Saturday, March 31, 2018

VÌ SAO THỜI XƯA TÂN NƯƠNG XUẤT GIÁ PHẢI TRÙM KHĂN ĐỎ TRÊN ĐẦU?

Hôn nhân từ xưa đến nay luôn là đại sự của đời người. Đặc biệt là thời xưa, cho dù chỉ là tiểu tiết nhỏ trong hôn lễ thì cũng luôn được xem là rất quan trọng, trong đó có việc tân nương phải trùm đầu bằng một chiếc khăn màu đỏ.


Những cô dâu xưa khi xuất giá, đều có một tấm khăn đỏ che đầu. (Ảnh: iFaceBlog)

Khăn che còn được gọi là “khăn cô dâu”, là tấm khăn mà tân nương thời xưa che đầu khi xuất giá. Khăn được làm từ vải lụa rất mỏng, có thể hình chữ nhật hoặc hình vuông, màu đỏ tươi, là mang ý nghĩa cát tường.

Tân nương trước khi lên kiệu về nhà chồng thì trùm chiếc khăn này lên mặt, khi cử hành hôn lễ, tân lang sẽ tháo khăn ra. Có hai cách giải thích cho dụng ý của khăn che mặt: Một là để che mặt, hai là để trừ tà.

Tân nương nhất định phải trùm khăn lên đầu trước khi lên kiệu về nhà chồng, khi ngồi trên kiệu cũng không được bỏ khăn ra, đợi khi cử hành hôn lễ tại nhà chồng, tân lang sẽ tháo khăn ra, để cho thân bằng quyến thuộc xem dung mạo, phong thái của tân nương, tục lệ này gọi là “tháo khăn trùm”.

Lai lịch của chiếc khăn trùm đầu này còn liên quan đến một truyền thuyết, theo Lý Nhũng triều đại nhà Đường ghi chép lại trong “Độc Dị Chí”, vào thời sơ khai của vũ trụ, thiên địa chỉ có hai người là Phục Hy và Nữ Oa.



Vì để sinh sôi nảy nở ra nhân loại, sau khi hai người thương nghị đã quyết định kết thành phu thê, nhưng cả hai đều cảm thấy vô cùng ngượng ngùng. Do đó họ hướng lên trời cầu nguyện nói: “Nếu thiên thượng đồng ý để hai người chúng tôi kết thành phu thê, thì hãy làm cho những đám mây kết tụ lại; nếu không cho phép, thì hãy làm cho chúng phân khai ra”.

Vừa mới nói xong, thì những đám mây trên trời liền kết tụ lại. Do đó, hai người họ đã thành phu thê. Tân nương Nữ Oa vì để che giấu sự xấu hổ, nên đã dùng cỏ kết thành quạt để che mặt mình.

Người đời sau vì mỹ quan và thuận tiện cho việc che mặt đã thay thế quạt cỏ bằng miếng lụa, cứ như vậy dần dần hình thành nên tập tục khăn trùm đầu trong hôn lễ. Sỡ dĩ chọn màu đỏ cho khăn che mặt, là bởi vì cổ nhân coi màu đỏ là màu tượng trưng cho khánh hỉ cát tường.


Tân nương thời xưa khi xuất giá lại phải đội khăm trùm đầu màu đỏ, chỉ có hai nguyên nhân chủ yếu là che mặt và khánh hỉ cát tường. (Ảnh: Paoshouji)

Trong “Mộng lương lục – Giá thú” của Ngô Tự Mục thời nhà Tống cũng miêu tả như thế này: “Trước khi tân lang, tân nương vào lễ đường, tân nương tháo khăn trùm đầu để mọi người cho thể thấy dung mạo của mình”. Có thể thấy rằng, vào thời đó tân nương đã sử dụng khăn trùm đầu rồi.

Trong phong tục tân nương đội khăn thường là tân lang sẽ tháo khăn trùm tại lễ đường hoặc cũng có thể là khi vào động phòng thì mới tháo khăn, cách làm này bắt đầu từ thời Đông Hán. Bởi vì trong thời Đông Hán – Phổ Tấn, xã hội loạn lạc bất an, nên nghi thức cử hành hôn lễ cũng được thu ngắn lại, tìm được ngày lành tháng tốt là mau chóng kết hôn.

Đến thời nhà Tề – Nam Bắc triều, phụ nữ đa số là sử dụng khăn trùm đầu để chống lạnh chống gió. Đến thời kỳ đầu của triều đại nhà Đường, khăn trùm đầu trở nên dài hơn, có thể che từ đầu đến tận hai bả vai.

Trong những năm Khai Nguyên, Đường Hoàng Minh – Lý Long Cơ lập dị khác người, đã lệnh cho những cung nữ dùng “vải lưới” trùm đầu như là một hình thức trang điểm. Sau đó từ triều Tấn đến triều Nguyên, phong tục trùm đầu kiểu dân tộc Hán đã trở nên phổ biến rộng khắp trong dân chúng, trở thành một thứ không thể thiếu của tân nương trong hôn lễ.



Vậy nên, tân nương thời xưa khi xuất giá lại phải đội khăm trùm đầu màu đỏ, chỉ có hai nguyên nhân chủ yếu là che mặt và khánh hỉ cát tường.

Trong xã hội phong kiến, những cô gái chưa chồng theo lễ nghĩa mà nói, thì thường chỉ ở trong khuê phòng, rất ít khi lộ diện hoặc đi ra ngoài, nên người lạ rất khó nhìn thấy dung mạo của họ.

Cho đến độ tuổi dựng vợ gả chồng, thì lại thường là theo sự sắp đặt của cha mẹ, hoặc mai mối. Có khi đến lúc cử hành hôn lễ, tân lang và tương nương cũng chưa biết mặt nhau, vì trong hôn lễ tân nương vẫn đội khăn trùm đầu, nên mới nói khăn trùm đầu là để giấu mặt.

Về lý do chiếc khăn trùm mặt có màu đỏ, thì ngoài việc “màu đỏ là màu khánh hỉ cát tường và trừ tà” ra, thì còn để cho đồng bộ với màu đỏ của trang phục hôn lễ.

Lê Hiếu biên dịch

No comments: