiều đời sau.
Theo Trithucvn