Monday, March 26, 2018

TẠ ƠN DÒNG SÔNG ĐƯỢC GỌI MẸ

Các bạn biết không, tôi sinh ra, lớn lên bên bờ sông Cửu Long mà cho tới giờ này vẫn chưa biết lội. Hồi đó rất nhiều lần cùng bạn bè ra sông Ninh Kiều tắm và tập lội vẫn phải ôm phao bằng ruột bánh xe hơi, về vườn ôm thân chuối làm phao mà vẫn không lội được. Có lẽ tôi là người "chưa yêu nước".


Con sông Cửu Long đổ vào VN và chia hai nhánh lớn. Tôi lớn lên bên nhánh Hậu giang và dù Tiền giang hay Hậu giang dòng sông vẫn tỏa ra muôn ngàn nhánh nhỏ mang phù sa bồi đấp cả miền Nam và dòng sông đã cùng sống và nuôi sống con người ở vùng ĐBSCL.

Có một bộ phim tài liệu truyền hình tôi đã xem đi xem lại mấy lần có tên là :Mekong ký sự" hay và công phu lắm. Các bạn nào chưa xem thì lên youtube tìm xem, bây giờ đọc bài post này nhé:(LKH)


TẠ ƠN DÒNG SÔNG ĐƯỢC GỌI MẸ

Trên thế giới không chỉ một dòng sông được gọi là Mẹ. Nhưng chưa có con sông nào được nhiều dân tộc của các quốc gia khác nhau cùng gọi là sông Mẹ như Mekong.



Từ Mae Nam Khong của cả người Thái, Lào hay Mènam Khong của Lào, Mékong của Campuchia, cũng như sông Cái thân thương miệt miền Tây vẫn thi thoảng gọi (mae, mè, mé, cái… đều là mẹ).
May mắn từng lên Thanh Hải cội nguồn, ngắm Lan Thương ở Tây Song Bản. Bao lần chìm nổi lênh đênh ở Miến, Thái, Lào, Campuchia, Việt… tôi thấm hơn tấm chân tình, lòng biết ơn, sự tôn kính con dân ven bờ dành cho sông.
Và càng đắm thương dòng sông bị bao tệ bạc phũ phàng với những đập chắn cạn dòng, những cánh rừng chết, cảnh săn bắt tận diệt… vẫn âm thầm khó nhọc lội về biển Đông, cõng mang bao phúc lộc an lành cho dân gầy. Như lòng Mẹ.

Không là biển Thái Bình, tình sông vẫn mênh mông


Tuy chỉ sắp thứ 12 về chiều dài trên hành tinh, Mekong và lưu vực chỉ đứng sau Amazon về sự đa dạng sinh học (và sẽ chiếm vị trí dẫn đầu nếu tính trên km2 hay dặm vuông…) là nguồn nuôi sống bao đời cho bao dân tộc, con người.
Từ bao lâu con người sống dựa vào Mekong, có nhiều tài liệu và nhiều tranh cãi. Nhưng rỡ ràng và rõ ràng nhất là những tranh vẽ của người xưa trên vách đá ven bờ Mekong miệt Pha Taem, Ubon Ratchathani thì cũng đã hơn 3.000 năm tuổi và may mắn trơ gan cùng tuế nguyệt với chừng đó thời gian.
Từ thủa hồng hoang, con người đã biết ơn dòng sông, biết lưu lại cho con cháu hình ảnh mẹ Sông nuôi nấng, đã cưu mang. Cảnh sinh sống, săn bắt, lưới câu trên sông ngày đó cũng chẳng khác mấy bây giờ. Có chăng là những loài cá to cộ như trong tranh vách đá giờ đã hiếm hoi, tuyệt chủng… vì đâu đó những đứa con vô tình quên ơn sông.


Thời gian trôi, sông cũng mải trôi. Nhiều con đập mọc chặn dòng, nhiều cánh rừng đầu nguồn đã chết, những con nước mặn từ đại dương đã ngược vào sâu, nhiều chiếc bè tre, thuyền nan đã được thay bằng canô, James Bond speed boat xé gió, ù tai làm lở bến sạt bờ, những chiếc ghe cào tận diệt, cả xuyệt điện, cả chất nổ đã làm sông đau đớn, tang thương…
Nhưng ở nhiều góc khuất lặng, cuộc sống của người dân ven bờ vẫn êm đềm, vẫn sống nhờ ơn sông đùm bọc. Nhiều tài liệu sẽ cung cấp dễ dàng các con số về vai trò, tác động của Mekong với người dân nhiều nước. Ở đây chỉ sẻ chia chút tình kẻ lang bạt vẫn bao lần mừng vui khi về bên một góc sông Mẹ hiền hoà.
Như nỗi xốn xang vẫn mãi còn mỗi khi lênh đênh theo những dòng êm rì rào qua rạch, xuyên kinh vào đồng để miền Cửu Long được vinh danh là nguồn xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Như trong sự mỏi mòn đợi mong ngày con nước về mang theo lũ cá tôm phù sa ngày lũ, dù mỗi mùa một gầy hao.


Trong mê muội một hoàng hôn cháy Si Phan Don nhấn nhá những chiếc vó mỏng manh đẹp như ảo. Một bình minh đỏ Nakhon Phanom vẫn lốc cốc tiếng gõ ghe xua cá mộc mạc như chưa hề biết xuyệt điện, lưới cào tận diệt. Một chiều tím mênh mang Chiang Khan, những cánh cò giờ đã hiếm hoi lắm ở nhiều làng quê Việt vẫn giăng đầy trên sông chuếnh choáng màu.
Những chiều xanh êm đềm Stung Treng, Kratie, mấy ông nược vẫn hồn nhiên tung sóng đùa nô. Ừ thì đất lành chim đậu, nước hiền cá về. Dù có những đứa con bội bạc phũ phàng tàn phá, Mẹ sông vẫn không quay đi, vẫn ban ơn lành cho những bầy con còm cõi hiền hoà tựa đời vào dòng xanh.
Đẹp sao những mùa tạ ơn sông
May sao, vẫn còn không ít con dân còn nhớ đến ơn sông. Không kể đến các tổ chức hiệp hội danh to tiếng nổi vẫn ì đùng rầm rộ họp hành tuyên bố… nhưng rồi đập vẫn mọc, thuỷ điện vẫn lên.


Cư dân của nhiều dân tộc đã cùng chung tiếng, nhằm giảm bớt sự tàn phá ngày một khốc liệt hơn với sông. Bên cạnh đó là những nét đẹp truyền thống ngàn xưa của những mùa tạ ơn. Như mùa Vu lan cho mẹ, cũng có những mùa tạ ơn sông Mẹ!
Có nhiều truyền thuyết, nguồn gốc, nhưng các lễ hội như Loi Krathong (Thái), Thuyền hoa đăng (Thái, Lào), Tazaungdaing (Miến), Ok Om Bok (miền Tây), Bon Om Touk (Cam)… đều ít nhiều liên quan hoặc dành phần lớn để tôn vinh, tạ ơn nữ thần nước, kính dâng Mẹ sông…
Từ những chiếc đèn hoa bé xinh chông chênh vài cánh hoa một ngọn nến bập bềnh trôi, đến chiếc bè tre cả trăm mét, cao vài chục mét, mấy mươi ngàn ngọn đèn rực sáng cả triền sông Mekong nơi cả người Lào và Thái cùng chung vui… đều là những lời cảm ơn gửi đến sông Mẹ, đã cho những con nước thuận hoà đầy phù sa nhiều tôm cá.
Từ những thuyền rước kiệu, đèn hoa đến những cuộc đua ghe hoành tráng rộn ràng đều nhằm dâng lên sông, lên đất trời lời tạ ơn, cầu mong những vụ mùa no ấm.


Nhìn những chăm chút, thành kính khi cúng dường bên sông, kể cả việc dạy cho con trẻ còn bé xíu biết quý trọng sông nước, say trong sự rộn ràng sôi động hội hè, những trang phục cổ truyền, lời ca điệu múa truyền thống vẫn được giữ lưu giờ dâng lên Mẹ, phô phang rỡ ràng dọc theo triền Mekong đằng đẵng may mắn từng bon chen… tôi biết rằng tình yêu, sự biết ơn, lòng tôn kính vẫn đau đáu trong lòng những đứa con may mắn sống bên, sống cùng được sông chở che, đùm bọc.
Nên trên bước đường lang bạt, quê nhà hay quê người, mỗi khi loanh quanh đâu đó gần và nghe được những hơi thở dịu dàng của sông Mẹ, tôi luôn tìm đến. Để sau những chiều êm, những đêm lộng gió, chia tay ra đi lòng đầy bình yên và đầy tình thương Mẹ sông cho tặng. Như Mẹ hiền ở quê nhà, bao lần và muôn đời!
Thái Hoãn


No comments: