Ngày nay phim Hàn Quốc đã trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc với người Việt Nam và hầu như không có một bộ phim dài tập nào của Hàn Quốc lại không có cảnh ăn uống thân mật trong gia đình hay những bữa nhậu giữa các đồng nghiệp, bạn bè. Chắc hẳn nhiều người sẽ rất thắc mắc về tập quán ăn uống khá khác lạ của người dân xứ kim chi, mặc dù Hàn Quốc cũng là một quốc gia châu Á có nhiều điểm tương đồng về văn hóa với Việt Nam.
Có thể thấy rất nhiều cảnh ăn uống ngon lành và hạnh phúc ở trong các bộ phim hay chương trình thực tế nổi tiếng của Hàn Quốc. Thậm chí các kênh truyền hình lớn ở xứ sở kim chi còn có hẳn giải thưởng cho các phân cảnh ăn uống trong các bộ phim và chương trình giải trí trên truyền hình. Đối với người Hàn Quốc, bữa ăn có một vị trí quan trọng trong cuộc sống và thái độ của họ đối với việc ăn uống cũng hết sức trân trọng.
Một trong hàng chục nguyên tắc tối thiểu khi ngồi ăn là không được bưng bát cơm lên miệng, trái ngược hoàn toàn so với các nước có nền văn hóa tương đồng trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan vì người Hàn Quốc cho rằng bưng bát lên như thế là thô tục, bất lịch sự, và có vẻ phàm ăn tục uống. Người Nhật có câu: “Chỉ có chó mới gục mặt xuống bát khi ăn” thì người Hàn lại có câu: “Chỉ kẻ ăn mày mới bưng bát cơm lên”. Vậy nên người Hàn ăn cơm bằng cả đũa và thìa để không phải bưng bát cơm lên và cho vào miệng
Những tưởng thìa để giúp cho việc ăn uống thoải mái hơn, nhưng văn hóa Hàn Quốc cũng lại có quy tắc riêng cho chiếc thìa. Bạn sẽ không được phép để lại thức ăn thừa trên thìa, đồng thời khi ăn bằng thìa nếu cứ xúc một thìa cơm, lại một thìa thức ăn thì phải xúc nhiều lần. Vậy nên họ hay xúc thức ăn với cơm cùng lúc và nước canh thì không được húp trên thìa nên phải… cho gọn cả cái thìa đầy đồ ăn vào mồm, rồi ăn cho hết trong một lần. Vậy nên mới có cảnh các ngôi sao ngoại hình lung linh lại cứ “phồng mồm trợn má” mỗi khi ăn uống trên phim Hàn
Người Hàn Quốc có rất nhiều quy tắc ăn uống nghiêm ngặt, thế nhưng họ lại có một thói quen mà nhiều nền văn hóa trên thế giới cho là ‘không thể chấp nhận nổi’ dù theo tiêu chuẩn Đông hay Tây. Đó là khi ăn phát ra nhiều âm thanh xì xụp, tóp tép.
Điều này có thể là kết quả của lịch sử xa xưa, khi bán đảo Triều Tiên nói chung và Hàn Quốc sau này nói riêng là một nơi đói kém suốt hàng thiên niên kỷ. Do khí hậu khắc nghiệt và đất đai cằn cỗi nên thịt và lương thực đều khan hiếm. Trâu bò là sức kéo nên không được giết lấy thịt. Sau này, Hàn Quốc còn bị quân Nhật Bản chiếm đóng và chiến tranh liên miên nên càng khiến việc đói ăn trở thành nghiêm trọng. Cơm gạo là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống của họ.
Chính vì thế người Hàn rất trân trọng đồ ăn và tiết kiệm. Họ luôn nói lời cảm ơn trước và sau khi ăn đối với người đã nấu cơm cho mình, dù là đi ăn ở nhà hàng. Những âm thanh kỳ lạ mà họ phát ra khi ăn cũng là để tỏ thái độ rằng đồ ăn rất ngon, và họ đang thực sự thưởng thức bữa ăn này.
Thái độ trân trọng đồ ăn của người Hàn có thể còn bắt nguồn từ xa xưa hơn nữa, từ khi Phật giáo du nhập vào đất nước này và tác động lên mọi khía cạnh cuộc sống tâm linh của người dân nơi đây. Với quan điểm thực phẩm là món quà của Thần linh ban cho giúp con người duy trì sự sống, và đồ ăn thức uống cũng có linh hồn, nên không được phép để thừa mứa và đổ đi, từ nhỏ trẻ em Hàn Quốc đã được giáo dục về việc ăn uống tiết kiệm và không bỏ thừa.
Ngày nay, xu hướng tham gia các khóa học ngắn hạn ở chùa đã trở nên ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc, và một phần không thể thiếu trong các khóa học đó là trải nghiệm một bữa ăn chay cùng nhà sư (Baru Gongyang). Bạn sẽ được tự đi lấy đồ ăn chay nhưng buộc phải ăn hết, nếu không sẽ nhận được sự “trừng phạt nhẹ nhàng” của sư thầy bằng những cái đánh vào bắp chân. Trên nhiều chương trình thực tế của Hàn Quốc, có thể thấy các ngôi sao nổi tiếng cũng phải khổ sở cố ăn cho hết phần cơm để không bị quở trách vì trót lấy nhiều hơn khả năng có thể ăn được.
Đó không đơn giản chỉ là một bài giáo huấn về việc trân trọng đồ ăn, mà còn là một bài học vô cùng ý nghĩa về việc biết thế nào là đủ, tiết chế lòng tham và dục vọng.
Cách người Hàn Quốc ăn uống thể hiện rõ sự trân trọng đối với đồ ăn thức uống, lòng biết ơn với sự ưu ái của thiên nhiên, lòng biết ơn đối với người đã nấu ra những món ăn ngon và vì thế họ luôn ăn bằng tất cả niềm hạnh phúc và cảm ân từ đáy lòng.
Thu Hiền
No comments:
Post a Comment