Yamaoka Tesshu, lúc còn là một thiền sinh trẻ, thăm hết thiền sư này đến thiền sư nọ. Chàng đến thăm Dokuon ở chùa Shokoku.
Muốn chứng tỏ là mình đã ngộ, Yamaoka nói: “Tâm, Phật, và mọi sinh linh, rốt cuộc, đều không hiện hữu. Bản chất thật của mọi hiện tượng là không. Không có đạt đạo, không có ảo ảnh, không có thánh nhân, không có phàm phu. Không có bố thí, không có nhận bố thí.”
Muốn chứng tỏ là mình đã ngộ, Yamaoka nói: “Tâm, Phật, và mọi sinh linh, rốt cuộc, đều không hiện hữu. Bản chất thật của mọi hiện tượng là không. Không có đạt đạo, không có ảo ảnh, không có thánh nhân, không có phàm phu. Không có bố thí, không có nhận bố thí.”
Dokuon, đang hồi hút thuốc yên lặng, chẳng nói gì. Đột nhiên Dokuon lấy ống píp tre đánh Yamaoka. Chàng thiền sinh tức giận.
“Nếu không có gì hiện hữu,” Dokuon thắc mắc, “vậy thì cơn giận này đến từ đâu?”
Bình:
• Chàng thiền sinh trẻ Yamaoka này về sau thành thầy của Thiên hoàng.
• Nói rằng mọi sự “có” tức là “chấp có”, nói rằng mọi sự “không có” là “chấp không”. Cả hai chấp đều là chấp.
Con đường Phật pháp là “trung đạo” (đường giữa)—có mà là không, không mà là có (sắc bất dị không, không bất dị sắc 色不易空,空不易色 —sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc).
Có đó mà mất đó. Đóa hoa hôm nay thấy đây, ngày mai có thể héo tàn rủ chết.
Con người của ta hôm qua đã chết rồi, và hôm nay đã là một người mới. Sinh tử sinh tử nối tiếp từng sát-na ngắn ngủi trong dòng sống. Trong bài Tái sinh trong nguồn sáng, chúng ta có nói: “Mỗi giây đồng hồ, từ 200 ngàn đến 3 triệu tế bào trong cơ thể chúng ta chết đi và được thay thế bằng tế bào mới. Sau một giây đồng hồ, ta đã là con người mới với ngần ấy tế bào mới. Đời ta là một chuỗi của vô lượng cuộc tái sinh như thế, cũng như một đường kẻ thẳng chỉ là một chuỗi các điểm chấm nằm sát nhau.”
Đó là chuyển dịch liên tục, thay đổi liên tục. Đó là “vô thường” (không cố định, không thường hằng).
• Cô Bình hôm qua rất là sừng sộ, dữ dằn. Nhưng có thể cô Bình đó đã chết rồi và cô Bình hôm nay là một cô Bình mới có thể đầy yêu thương và nhân ái. Cho nên đừng lấy hình ảnh cô Bình hôm qua để đối xử với cô Bình hôm nay.
Thái độ rộng mở như vậy gọi là “vô chấp”.
Vì thế gian “vô thường” (無常), nên ta cần “vô chấp.” (無執)
• (Đối với mọi người phần bên trên là đủ, phần này chỉ thêm cho người rất vững về lý luận. Người chưa thật vững về lý luận thì không nên đọc, hoặc nếu đọc vì tò mò thì sau khi đọc xong hãy quên ngay đi).
Khi chúng ta nói “mọi sự đều là Không” (tạm thời dùng chữ “Không” viết hoa), thì Không đây không có nghĩ là không có, mà là bản tính thật của mọi sự, với cái tên là Không.
Thí dụ dễ hiểu nhất là nước và sóng. Đứng nhìn biển ta thấy sóng—sóng là hiện tượng vô thường, biến hiện từng giây đồng hồ, sóng sinh ra rồi sóng tan, để con sóng mới đến… Sóng thì phù du vô thường, nhưng nước thì luôn luôn ở đó. Sóng là “hiện tượng” vô thường (non-permanent phenomenon), nước là “bản tính” thường hằng (permanent essence).
Thí dụ cao hơn: Hãy tưởng tượng vũ trụ là một khoảng Không vĩ đại. Từ khoảng Không đó mọi thứ sinh ra – cây cỏ, trái đất, tinh tú, tôi, bạn…–và khi sự gì chết đi thì lại trở về với khoảng Không đó. Mọi sự có sống có chết là hiện tượng vô thường (non-permanent phenomenon). Khoảng Không chẳng bao giờ thay đổi đó là bản tính thường hằng (permanent essence).
Suy tưởng mức cao hơn: Tất cả mọi thứ trong vũ trụ mà ta có thể tưởng tượng được đều là phù du vô thường (non-permanent phenomenon) hay “tương đối” (relative), và đều được sinh ra từ một cái nền vĩ đại thường hằng (permanent essence) hay “tuyệt đối” (absolute)–cái thường hằng vĩ đại này là Không, là Thượng Đế, là Allah, là Tuyệt Đối.
Đó là liên hệ giữa tương đối (relative) và tuyệt đối (absolute) mà mọi triết thuyết đông tây đều cố gắng khai triển.
Mọi tương đối đều từ Tuyệt Đối mà ra và luôn luôn nằm trong Tuyệt Đối.
Nhà Phật nói rằng mọi sự là Không, từ Không mà đến, và lại trở về Không là như thế. Đây là chữ Không của Bát Nhã Tâm Kinh.
(Đổi chữ Không thành chữ Chúa hay Allah, thì thành câu nói Thiên chúa giáo hay Hồi giáo: Mọi sự từ Chúa/Allah mà đến, và lại trở về Chúa/Allah).
(Trần Đình Hoành dịch và bình)
No comments:
Post a Comment